April 19, 2024, 6:18 pm

Trai tài

Giữa chiều hôm ấy. Nắng bốn mươi độ.

Hưng - người trong ngõ Ghen làm một chai “nước mắt quê hương” xong, bỗng dưng phát cuồng. Y vác cả hai cây đàn ghita và măngđôlin, giắt túi sau cây sáo trúc nữa, ngất ngưởng đi ra ngoài phố. Ngồi luôn giữa đường, đàn sáo vang lừng. Thỉnh thoảng y đứng dậy múa may quay cuồng một hồi.

Đường nhựa nóng quá, y vào nhà rửa xe bên cạnh làm xô nước ra giội cả người và đàn. Y bảo, tắm đàn! Người xe đi trên phố dạt hết ra. Không ai muốn dây dưa vào cái tên say rượu làm gì. Dân làng dân phố càng không muốn dây. Họ mặc kệ. Họ quá hiểu khi người ta say rượu thì nó như thế nào.

Nhưng có một cái xe không tránh.

Ấy là cái xe “hổ vồ” chở cát từ bãi sông về khu đô thị mới đang san lấp. Cái xe vận tải nặng nhập từ Tàu chạy hùng hổ như con thú hoang, vừa chạy vừa còi hơi inh óc. Ngồi trên buồng lái là một thằng trẻ, vừa làm nửa can bia hơi giải nhiệt. Nóng. Nó rú ga, rú còi. Chẳng ai chịu nổi cái tiếng rợn người của bánh lốp xe tải nặng ăn ràn rạt xuống đường nhựa, nghe như tiếng thần chết đang nhạt mồm chép miệng thèm và tiếng còi như chọc thủng màng tai kia. Người đi đường vội dạt vào lề. Tránh. Tránh voi chả xấu mặt nào.

Nhưng Hưng thì không tránh, y đang phê với một bài đàn hùng tráng, “em ơi vút lên một tiếng đàn...”. Cái xe “hổ vồ” hầm hập nhào tới. Thằng tài trẻ nghĩ chả đứa nào dám đùa với thần chết. Khi cái đầu đầy hơi bia của nó nghĩ được là mình nhầm thì đã muộn. Nó nghiến răng đạp phanh. Không kịp. Tiếng xương thịt bị nghiến nát. Tiếng phanh xe chà sát xuống mặt đường. Tiếng rú hãi hùng bất lực của những người vô tình phải chứng kiến. Và tiếng vọng cuối cùng của hai cây đàn, phừng lên ai oán khi bị bánh xe chèn tan tành.

Tất cả những thanh âm ấy hòa vào nhau, thành ra một bản bi ca thống thiết tưởng như để tiễn Hưng về miền vô định ngay tức khắc lúc ấy. Nhưng không. Những giây cuối cùng bản năng bảo tồn cuộc sống đã khiến cho Hưng trong cơn lơ mơ say vẫn kịp xoài người về phía hè phố. Cái bánh xe ác nghiệt chỉ nghiến trọn hai chân. Người hàng phố nháo nhào xô ra kêu gọi inh ỏi, băng bó, lấy xe đưa Hưng đi cấp cứu. Hưng được đưa đến Bệnh viện Việt Đức cứu thoát khỏi lưỡi hái của tử thần, nhưng bị cắt mất một phần ba đùi. Hưng chuyển hỗn danh từ “Hưng say” sang “Hưng cụt” từ hôm ấy...

truyen du thi: trai tai hinh anh 1

Minh họa của họa sĩ Trịnh Tú

*      *       *

Hồi bé “Hưng cụt” học rất giỏi.

Hắn học giỏi đều các môn. Sau này lớn lên một chút, bố mẹ hắn bảo, tập trung học mấy môn toán, lý, hóa thi đại học thôi, còn mấy môn văn, sử, xã hội bỏ qua đi. Nhất là văn thơ, đừng có lai vãng. Mày có thấy gương ông Hoàng Cầm bên ngõ Vinh không? Văn chương thơ phú vơ vẩn thế nào mà rồi thân tù tội quản thúc. Tránh xa nghe. Cứ toán, lý, hóa mà học, tính nhanh ra tiền. Văn chương thơ phú chỉ có chữ, mà chữ thì no bụng được à? Hưng vâng lời cha mẹ. Bởi hắn vốn rất ngoan, từ bé lúc đi mẫu giáo cho đến đi học các cấp, cuối năm nào chả được danh hiệu cháu ngoan...

Nhưng có một cái thì bố mẹ Hưng không bảo được. Ấy là cái thói mê đàn ca sáo thổi. Hay nói một cách chữ nghĩa bóng bẩy, gọi là yêu âm nhạc. Cái này thì hình như nó chảy sẵn trong máu đàn ông cả ngõ Ghen rồi, chả cứ Hưng. Đến bố Hưng, ông Hưng cũng mê mải lên đồng chầu văn suốt đấy thôi. Hưng thì còn hơn cha ông nhiều. Hơn rất nhiều. Là do dịp Hưng độ hơn mười tuổi gì đấy, Mạnh Hoạt, tay giai lơ nổi tiếng hàng huyện bỗng dưng về nhà trong ngõ Ghen nghỉ ngơi. Mạnh Hoạt ở nhà, cả ngõ suốt ngày rộn ràng tiếng đàn ca hát xướng. Véo von. Hưng mò sang bên nhà Mạnh Hoạt chơi, nghe hát. Mạnh Hoạt nhìn thấy thằng cu hàng xóm sáng sủa lanh lợi lại chăm chú mê mẩn nghe mình đàn hát, khoái chí. Bảo: “Mày có thích thì tao truyền cho vài ngón?”. Tất nhiên là Hưng thích mê. Nhưng thực sự là Mạnh Hoạt cũng chỉ dạy cho Hưng vài bài cơ bản thôi. Bởi Mạnh Hoạt vốn là một tay “giang hồ du đãng, cà lơ thất thểu” - lời các bà lớn tuổi trong ngõ nói vậy. Hắn không ở yên đâu được lâu bao giờ. Ở nhà được dăm bữa nửa tháng gì đó rồi Mạnh Hoạt lại phiêu du mất tăm tích luôn. Mấy bà mấy chị trẻ hơn thì nói là, hắn lại theo gái. Mạnh Hoạt là tay mê gái nhất mực của làng Ngọc. Hắn nói đời chỉ có cái ấy là hay nhất. Khi Hưng hỏi “cái ấy” là gì? Hắn giơ bàn tay trái lên, vòng ngón tay giữa chạm vào đầu ngón trỏ, cong thành cái lỗ thuôn thuôn, meo méo... Hắn lấy ngón tay trỏ bên bàn tay phải chọc vào đó, rút ra rút vào vài lần. Rồi nháy mắt với Hưng nói chỉ độc một câu: “Bướm!”.

 

Mạnh Hoạt đi rồi nhưng Hưng ở nhà càng mê mẩn âm nhạc hơn. Ngoài những giờ học, Hưng hay la cà vào các nhà trong xóm, tới các chỗ mà họ hay tụ tập đàn hát chơi bời học lỏm. Thực sự đúng là Hưng có năng khiếu âm nhạc. Chả cần chỉ dạy nhiều, chỉ cần nhìn người ta chơi là Hưng có thể chơi theo. Và Hưng hát rất hay. Hát được nhiều làn điệu, từ tuồng, chèo, cải lương, quan họ cho đến nhạc mới... thậm chí sau này Hưng còn hát chầu văn trong cả các buổi lên đồng khắp vùng. Vừa đàn vừa hát. Ấy là chuyện sau này. Còn bấy giờ Hưng giấu biệt bố mẹ chuyện đàn hát. Hưng phải học, phải thi được vào đại học. Và bố mẹ muốn Hưng đi học xây dựng...

Hưng thi đỗ Đại học Xây dựng là một tiếng sét giữa trời quang.

Bởi, cái thời Hưng thi đại học thì số người lọt qua cổng các trường đại học nước mình ít lắm. Cả một trường phổ thông nơi Hưng theo học, tốt nghiệp cấp ba mấy trăm đứa, thế nhưng năm nào được độ chục đứa vào đại học đã là một sự kiện vẻ vang. Đề thi rất xương. Coi thi chặt chẽ khó khăn. Khó khăn đến nỗi có tay thí sinh đi thi còn cảm khái viết thành thơ: “Giám thị nhìn em giám thị cười/Em nhìn giám thị nước mắt rơi/ Cổng trường đại học cao vời vợi/ Mười đứa leo thì chín đứa rơi...”. Còn làng Ngọc - nơi gia đình Hưng sinh sống vốn là một làng văn hiến, xưa nay có nhiều người đỗ đạt, học hành giỏi giang. Thế nhưng nhà Hưng, rồi cả dòng họ nhà Hưng truyền đời ở trong ngõ Ghen, chả thấy các cụ nói lại là có ai thi cử đỗ đạt bao giờ. Chỉ quanh quẩn với chợ búa, ruộng vườn hay nghề phụ gì đó mà thôi. Nên khi Hưng đỗ vào một trường đại học là danh giá lắm. Tiếng tăm rền vang khắp làng trên xóm dưới. Nhưng do hồi đó chưa có internet, và nhất là chưa có facebook như bây giờ nên mọi người cũng ồn ào, xôn xao vài hôm rồi thôi, ai cũng còn phải đi kiếm ăn. Hưng đi nhập trường.

Ra Hà Nội học, với Hưng, thật như nắng hạn gặp mưa rào.

Ở nhà thì còn bị kèm cặp giám sát bởi bố mẹ. Lắm lúc phát bực. Đi sống đời sinh viên tự do hết thảy. Tự đi ăn. Tự đi học. Tự tắm rửa giặt giũ. Thích thì làm chả ai giục. Không thích, nằm cả hai ngày liền cũng chả ai bảo gì. Hưng cảm thấy khoan khoái. Thật là tự do sướng nhất trên đời. Đời sinh viên tuy có hơi đói tí nhưng vì nhà con một nên bố mẹ khá chiều. Vẫn xoay xở bòn mót các thứ đủ cung phụng một cuộc sống cũng tàm tạm cho quý tử ngoài Thủ đô. Có đôi lúc bố Hưng hục hặc. Nhưng mẹ Hưng át đi, bảo: “Sống ngoài đó tốn lắm, ông thông cảm cho con đi. Để nó chuyên tâm học hành thành tài sau này nó báo hiếu cho”.

Thế nhưng tài nào thì chả biết, nhưng mấy môn uống rượu, đánh bài, cúp cua, tán gái là Hưng nhanh chóng thành thần. Kể ra thì môn tán gái không tính, vì Hưng khá đẹp giai, đàn ngọt, hát hay nói dẻo như kẹo nên chưa ngỏ lời có khi gái nó đã đổ vào lòng đánh uỵch rồi. Mấy cái môn kia gọi là vui vẻ trẻ trung men say cuộc đời. Làm đời sinh viên mà không biết thì còn gì là đời nữa? Nhưng những môn ấy nó lại tương kỵ với chữ, với giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm... Nên Hưng “tăng ca” liên tục. Tăng ca nhiều, đến một lúc nhà trường ngán ngẩm không chịu nổi, tống cho cái giấy đuổi học. Xong đời sinh viên của Hưng. Nhưng cũng là đã sáu, bảy năm trời trôi qua chứ ít gì...

Thất thểu khoác cái balô rách ra quán nước chè chén ở lề đường Giải Phóng ngồi, Hưng không biết đi đâu về đâu. Về nhà ư? Hưng lắc lắc cái đầu như muốn xua đi hình ảnh bà mẹ nông dân lam lũ và ông bố tính nóng như lửa kia. Làm sao mà họ có thể chịu đựng nổi cái tin quý tử của họ, niềm hy vọng của họ, tình yêu của họ, lẽ sống của cuộc đời họ giờ đây thất bại trở về? Không. Làng xóm quê hương với ai đó là chốn đi về, là nơi khi con người ta thất bại cùng kiệt, thương tổn tan tành với cuộc đời có thể về nương náu, như con thú bị thương lặng lẽ tìm về hang ổ của mình để liếm láp vết thương và chiêm nghiệm nỗi đời cay cực, để tìm một chốn yên bình tự chữa lành vết thương cho mình. Không. Ít nhất thì cho đến lúc ấy, làng Ngọc nhất quyết không phải là nơi Hưng có thể trở về. Nhưng đi đâu thì Hưng chưa nghĩ ra.

Hồi ấy Hà Nội chưa phổ biến quán cà phê như bây giờ. Sinh viên lê la ngồi đồng ở các quán nước chè xung quanh trường cả buổi là thường. Vài điếu thuốc lá, chén trà nóng, vài cái kẹo lạc... là hết buổi. Nhiều thằng như nghiện ngồi ở đó, mỗi ngày không ra lê la một lúc là như lên cơn vật, không chịu được. Cứ phải ra ngồi lê chuyện gẫu, ngắm phố phường... Đến nỗi một tay nhà thơ sinh viên nào đó đã từng viết: “Quán cóc liêu xiêu một câu thơ...”. Họ còn làm được cả thơ ở quán kia đấy! Nhưng Hưng lúc này chả còn tâm trạng ngắm phố hay làm thơ. Gọi một chén trà, một điếu thuốc rẻ tiền, Hưng rít một hơi hõm má rồi từ từ nhả khói ra. Mắt lơ đãng nhìn theo khói thuốc bay ngoằn ngoèo, Hưng như đang cố tìm xem chất nicotin trong làn khói xanh kia có giải pháp gì cho cuộc đời mình không.

Không thể về làng được, Hưng thầm nhẩm lại lần nữa trong đầu. Bố mẹ Hưng sẽ phát điên lên mất. Bao năm “ăn học” ngoài Thủ đô, Hưng đã phá tan một gia sản mà cả đời bố mẹ y mới tích cóp được. Cái gia sản nhà quê ấy chả đáng gì so với thiên hạ, nhưng với bố mẹ y - những người nông dân chân chất, nó là mồ hôi công sức, là ăn dè hà tiện của gần như cả cuộc đời. Và họ đã không mấy ngại ngùng tính toán mà đổ vào cái sự nghiệp học hành của y. Họ biết đâu rằng... Đến lúc này, “bật bãi” rồi, Hưng ngồi như tự kiểm điểm quãng đời đã qua, thấy rùng mình sợ hãi. Tự mình cũng thấy kinh sợ mình. Nhưng hình như mọi sự ở đời đều vậy, phàm khi tỉnh ra thì đã muộn. Khi trong các cuộc vui triền miên nào Hưng có nghĩ được gì đâu. Đến giờ phút này, “biết dại thì dái không còn!”. Ông bố nông dân của Hưng vẫn hay nói thế...

- Hưng! Đi đâu mà balô khăn gói quả mướp ngồi đây thế này? Một giọng trai quen quen và một cái đập tay mạnh mẽ khiến Hưng dứt ra khỏi dòng suy nghĩ triền miên...

- À. Quý... Tao đang đéo biết đi đâu! Hẵng ngồi tạm đây.

Quý là thằng bạn cùng lớp từ năm thứ nhất. Quê nó mãi một tỉnh miền Trung. Nó chỉ biết mỗi việc học ở trường, không học đủ mọi môn ngoài đời như Hưng nên trong khi Hưng “tăng ca” thì nó cứ đều đặn mỗi năm một lớp, học trình nào cày trả đủ trình ấy nên đã cầm bằng kỹ sư xây dựng ra trường hai năm trước rồi. Ngồi nói chuyện một lúc với Quý, biết nó đang là kỹ sư giám sát thi công cho một công ty xây dựng nhà ở lớn của Hà Nội, Hưng bảo: “Mày bố trí cho tao việc gì làm kiếm cơm. Tao bị đuổi học rồi đéo về được nhà đâu!”. “Mày không có bằng thì làm việc gì được? Đi xây được không?”

Thế là Hưng thành thợ xây.

 

Với một thằng trai trẻ đã có tới bảy năm lê la trong trường xây dựng thì việc cầm con dao xây, cái bay, cái thước đặt gạch tô tường là chuyện nhỏ. Nhưng những bài thực hành trong trường dẫu sao cũng chỉ là trò cưỡi ngựa xem hoa. Đến lúc do hoàn cảnh đưa đẩy phải đi kiếm ăn, Hưng mới thấm hết cái khốn nạn của nghiệp cần lao. Nắng hè rát bỏng, gió bắc lạnh rụng tai vẫn phải trầy trầy đứng giữa trời mà làm. Không làm thì không có lương, không có cái nhét vào mồm. Với một thằng cựu sinh viên, nghệ sĩ nửa mùa như Hưng thì việc lao động chân tay này là vô cùng cực nhọc. Cực hình. Thế nhưng, Hưng không còn đường lùi. Hắn nghiến răng mà làm. Rồi dần cũng quen. Tuổi trẻ thật diệu kỳ, cơ thể trẻ trung của Hưng cũng chả cần nhiều thời gian lắm để thích ứng với những công việc nặng nhọc. Đến một lúc Hưng cảm thấy cái việc cầm dao chặt gạch xây nhà cũng chả có gì ghê gớm.

Hà Nội đang trong cơn sốt xây dựng nên nhiều việc. Hưng cứ lang bang suốt các công trình chả mấy khi về đến quê nhà, làng Ngọc. Cuộc đời công nhân xây dựng cũng có những niềm vui của nó. Hoặc là họ phải tự tạo ra niềm vui cho cuộc sống của mình. Hết giờ làm việc tắm rửa xong, là bù khú với nhau trong những căn nhà công trường. Là lại rượu bia, bài bạc, trà lá... say sưa rồi lăn ra ngủ. Sáng hôm sau dậy cho một ngày lao động tiếp. Thời kỳ đó Hưng chả nghĩ gì. Chả muốn đi đâu. Hưng cũng quên ráo cả mấy món đàn ca văn nghệ...

Nhưng có một thứ thì Hưng không quên được.

Ấy là bản năng đàn ông. Hưng biết mùi xác thịt đàn bà từ học kỳ đầu năm thứ nhất. Từ một nàng gái bán hoa rẻ tiền, những buổi tối vẫn lảng vảng trên đường Giải Phóng, quãng gần ga Giáp Bát. Bốn thằng sinh viên trai tân sau một chầu rượu ốc ngất ngây trên vỉa hè bèn bàn nhau góp tiền rủ cô nàng về phòng trọ. Phải hôm mùa đông mưa rét đang ế, thế là sau vài chén rượu làm quen cô nàng đồng ý, còn “khuyến mại”, bốn thằng nhưng chỉ tính là hai “cuốc”. Bốn chú trai tơ và một cô điếm. Một hình ảnh nghe qua rất gợi nếu có nhạc sĩ tài năng nhớn nào đó biết có thể viết được thành một vở nhạc kịch chứ chẳng chơi! Thế nhưng thực tế cuộc đời thì không hay ho như ta tưởng. Thậm chí có thể gọi là ê chề nữa kia. Bởi hai thằng lần đầu tiên trong đời mới được nhìn thấy phụ nữ khỏa thân, nên hỏng. Khi cô nàng tụt quần nằm ngửa lên giường, cái bộ phận giới tính đàn bà thần thánh nhất trắng lóa, đen xoăn nhấp nhô vun cao... Hai tên trai tơ kia chưa kịp hành sự gì đã tung tóe, coi như bị loại khỏi vòng chiến đấu. Tên thứ ba khá hơn chút, được năm phút là rống lên như bò, lăn uỵch xuống đất. Đến lượt Hưng, khá hơn cả. Là do hồi choai choai đi học đàn bên nhà Mạnh Hoạt, Hưng đã được y dạy cho cả cách thủ dâm. Y từng bảo: “Chơi gái là phải xứng đáng mới chơi. Còn không thì cứ vào nhà tắm mà tự xử còn sướng hơn!”. Hưng thường xuyên tự sướng nên thần kinh vững. Hắn “thi đấu” được hẳn mười lăm phút, đủ để cô nàng kia rên rỉ ngợi khen... Chính vì thế nên lúc thanh toán kinh phí bữa rượu gái đêm hôm ấy, bọn kia đồng thanh bắt Hưng trả nửa số tiền, bọn nó nói vì y sướng nhất nên xứng đáng chịu một nửa chi phí. Hưng nhìn vẻ mặt của hai thằng bạn chưa vào được đồn địch đã “hy sinh ngoài biên ải”, thương hại, bằng lòng. Mà cô ả gái bán hoa tinh quái, lúc nãy trước khi về còn thò tay xuống háng hai thằng bóp nhẹ và bảo: “Hai con chim này háu ăn quá nên mới thế, lúc nào bình tĩnh gọi em lại khuyến mãi cho nhé!”. Hai tên sinh viên trẻ không nói được gì, mặt đần như ngỗng. Thật là một sự khốn khổ.

Hưng lúc này cũng đang khốn khổ.

Đã gần năm nay kể từ khi đi làm công nhân, Hưng không có gái. Như đã kể, sau cái vụ vào đời với cô gái bán hoa, Hưng bắt đầu những cuộc chinh chiến chơi gái của mình. Nhưng khốn kiếp cho Hưng là hắn không yêu đương chung thủy với một nàng nào. Hắn chỉ chinh phục con gái để thỏa mãn bản năng. Hắn chưa nghĩ đến việc “yêu đương đứng đắn” gắn kết lâu dài. Mà đời thì còn dài, gái thì còn nhiều, toàn gái xinh. Hưởng thụ đã, tội gì! Lúc đó thì hắn tự hào về mình. Sau này lúc ngã ngựa rồi, thấy bên mình chả có một người con gái, một người đàn bà nào thì hắn mới thấy thực ra lúc đó có khi hắn cũng chả phải là chinh phục họ. Mà hắn rốt cuộc cũng là cái đồ chơi, cái trò giải trí của mấy cô nàng lẳng lơ kia mà thôi. Thật sự Hưng chưa từng yêu và được yêu. Hắn chợt nhận ra thế. Cay đắng. Thế nhưng cái phần đàn ông trong Hưng sau bao ngày vất vả khốn nạn khổ ải tưởng như ngủ quên rồi thì sau một chầu bia cỏ lúc chiều tối nay lại bốc lên phừng phừng. Hưng thấy bức bối dù lúc ấy thời tiết đã là cuối thu. Hắn biết mình cần phải làm gì. Hưng đi ra nhà tắm. Cái nhà tắm tạm bợ ở công trường nhưng cũng có hai gian chia đôi cho nam nữ cẩn thận. Quây và ngăn cách bằng các tấm tôn. Đúng lúc Hưng đi ra nhà tắm thì Mến - một cô công nhân trẻ cũng cắp thau đi tắm. Họ chạm nhau ở cửa. Mến liếc nhanh Hưng một cái rồi chẳng nói chẳng rằng, chui tọt vào nhà tắm trước.

Mến là một cô gái trẻ từ một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ về Hà Nội làm công nhân.

Cô theo người anh họ vốn như là một tay cai đầu dài của các tốp thợ đi làm thuê, kiểu như “bê phẩy” cho khắp các công trường. Chủ yếu cô nấu cơm chợ búa cho thợ. Ngoài ra, lúc rỗi việc cô còn chuyển gạch đánh vữa. Mến khá xinh, nước da nâu hồng, người chắc lẳn khỏe mạnh. Vào trong nhà tắm, đứng giội nước và mân mê kỳ cọ, Hưng nghe bên kia tiếng Mến cũng đang giội nước ào ào. Bỗng hắn nhắm mắt hình dung ra thân thể con gái đương thì căng tròn của Mến. Bản năng đàn ông càng bùng phát tợn. Thôi thúc. Hắn liều lĩnh gọi vọng sang: “Có cần người kỳ lưng giúp không để anh sang?”. “Sang đây...” kèm theo tiếng cười khúc khích...

Tiếng cười của Mến như là một thứ doping kích thích cao độ. Như khiêu khích. Như thách thức. Mời gọi. Cả người Hưng nóng bừng lên. Rừng rực. Như có một luồng lửa bốc từ thân dưới lên làm cho đầu mờ đi. Hưng không còn nghĩ được gì nữa. Hắn vạch tấm tôn buộc tạm bợ ngăn che hai phòng tắm luồn sang. Hưng ôm chầm lấy thân thể mát rượi của Mến. Cuống quýt hôn hít, xoa nắn vầy vò khám phá. Dường như Mến cũng đang chờ đợi những điều đó, hưởng ứng hắn ngay tức khắc. Hai thân thể trai gái trẻ trung quấn quýt vào nhau nồng nàn trong gian nhà tắm tạm bợ. Hưng hấp tấp muốn đi sâu vào ngay. Mến ngước mắt nhìn Hưng như cầu khẩn van lơn: “Từ từ thôi anh nhé, em chưa... em chưa...  chưa thế này bao giờ...”.

Sau tối ấy, họ chính thức là một cặp.

Hưng cũng không ngờ một cô gái đã lăn lộn mấy năm qua các công trường mà vẫn còn trinh. Còn Mến, cũng đã biết về Hưng qua câu chuyện của mọi người. Và thời gian cùng làm cùng ăn, đã tiếp xúc nói năng với nhau đôi lần nên cũng có cảm tình sẵn. Có một chút gì đó như là tình thương trong vô thức của người thiếu nữ với người trai đang gặp bước đường đời khó khăn. Thế nên họ gắn vào nhau như định mệnh. Gắn chặt như đôi sam ngay tức khắc. Trai chưa vợ, gái chưa chồng nên mọi người xung quanh cũng chả ai bảo gì mà còn vỗ tay hùn vào nhiệt tình. Thế nhưng chỉ tháng đầu tiên gắn bó, Mến đã tắt kinh.

Khi Mến báo tin ấy, Hưng ngồi đực ra một lúc lâu.

Kể từ lần đầu tiên với cô gái bán hoa trên đường Giải Phóng, thì Hưng đã trải qua “tình yêu xác thịt” với khá nhiều cô gái khác. Nhưng toàn là sinh viên. Sinh viên cùng trường có. Sinh viên khác trường có. Thế nhưng dù ngắn hay dài, cũng không có cô nào từng thông báo cho hắn cái tin rùng rợn như thế. Hình như các nàng sinh viên kia đều chả tìm thấy nơi hắn cái gì chắc chắn để mà dựa dẫm tin tưởng. Các nàng cũng như hắn đều chỉ là tranh thủ hưởng thụ quãng đời vui vẻ trẻ trung mà thôi. Mà họ đều đang đi học, còn thuốc tránh thai thì bán đầy nhà thuốc ngoài phố, tội gì mà phải ôm nợ đời sớm cho phí hoài tuổi xuân. Nhưng Mến thì không suy nghĩ tính toán được như các cô sinh viên. Mến còn quá trẻ. Mến rời quê đi làm từ khi xong cấp 2, lúc mười lăm tuổi. Nay mới mười tám. Hưng là tình đầu của Mến. Mến yêu Hưng với tất cả tâm hồn, thể xác của một người con gái mới lớn. Dâng hiến cùng kiệt. Tin tưởng tuyệt đối vào người tình. Thế nên khi thấy Hưng ngồi thuỗn ra hồi lâu mà không nói năng gì, Mến òa khóc nức nở. Tiếng nức nở của Mến kéo Hưng trở về với thực tại. Hắn vội vàng ôm lấy người đàn bà của mình dỗ dành: “Thôi nín đi, để anh tính cách xử trí. Khóc thì được việc gì, làm anh rối thêm”.

Mến càng khóc to hơn!

Cô kết tội hắn bạc ác nhẫn tâm đùa cợt tình yêu. Cô nói đã yêu hắn với tất cả những gì mình có mà hắn lại đối xử thế. Đủ thứ ngôn từ dành cho những kẻ bạc tình được cô thốt ra... Hưng cố tìm mọi cách kiềm giữ cơn xung năng phẫn uất của người tình. Hắn ôm ghì thật chặt. Vuốt ve. Liếm nước mắt trên mặt. Hắn hôn hít, gắn chặt môi mình vào môi Mến không cho cô nói nữa. Rồi như một thói quen, hắn tuột quần cô ra, đi sâu tức khắc vào thân thể đàn bà của cô. Mến thở hắt ra một tiếng, buông lỏng người không quẫy đạp cấu cắn hắn nữa. Cô lại cong người lên vòng tay âu yếm dịu dàng ôm lưng hắn như thường lệ. Họ lại trong nhau êm ái dịu dàng. Và những xung động từ các điểm đầu dây thần kinh tiếp xúc truyền về khiến trong đầu của cả hai đều như có một dòng mật ngọt mát lành lan tỏa ra hóa giải hết những đắng cay ấm ức. Họ lại thầm thì âu yếm với nhau trong niềm hoan lạc...

- Anh định thế nào?

- Thì thế nào nữa? Chửa thì cưới! Có điều anh đang tính xem thông báo cho ông bà già ở nhà thế nào!

Mến cũng chỉ cần Hưng nói vậy. Và từ lúc ấy, cô thấy mình đã sẵn sàng đi theo người con trai này bất kể thế nào. Rúc mặt vào ngực người tình, thè lưỡi nếm những giọt mồ hôi mặn chát. Cô hơi ân hận vì đã vội kết tội bạc cho Hưng. Mến hạnh phúc tột cùng trong đêm ấy, mặc dù họ đang làm tình với nhau trên nền bêtông vừa đổ lúc chiều của tầng thượng một căn nhà xây dở. Cô bỗng thấy những ánh đèn nhấp nháy của phố phường nhà cửa xung quanh thật lung linh. Dường như mọi thứ đều đang hân hoan với niềm hạnh phúc của mình...

Nhưng cũng phải mấy tháng sau, khi Mến đã rõ bụng, đã nặng nề lắm rồi thì Hưng mới mang Mến về nhà ra mắt bố mẹ. Không phải Hưng có ý tìm cách chạy làng. Không. Hưng suy tính xem có cách nào để chỉ hai đứa cưới nhau rồi ở ngoài này. Bởi Hưng vẫn chưa dám nói thật cho gia đình biết là mình bị đuổi học. Thỉnh thoảng đảo qua nhà, Hưng chỉ nói với bố mẹ là hắn ra trường rồi, đang đi tập sự, bận lắm, vất vả lắm...

Hưng suy tính mãi. Nhiều lúc ngồi thừ ra cả tiếng rồi hai tay lại vò đầu bứt tai. Hưng tính mãi vẫn không ra. Hai đứa đi làm thuê, lương đủ tiền cơm tùng tiệm để đủ sức mà làm tiếp. Nếu không rượu chè cờ bạc gái gú gì thì hàng tháng cũng để ra được một ít. Thế nhưng một ít ấy chả có ý nghĩa gì nếu định sinh cơ lập nghiệp ở đất thủ đô đắt đỏ này. Nào là tiền thuê nhà. Tiền điện tiền nước. Tiền ăn uống đi lại. Đủ thứ tiền ở cái đất mà thở cũng phải có tiền này... Lại còn khi sinh con đẻ cái ra nó sẽ kéo theo cơ man nào các nhu cầu tiêu tiền. Rồi trẻ lớn lên phải cho đi học, lúc ấy lại nảy sinh cả một rừng vấn đề: Không có hộ khẩu tại thành phố vì không có nhà, không có việc làm ổn định. Thế là đứa con mình bị đưa vào thành phần “trái tuyến”. Và muốn được học lại phải tiền...

Hưng nghĩ muốn phát điên. Tay cựu sinh viên xây dựng bỗng nhận thấy mình và những người như mình thành ra cái loại công dân hạng hai. Mà không được là hạng hai, là vô hạng, là rác rưởi, là loại thừa thãi cặn bã ở đáy xã hội. Ở ngay chính cái thành phố mà bọn họ đang hàng ngày xây lên. Khốn kiếp! Hưng nghiến răng đấm mạnh tay xuống cái giường sắt công trường. Hưng vùng đứng dậy định đi ra quán làm vài chén rượu xuông cho quên đời. Nhưng sờ vào túi... Nhẵn không! Từ ngày Mến thông báo có thai, làm được đồng nào Hưng phải đưa hết cho Mến cầm. Một đồng cũng không dám giữ lại. Để Mến còn lo ăn uống và cũng phải bồi dưỡng ít nhiều cho cái thai ngày càng lớn. Hưng lại ngồi phịch xuống giường. Tuyệt vọng...

“Còn mỗi nước về quê!”

Khi Hưng tuyệt vọng thốt ra như vậy thì Mến hưởng ứng ngay. Cô bảo: “Đi đâu cũng được, miễn là cùng anh!”

Thế là Hưng và Mến dắt díu nhau lên cái xe khách chạy từ bến Long Biên về quê. Làng Ngọc. Chỉ chưa đầy một tiếng sau họ đã về đến đầu ngõ Ghen. Để cho bố mẹ khỏi đột ngột, mấy hôm trước Hưng đã gọi điện về làng nhờ nhắn cho bố mẹ biết là cuối tuần này hắn sẽ về nhà. Có mang theo “bạn” để ra mắt mọi người.

Nhà Hưng ở mãi cuối ngõ, giáp cánh đồng. Vốn là một thửa đất vườn khá to. Mấy năm ăn học của Hưng ngoài thủ đô đã biến cái cơ ngơi vườn tược cây trái xum xuê truyền từ đời nọ sang đời kia thành ra chỉ còn mỗi căn nhà ngang ba gian lợp ngói mũi, khoảng sân và một cây khế cổ thụ duy nhất. Vừa vào đến sân, chưa kịp chào bố mẹ chồng tương lai, Mến đã không kìm nổi cơn thèm, đưa tay vặt liền vài quả khế chua xanh ngắt đang lúc lỉu trên những cái cành nhỏ la xuống trước thềm nhà, cho ngay vào miệng nhai sồn sột ngon lành. Mẹ Hưng nhìn cảnh ấy chợt hiểu ngay...

Nhưng bố Hưng thì không hiểu.

Cái đầu của một ông nông dân chân chất làm sao hiểu nổi chuyện thằng con trai vốn chăm ngoan học giỏi nhất xóm. Đi ra thủ đô Hà Nội ăn học gần chục năm trời. Bỗng một hôm nó về nhà dắt theo một cô bạn gái bụng đã lùm lùm. Rồi nó nói chuyện cưới xin. Rồi nó bảo là không đi đâu nữa. Rồi nó bảo là quê hương có là chùm khế chua khế ngọt hay cây gì đi nữa thì giờ cũng chỉ còn mỗi cây trước nhà kia, nên phải giữ lấy. Rồi sau khi ngồi uống rượu chán chê, nó lại gọi mời mấy ông họ hàng làng xóm xung quanh sang uống nước giới thiệu mặt mũi vợ, cho mọi người biết nhau, nhận họ hàng anh em trên dưới. Rồi hết rượu nó bảo vợ ra phố gọi mua về thùng bia, nó lại tiếp tục ngồi uống bia như két, chém gió như đài. Và còn nhiều cái rồi nữa. Nhưng ông không nghe nổi. Và ông tự dưng hoa mắt chóng mặt nhức đầu khi nghe Hưng nói với mấy tay hàng xóm: “ĐCM, đời trai tôi tiêu tốn gần mươi năm trời đất kinh thành chả được cái sự nghiệp đéo gì các ông ạ. Bằng cấp không tiền của không. May còn vơ được em mái non mang về làm vợ. Thôi cáo chết ba năm quay đầu về núi, người đi mười xuân trở lại cố hương. Dzô dzô dzô!!!” Mấy tay đàn ông ngõ Ghen gật gù: “Công nhận là mày tài trai, trên răng dưới cát tút mà gái theo rều rễu. Chả mất xu sứt nào cũng cưới được vợ. Tài!”

Nhưng kể từ hôm ấy trở đi, bố Hưng nằm liệt giường không dậy nữa. Cấm khẩu luôn. Đến khi đứa con gái của Hưng thôi nôi thì ông cũng ra đi. Lặng lẽ. Mẹ Hưng cũng chỉ sống thêm được vài năm rồi cũng theo chồng về miền cực lạc. Ngôi nhà nhỏ với cây khế cổ thụ quả sai lúc lỉu cuối ngõ Ghen, chỉ còn vợ chồng Hưng và đứa con gái nhỏ sinh sống.

“Giời sinh voi giời khắc sinh cỏ!”

Ấy là cái chân lý mà người làng Ngọc đã truyền khẩu cho nhau một cách chắc nịch từ ngàn đời nay rồi. Thế nhưng có vẻ là thời buổi bây giờ khác xa xưa, đến cỏ cũng chả có chỗ mà mọc kia. Chuyện thế này...

Làng Ngọc vốn là chỗ đất tốt. Có thể gọi là địa linh cũng không sai: cạnh núi Thiên Thai và dòng sông Đuống, lại có mấy đường quốc lộ kế bên. Từ làng ra đến trung tâm thủ đô là Hồ Gươm không đầy ba mươi cây số đường nhựa, có đi xe bus cũng chỉ hết một giờ là tới nơi. Rất tiện lợi. Thế nên mấy năm nay kinh tế thị trường của nước mình mở ra, các công ty nhà máy đổ xô về mua đất ruộng của làng. Rồi các dự án khu đô thị mọc lên như nấm. Thế là chả mấy chốc dân làng hết ruộng. Ruộng làng thành đường nhựa, thành nhà cửa, thành công xưởng... Dân làng vớ được món tiền đền bù cũng khá, người thì xây nhà gác, nhà thì sắm đồ. Rồi ăn chơi nhảy múa cho bõ công cả đời mới có món tiền to. Và rồi chẳng mấy mà hết. Tiền hết nhanh như một giấc mơ. Tỉnh giấc mơ tiền, dân làng bàng hoàng hỏi nhau, lấy gì mà sống đây? Ruộng lấp cát, đổ bê tông lên hết rồi còn đâu chỗ cho cỏ mọc. Đói quá có muốn vặt nắm cỏ, nắm rau dại ăn cho đỡ xót lòng cũng không còn. Nhưng đói thì đầu gối phải bò, người xưa đã nói vậy. Người làng Ngọc vốn là dân có truyền thống chợ búa buôn bán làm nghề nên họ cũng xoay xỏa nhanh. Người thì đi làm công nhân nhà máy. Trẻ khỏe được học hành tốt hơn thì xin vào làm nhân viên các công ty. Số thì chạy chợ. Số đi làm bảo vệ trông xe, giúp việc gia đình... Nhưng có một số khá đông là đi làm thợ xây, lập hội phường đi nhận xây cất nhà cửa trong vùng. Là bởi các dự án đô thị mở ra nhiều, nhiều nhà cần xây lắm, thợ xây đắt hàng, làm không hết việc. Không hiểu người ta lấy đâu ra nhiều tiền thế mà xây cất rầm rộ, toàn nhà đẹp mọc lên trên cánh đồng làng năm xưa nay đã thành phố phường đường ngang lối dọc khang trang đẹp đẽ.

Hưng về làng, nhanh chóng nhập bọn với một phường xây toàn anh em trong ngõ. Còn vợ được mẹ dẫn ra chợ tạm đầu làng ngồi cái sạp hàng khô, bán vài thứ linh tinh mộc nhĩ nấm hương măng khô hành tỏi húng lìu kiếm thêm đồng rau mắm. Đến lúc mẹ Hưng mất thì Mến cũng đã thạo việc bán buôn, coi như thành nghề rồi.

Ngày Hưng đi làm, tối về ăn cơm cùng vợ con, nhâm nhi đôi chén rượu... cao hứng lại lấy đàn xuống chơi hát cho con nghe. Hưng được cái tính yêu trẻ con. Không phải vì được dạy từ bé trẻ em là tương lai của dân tộc, của đất nước đâu. Bởi những cái lời đó, Hưng chả bao giờ để tâm và thuộc được lời nào. Mà từ trong sâu thẳm của Hưng hình như bản năng làm cha đã có sẵn. Nên khi nghe Mến thông báo có thai là Hưng không dám mảy may nghĩ đến việc phá bỏ. Hắn rùng mình khi nghĩ đến việc người ta dùng kìm kéo sắc lạnh thò vào bụng, lôi một sinh linh đỏ hỏn ra ném vào sọt rác... Ôi. Không. Nếu thế làm sao Hưng có đứa con gái năm tuổi xinh như ngọc nữ ngồi kế bên, tròn xoe đôi mắt đen láy nghe bố đàn hát. Còn Mến, vợ Hưng đang thật sự hạnh phúc. Nhớ lại Mến cũng không hiểu làm sao cái lúc Hưng đùa nhả bên nhà tắm mà cô gái trinh vừa tròn mười tám dám buột miệng nói thách, “sang đây...”. Có lẽ là định mệnh đã xui khiến để họ gắn chặt vào nhau trong một gia đình nhỏ bé ở ngõ Ghen, làng Ngọc. Thôi đời thế cũng gọi là đáng sống. Và ngày tháng cứ êm đềm trôi.

Nhưng có một ngày chả êm đềm tí nào.

Là trưa hôm ấy, cánh thợ của bọn Hưng được chủ nhà chiêu đãi nhân dịp hoàn công. Một ngôi biệt thự bốn tầng lầu, một tầng hầm, mỗi sàn rộng ba trăm mét vuông trên một lô đất gần ngàn mét trong khu đô thị mới. Sân vườn suối nước, bể bơi ngoài trời có một cánh khác chuyên thi công đảm nhận. Xung quanh là hàng rào cánh cổng bằng hợp kim nhôm đúc liền khối. Vàng chóe. Ngoài vỉa hè hai mặt đường là những cây cổ thụ được công ty cây xanh mang về trồng trong có một đêm; đến nỗi sáng hôm sau dân tình đi tập thể dục sớm qua, đã thấy xanh rì, giật mình thon thót dụi mắt mãi tưởng mình còn đang ngủ mơ. Bọn Hưng làm nhưng chưa gặp chủ nhà bao giờ, chỉ làm việc với giám sát công trình. Nghe nói chủ là đại gia vùng này. Ông chủ có vẻ rất vừa ý với chất lượng công trình nên làm tiệc đãi thợ hoành tráng. Ông cũng ngồi uống cùng thợ. Bữa tiệc ê hề rượu bia, thức ăn ngon. Các cánh thợ thầm khen ông chủ sòng phẳng và chơi đẹp. Đến giữa buổi tiệc khi đã ngà ngà, ông chủ đứng dậy, cầm ly, rời bàn mình đến từng bàn thợ chạm cốc chúc sức khỏe và nói lời cảm ơn. Đến bàn Hưng ngồi...

    - Ô...!

    - A...!

Thì ra họ là bạn học thời phổ thông.

Khánh chủ nhà, trước học cấp 3 trường huyện cùng lớp với Hưng. Người ở xã bên. Khánh học dốt, chật vật mãi mới tốt nghiệp. Thi chả đỗ trường nào, sơ cấp trung cấp cũng chẳng bén mảng tới được cổng trường chứ nói chi đại học. Khánh ở nhà mới đầu lang thang buôn bán kiểu “bò béo bò gầy”, mua chỗ nọ bán chỗ kia, chỉ trỏ linh tinh, ăn chênh lệch. Thế mà rồi Khánh phất lên lúc nào không biết. Lên vù vù. Giàu nhanh hơn trúng lô đề.

Bạn cũ. Nên sau bữa rượu Khánh mời Hưng lên phòng riêng uống nước. Tâm sự. Khỏi phải tả về mức độ xa hoa của những đồ đạc đắt tiền mà Khánh vừa cho đưa về ngôi nhà. Hưng thực sự choáng váng. Và Hưng còn choáng váng hơn khi trong cơn phấn khích của rượu bia và thói thường của con người, thấy mình thành công vẻ vang hơn bạn cũ, cần phải thể hiện cái oai, Khánh kể hết. Về quãng đời đã qua và cả vì sao Khánh lại một bước lên ông, thành đại gia đất này. Ngày xưa Hưng là đỉnh cao vời vợi của cái sự học; nhưng sau bao năm ra đời, nay Khánh mới là đỉnh cao vời vợi mà Hưng vĩnh viễn không bao giờ với tới được. Khánh nói:

-  “Đời đúng là có số ông ạ.”

- “Ừ. Đến giày dép còn có số nữa là con người...”

Hưng chỉ biết đế theo gượng gạo khi ngồi cả buổi chiều nghe Khánh huênh hoang về mình. Ra khỏi ngôi biệt thự lộng lẫy khi đã xế chiều, Hưng đi về nhà. Trong túi còn có một cái phong bì được Khánh nhét cho lúc đứng dậy. Khánh nói gửi quà cho con bé con. Hưng định từ chối thì Khánh giữ chặt tay Hưng lại, bảo: “Tôi bây giờ thuộc diện hoàn cảnh! Nhà đéo có gì ngoài tiền! Cho con bé mấy đồng mua kẹo thôi mà!”

Về nhà. Thấy vợ đang ôm con ngồi buồn thỉu trên bậc cửa, Hưng ngạc nhiên. Thường thì giờ này vợ con hắn chưa về. Con bé con sau khi tan lớp buổi chiều ở trường tiểu học gần đấy, lũn cũn khoác cái ba lô ra chợ với mẹ. Ngồi đợi khi nào mẹ cất dọn hàng xong thì hai mẹ con mới gồng gánh bế ẵm nhau về nhà. Rồi mới nấu nướng cơm nước bữa tối. Thế nhưng hôm nay...? Hưng chưa kịp hỏi thì Mến đã khóc òa lên nức nở: “Bị thu hết hàng rồi anh ơi...”

Thì ra là dạo này quê Hưng sắp lên đô thị. Lên đô thị là phải văn minh sạch đẹp. Buôn bán là phải vào khu trung tâm thương mại chứ cấm tiệt không cho bán chác vỉa hè lòng đường, đầu làng ngõ phố. Nhếch nhác. Mất trật tự an toàn giao thông. Thế nhưng có ba mớ rau, năm củ giềng, mươi nhánh tỏi, con cua, rổ ốc... thì trung tâm thương mại với siêu thị cái gì? Nên chính quyền cứ cấm, dân cứ ngồi. Nhiều hôm chính quyền đưa trật tự đô thị lên đuổi nhau với người dân, giằng co nhau, cãi nhau như phường tuồng. Đuổi đánh nhau như mèo với chuột. Huy động cả quân dân chính đảng mà dẹp cái chợ tạm đầu làng mãi không xong, hôm nay cáu quá, họ đánh xe ô tô lên, cứ thế xông vào khiêng ráo cả hàng họ quẳng lên xe mang về ủy ban tất. Cái sạp hàng khô nho nhỏ của Mến vợ Hưng chiều này cũng xuống kho ủy ban cả rồi... Hưng lấy cái phong bì trong túi, móc cả tiền công vừa được thanh toán nữa, đưa cho vợ  bảo, hẵng cứ cầm lấy rồi tính. Mến cầm, mở cái phong bì ra. Trời. Một xấp tiền mới tinh bằng cả cái sạp hàng khô của Mến bị thu chiều nay. Cái sạp hàng khô ấy thực ra nó cũng chả đáng bao nhiêu tiền, chỉ năm triệu là cùng. Thế nhưng lại là cái chỗ “buôn thất nghiệp lãi quan viên”. Mua một bán mười là thường. Bây giờ chỗ bán chỗ buôn bị dẹp rồi thì biết tính làm sao đây? Tiền công thợ xây một người sao cho đủ chi tiêu cả nhà ở cái thời đắt đỏ này. Mến cứ ngồi thần ra, hết nhìn cái phong bì lại nhìn chồng. Cô đợi xem Hưng tính toán ra làm sao. Cuộc đời cô kể từ khi trao thân cho Hưng, thì nhất nhất nghe theo mọi tính toán của chồng. Chồng bảo về quê, thì về. Chồng bảo theo mẹ ra chợ buôn bán, thì ra. Bây giờ...

Nhưng Hưng tính mãi chả ra.

Vào chợ mới mua ki ốt để kinh doanh thì không có tiền. Siêu thị thì càng là giấc mơ xa vời. Chả lẽ lại cho vợ đi làm thuê làm mướn hay là phu hồ theo chồng? Thế thì con ai trông, đem treo xà nhà à? Bí bách. Thấy đời mình sao mà bí bách tối tăm không lối thoát. Nhìn ra ngoài đời thì thấy sao giờ nhiều người lắm tiền. Đấy như Khánh, tay bạn học phổ thông xưa. Hồi đi học y có biết chữ nào đâu, luôn phải chép bài của Hưng. Đi thi đại học thì bỏ giấy trắng cả ba môn. Thế mà nay phất lên thành ông chủ giàu nhất vùng, lên xe xuống ngựa, nhà cao cửa rộng. Tiền tiêu không phải nghĩ. Nhân viên sai phái có đến hàng ngàn. Còn Hưng, thì là chân thợ nề chủ nào nó cũng quát được. Quát đúng phải nhịn đã đành. Quát sai cũng phải nhịn không dám cãi. Cãi chủ nó cho ra đứng đường ngay! Chán cái cuộc đời này quá đi thôi!

Chán đời, Hưng lại lấy rượu ra uống. Để cho quên đời đi. Rượu quả là một thứ nước thần mà thượng đế ban cho loài người. Nó làm cho tâm hồn con người ta khi đau đớn được dịu đi, khi bế tắc thì có thể khai mở thăng hoa, bỗng thấy mọi sự trong cuộc đời này hư ảo cả. Chìm trong men say người ta thấy mọi thứ mơ màng như trong mộng. Biển cũng nông, sông cũng hẹp. Đúng là cuộc đời này chả có gì quan trọng. Vậy thì lại uống tiếp. Uống phê phê, Hưng lấy đàn ra gẩy, lấy sáo ra thổi. Và Hưng hát. Hưng hát từ chầu văn tuồng chèo quan họ cho đến nhạc bô lê rô, “Đắp mộ cuộc tình”! Mà lạ, điệu nào Hưng hát cũng hay.

Hồi mới về làng, sau khi ổn định cuộc sống, đến lúc có con, Hưng mới đi sắm lại mấy cây đàn sáo. Hưng muốn đánh đàn và hát cho con nghe. Mến bảo sao ngày xưa ở công trường không thấy anh hát bao giờ nhỉ? Hưng cười nhìn vợ. Mến có biết đâu rằng lúc ấy Hưng vừa khốn khổ khốn nạn vì mê mải đàn ca sáo thổi kèm tửu sắc đến tan cả giấc mơ kỹ sư xây dựng. Nhưng nay thì âm nhạc lại làm cho Hưng quên bớt nỗi đời. Thả hồn mình vào trong điệu đàn tiếng hát, Hưng thấy mình thành một con người khác. Thấy mình được bay lên, bay lên như con chim tung cánh gi

Có thể bạn quan tâm