April 23, 2024, 4:42 pm

Trăm năm nghệ thuật sân khấu Dù Kê

Dù Kê là loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo, ra đời vào những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đồng bào Khmer Nam bộ. Năm 1985, nghệ thuật sân khấu Dù Kê được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) công nhận là loại hình sân khấu chuyên nghiệp. Năm 2014, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch công nhận nghệ thuật sân khấu Dù Kê là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia...

Với 100 năm hình thành và phát triển, nghệ thuật sân khấu Dù Kê đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, tiếp thêm sức mạnh, tinh thần để con người vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, giáo dục, bồi dưỡng các giá trị nhân văn cho con người, tạo sự gắn kết giữa cá nhân, các dân tộc trên địa bàn… Đặc biệt, nghệ thuật sân khấu Dù Kê còn vượt qua biên giới quốc gia, đã nhanh chóng lan tỏa sang nước bạn Campuchia.

Cảnh trong vở “Chuyện tình Preh Ream và nàng Sêđa” do Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng trình diễn. Ảnh: laodong.vn

NGHỆ THUẬT TRÌNH DIỄN DÂN GIAN ĐẶC SẮC

Mới đây nhất, ngày 29/10 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù Kê 2020 đã được khai mạc. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Oóc-Om-Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2020 và Kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu Dù Kê. Mục đích của lễ kỷ niệm là bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp, nét văn hóa phong phú, độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ. Tôn vinh giá trị nghệ thuật sân khấu Dù Kê, thể hiện sâu sắc sự tri ân và tôn vinh các nghệ sỹ, nghệ nhân đã có công lao cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển sân khấu Dù Kê.

Và cũng trong những ngày giữa tháng 10, một hội thảo mang tên Nghệ thuật sân khấu Dù Kê – 100 năm hình thành và phát triển, do Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh và các đơn vị liên quan tổ chức với gần 200 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý và nghệ sỹ, nghệ nhân tham gia.

Tại hội thảo, theo các nhà nghiên cứu về nghệ thuật Dù Kê, thì đây là một tổng hòa của nhiều loại hình nghệ thuật, mặc dù hiện tại vẫn còn các ý kiến khác nhau về người sáng lập cũng như nơi khai sinh của môn nghệ thuật này, song có thể khẳng định rằng, nghệ thuật sân khấu Dù Kê ra đời xuất phát từ nhu cầu cảm thụ nghệ thuật của đồng bào Khmer ở Nam bộ trong những năm đầu của thế kỷ XX. Về nội dung, các tích tuồng của sân khấu Dù Kê thường được khai thác từ cốt truyện cổ tích, thần thoại dân gian Khmer và còn có cả những vở diễn dựa trên cốt truyện của một số vở cải lương, truyện cổ dân gian... Ngoài ra, nhiều vở diễn mang đề tài văn hóa, xã hội, cách mạng, ngợi ca người lao động, kêu gọi đoàn kết dân tộc, chống giặc ngoại xâm. Với bất kỳ tích tuồng nào, thì nội dung chủ đạo của mỗi vở Dù Kê thường theo motif: chính tà phân minh, chính diện-phản diện, thiện-ác, tôn vinh cái tốt, lên án cái xấu. Phương châm của vở diễn luôn là chính thắng tà,  thiện thắng ác, làm điều lành, tránh điều dữ, làm điều phải, tránh điều sai. Có ý kiến nhận định: Nếu nói văn hóa Nam bộ có đặc điểm là dung hợp của nhiều nguồn văn hóa khác thì nghệ thuật Dù Kê tập trung rất rõ nét tính chất dung hợp đó.

Nghệ thuật Dù Kê có sự kết hợp độc đáo giữa ca hát, đối thoại, diễn xuất dân gian với sự nâng đỡ, phụ họa của âm nhạc cùng nhiều loại nhạc cụ truyền thống như dàn nhạc ngũ âm, đàn cò, thổi sáo, thổi kèn và có đề tài, cốt truyện rõ ràng. Các vở diễn Dù Kê thường giản dị về cốt truyện, sâu sắc về nội dung và nhẹ nhàng chuyển tải ý đồ giáo dục. Đặc biệt, loại hình sân khấu này ảnh hưởng nhiều các môn nghệ thuật khác như hát bội, cải lương, ca kịch, vũ đạo, cách hóa trang của sân khấu Ấn Độ, thậm chí cả âm nhạc của Pháp. Sự kế thừa những yếu tố ngoại lai đã cho thấy tính dung hợp và thích nghi văn hóa rất cao trong nghệ thuật sân khấu của người Khmer. Nói cách khác, với nghệ thuật Dù Kê, đồng bào Khmer đã biết tích hợp các thành tựu nghệ thuật của nhiều dân tộc khác với một tinh thần phóng khoáng, cởi mở, cầu thị, rồi cải biến lại, sáng tạo thêm để hình thành, phát triển một thể loại sân khấu độc đáo của dân tộc mình.

Hằng năm, đồng bào Khmer ở Nam bộ có nhiều lễ hội đặc trưng, như Tết Chol Chnam Thmay, lễ hội Sene- dolta, lễ hội Ok Om Bok, Hội đua ghe Ngo... Và vào những dịp này, các vở Dù Kê đặc sắc nhất thường được biểu diễn tại các ngôi chùa ở các phum, sóc của người Khmer, trở thành một trong những món ăn tinh thần không thể thiếu của người địa phương và du khách xa gần.

CÁI KHÓ CŨNG CÓ THỂ LÀ MỘT… LỢI THẾ

Hiện nay, do sự bùng nổ của các loại hình giải trí hiện đại, sự thay đổi về nhu cầu giải trí của người dân, các môn nghệ thuật truyền thống trên cả nước gặp khó khăn, nghệ thuật sân khấu Dù Kê cũng không ngoại lệ. Một thực tế buồn là các nghệ nhân, nghệ sỹ gạo cội ngày càng thưa dần, trong khi đội ngũ kế thừa chưa được đào tạo bài bản, phương thức sưu tầm, lưu trữ và truyền bá hạn chế,  việc đầu tư viết kịch bản, dàn dựng và biểu diễn các vở diễn mới chưa đáp ứng nhu cầu của công chúng…

Chính vì thế, tại hội thảo Nghệ thuật sân khấu Dù Kê – 100 năm hình thành và phát triển, nơi gặp gỡ giữa nghệ sỹ và nghệ nhân sân khấu Dù Kê, các đoàn nghệ thuật với nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý và đơn vị đào tạo, những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật Dù Kê đã được chia sẻ, nhằm mục đích cao cả là góp phần nâng cao nhận thức trong vấn đề bảo tồn và phát huy; đào tạo cán bộ - giảng viên giảng dạy; chuyên nghiệp hóa đội ngũ sáng tác, biểu diễn; phát triển nghệ thuật sân khấu Dù Kê Khmer Nam bộ phù hợp với đời sống đương đại.

Trên dưới 40 tham luận gửi đến hội thảo, ngoài các nghiên cứu, nhận định chuyên sâu, các tác giả còn đưa ra nhiều giải pháp bảo tồn sân khấu Dù Kê. Chẳng hạn như cần có những hình thức phù hợp trong cộng đồng dân cư, nhất là giới trẻ người Khmer nhằm giúp họ hiểu biết nghệ thuật sân khấu Dù Kê độc đáo của mình. Tăng cường mở lớp truyền dạy nhằm tạo phong trào trong công chúng và phát hiện giới trẻ có năng khiếu, đam mê để tiếp tục đào tạo chính quy trong tương lai. Quan tâm đào tạo đội ngũ sáng tác, dàn dựng nghệ thuật sân khấu Dù Kê. Tổ chức liên hoan, hội diễn nghệ thuật sân khấu Dù Kê định kỳ ở cấp tỉnh, cấp khu vực, để các đoàn có điều kiện giao lưu, học tập lẫn nhau. Có kế hoạch mở trại sáng tác kịch bản sân khấu Dù Kê, mở lớp bồi dưỡng cho diễn viên, nhạc công có điều kiện giao lưu và nâng cao tay nghề…  

Theo nghệ sỹ Đào Chuông, nguyên Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang: “Sân khấu Dù Kê phải giữ được vũ đạo đặc thù của riêng cũng như dàn đế rất độc đáo. Thực tế, các nghệ thuật sân khấu truyền thống đi theo phong cách hiện đại đều bị điện ảnh vượt mặt. Vì vậy chỉ có thể quay lại truyền thống của chúng ta mới sống được”.

Tiến sỹ, nhạc sỹ Sơn Ngọc Hoàng, Chi hội trưởng, Chi hội nhạc sỹ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng thì cho rằng, bên cạnh những chính sách bảo tồn di sản của Nhà nước, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn trong việc đào tạo, chuyên nghiệp hóa đội ngũ sáng tác, biên kịch và biểu diễn Dù Kê... Riêng đối với các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp do nhà nước quản lý hỗ trợ nguồn kinh phí để đầu tư dàn dựng, mua sắm trang thiết bị hiện đại. Đối với đội ngũ diễn viên cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng thì họ mới hoạt động mạnh. Ngoài ra cần đào tạo lớp kế thừa cho những nghệ sỹ ngày càng già đi...

Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh chung hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, thì mối quan tâm của người dân đối với nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đỉnh cao không mất đi, mà đòi hỏi chất lượng cao hơn nhiều. Do đó, việc bảo tồn và phát triển một thể loại nghệ thuật dân gian vốn đã khó khăn, lại càng thêm khó khăn. Nhưng chính trong giai đoạn này, cái khó, nhìn ở khía cạnh tích cực biết đâu lại là một... lợi thế, khi nó giống như ngọn lửa trui rèn, đòi hỏi những tấm lòng vì nghệ thuật nỗ lực hơn nữa, tạo nên những đỉnh cao mới trong tương lai. Và chính điều đó, không chỉ bản thân người làm nghệ thuật, mà công chúng thưởng thức nghệ thuật cũng luôn luôn chờ đợi.

Nguồn Văn nghệ số 45/2020


Có thể bạn quan tâm