March 29, 2024, 8:52 pm

Trách nhiệm không thể là trái bóng

Sau những ồn ào về sách giáo khoa, chuyện chiếc điện thoại di động nên được sử dụng thế nào trong trường học tiếp tục gây nhiều tranh cãi. Đỉnh điểm, có 8/64 tỉnh thành đã đưa vấn đề trên ra nghị trường Quốc hội với quan điểm rõ ràng: Bộ Giáo dục & Đào tạo cần làm rõ hơn thông tư 32 (học sinh được sử dụng điện thoại tại trường học nếu được giáo viên cho phép). Qua thực tiễn cho thấy, việc sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin chỉ là định tính, còn hệ lụy mà nó mang lại, có thể định lượng được tương đối rõ ràng. Đó là sự vô cảm trong xã hội, là một thế hệ chỉ biết “cúi đầu” trở thành “nô lệ” của điện thoại một cách vô điều kiện đang hiện hữu, nếu chúng ta không tìm ra liều thuốc đặc trị.

Và cho đến thời điểm hiện tại, thông tư 32 của Bộ Giáo dục & Đào tạo đã vào đến các trường học được gần hết 1 học kỳ (từ tháng 11/2020 đến nay), cũng là chừng đó thời gian dư luận xã hội trở nên bất an hơn bao giờ hết. Bởi gianh giới của việc sử dụng điện thoại thế nào là hợp pháp và không hợp pháp chưa thực sự rõ ràng. Chỉ thấy, đã và đang có sự xa cách, thiếu bền chặt trong mối quan hệ thầy trò, bạn bè trong cùng lớp học, khóa học và trường học. Những hoạt động thể chất, những giờ ra chơi ngắn ngủi giữa các tiết học đã được thay thế bằng điện thoại thông minh. Thế nên, tình trạng học sinh cùng lớp không thuộc hết tên của nhau đã trở thành câu chuyện không mới.

Quan niệm tra cứu thông tin, giải trí qua điện thoại để xả stress, với nhiều người giờ đã trở thành cái cớ để biện minh cho lối sống ích kỷ, thiếu lý tưởng sống, thậm chí có những hành động tiêu cực gây hại đến cộng đồng. Chưa kể, sức ép về kinh tế khi sở hữu điện thoại thông minh và mua đường truyền internet không hề nhỏ đã trở thành gánh nặng của không ít gia đình, cá nhân. Do đó, cần một đánh giá khoa học bằng một thái độ tôn trọng đối với những người đang chịu tác động về các quy định liên quan của ngành giáo dục.

Đã quá “đủ” đề không cần những sáng kiến, hay những đề xuất phi thực tiễn, làm rắc rối hơn cuộc sống vốn đang hối hả trong guồng quay của “cơm áo, gạo tiền” và những thấp thỏm, lo âu về dịch bệnh Covid-19. Đó là mong mỏi của tất thẩy cử tri và người dân cả nước thông qua 2.278 ý kiến, kiến nghị liên quan trực tiếp đến vấn đề quốc kế dân sinh. Vì thế, những “sáng kiến” sẽ trở thành lố bịch khi nó không xuất phát từ thực tiễn cuộc sống và không phục vụ cho số đông người dân. Theo đại biểu Minh Hiền (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên): Mỗi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khi được ban hành ngoài việc luôn cần một triết lý đúng đắn, mang hơi thở cuộc sống, xuất phát từ con người, vì con người, thì cho đến lúc này cần phải tăng thêm sức nặng của kỷ cương phép nước, của kỷ luật quốc gia.

Hẳn là xã hội sẽ tốt hơn khi mỗi quyết sách đưa ra không chỉ được dựa trên triết lý đúng đắn mà còn được kỷ cương của phép nước và kỷ luật của quốc gia làm thước đo. Nhưng có lẽ, chúng ta vẫn còn phải chờ đợi khá lâu, thậm chí là không bao giờ có thể chạm tay vào mô hình xã hội đó. Bởi ngoài kia, trên nghị trường, vẫn còn có những sáng kiến đòi “luật hóa” như: bắt nam giới phải mặc áo dài truyền thống, tặng thưởng cho gia đình sinh con một bề (con gái, nếu cam kết không sinh con thứ ba). Những sáng kiến ấy hoàn toàn không hướng tới số đông người dân, không vì lợi ích quốc gia.

Ai sẽ chịu trách nhiệm khi lớp trẻ đang phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại thông minh. Tương tự, ai sẽ chịu trách nhiệm khi đòi hỏi nam giới phải mặc áo dài truyền thống trong khi với nữ giới, việc mặc áo dài đôi chỗ, đôi khi chưa phải là lựa chọn đúng đắn. Chưa kể, mỗi ngành nghề đều có trang phục được thiết kế riêng, thậm chí khối lực lượng vũ trang, trang phục của họ còn thể hiện mối tương quan với khu vực và thế giới. Nếu yêu cầu mặc áo dài truyền thống được chấp nhận, họ mặc thế nào và sẽ làm nhiệm vụ ra sao khi khoác trên mình trang phục truyền thống. Thiết tưởng, không khó để có thể tìm được câu trả lời. Tương tự, việc sinh con là chuyện riêng của mỗi gia đình, nên sự tồn tại hay không tồn tại phần thưởng dành cho họ hoàn toàn không có ý nghĩa. Việc viện lý do lấy phần thưởng lấp đầy sự mất cân bằng giới tính là việc làm không tưởng, thậm chí trong một chừng mực nhất định còn làm tổn thương đến những gia đình sinh con một bề là con trai, và sâu xa hơn còn ngầm công nhận vẫn tồn tại quan niệm “trọng nam, khinh nữ” trong khi nhiều gia đình, việc sinh con một bề là con gái - với họ là hạnh phúc.

Việt Nam là quốc gia hạnh phúc – đó là công nhận của cộng đồng quốc tế. Thế nên, quá đủ để không cần thêm những quy định thừa. Và khi những thứ đã thừa thì quy luật cuộc sống sẽ đào thải. Song trách nhiệm thì phải được gọi đích danh, bởi nếu cứ xem trách nhiệm là trái bóng, và chuyện xử lý trách nhiệm như một trận đấu bóng như đại biểu từng chia sẻ trên nghị trường thì sẽ còn những quy định thừa mà không thể có hồi kết.

Nguồn Văn nghệ số 16/2021


Có thể bạn quan tâm