April 17, 2024, 4:15 am

Tổng tập Nhật ký thời chiến Việt Nam

 

Vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, một nhóm các nhà văn và cựu chiến binh, đã đề xướng một công việc rất có ý nghĩa: phát động Cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ý tưởng trên đã được các đồng nghiệp và đông đảo bạn đọc gần xa hưởng ứng. Khá nhiều cuốn nhật ký của các cựu chiến binh từng tham gia các chiến trường được phát hiện và xuất bản. Đặc biệt, xuất bản hai cuốn Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc và Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã trở thành một trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu của Việt Nam trong năm 2005, do Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức bình chọn.

Từ đó “Quỹ mãi mãi tuổi 20” ra đời mà thành viên là những nhà văn, nhà thơ cựu chiến binh, những cựu sĩ quan cấp tướng, cấp tá từng có những năm tháng cầm súng ở chiến trường. Khi trò chuyện, họ cùng có chung một quan điểm: “Đôi khi, chính những trang nhật ký, ghi chép sổ tay... tưởng chừng rất đỗi riêng tư, xưa cũ, lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu; chúng có thể gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa của xã hội Việt Nam trong chiến tranh; góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta trở nên có ý nghĩa hơn!”. Ý tưởng làm một bộ sách tư liệu về chiến tranh qua những trang nhật ký đã hình thành như thế. Và đến hôm nay bộ Tổng tập Nhật ký thời chiến Việt Nam gồm 31 cuốn Nhật ký của 31 tác giả đã được ra mắt, dầy tới 4.206 trang, được chia ra 4 tập, với khổ sách 22,5cm x 15,5cm, in bằng giấy cao cấp. Đồ sộ và trang trọng. Những tác giả trong tập sách đều là những người từng có những năm tháng cầm súng chiến đấu ở chiến trường chống Mỹ hoặc cuộc chiến bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế; 2/3 trong số họ đã không còn nữa. Họ đã hy sinh ngoài mặt trận, hoặc bị thương, bị di chứng chiến tranh rồi mất sau khi trở về. Ngoài sổ tay nhật ký (bản chính hoặc bản sao) mà thân nhân của các anh, chị đã trân trọng chuyển cho những người làm sách, còn có cả những di ảnh, di bút của người đã khuất. Có tác giả hiện nay chưa tìm được hài cốt, cho nên khi cung cấp những di vật thiêng liêng, người thân của họ vẫn hy vọng sau khi cuốn sách được phát hành, biết đâu sẽ tìm được phần mộ …

Những tác giả còn sống trở về, có người trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, song cũng có người chỉ là một công dân bình thường như bao nhiêu người lính khác sau chiến tranh. Nhưng khi đứng chung trong một bộ sách họ đều bình đẳng, không có chuyện người chức vụ cao đứng trước, người có chức vụ thấp hay không chức vụ thì đứng sau. Các tác giả làm sách chọn cách sắp xếp theo thứ tự thời gian mà nhật ký được viết. Mở đầu là cuốn nhật ký Gửi lại mai sau của liệt sĩ Nguyễn Minh Sơn với bút danh Nguyễn Hải Trường, sinh năm 1930, hy sinh ở chiến trường miền Nam năm 1967 và kết thúc là nhật ký Tây tiến viễn chinh của Trần Duy Chiến, sinh năm 1957, hy sinh trên chiến trường Cămpuchia năm 1980. Độ dài của các tác phẩm nhật ký có trong bộ sách này cũng không giống nhau: Từ vài chục trang, cho tới vài trăm trang. Nhưng giá trị của mỗi tác phẩm không hẳn đã phụ thuộc vào độ dài hay ngắn, dung lượng số chữ nhiều hay ít mà chính là những gì họ ghi chép và gửi gắm trong đó. Mỗi người một góc nhìn, một suy nghĩ và một cách tiếp cận khác nhau về chiến tranh và mỗi cách tiếp cận và thể hiện đều mang một giá trị riêng.

Vậy là lần đầu tiên, những tác phẩm Nhật ký thời chiến Việt Nam hay nhất, nổi tiếng nhất một thời, đã đứng chung trong một bộ sách. Không chỉ có 2 cuốn nhật ký lừng danh, với hàng triệu bản in đã được phát hành, được dịch ra nhiều thứ tiếng: Mãi mãi tuổi 20 của Nguyễn Văn Thạc và Nhật ký Đặng Thùy Trâm; mà còn có cả những cuốn nhật ký đầy máu lửa chiến trường: Gửi lại mai sau của tác giả Nguyễn Hải Trường (tức liệt sĩ Công an nhân dân Vũ trang Nguyễn Minh Sơn);  những trang nhật ký của các nhà văn - nhà báo đã có tiếng: Nhật ký chiến trường của Dương Thị Xuân Quý, Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong, Nhật ký Vượt Trường Sơn của Phạm Quang Nghị, Những ngày trong vòng vây của Trần Mai Hạnh, bộ ba Nhật ký Bê trọc của Phạm Việt Long, Nhật ký đi B của Triệu Bôn… Bạn đọc còn được tiếp cận những trang viết hiếm hoi mang đầy chất văn hóa tâm linh trong nhật ký Trở về trong giấc mơ của Trần Minh Tiến – Chàng cầu thủ bóng đá đẹp trai, có mối tình đẫm nước mắt với cô diễn viên văn công xung kích xứ xở “Áo lụa Hà Đông” xưa; hoặc nhật ký Tài hoa ra trận đầy chất văn chương lãng mạn của chàng họa sĩ Hoàng Thượng Lân (bạn cùng lứa của hai họa sĩ Thành Chương và Lê Trí Dũng).

Không mang dụng ý trước của những người biên soạn mà ngẫu nhiên bộ sách cũng tập hợp hầu hết đại diện các quân binh chủng: Nếu như Mãi mãi tuổi 20 đại diện cho thế hệ lính sinh viên nhập ngũ đợt 6/9/71 tại chiến trường Quảng Trị, thì nhật ký Gửi lại mai sau của Nguyễn Hải Trường đại diện cho thế hệ những chiến sĩ Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) đầu tiên đi B; nhật ký Trời xanh không biên giới của Đặng Sỹ Ngọc, một người lính của lực lượng Pháo Cao xạ ở chiến trường Khu 4 cũ; nhật ký Bão lửa cầu vồng của Nguyễn Văn Thân thuộc  lực lượng Pháo mặt đất; Nhật ký Hoàng Công Sơn thì đại diện cho binh chủng Đặc công; Nhật ký Đặng Thùy Trâm khiến bạn đọc xúc động, thấu cảm trước những người chiến sĩ quân y ở chiến trường khu năm; nhật ký Tây tiến viễn chinh đại diện cho thế hệ các chiến sĩ làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia thập niên 80…

Dù sự xuất hiện của các tác giả có khác nhau về tuổi tác, trình độ văn hóa, giọng văn và những trang ghi chép khác nhau về chiến trường, thời gian… nhưng những cuốn nhật ký trong bộ sách này đều giống nhau ở một điểm chung: Đó là lời tự sự, tâm sự của những người con đã hiến dâng tuổi thanh xuân, hiến dâng cả cuộc đời mình cho nền hòa bình đất nước. Qua những trang nhật ký ta cũng nhận biết được những lời tâm tình gan ruột của những người anh, người cha, người chồng, người vợ, người con, người thầy, người bạn với những người thân yêu của mình ở hậu phương, có cả những người thoáng gặp trong phút dừng chân trên chặng đường hành quân ra trận, trong khoảnh khắc yên lặng giữa hai trận đánh nhưng ấn tượng về họ thì không thể quên được.

Ta cũng sẽ gặp những dòng nhật ký như những lời thơ ngân vang, trong trẻo, đầy thiết tha ước vọng về một cuộc sống thanh bình, những lời dặn dò giống như những lời di chúc, những lời thề quyết tâm đánh thắng quân xâm lược, những lời hứa bảo toàn danh dự của một quân nhân, những niềm thương yêu cháy bỏng, những nỗi nhớ nhung da diết, khắc khoải, những bồn chồn lo âu, mong đợi… Ta cũng sẽ được biết những tâm sự dịu dàng, đằm thắm yêu thương xen lẫn niềm tự hào trong những trang viết riêng tư, nhưng mang cả tinh thần dân tộc và hơi thở của thời đại.

Qua những trang nhật ký sinh động, cụ thể từng ngày từng tháng của các văn nghệ sĩ, các nhà báo, bạn đọc có thể hình dung ra cuộc sống, chiến đấu vô cùng ác liệt, thiếu thốn ở chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nơi đầy bom đạn, hiểm nguy, sự sống và cái chết cận kề bên nhau và hầu như không có ranh giới. Những trang nhật ký của họ ngoài giá trị như những cuốn nhật ký khác, còn là nguồn tư liệu dồi dào, những nét phác thảo cho những tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản điện ảnh… mà họ sẽ sáng tác sau này.

Cũng qua bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam, người đọc có thể hình dung phần nào cảnh sống, sinh hoạt của những người dân vùng tuyến lửa  khu Bốn  nói riêng và miền Bắc nói chung trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ: hình ảnh chiếc mũ rơm, căn hầm chữ A, hầm ếch, giao thông hào, cái kẻng báo động là trái bom nổ chậm đã tháo ruột, chiếc đèn dầu hỏa “chui vào” ống tre, ống nứa, chui vào hộp gỗ thậm chí “chui vào” cả  ống pháo sáng của Mỹ, bí mật rọi phần sáng còn lại trên trang sách em thơ, lên cối gạo mẹ giã để nuôi quân; hình ảnh Hội Mẹ chiến sỹ tiễn con ra trận, những nữ dân quân cùng góp sức với bộ đội bắn máy bay Mỹ... Bao trùm và xuyên suốt vẫn là tình yêu tổ quốc, tình đồng đội gắn bó, nỗi nhớ mong tha thiết của người lính đối với gia đình, bạn bè, vẫn là ước vọng hòa bình và đoàn tụ...

Cuốn nhật ký nào trong tổng tập cũng đáng đọc, cũng có những điều để trân quý, nhưng có một cuốn mà tôi muốn nói riêng về nó ít dòng, đó là Tây tiến viễn chinh của Trần Duy Chiến, người trẻ nhất trong số 31 tác giả, và nhật ký của anh cũng đứng sau rốt tổng tập. Trần Duy Chiến sinh năm 1957 ở thành phố Đà Nẵng. Khi anh đến tuổi nhập ngũ thì cũng là lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc; anh trở thành người lính của sư đoàn 309 bộ binh, hành quân sang Cămpuchia giúp bạn đánh dẹp chế độ diệt chủng Khơ me đỏ. Sáng ngày 20 tháng 7 năm 1980, trên đường hành quân truy quét địch, tiểu đôi của Chiến không may bị sa vào ổ phục kích. Tiểu đội có 5 người. Người này đi cách người kia 10 mét. Chiến là tiểu đội trưởng nên đi đầu. Một quả mìn gài trên đường phát nổ. Chiến sĩ Nguyễn Văn Chinh, người mà trong nhật ký nhiều lần Chiến nhắc đến, còn sống sót, kể lại: Khi quả mìn phát nổ, Trần Duy Chiến bị trọng thương, bàn chân phải bị xé nát, thân thể găm nhiều vết thương. Trước khi kiệt sức vì mất máu nhiều, Chiến còn gắng nhổm dậy nâng khẩu AK47 nhằm về phía quân địch xả nốt băng đạn rồi mới chịu gục xuống. Khi lực lượng tiếp viện của ta tới nơi thì Chiến đã hy sinh. Chiếc ô tô chở thi hài Chiến và một số liệt sĩ khác về tới Pai-lin lại bị trúng mìn chống tăng. Xe bốc cháy và hư hỏng. Các liệt sĩ trên xe, trong đó có Chiến, bị thiêu cháy, tan xương nát thịt, hy sinh lần thứ hai. Lúc mai táng, đội cứu thương phát hiện trong ba lô của Chiến có cuốn sổ ghi chép, bìa xanh, loang lổ máu toan chôn theo chủ nhân, nhưng một chiến sĩ đã xin giữ lại để làm giấy cuốn thuốc lá hút dần. Nhưng thật may, Nguyễn Văn Chinh đã kịp đến nơi để xin giữ lại cuốn nhật ký. Nếu không giữ lại cuốn nhật ký thì Chiến cũng giống như bao nhiều người lính khác đã chiến đấu và hy sinh, trở về với cát bụi, chẳng có nhiều điều đáng nói. Chỉ khi đọc nhật ký Tây tiến viễn chinh người ta mới nhận ra không những Trần Duy Chiến có một phẩm chất của một anh hùng mà còn có những tố chật của một tài năng văn học. Những lúc ghi nhật ký, tôi không nghĩ Chiến đã có ý thức viết văn, nhưng cái năng khiếu bẩm sinh của anh nó cứ theo ngọn bút trào lên trang giấy một cách tự nhiên. Một giọng văn đa thanh, có khả năng phân tích hiện tượng và tâm lý trong những trạng thái phức tạp, đa chiều. Đọc nhật ký Tây tiến viễn chinh, tôi cứ nghĩ, giá như Trần Duy Chiến còn sống, anh sẽ trở thành một nhà văn không hề xoàng xĩnh.

Hẳn rằng những người lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng có ý nghĩ như tôi nên cuối năm 2019, khi tổng tập nhật ký này chuẩn bị đưa vào nhà in thì Hội đồng nhân dân thành phố đã họp bàn và quyết định lấy tên Trần Duy Chiến để đặt cho một đường phố tại quận Sơn Trà. Đầu năm 2020, biển tên dường Trần Duy Chiến chính thức được dựng lên trên con phố nối từ đường Trương Định đến giáp đường Vương Thừa Vũ, dài 920 mét. Trần Duy Chiến trở thành nhân vật trẻ nhất được đặt tên đường tại thành phố Đà Nẵng.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của internet, máy tính nối mạng và điện thoại thông minh, những trang nhật ký được viết bằng bút mực trên giấy, ngày một hiếm dần đi. Thay vào đó là những dòng ghi chép, suy nghĩ, cảm nhận được viết hằng ngày trên facebook. Chúng có thể được bí mật, riêng tư và cũng có thể được công khai trên các mạng xã hội. Công nghệ số hóa cho phép người ta chỉ cần vài thao tác đơn giản trên máy tính, hoặc điện thoại thông minh là có thể lưu giữ cảm xúc, suy nghĩ, hoặc gửi cho nhau cách xa hàng vạn cây số, không chỉ có nội dung những con chữ, mà còn cả hình ảnh, âm thanh sống động… 

Nhưng có lẽ vì thế, mà những trang nhật ký viết tay, đặc biệt là Nhật ký thời chiến Việt Nam, lại càng có giá trị hơn! Giữa sự im lặng của những con chữ và từ những trang giấy mỏng manh đã cũ kỹ và ố vàng vì thời gian ấy, ta bỗng nhận ra khí phách Việt Nam trong quá khứ hào hùng và cả trách nhiệm với những người đã hy sinh, cống hiến và thời đại chúng ta đang sống! Bộ tổng tập nhật ký này chỉ là sự tiếp nối trong bộ sách tư liệu Những Lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam nhiều tập, mà “Quỹ mãi mãi tuổi 20” đã, đang tiếp tục biên soạn và xuất bản trong thời gian tới.

Nguồn Văn nghệ số 30/2020


Có thể bạn quan tâm