March 29, 2024, 2:25 am

Trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà


NGUYỄN QUANG VINH

28  năm rồi ngày diễn ra trận hải chiến Trường Sa 14-3-1988. Chúng ta vẫn không quên kẻ thù đã cướp đảo của chúng ta như thế nào. Cũng như chúng ta không thể nào được phép quên cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại tháng 2 năm 1979. 
Sáng nay, nghe tin một cụ già ở Quảng Bình tổ chức đại giỗ cho 64 liệt sĩ đảo Gạc Ma mà lòng nôn nao. Một cụ già mà đã thể hiện tình yêu Tổ quốc, sự tri ân những anh hùng giữ biển như vậy, thật đáng kính trọng. Đặc biệt trong khi tình hình biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay thì những việc làm như vậy vô cùng cần được chia sẻ, nhân rộng để, không chỉ cho thế hệ mai sau mà ngay bây giờ, với chính chúng ta, để cùng nhau hun đúc ý chí quật cường trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cả trên đất liền, trên không và trên biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Và cũng đã tới lúc chúng ta cần sự rõ ràng từ phía Nhà nước với nhân dân về vấn đề này. Rõ ràng để nhận diện, rõ ràng để cảnh giác và thận trọng trong việc tiếp tục “vừa hợp tác vừa đấu tranh”, với Trung Quốc, rõ ràng để tất cả mọi người đều có thông tin đúng, và cũng là để đàng hoàng với lịch sử nước nhà.


Đã cả một quãng thời gian rất dài, trong nhiều thập niên, nhiều thế hệ không biết đến sự kiện này vì sách giáo khoa lịch sử không nhắc tới, cũng như cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2-1979 và biên giới Tây Nam cùng thời gian này, sách giáo khoa chỉ vỏn vẹn mấy trăm chữ nhắc tới sơ lược… Cũng một thời gian dài báo chí hầu như không hề đề cập, hoặc nếu có thì cũng hết sức “rón rén”, hoặc đăng rồi gỡ... Mấy năm gần đây tình hình thông tin có khá hơn, rõ hơn, dù lúc mờ lúc đậm, nhưng bắt đầu sáng tỏ... Song không vì thế mà mỗi người dân Việt Nam chúng ta không có cái nhìn thực sự khách quan về chủ quyền biển đảo qua nhiều thập niên của đất nước trong quan hệ với Trung Quốc. Cũng như không vì thế mà chúng ta có nhiều đánh giá hoặc cảm nhận sai về bản chất cuộc chiến không cân sức giữa một bên là vũ khí, âm mưu xâm lược hung hãn, tàn ác của lính Trung Quốc với một bên là các chiến sĩ hải quân công binh của ta chỉ với súng tiểu liên trong tay. Cũng như chúng ta cũng đừng quên rằng ngay trong thời điểm này (năm 1988), Trung Quốc không chỉ chiếm mỗi Gạc Ma của chúng ta, mà còn nhiều vấn đề khác trong tình hình quan hệ giữa hai nước tại thời điểm đó nữa... Song điều đáng trách nhất, điều khiến chúng ta khó hiểu nhất là vì sao vấn đề này lâu nay vẫn được xem như một “vùng cấm”, “vùng nhạy cảm” trong thông tin?...  

*

Từ năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự định sẽ đưa nội dung về chiến tranh biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và cuộc chiến Hoàng Sa, Gạc Ma... vào sách giáo khoa môn lịch sử. Hơn thế, cuối năm 2013, chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu đưa sử liệu về bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa… Thế nhưng cho tới hôm nay sách giáo khoa các cấp vẫn “sạch”, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thất hứa… Lần nữa, ngày 22-2 vừa qua lãnh đạo Bộ lại tiếp tục hứa “Sẽ”… Không hiểu sẽ... sẽ tới khi nào?

Có một điều khó hiểu là đáng ra, chính Bộ Giáo dục và Đào tạo chứ không ai khác phải nôn nóng trong việc bổ sung ngay những nội dung sử còn thiếu trong cuộc đấu tranh giữ nước của dân tộc, chứ không phải vòng vo quanh co giải thích hết năm này sang năm khác vì sao lại để thiếu. Đáng ra, nếu vì lý do nào đó ngăn trở, thì chính Bộ phải đấu tranh, phải làm thế nào để cho các thế hệ học sinh, sinh viên của đất nước biết, hiểu, nắm những dấu mốc lịch sử rất quan trọng của dân tộc, chứ không phải nấn ná chờ đợi như nhiều năm qua, khiến cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên bị một khoảng trống rất quan trọng về lịch sử của chính dân tộc mình…

*

Tất nhiên cho đến ngày hôm nay, trước tất cả những gì đã và đang diễn ra trong cuộc sống và trên các trang mạng xã hội, tôi tin, từ bây giờ thì những thông tin, diễn biến, bài học, cứ liệu chân xác của lịch sử về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc trước hành động xâm lược của quân Trung Quốc, hay cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, và cuối cùng là sự thật lịch sử về cuộc xâm lược và thảm sát tội ác của lính Trung Quốc ở đảo Gạc Ma... sẽ không còn khoảng trống trên báo chí và tới đây là trong sách giáo khoa lịch sử của các cấp học. Trong khi đó, đúng ngần ấy thời gian, phía Trung Quốc không ngưng nghỉ tuyên truyền nói xấu,  bôi nhọ, bóp méo sự thật lịch sử trong quan hệ với Việt Nam, nhồi nhét vào nhiều thế hệ thanh niên Trung Quốc một Việt Nam vô ơn bạc nghĩa, một Việt Nam gây chiến, một Việt Nam xâm lược nhiều lãnh thổ, biển đảo của Trung Quốc… Rõ ràng là chúng ta đã nhận được những bài học cay đắng…

Thế nhưng lịch sử luôn luôn là những giá trị bất tử. Gần đây, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa của chính quyền, đoàn thể đối với các gia đình và cựu binh Hoàng Sa, Trường Sa liên tục mở rộng. Dù muộn nhưng cũng là những ngọn lửa tri ân ấm áp và  hữu ích, để nhân dân không lãng quên, lịch sử dân tộc không lãng quên, các thế hệ không lãng quên máu xương cha anh mình vì biên cương Tổ quốc. 

Thông tin về biển đảo cũng được đề cập nhiều trên báo chí, với nhiều góc nhìn minh bạch về lịch sử và những hoạt động không chỉ mang tính truyền thông… Ví như việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiến hành xây dựng Tượng đài người mẹ thắp lửa tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa, một công trình thế kỷ khang trang và ấn tượng ở đảo Lý Sơn. Hay mới hơn nữa là nghĩa cử thành phố Đà Nẵng, vào sáng 12-3 vừa rồi đã trao quyết định bố trí căn hộ chung cư thuộc diện dành để “chiêu hiền đãi sĩ” cho con trai liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Vũ Phi Trừ, nguyên thuyền trưởng tàu hải quân HQ 604 bị Trung Quốc bắn chìm trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988… 

Nhân dân và lịch sử đã không quên và không bao giờ quên những người con đã ngã xuống vì Tổ quốc. Không những thế, sự hy sinh của các anh còn in đậm vào tận những góc khuất thẳm sâu nhất của mỗi tâm hồn. Với người bình thường, thì đó là những sự tri ân thầm lặng như trong câu chuyện của bà mẹ già ở Quảng Bình tổ chức đại giỗ cho 64 liệt sĩ đảo Gạc Ma, hay hàng loạt các hoạt động tri ân, tưởng nhớ đến các anh đang rộn lên trong những ngày này ở nhiều nơi. Còn với người nghệ sĩ, nó đã trở thành những cảm hứng sáng tạo đầy trách nhiệm, mà bức tranh Gạc Ma - vòng tròn bất tử của họa sĩ Bùi Lệ Trang là một ví dụ. Khi được đem ra đấu giá với mục đích quyên góp ủng hộ gia đình các liệt sĩ đã hy sinh tại Gạc Ma đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của rất nhiều giới, nhiều đơn vị, cá nhân. Ban tổ chức cho biết chưa có cuộc đấu giá nào mà người tham gia hào hứng và nhiệt tình đến vậy… Người đấu giá thành công là ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây dựng Hoà Bình. Ông Hải cho biết, ông mong muốn mỗi gia đình liệt sĩ có được một khoản tiền từ bức tranh này để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, đồng thời khẳng định sẽ tặng bức tranh cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam… Còn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, tác giả của Trường ca Biển mặn viết về Trường Sa, Hoàng Sa vừa ra mắt cuối năm 2015 vừa rồi thì đã giãi bày trong tác phẩm của mình:
Nhặt lên viên sỏi tuổi thơNém ra biển cả nào ngờ sóng dângMọc lên lớp lớp tầng tầngĐảo chìm đảo nổi đá ngầm san hôNhững vùng biển đẹp như mơTrường Sa cát trắng Hoàng Sa cát vàng…
Nhặt lên hạt muối, thưa rằng:Một phần biển mặn. Mấy phần máu xương…
Vâng. Tổ quốc là máu xương, nên trận chiến Gạc Ma phải có mặt đàng hoàng trong lịch sử nước nhà. Đó là điều hoàn toàn chính đáng như bất kỳ cuộc chiến tranh chân chính nào để bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Đó là yêu cầu, là mong đợi, và cũng là thực tế của hôm nay. 

Nguồn Văn nghệ số 12/2016


Có thể bạn quan tâm