April 20, 2024, 5:13 am

Trăn trở cùng sông quê

 

Sông Quê tập hợp chín truyện của Trần Mạnh Hùng viết đề tài nông thôn, chỉ có ba truyện: Cây Đàn Tam Thập Lục, Chiều Muộn, Vạng Biển là nói về giáo dục và báo chí, nhưng nhân vật của ba truyện ấy cũng gắn bó hoặc xuất thân từ nông thôn.          

             Truyện ngắn mang tên Sông Quê được tác giả đặt tên cho tập truyện ngắn này, và được xếp ngay đầu tập sách. Nói về quê là nói về làng, về văn hóa làng. Cái ưu việt cần được lưu giữ, cái cổ hủ lạc hậu cần được xóa bỏ. Trong truyện ngắn này, Trần Mạnh Hùng muốn nói đến những nhận thức lạc hậu, tập tục cổ hủ, mê tín, dị đoan, làm khổ bao người. Nó kéo lùi bước tiến của xã hội.

   Nhân vật Thịnh thôn Thủy, yêu cô Vần thôn Xuân. Do mâu thuẫn hai thôn mà họ không lấy được nhau. Cả hai đều bỏ làng đi biệt tích. Ngày Thịnh trở về trong quân hàm cấp tá, nghỉ theo chế đô chính sách thì Vần đã là một bà già về quê tìm gặp ông Thịnh. Họ đã gặp nhau: “Tôi cứ ngỡ bà đã chết trong trận đói năm ấy”. “Nào có chết! Được thế đã”… (Tr.15) Ông Thịnh bị sốc, ốm cấm khẩu vài hôm rồi chết. Ông mang theo cái hận làng, cái hận hủ tục ngu dốt, cục bộ của dân trí thấp. Hận tình yêu? Không, chính là chết cho tình yêu. Cái chết không vượt qua được “lời nguyền”. Còn bà Vần, khi ông Thịnh chết đã hóa điên. Cái chết của bà cũng là cái chết dâng hiến cho tình yêu… Bi kịch của hai nhân vật này chính là: “Kẻ giết người là tất cả chúng ta” (Tr.6). Đó chính là thứ văn hóa cổ hủ, u tối, cục bộ, nó trở thành thứ “độc dược” giết chết tình yêu. Sau cái chết vì tình yêu kia, dẫn tới sự tươi tốt an hòa đang hiện hữu: “Trai gái hai thôn đã qua lại với nhau… Có tiếng con gái léo nhéo gọi sang trêu tôi: Này! Chồng em ơi! Về thôi, cơm em thổi rồi, đứng đấy làm gì?... Họ đấm lưng nhau cười ré lên. Không gian trở lại yên tĩnh. Có tiếng gà bên thôn Xuân vọng sang. Mưa xuân vẫn lãng đãng rơi. Còn ba ngày nữa là mồng một tết”. Cái chết của hai người cho tình yêu đã hóa giải tất cả.

            Đọc Sông Quê không thể không nhắc đến truyện ngắn Nước mắt đỏ, Khi in trên báo Văn nghệ - Hội nhà văn Việt Nam, đổi sang là Nước mắt chú tễu. Truyện hấp dẫn người đọc ở cách kể, phép ảo hóa nhân vật. Các nhân vật trong truyện hóa thân trong nhau, dẫn dụ người đọc qua các mê trận chi tiết, tạo nên các lớp lang phong phú. Hô ứng với nó là lời kể, câu chữ biểu đạt giầu nội tâm nên nó da diết, cảm hoài. Nhân vật Tễu được dân gian hóa, là tiếng cười bí hiểm, pha màu hài hước, luôn làm trò vui. Tễu còn một chức năng nữa là dẫn chuyện cho các trò rối. Tễu rối nước “là sản phẩm văn hóa được đúc rút hàng ngàn năm của một dân tộc văn hóa.” (Tr.99) .Vậy mà bị người đời vứt bỏ, ném xuống sông như ném đi một que củi.

            Đọc Nước mắt đỏ thấy buồn lắm. Buồn vì cái văn hóa làng bị mai một, bị mất dần, bị quên lãng. Thế mà trước kia chỉ để giữ gìn nó, dân làng đôi khi phải đánh đổi bằng sinh mạng người. Còn cả chuyện ăn cắp kỹ thuật các trò rối của phường rối khác. Công phu đến nỗi cài cắm người từ lúc còn bé tý sang nhà trò phường rối khác làm con nuôi, cứ như là đánh điệp viên. Vậy mà bây giờ, ao làng vắng bóng thủy đình nơi diễn trò rối nước, thay bằng nhà ngang, dãy dọc, “mọc lên phòng hát caraôkê, nhạc pốp, rốc, híp hốp được tung hô cổ súy, thay cho những làn điệu dân ca. Có khi họ lấy kèn tây chơi dân ca quan họ, và cho đó là dân tộc hiện đại.” (Tr.119). Qua nhân vật tễu, tác giả mỉa mai: “Hiện đại à? Sao không gắn cho chúng tôi những mạch điện, con chíp và điều khiển như điều khiển rô bốt”. Trần Mạnh Hùng, qua truyện ngắn này muốn gửi đến bạn đọc một thông điệp cảnh báo sự xâm lăng văn hóa của nước ngoài trong thời kỳ hội nhập, bang giao quốc tế.

        Tôi nhấn mạnh hai truyện ngắn trên bởi nó khá đặc trưng cho tập Sông Quê, nơi văn hóa truyền thống được lưu giữ tốt nhất, an toàn nhất đang bị đe dọa.

           Truyện Hai người lính, Phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ vốn là câu cửa miệng trong nhân dân một thời, được mô tả sống động trong trang viết. Họ hy sinh cho nhau trong chiến tranh, nay trong hòa bình, họ sống vì nhau. Một tình cảm đẹp, một tình yêu đẹp. Truyện Bà Lão Lẩm Cẩm, và truyện Cây Đàn Tam Thập Lục là những lát cắt nhỏ, mô tả những điều giản dị, đơn giản. Người bà quan tâm đến cháu bao nhiêu thì đứa cháu lại hồn nhiên vô tư bấy nhiêu. “Bà lão lẩm cẩm” mà chẳng lẩm cẩm tý nào. Ở Cây đàn tam thập lục, chỉ là một việc làm hiếu nghĩa, giúp đỡ học sinh của một thầy giáo dạy nhạc; nhưng thật cảm động tấm lòng người thầy chăm chút cho một thế hệ tương lai. Tuyện Cha Con Ông Mợn, cả hai cha con đều là lính. Trước đó, người cha làm nô bộc cho ông chủ người Mỹ. Sau hòa bình, người con vươn lên làm giàu, một đại gia doanh nghiệp. Ông Mợn đứng sau con làm cố vấn. Cha con ông đã vươn lên trở thành một chủ doanh nghiệp giàu có.

           Chín truyện ngắn trong tập Sông quê được chăm chút, tươi tắn tỏa hương trong lòng độc giả. Có thể nói, Trần Mạnh Hùng là một tác giả khá vững khi viết về nông trong đội ngũ cầm bút hiện nay. Anh viết chậm, không ham số lượng. Anh thường trăn với những vấn đề phat sinh trong hiện thực ở nông thôn và số phận con người. Anh thường suy nghĩ kỹ khi viết và viết xong chưa vội công bố. Tập sông quê không chỉ nói lên tình yêu quê, yêu nông thôn sâu nặng, mà còn cho thấy rõ sự am hiểu văn hóa làng khá tinh tường của Trần Mạnh Hùng. Đọc truyện của Trần Mạnh Hùng không thể đọc vội được. Nhẩn nha thì chẳng phải, mà phải tập trung như người chơi cờ. Mới xuất bản 2 tập truyện ngắn, nhưng người đọc nhận ra anh là một cây bút nghiêm cẩn, có trách nhiệm và là người làm văn đích thực. Trong bối cảnh lạm phát người viết, lạm phát xuất bản hiện nay, thì cây bút Trần Mạnh Hùng thật đáng quý.

Nguồn Văn nghệ số 52/2019

 

 

          


Có thể bạn quan tâm