April 20, 2024, 3:54 am

Trái tim hoa đào

 

 Bà cụ Chín giật mình tỉnh giấc. Bà vừa mơ. Không biết bà mơ thấy gì mà gọi to lắm. Chính tiếng gọi thất thanh trong mơ nó khiến bà tỉnh dậy. Bà quơ tay khắp giường tìm kiếm. Trống không. Bà ngơ ngẩn một lúc. Hóa ra bà vừa mới mơ. Và bà ngạc nhiên, thảng thốt. Giờ thì bà tỉnh hẳn, nhưng bà lại tưởng là mình đang mơ. Ồ, hai cánh tay của bà nó cử động được rồi. Bà chẳng tin là thật. Nhưng đúng là hai cánh tay bà nó đã cử động được rồi. Bà sờ lên má, lên cổ và bà cảm nhận được những vết nhăn hằn sâu. Bà thử co chân bên trái, bà lại co chân bên phải. Rồi bà thử ngồi dậy. Bây giờ thì bà đã gượng ngồi dậy được, tựa vào thành giường. Bà thấy bà khỏe khoắn và nhẹ nhõm khác thường, cứ như bà chưa từng bị nằm liệt đến chục năm trời rồi. Ngồi ngẩn ra một lúc để nhớ lại giấc mơ với vẻ đầy nuối tiếc. Một lúc sau, bà hướng về bên kia buống thều thào:

            - Thằng Hiếu, cái Lành đâu. Dậy…dậy đi các con, mẹ bảo này…

            Nghe tiếng mẹ gọi, ông Hiếu, bà Lành choáng choàng tỉnh dậy. Lao vội ra công tắc, bật điện lên. Nhìn đồng hồ. Mới có hơn 1h đêm mà mẹ gọi dậy làm gì không biết. Chạy vội sang bên giường mẹ. Hai vợ chồng ông Hiếu bỗng đứng sững lại. Rồi cứ ngẩn ra. Rồi thì dụi mắt. Có thật là mẹ kia không? Có thật mẹ đã ngồi dậy được rồi không?

            Bà cụ Chín như để chứng minh cho hai con thấy, bà từ từ giơ cánh tay ra, rồi nâng lên nâng xuống. Mặc dù vẫn còn gượng gạo nhưng nó đã nghe theo sự điều khiển của bà. Bà gọi vợ chồng ông Hiếu đến bên, thì thào:

            - Mẹ vừa mơ thấy bố chúng mày…bố chúng mày vẫn trẻ như ngày xưa. Bố mày bảo nhớ nhà lắm, lên đưa bố mày về. Bố mày đem về cho mẹ con chim lông xanh. Con chim lông xanh có cái cổ đỏ rực, đẹp lắm. Nhưng mẹ vừa chạm vào con chim thì nó hóa ra cây đào. Mẹ chạy đến bố mày thì bố mày hóa ra cái mô đất...Cái ngọn đèn trước lúc tắt thì nó thường sáng to lên. Hôm nay mẹ thấy khỏe lên hẳn, chân tay lại cử động được thế này, chắc sắp được đi theo ông ấy rồi. Nhưng trước lúc chết mẹ chỉ ước gì tìm được bố mày về, để lúc mẹ chết đi thì chôn mẹ nằm gần ông ấy. Lúc sống xa nhau thì còn cố chịu. Chết rồi mà vẫn không được ở cạnh nhau thì mẹ nhắm mắt thế nào…Thằng Hiếu vất vả bao năm đi tìm bố rồi, mẹ không muốn mày khổ thêm. Nhưng con ơi, bố mày báo mộng thế, hay mày thương mẹ, cố đi một chuyến nữa, dù không tìm được thì mẹ chết đi cũng không còn ân hận. Trong mơ, mẹ thấy bố mày bảo chỗ bố mày nằm có nhiều rừng lắm, lại có nhiều hoa ban, hoa đào…

*

            Khó khăn lắm ông Khìn mới gượng ngồi dậy được. Với cái gậy luôn để sẵn bên cạnh chỗ nằm, ông lập cập lần ra phía sàn Quản. Ngước nhìn lên đỉnh núi Pooc Bàn phía trước mặt, ông bỗng thấy rạo rực một niềm vui, như quả còn cũ được tung trong mùa xuân mới. Cây đào già đã nở hoa. Ngọn núi mướt xanh bừng lên một đám mây đỏ rực bồng bềnh. Cây đào ông trồng ngay bên mộ anh Trung, người anh em kết nghĩa đã hi sinh mấy chục năm nay. Cây đào thật kỳ lạ. Năm nào nó cũng cho hoa sớm nhất. Người trong bản bảo, cây đào ấy là cái cổng để mở ra đón mùa xuân, nên mùa xuân đến với cây đào trước rồi mới đi xuống bản. Năm nào cũng vậy, cứ thấy cây đào trên núi Pooc Bàn nở hoa là người trong bản lại í ới gọi nhau vào rừng Cô Linh hái lá dong chuẩn bị gói bánh chưng đón tết.

            Những năm trước, khi cái chân leo núi còn chưa biết run, cái tay còn chưa phải bám vịn vào gốc cây ven đường, tháng nào ông cũng lên núi vài lần để dọn mộ và ngồi nói chuyện với “ Hặc xướng”(1) một lúc. Nhưng từ khi bị ốm rồi phải đi nằm viện mấy tháng thì sức khỏe của ông nó tụt xuống nhanh như cái thùng nước đầy bị chọc thủng đáy. Bây giờ đi từ nhà ra đến cuối bản còn thấy mệt hơn ngày trước leo mấy cái núi cao. Ông không còn lên thăm mộ anh Trung được nữa. Không lên được thì cái nhớ bạn càng đầy lên như bương nước ngoài máng không có người lấy uống. Không được thủ thỉ nói chuyện với “Hặc sướng” thì kỉ niệm nó lại cứ ùa về nhiều như rừng tre rụng lá mùa tháng ba.

            Đứng bên sàn Quản, ông Khìn cứ ngẩn ngơ nhìn lên đỉnh núi. Sắp tết rồi mà tôi không lên thăm anh được, anh Trung thông cảm cho tôi. Mai tôi thịt con gà để làm cái tết sớm, anh Trung nhớ về uống với tôi chén rượu đấy…

            - Cụ ơi, cho con hỏi, đây có phải nhà cụ Khìn không ạ? Cụ cho phép con lên nhà, con có việc muốn thưa…

            Có tiếng người lạ gọi với lên từ dưới chân cầu thang. Ông Khìn nhìn xuống, thấy hơi khó chịu vì bị quấy rầy lúc ông đang cần yên tĩnh nhất. Khách lạ là một người đàn ông tóc đã chuyển sang màu đá núi, lốm đốm nhiều sợi bạc, khuôn mặt sạm đen khắc khổ, ánh mắt đùng đục vời vợi những khắc khoải đợi chờ. Người lạ thế này, chắc ở nơi xa lên đây tìm mộ người nhà rồi. Bao nhiêu năm nay, năm nào mà chẳng có hàng chục lượt người tìm đến hỏi tìm mộ người nhà. Cứ mỗi lần có người lạ đến hỏi, ông Khìn lại hi vọng là người nhà anh Trung. Nhưng rồi lần nào ông cũng thở dài thất vọng. Những ngôi mộ của bộ đội và thanh niên xung phong hi sinh ngày đó được bí mật chôn giấu trong rừng đã lần lượt được người nhà đưa về quê, những ngôi mộ không biết tuổi tên cũng đã được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ. Bây giờ duy nhất ngôi mộ của anh Trung là ông xin nhà nước cho để lại để ông chăm sóc và đợi người nhà anh tìm lên đón về. Ông và anh Trung đã uống bát rượu nhận nhau là “Ái nọong hặc xướng2, thì là người nhà của nhau rồi, nên cũng được chấp nhận.

            Sau giải phóng, đã bao nhiêu lần ông Khìn tìm về Hà Sơn Bình(3) để hỏi tìm người nhà anh Trung, nhưng những lúc còn sống anh Trung cũng chỉ nói quê ở Hà Sơn Bình, chứ không nói huyện nào, xã nào, tìm được gia đình anh Trung khác gì tìm sợi tóc rơi trong cánh rừng rậm. Bây giờ thì ông Khìn thấy mình yếu lắm. Ông không đi tìm người nhà anh Trung được nữa. Có đoàn khách xa đến hỏi tìm mộ người nhà, ông cũng không đi hỏi thăm, dò tìm nữa. Ông cũng không còn muốn người nhà anh Trung lên đón anh về nữa. Ông yếu lắm rồi, chẳng mấy mà đi lên mường trời. Ông muốn giữ mộ anh Trung ở lại, để khi chết đi sẽ bảo người chôn ông bên cạnh, xuống dưới đất còn có bạn uống rượu chứ.

            Khách lạ đã lên hết cầu thang. Ông Khìn nhìn người khách, thoáng thấy nét gì đó quen thuộc. Nhưng giờ ông cũng chẳng muốn biết khách quen hay lạ nữa. Ông khẽ lắc lắc đầu. Muốn hỏi gì thì đi hỏi chỗ khác thôi. Ta già quá rồi, cái đầu giờ nó rỗng như quả bầu khô ngoài bờ rào, lú lẫn hết cả, không biết gì để nói nữa đâu.

            Ông Khìn định quay vào, nhưng bỗng người khách lạ chạy vội đến, nắm chặt lấy cánh tay khẳng khiu và nhăn nheo của ông, giọng đầy xúc động, nghẹn ngào:

            - Bao nhiêu năm nay con đã lặn lội qua bao chiến trường xưa, tìm từng nghĩa trang suốt trong Nam ngoài Bắc mà không tìm được mộ bố. Nhưng con chưa bao giờ hết hi vọng…Mãi gần đây hỏi thăm, con mới biết năm 1953, bố được điều chuyển từ Yên Bái sang Sơn La và tham gia sửa đường, vận lương trên tuyến đường 13 và đường 41. Con hỏi thăm từ cầu Tà Vài lên đây thì được tin cụ vẫn còn trông coi một ngồi mộ của một chiến sỹ thanh niên xung phong thời đó. Bao nhiêu năm nay mẹ con vẫn mòn mỏi đợi con tìm được bố về. Mẹ con giờ như cái lá vàng trước bão, chẳng biết rụng lúc nào. Không biết ngôi mộ cụ coi sóc có phải mộ bố con không, nhưng cụ thương con, thương mẹ con, hãy cho con lên viếng thăm một lần… còn nước thì con còn cố tát. Đây là tấm ảnh của bố hồi cưới mẹ con, cụ xem…

            Người khách run run lấy từ trong túi áo ngực ra tấm ảnh đen trắng đã ố vàng đưa về phía ông Khìn. Dù chẳng muốn nhìn, nhưng ánh mắt mệt mỏi và đục mờ của ông Khìn vẫn phải miễn cưỡng nhìn vào tấm ảnh. Đôi mắt ông bỗng mở to thảng thốt. Ông buông bỏ cái gậy, vồ lấy tấm ảnh, ngã khuỵu xuống sàn…

*

            Chiếc máy bay cuối cùng của địch vừa khuất sau đỉnh núi Chẹn, từ những ngách đá, những hầm tạm và hào giao thông, đội thanh niên xung phong ào ra, nhanh như cơn gió sớm.

            Con đường 13 bị cày xới, chặt đứt từng đoạn oằn lên đau đớn trong khói bụi mịt mù. Những hố bom sâu hoắm như miệng những con hổ đói lâu ngày. Cây đổ ngổn ngang, đá to chình ình chắn lối. Không ai còn nhận ra nơi đây đã từng tồn tại một con đường.

            Từ hầm thông tin thông báo về. Một đoàn xe tải chở tân binh và lương thực tiếp ứng cho chiến dịch Điện Biên đang luồn rừng tiến lên. Đoàn đã đi tới lưng chừng đèo, các đại đội phải đẩy nhanh tiến độ để thông đường cho đoàn xe qua. Khu vực ngã ba Cò Nòi đang là tâm điểm đánh phá của địch, nếu để đoàn xe tắc lại qua đêm sẽ rất nguy hiểm.        

            Tiếng búa, tiếng cuốc, tiếng choòng lại vang lên nhanh hơn, mạnh hơn, gấp gáp hơn.

            Vách ta luy dựng đứng được xả xuống ào ào. Vừa lấy đất, đá lấp hố bom, vừa mở thêm con đường tránh vào sâu trong lòng núi. Nếu địch có quay lại đánh phá con đường chính thì vẫn có con đường dự phòng cho đoàn xe qua.

            Chiều uể oải ngả rạp mình trên những ngọn đồi đỏ quạch, vệt nắng cuối cùng vừa tan loãng vào rải sương mờ, cũng là lúc con đường đã được san lấp phẳng lì và mềm mại. Đứng trên ngọn đồi cao nhìn xuống, con đường như một dải khăn của cô thanh niên xung phong uốn lượn trong ánh chiều chạng vạng. Đoàn xe tải lương hối hả tiến lên. Những chàng tân binh trẻ măng vạch những cành lá ngụy trang trên nóc xe giơ tay vẫy chào đội thanh niên xung phong vừa kịp buông cuốc xẻng. Tiếng cười, tiếng í ới gọi nhau, tiếng chào và những cái vẫy tay đầy lưu luyến.

*

            Đêm.

            Máy bay địch vẫn gầm rú, quần đảo như muốn xé toang cả bầu trời. Thỉnh thoảng chúng lại ném một loạt bom vào những khoảng rừng mà chúng nghi có lán trại khiến đất đá bị xới tung, cây cối bị nhổ bật tung rào rào. Đêm giật mình thon thót. Sự yên tĩnh vốn có của màn đêm bí hiểm bị vùi lấp trong những hố sâu.

            Trong một căn lán nhỏ nằm sâu trong cánh rừng già, ánh đèn dầu leo lét được vặn nhỏ hết cỡ, chỉ vừa đủ soi rõ mặt từng người. Những lỗ hổng có thể lọt ánh sáng ra ngoài lán đều đã được che kín. Cuộc họp đột xuất chỉ có đại đội trưởng và tiểu đội trưởng các tiểu đội. Nội dung được thông báo ngắn gọn. Địch ngày càng ném bom ác liệt trên tuyến đường 13 và đường 41, đặc biệt là tuyến đường 13 ra đến ngã ba Cò Nòi. Chúng muốn cắt đứt toàn bộ chi viện của ta lên Điện Biên Phủ. Ta chưa kịp khắc phục hư hỏng từ loạt bom trước, chúng đã kéo đến ném đợt sau. Có ngày chúng ném tới sáu mươi trận liên tiếp. Bom nối bom. Với lực lượng ngày càng mỏng đi sau mỗi trận tàn phá của địch, khó lòng khắc phục kịp thời những hư hỏng do chúng gây ra, ảnh hưởng lớn đến sự chi viện của ta cho chiến trường. Quanh khu vực này có rất nhiều những bản Thái, bản Mông sinh sống trên những núi cao và thung lũng, trong những cánh rừng già. Phải tìm cách vận động bà con dân bản cùng tham gia giúp sức. Có được sự đồng thuận, giúp đỡ của bà con bản địa thì chúng ta mới dành được thắng lợi. Bắt đầu từ hôm nay, ngoài việc sửa chữa và mở đường phục vụ cho chiến dịch, mỗi tiểu đội sẽ bố trí người đi vào dân vận một đến hai bản, và coi đó cũng là mục tiêu thi đua.

            Tiểu đội của Trung được giao nhiệm vụ xuống làm công tác dân vận ở bản Hượn, một bản của đồng bào Thái nằm sâu trong thung lũng Chiềng Đông. Từ lán của tiểu đội đi đến bản phải qua một cánh rừng già, qua một thung lũng sâu nữa mới đến. Trước tìm đến bản, Trung đã lân la tìm hiểu và được biết bản Hượn có nhiều thanh niên đã theo bộ đội làm du kích. Trong bản có một thanh niên tên Khìn, tuy còn trẻ nhưng đã được cả bản kính trọng và coi như trưởng họ của cả bản. Chính người thanh niên đó đã tổ chức một toán thanh niên dùng nỏ, sung  kíp và những tổ ong đất để đuổi đánh một toán hơn hai chục tên giặc khi chúng kéo vào bản cướp lợn gà và bắt thanh niên đi phu xây đồn cho chúng. Trung khá hồ hời và tự tin khi nắm được những thông tin đầy lạc quan này. Anh sẽ đến với người thanh niên đó, chỉ cần lấy được lòng tin và sự ủng hộ của người có uy tín nhất bản là sẽ có sự ủng hộ của cả bản. Nghĩ thế, ngay khi trời xẩm tối, anh bàn giao nhiệm vụ cho tiểu đội phó rồi hăng hái luồn rừng.

            Khó khăn lắm Trung mới tìm được đến nhà Khìn. Nhưng khác với những gì anh mong đợi. Khìn lầm lì và gần như không muốn nói chuyện, tiếp xúc với người lạ. Mặc Trung nói gì, hỏi gì cũng chỉ nhận được một câu duy nhất “Bó hụ(4). Nghĩ Khìn không biết nghe và nói tiếng Kinh nên Trung chuyển sang nói chuyện với Khìn bằng tiếng Thái. Trước khi tham gia thanh niên xung phong, Trung đã có gần chục năm làm mộc ở khắp các bản Thái, bản Mông, bản Xinh Mun, bản Mường khắp các tỉnh phía Bắc, nên mỗi thứ tiếng anh cũng học được ít nhiều, đủ để giao tiếp những câu đơn giản. Nhưng hết một đêm, đêm sau, đêm sau nữa vẫn chỉ một câu lạnh lùng và vô cảm “Bó hụ”.

            Giấu con dao nhỏ vào thắt lưng để phòng thân, Trung lầm lũi luồn rừng. Bước chân anh hôm nay có vẻ chùng xuống, không còn hồ hởi và dứt khoát được như ngày đầu. Có gì đó chán nản và buông xuôi. Đêm nay là đêm thứ năm anh đến nhà Khìn. Đi thì cứ đi thôi chứ chẳng hi vọng thuyết phục được anh ta nữa. Cứ ngập ngừng, đắn đo, nửa muốn đi, nửa lại định bỏ cuộc. Gần nửa đêm Trung mới đến được nhà Khìn. Bước lên bậc thang đầu tiên, Trung thoáng ngạc nhiên. Khìn đứng bên cửa từ bao giờ. Hôm nay cán bộ đến muộn hơn mọi ngày, bếp lửa nó đã ăn gần hết gộc củi to, tôi tưởng cán bộ chán tôi không đến nữa…

            Giọng Khìn có vẻ như trách móc. Trung nhìn Khìn, mặt tươi hẳn.. Hôm nay tôi có việc ở tiểu đội chút anh Khìn ạ. Anh Khìn chịu nói chuyện với tôi là tốt rồi.

            Trung và Khìn ngồi xuống bếp lửa đã sắp tàn. Cúi xuống thổi phù phù cho bếp lửa cháy to lên, Khìn đận đà:

            - Đêm nào cán bộ ở đây về, tôi cũng đi theo sau, ngày thì ngồi trên núi cao xem cán bộ làm đường, xem để tin cán bộ …

            Đột ngột và bất ngờ, Trung nắm chặt lấy cánh tay cứng như khúc gỗ nhội của Khìn. Anh Khìn đã đến xem chúng tôi làm thì thấy rồi đấy. Giặc Pháp ngày càng đánh phá ác liệt. Giặc ngày càng ném bom dày đặc, lực lượng chúng tôi thì ngày càng mỏng đi. Nếu không có sự giúp đỡ của bà con thì rất khó để giữ cho con đường được thông suốt. Anh Khìn và bà con dân bản đã tin chúng tôi thì đồng ý giúp chúng tôi chứ…

            Khìn nhìn Trung. Khuôn mặt Khìn bỗng rạng rỡ hẳn lên. Bao năm nay bản tôi trồng ngô mà không được bẻ, cấy lúa mà không được cúng lễ cơm mới, nuôi con lợn, con gà mà chẳng được ăn. Ngày nào bọn Tây nó cũng lùng vào bản mà cướp. Cướp hết của thì nó bắt người đi xây đồn cho nó tận bản Chi, khổ quá rồi. Người già bảo ở đâu có bộ đội thì ở đó không có thằng tây đến cướp, nên ai cũng mong bộ đội về bản đuổi thằng tây. Nếu cán bộ không chê người bản ta không biết nhìn cái chữ thì cho chúng tôi theo cán bộ, chúng tôi muốn cùng cán bộ làm cái đường đẹp để bộ đội lên đuổi thằng tây …

            Hai cánh tay nắm chặt, hai ánh mắt nhìn nhau, thấy trong mắt nhau bừng bừng lửa cháy. Không biết ánh lửa từ bếp phản chiếu vào hay lửa của lòng quyết tâm.

            Khìn lấy từ góc nhà ra chum rượu sắn đã ủ từ lâu. Khìn đưa tay nhổ một sợi tóc trên đầu mình, lại quay sang Trung. Cán bộ cho tôi một cái tóc. Cái tóc trên đầu đã có lúc mình được bố mẹ sinh ra, lúc chết đi thì cái tóc cũng vẫn còn. Khìn buộc hai sợi tóc vào nhau, nhúng sợi tóc vào bát rượu rồi thả vao trong bếp lửa đang đùng đùng cháy. Để ma bếp chứng kiến cho đấy cán bộ ạ. Nếu cán bộ không chê tôi thì cùng uống với nhau bát rượu này, để từ nay là “Ái nọong hặc xướng”. Có nước thì cùng nhau đổ, có nạn thì cùng nhau chia.

            Đêm cạn dần theo chum rượu. Chum rượu dốc ngược rồi mà tiếng gà rừng mới te téc gáy lần hai. Còn chum rượu cần định đợi uống tết Khìn cũng lấy nốt ra. Hôm nay Khìn còn vui hơn ngày tết.

*

            Trung tỉnh dậy. Nghe bên ngoài ồn ào náo nhiệt có vẻ rất đông người. Nhìn lên chái nhà, thấy ánh nắng sớm lọt vào chói chang. Ngơ ngác một lúc mới hiểu đêm qua Trung cùng Khìn uống rượu say và anh đã ngủ luôn ở nhà Khìn. Vội chồm dậy, đi ra ngoài. Dưới sàn già trẻ trai gái có đến mấy chục người đang đứng bàn tán. Khìn đã dậy từ bao giờ, đang nói gì đó với mọi người. Thấy Trung, Khìn hồ hởi. Đêm qua tôi với cán bộ đã cùng nhau uống bát rượu thề kết nghĩa, có ma bếp làm chứng cho rồi. Cán bộ không khinh tôi, cùng làm anh em với tôi thì tôi tin cán bộ, người bản tôi cũng tin cán bộ. Tin cán bộ rồi thì có phải chết cũng vẫn theo cán bộ. Từ nay có máu cùng chảy, đá to thì cùng nhau vác, thịt thú ngon thì cùng nhau cầm cái đùi sau.

            Rồi Khìn chạy lên sàn quản lấy xuống cái lồng chim. Trong lồng có con chim lông xanh biếc như màu lá, cái cổ đỏ nó rực như bông hoa chuối rừng. Tôi tặng người anh em con chim quý này. Nghe nó hót sẽ thấy mệt hơn đấy.

            Trung xúc động đến nghẹn lời, muốn nói mà chẳng biết nói gì, cứ đứng ngẩn ra, hai khóe mắt thấy ầng ậng nước.

*

            Chiều.

            Mặt trời đỏ lừ lừ trên nền trời nhức nhối. Những quả đồi bị cày xới cũng đỏ quạch một màu đất, chỉ loang lổ vài vạt cây xanh cũng úa rũ vì nghẹn khói bom.

            Con đường 13 bị bom chặt ra từng khúc nhỏ oằn lên đau đớn. Những ngọn núi bị cày xới, san phẳng lật tung từng mảng đất đỏ loang như máu.

            Tin cấp báo về. Một đội dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực bằng xe thồ đang bị tắc lại giữa lưng chừng đèo Chẹn do bom phá hỏng hết đường không thể di chuyển tiếp. Nhiệm vụ tiếp ứng được triển khai tức thời. Ba tiểu đội cùng những thanh niên bản địa khỏe mạnh thông thạo địa hình được huy động xuống tiếp ứng cho đội tải lương, còn lại chia ra san lấp, sửa chữa gấp đoạn đường  vừa bị đánh phá để đoàn tải lương kịp vượt ra khỏi ngã ba trước khi trời tối. Những con ngựa của bà con cũng được huy động cho việc phục vụ việc tải lương.

            Khìn được điều động tham gia vào đội hỗ trợ tải lương, còn Trung chỉ huy tiểu đội phụ trách sửa chữa khu vực hư hỏng nặng nhất đoạn ngã ba tiếp giáp giữa đường 13 và đường 41. Con đường cứ đầy dần lên, phẳng đều lên bởi những cánh tay mải miết xúc đào, san, lấp không biết mệt mỏi.

            Máy bay. Những chiếc Hen Cat, B26, B29 đột ngột quay lại, nhanh như một đàn diều hâu đói nhìn thấy con mồi.

            Và bom. Bom phá, bom nổ chậm, bom napan, bom bướm liên tiếp ném xuống. Đất đá bị cày xới, bị hất tung, bị ném rào rào, mù mịt. Những mảnh bom bay veo véo…riu ríu lạnh cả sống lưng, buốt cả quai hàm. Rồi cây bị phạt ngang, bị tiện đứt, bị nhổ bật tung đổ ngả nghiêng răng rắc. Và lửa, khói, bụi đất nuốt chửng không gian, chỉ thấy một mùi khét lẹn đến ngạt thở, tức ngực. Tiếng còi báo hiệu, tiếng hô, tiếng chỉ huy lệnh xuống hầm trú ẩn lọt thỏm trong những tiếng nổ và đổ gãy. Khoảng trời chìm trong khói bụi.

            Xẻng đất xúc lên, chưa kịp hất xuống, bỗng “Uỳnh…” Trung thấy tai ù đi, thấy ngực như bị ai đó ghì mạnh đến ngạt thở rồi thấy mình bị hất tung lên cao, chới với…

*

            Trung tỉnh lại. Trong một không gian mơ hồ, chập chờn và vô định. Thấy lành lạnh ướt nhơm nhớp ở ngực, thấy mùi tanh chan chát của máu. Khẽ cựa mình, nhói đau bên ngực, buốt lên tận óc, loang ra toàn thân. Bây giờ thì chỉ thở thôi cũng thấy đau. Nhìn lên. Thấy ánh trăng lọt qua tán lá lấp lóa. Cố nhướn ánh mắt nhìn xuống ngực. Một mảnh bom to bằng bàn tay ghim sâu vào ngực trái. Từ vết thương, máu cứ đùn ra, thấy nong nóng, rần rật…

            Sao đêm nay yên tĩnh thế. Không có tiếng máy bay địch gầm rít, không có tiếng bom nổ. Chỉ nghe phía dưới rất xa tiếng gọi, tiếng khóc, tiếng đào bới đất hỗn độn trong đêm. Trung muốn gọi to mà không còn sức để gọi. Bây giờ chỉ cần một cử động nhỏ là mảnh bom kia lại như nhấn sâu thêm, đau nhói.

            Vẫn nằm im bất động, chỉ có ánh mắt cố liếc dọc ngang, lên xuống để xác định xem mình đang ở đâu. Phải một lúc lâu Trung mới xác định được mình đang nằm mắc kẹt trên một cành cây cao trong tư thế hơi tựa vào thân cây. Nhìn qua kẽ lá, nhờ có ánh trăng mà Trung nhìn rõ con đường hàng ngày anh vẫn cùng đồng đội san lấp. Dưới kia lố nhố những bóng đồng đội đang đào bới, hú gọi rồi những tiếng khóc. Trận bom đột ngột lúc chiều chắc vùi lấp mất nhiều đồng đội của anh trong đất. Máy bay giặc liên tục ném bom bất kể ngày đêm. Cứ sau mỗi trận bom lại vài người hi sinh, vài người không tìm thấy xác. Đau thương và xót xa quá. Không biết bao giờ chiến tranh tàn ác mới kết thúc để anh được về bên Chín, người vợ mới cưới chưa đầy ba tháng thì anh cùng bạn bè viết đơn tình nguyện đi thanh niên xung phong. Lúc Trung lên đường thì Chín đã có thai ba tháng. Bây giờ chắc Chín đã sinh cho anh một đứa con rồi. Nghĩ đến vợ và tưởng tượng ra khuôn mặt đứa con chưa gặp mặt, anh thấy nhẹ nhõm và thanh thản, thấy bớt đau hơn. Trung thấy bồng bềnh, nhẹ bẫng. Anh trôi dần trôi dần vào cơn mơ…

*

            Trời đã tang tảng sáng. Tiếng đào bới, tiếng gọi vẫn không ngừng hối hả, gấp gáp. Còn mấy chục đồng đội vẫn chưa tìm thấy xác. Cứ đào bới thế suốt từ chiều qua đến giờ, chỉ nghỉ ăn vội một vắt cơm rồi lại bới lại tìm. Không còn thấy mệt, thấy đói, chỉ thấy lo, thấy thương đồng đội nằm dưới đất sâu bị lạnh.

            Khìn chồm lên. Khìn lao, chạy, bới tìm khắp từng hố bom, từng thân cây bị đốn gục. Hai bàn tay Khìn rộp phồng tóe máu. Suốt từ chiều qua, sau khi đưa được đoàn xe thồ vận lương vượt qua khỏi ngã ba nguy hiểm, quay về, biết tin Trung mất tích, Khìn thấy chân tay như bị rụng ra từng khúc. Khìn không ăn, không uống, chỉ bới tìm và hú gọi. Anh Trung đâu? “ Ái nọong hặc sướng” của tôi  đâu? Anh Trung không chết, anh Trung không chết được đâu. Vắt cơm phần của anh, tôi vẫn cầm hộ đây mà. Anh Trung phải về ăn đi, không nó thiu mất…

            Trời đã sáng từ khi nào, Khìn không còn nhận ra nữa. Chạy và bới tìm suốt đêm, bây giờ Khìn thấy người như muốn tan rã ra. Khìn khuỵu ngã xuống bên gốc cây đa già.

            Có gì đó ươn ướt lạnh rơi vào má. Lại có mùi tanh ngai ngái của máu. Miết ngón tay vào chỗ ướt đưa lên nhìn kỹ. Đỏ loét.

            Máu.

            Khìn chồm dậy ngước nhìn lên. Thấy một người nằm bất động trong tư thế hơi ngả. Cái dáng và mái tóc quen quen. Anh Trung, đúng là anh Trung rồi. Bằng tất cả chút sức lực còn lại, Khìn leo lên thoăn thoắt như như con mèo rừng.

            Khó khăn lắm Khìn mới cõng được Trung lên lưng và từ từ tụt xuống. Trung đã yếu lắm, nằm mê man, hi hóp thở. Vết thương bên ngực, mảnh bom vẫn ghim sâu, máu đông lại thâm đen, chỉ thỉnh thoảng rỉ ứa ra một giọt đỏ hồng.

            Chặt một loong nứa lấy nước đổ vào mồm Trung rồi lay gọi mãi Trung mới ú ớ mở mắt. Đôi mắt Trung đã đờ đẫn lắm, nhìn như có vệt sương phủ lên. Mấp máy đôi môi đã tái nhợt, Trung phều phào:

            - Anh Khìn à. Từ mai tôi không được cùng anh và đồng đội sửa tiếp con đường nữa rồi. Không có tôi, anh Khìn phải làm thêm suất của tôi nữa đấy…Tôi chết, anh Khìn chôn tôi lên ngọn đồi cao nhất kia để ngày ngày tôi được thấy mọi người làm việc…khi nào giải phóng, anh Khìn báo cho vợ tôi biết chỗ tôi nằm để đưa tôi về quê…Tôi có người vợ đẹp lắm, cả đứa con tôi chưa thấy mặt nữa, tôi vừa gặp nó, bế nó rồi…nó giống tôi lắm anh Khìn ạ…

            Bàn tay Trung lỏng và lạnh dần đi trong tay Khìn đang run lên vì xúc động, vì đau đớn, xót xa.

            Im lặng…

            Khìn bế thốc Trung lên, chạy như lao về lán. Mọi người ào ra rồi gục xuống bên Trung.

            Khìn đặt Trung nằm lên lớp lá cây mọi người vừa rải xuống.

            - Ke…ét…

            Tiếng con chim xanh kêu một tiếng sắc lạnh. Khìn hoảng hốt chạy ra cây đào rừng sau lán, chỗ Trung treo lồng chim. Khìn bỗng gục xuống. Con chim đang giãy giụa dưới đáy lồng. Khìn lao đến, nhưng không còn kịp nữa. Con chim đã tắc thở, đầu nó vỡ toác, mắt vẫn mở trừng trừng. Trên nan lồng vẫn còn dính mấy sợi lông phất phơ và vệt máu đỏ loe.

*

            Mặt trời đã lên cao mà sương đêm vẫn nhòe nhoẹt như mảnh khăn trắng vắt dài trên núi.

            Dọc con đường và dưới những hố sâu vẫn tiếng đào bới, tiếng hú gọi, tiếng khóc tang thương.

            Trận bom như rắc trấu chiều qua có bao nhiêu người bị vùi sâu trong đất? Chưa đếm hết được.

            Máy bay địch thì vẫn quần thảo ngày đêm. Những loạt bom đủ loại ném xuống con đường 13 và đường 41 ngày càng ác liệt và dày đặc.

            Từ các bản làng gần xa, bà con đem theo gạo, ngô, sắn, lợn, gà… kéo đến  giúp sức ngày một đông.

            Con đường cứ liên tục bị cày xới và liên tục được sửa chữa, hồi sinh…

*

            Run run cầm tấm ảnh đen trắng đã chuyển sang màu ố vàng, ông Khìn cứ nhìn mãi hình người thanh niên trong tấm ảnh. Từ đôi mắt mỏi mòn mờ đục, hai giọt nước rỉ ra sau bao năm kìm nén. Đúng là anh Trung rồi, “Ái nọong hặc sướng” của ta đây mà…

            Người khách bàng hoàng. Bỗng nhiên khách lạ quỳ xuống bên sàn trước mặt ông Khìn nghẹn ngào. Cụ ơi, con là Hiếu, con của bố Trung đây… thế nghĩa là ngôi mộ cụ đang trông coi đúng là mộ của bố con, phải không cụ…

            Ông Khìn rưng rưng gật đầu. Cái gật đầu của bao nhiêu năm đợi chờ, khắc khoải.

*

            Hiếu rìu ông Khìn đi lên núi Pooc Bàn. Cây đào già bên mộ ông Trung nở đỏ rực hoa. Mỗi cơn gió nhẹ lướt qua, những cánh hoa đào buông rơi phủ kín lên mộ. Đứng từ xa nhìn lại, ngôi mộ khum khum nổi lên giữa đỉnh đồi đỏ rực như một trái tim lớn. Một trái tim được kết bằng ngàn vạn cánh hoa đào.

            Có tiếng chim hót đâu đây, vang và sắc khiến không gian yên tĩnh như bị phá vỡ. Từ trên ngọn cây đào, một con chim xanh biếc có cái cổ đỏ rực như một vành lửa cháy xà xuống ngôi mộ. Con chim ngó nghiêng một lúc rồi bay vút vào cánh rừng thông trước mặt.

            Hiếu ào đến, quỳ gục xuống bên ngôi mộ, nghẹn ngào. Bố ơi, cuối cùng con đã tìm được bố rồi…mẹ vẫn đợi…

            Ông Khìn cứ đứng ngẩn ngơ nhìn ngôi mộ đỏ rực những cánh hoa đào, muốn nói với “Hặc sướng” thật nhiều, thật lâu. Mà chẳng nói được gì…

                                                                                                                

Nguồn Văn nghệ số 30/2019


Có thể bạn quan tâm