April 25, 2024, 8:49 pm

Trái tim không nói dối bao giờ

Nhà thơ Nguyễn Việt Bắc quê ở Thuận Thành Bắc Ninh, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc từ năm 1974, anh đã từng công tác tại Bộ Xây dựng. Là một kiến trúc sư, gắn bó với nghề kiến trúc, xây dựng, nhưng thơ ca là niềm say mê dâng hiến không thể thiếu trong cuộc đời anh. Sinh ra từ miền quê thấm đẫm các làn điệu dân ca quan họ sâu lắng, Nguyễn Việt Bắc đã có những bài thơ đầu đời từ thời còn là học sinh phổ thông.

Nhưng thuở đó, có một quyết tâm lớn lao hơn là anh cần phải học nghề xây dựng. Anh mơ ước phải trở thành một kiến trúc sư để góp phần xây dựng những tòa nhà, những công trình, những con đường thật đẹp, thật hoành tráng, song việc thiết thực nhất là xây dựng một ngôi nhà thật khang trang cho mẹ mình được ở. Trong bài thơ Bức tường, ký ức nhà thơ đã dội về với những hình ảnh cảm động:

Bức tường đất nhà tôi

Cao chừng một mét

Dài hơn chục bước chân

Nhà tôi toàn đất

Và một tuổi thơ đẫm nước mắt:

 “Tôi kín thóp đầu thì bố tôi chết

Bức tường không mũ đội đầu

… Tôi trần lưng không áo tơi,

 nón mũ

Đỡ bức tường đang lở trong mưa

 Và rồi:

Trái tim đau đến tận bây giờ

Và trưởng thành từ đất

Những câu thơ chạm đến trái tim người đọc đã được viết lên từ tấm lòng chân thành và sự rung động của tâm hồn như thế.

Như bức tranh đa sắc màu, với nhiều cung bậc của cảm xúc, nhiều bài thơ, câu thơ của Nguyễn Việt Bắc đã ám ảnh tâm hồn độc giả: “Mai sau là hạt cát/ Giờ hãy là bông hoa” (Hoa), “Con thuyền là cánh sen hồng/ Chở câu quan họ sang sông một mình” (Đồng làng), “Em nốt nhạc/ Gõ/ Vào ban mai... / Có cái cầu như tia nắng vắt qua sông/ em long lanh hạt sương/ Đi qua mỗi sớm…” (Cái cầu), “Bến sông vẫn gió/ Ngày xưa/ Cành đa chấm nước/ Đò vừa sang sông/ Ngút xanh/ Mướt mát/ Ngô đồng/ Chân trần/ Thiếu phụ - dòng sông mỏi mòn…” (Bến vẫn gió xuân), “Thả câu thơ tài hoa của em lên trời và những gốc đào/ Lộc non và xuân đến” (Có một chiều như thế), “Gió đi đâu? Để mùa thu sáng nay không rụng lá” (Gió ) .v.v.

Mỗi nhà thơ khi viết về quê hương của mình đều có cách riêng, bằng những nỗi niềm riêng. Với Nguyễn Việt Bắc, những kỷ niệm xa xưa của làng quê luôn khắc sâu trong trái tim đa cảm của một kiến trúc sư lãng mạn, làm thành một gia tài ký ức giàu có về quê hương. Từ Người làngGái làng, Đồng làng, Chợ làngAo làng, Cổng làngLàng vẫn làng mà đi như lạc, đến: Mưa ở quê, Mùa gặt, Mùi quê, Mùa thu về Kinh Bắc, Về làng, Biên bản họp họ…v.v. với những phát hiện lạ, những ý tưởng độc đáo: “Mùi quê/ Kéo tôi trở lại làng/ Mùi nhựa sung/ Phết lên diều chiều gió/ Mùi con ốc nhồi bén lửa…/ Mùi rạ ẩm nấu cơm buổi trưa/ Quần áo ướt quay quanh đầu gối…” (Mùi quê)… Nhà thơ mừng vui trước sự đổi mới; nhưng cũng tiếc nuối, chơi vơi khi kỷ niệm xưa không còn; khi mặt trái của đời sống thị trường đã xuất hiện nơi làng quê:

Làng vẫn làng mà đi như lạc

Tre không còn để mà kẽo kẹt

(Làng vẫn làng mà đi như lạc)

Rồi khắc khoải:

Xóm quê

Đường rộng

Nhà cao

Mà tìm không thấy cái ao của làng

(Ao làng)

Khao khát hướng tới cái đẹp, Nguyễn Việt Bắc cũng gửi vào những trang viết nỗi phiền muộn, phê phán lối sống giả dối, tham lam, phi nhân tính đang tồn tại như u nhọt trong đời sống cộng đồng. Sự tiêu cực ở một vài bệnh viện đã được tác giả đề cập: “Xé phong bì nheo mắt/ Bệnh nhân/ Thở hay không thở/ Người nhà nhấp nhổm ngoài cánh cửa/ Lặng im và lung lay/ Mưa ngã và lá bay...” (Thở hay không thở). Quan tâm tới thân phận con người trong cõi nhân sinh với lòng thương cảm sâu sắc, một số bài thơ viết về mẹ, về những người thân trong gia đình, rồi những người đã gặp trên đường đời với muôn trắc trở phận người của anh đã tạo được sự đồng cảm: “Hơn hai mươi năm/ Mẹ ra ở với chúng con/ Hơn hai mươi năm không quên tiếng gà khói bếp/ Không phàn nàn những gì chật hẹp/ Và phố phường khác lạ với thôn quê/ Mẹ bồn chồn mỗi lần con về khuya/ Thương hai cháu trưa mẹ ngồi rửa bát/ Bưng bát cơm nhớ quê ngày giáp hạt/ Mẹ vét voi sạch bách ở đáy nồi” (Mẹ tôi). Rồi sau này khi người mẹ của anh ra đi, trong tâm tưởng của người con hiếu thảo vẫn đầy nhớ thương trân quý, những kỷ niệm vẫn sâu đậm trong ký ức: “Mẹ giờ đi gió về mâyĐể câu quan họ héo gầy ru con” (Về quê)…

Không ồn ào cao đạo, nhà thơ cứ lặng lẽ dõi theo thân phận mỗi người mà anh gặp trên đường đời. Đó là người bạn là lính đặc công may mắn còn sống sau những năm chiến đấu ở chiến trường, hay một người bạn cùng học đại học gặp cảnh ngộ bần hàn bên kia dốc cuộc đời. Rồi chuyện về người đàn bà tuổi thất thập ở Trạm Đường Dương, chiến tranh đã qua lâu rồi, nhưng trong cơn nhớ nhớ quên quên vẫn tưởng mình còn trẻ và cứ đợi mãi người lính năm xưa đã hy sinh trong chiến trường. Nhà thơ viết: “Từ chị/ Tôi thấy quá khứ như chưa hề cắt đứt/ Cuộc chiến vẫn dằng dai như chưa hề kết thúc” (Chuyện ở một trạm Đường Dương)…

Là một nhà thơ, lại am hiểu về nghệ thuật, kiến trúc, xây dựng; khi trong xã hội có những giá trị có nguy cơ bị phá vỡ, anh cũng gửi những những nỗi niềm day dứt vào thơ. Những bức tranh đẹp và bí ẩn được phát hiên rất riêng: “Pi cát xô/ Khi vẽ/ Đều bắt đầu/ bằng con số không…/ Chim hòa bình/ Bay qua thế hệ này sang thế hệ khác/ Gọi bình minh…” (Con số không)…

Trong tập thơ đầu tay Bờ xa, in cách đây đã ba thập kỷ, Nguyễn Việt Bắc từng có bài Màu xanh của thơ. Từ những năm đó tác giả đã cho rằng: “… thơ cần mãi mãi xanh”. Cho đến nay, sau suốt hành trình sáng tạo không ngừng, Nguyễn Việt Bắc đã chắt lọc để viết: “Bóng người gặt chữ/ Nhũ vào thiên thai”… Từ những thăng trầm đã trải qua của cuộc đời, nhà thơ vẫn luôn vững một niềm tin, thơ luôn là ngọn lửa tình yêu của con người, là một giá trị tinh thần trong đời sống: “Ta một đời mất ngủ/ Đẩy thuyền/ Ra/ Biển khơi”. Phẩm chất thi ca, quan niệm thẩm mỹ của nhà thơ cũng được bộc lộ: “Gió thổi cát vào trong ngọn lửa/ Sáng mai/ Ta thành thủy tinh”. Không ảo tưởng, không vụ lợi; là người hiểu đời, có bản lĩnh, biết mình biết người, Nguyễn Việt Bắc tự tin trên hành trình sáng tạo, trong niềm say mê chân thành: “Thơ không phải muốn là được/ Tài năng một mình/ Cô đơn” (Thơ khát nước) và luôn: “Khao khát một câu thơ hay” (Gió)… Và mặc dù thấm đẫm nỗi buồn cùng sự cô đơn, nhưng trong cô đơn đó, nhà thơ vẫn tìm ra năng lượng để khao khát và bản lĩnh để tự hiểu mình: “Ta một đời là ta/ Hồn bay cùng mây gió”, tự biết mình: “Cô đơn trong ngực/ Ta cô đơn từ chính minh…” (Tự xanh lên)…

*

Nguyễn Việt Bắc đã có những tập thơ Buồn không đóng cửaMột mình trăng lênNgười ta và tôi... Nghe qua có thể thấy nỗi buồn luôn vây bủa. Song nhà thơ không kêu toáng lên, cũng không rên rỉ bi lụy. Nỗi buồn trong thơ Nguyễn Việt Bắc lặng thầm mà thấm đẫm tình người, tình đời, rồi lan tỏa tạo vẻ đẹp riêng đầy sức mạnh. Đây cũng là một nét lạ của thơ anh: “Buồn không/ đóng cửa/ cài then/ Ra ngồi với cỏ/ bông/ sen/ cũng/ buồn”… Mới đây trong bài Nỗi buồn chẳng ai giống ai, nhà thơ đã viết: “Nỗi buồn chẳng ai giống ai/ Cứ thăm thẳm cứ ngày dài đêm thâu.../ Nỗi buồn theo bám cuộc đời/ Nhấm vào biển và mây trời thành mưa”… Ngẫm lại, cuộc đời con người nói chung là buồn nhiều, chứ mấy ai tưng tửng cười vui suốt được. Song chính nhờ sự buồn, sự cô đơn đó mà cuộc đời người ta có ý nghĩa, có giá trị và biết quý trọng từng ngày của đời sống này hơn… Nhà thơ nói nỗi lòng mình, nhưng cũng như nói hộ bao người trong dòng cảm xúc vô tận đó của kiếp người.

Nguyễn Việt Bắc là người sống có trước có sau, biết quý trọng tình cảm. Thơ anh có cả sự nhút nhát thuở ban đầu lẫn sự từng trải đường đời; nhưng đằm thắm, và trước hết là sự chân thành, nhân hậu, biết nâng niu trân trọng tình yêu... Chính từ những tình cảm đó mà ngay cả khi xa cách rồi, thì kỷ niệm dội về vẫn ấm áp dù không khỏi đượm buồn “Người cũ ơi/ Anh cứ đi/ Đi mãi/ Ở nơi nào cũng/ Cũng ấm/ Gót chân em” (Người cũ). Nhà thơ cũng cho rằng “Con người/ Muôn kiếp/ Vẫn bời bời yêu...”. Còn khi đứng trước tình yêu, Nguyễn Việt Bắc đã bản lĩnh nói thật lòng mình: “Tôi yêu/ Mắt lồi kính núp/ Tai nghe tín hiệu một luồng/ Chỉ trái tim/ Là sáng như gương” (Yêu). Vì thế mà trong cảnh trớ trêu của duyên phận vẫn luôn “Thương mình thì ít/ Thương em thì nhiều”, dù là “Yêu để rồi tay không/ Yêu để rồi tan nát /... Lệch treo vầng trăng khuya” (Tóc ngắn)… Hình tượng “Em” trong thơ Nguyễn Việt Bắc có thể là thật, có thể là ảo; nhưng luôn được nâng niu bảo vệ và yêu chiều… Anh đã có những liên hệ rất độc đáo và mới lạ trong một số bài thơ mới đây: “Đêm/ Một mình anh đón hạt sương/ Áp xuống đường nghe tiếng chân em...” (Một mình anh đón hạt sương)… Thơ và em như có mối liên hệ, trong nỗi nhớ, trong sự đọc, trong tâm tưởng và trong cả sự hiện hữu của đời sống: “... Đặt câu thơ của em ở trên bàn tay/ Hỏi lòng bao giờ gió đến”…

Không chỉ có thơ về tình yêu quê hương làng xóm, tình yêu gia đình con cháu hay tình yêu đôi lứa; Nguyễn Việt Bắc còn hướng tới tình yêu thương con người bằng sự đằm thắm của một tấm lòng nhân hậu và trái tim đa cảm… Với ngôn ngữ thơ hiện đại, ngắn gọn, tứ thơ chặt chẽ, nhiều bài thơ có tính triết lý, Nguyễn Việt Bắc đã mang đến cho người đọc những ám ảnh và nhiều chiêm nghiệm về cuộc sống, tình yêu…

Hoàng Kim Dung

Nguồn Văn nghệ số 52/2022


Có thể bạn quan tâm