Giữa tháng 8/2023, một triển lãm mỹ thuật đặc biệt do Sotheby’s tổ chức đã diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh mang tên “Mộng Viễn Đông”, giới thiệu gần 60 bức họa của các họa sĩ du hành Pháp về đất nước, con người Việt Nam ở thời điểm 100 năm trước.
Đặc biệt, vì thời gian tổ chức triển lãm rất ngắn, chỉ trong 3 ngày, các bức tranh chủ yếu từ các nguồn sưu tầm tư nhân, phải vô cùng vất vả để tuyển chọn và vận chuyển. Đặc biệt, vì trong ngày đầu tiên của triển lãm đã có tới hơn một ngàn lượt khách ghé thăm. Một điều đặc biệt nữa, theo ông Ace Lê, Giám đốc Điều hành thị trường Việt Nam của Sotheby’s thì: “Đã gần tới mốc 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, và đây là dịp thích hợp để nhìn lại những đóng góp của lứa họa sĩ Pháp tới Đông Dương, không những để lập nên một kinh viện, mà kéo theo đó còn là cả một trường phái nghệ thuật với một di sản đồ sộ. Cuộc du hành nghệ thuật của họ mang trong đó những hoài bão, mơ mộng và quan điểm của mỗi cá nhân và cả tập thể, thể hiện tầm ảnh hưởng của phương Tây lên dòng chảy mỹ thuật Việt Nam, và cả chiều ngược lại.” Qủa vậy, cho đến nay, người ta không thể phủ nhận rằng, các họa sĩ, kiến trúc sư tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương đã lập nên những trang sử vàng Mỹ thuật – Kiến trúc Việt Nam hiện đại và xây dựng nền móng cho nghệ thuật hội họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng, kiến trúc cho cả hai miền đất nước Việt Nam trong thời gian chia cắt (1954-1975).
![]() |
Chân dung họa sĩ Victor Tardieu |
Trong số những bức tranh được trưng bày ở “Mộng Viễn Đông”, đương nhiên không thể thiếu tranh của hoạ sĩ Victor Tardieu (1876-1937). Ông là một trong những trí thức Pháp đóng vai trò quan trọng trong quá trình giao thoa văn hóa Đông Tây của Việt Nam và bán đảo Đông Dương trong nửa đầu thế kỷ 20, là người sáng lập, Hiệu trưởng đầu tiên, cũng là người thu hút một cộng đồng các họa sĩ, nhà kiến trúc và các nhà khoa học ưu tú của nước Pháp tới Hà Nội xây dựng ngôi trường mà danh tiếng không chỉ vang khắp Đông Dương mà còn vang xa cả vùng Á-Âu thời đó.
Victor Tardieu đến Hà Nội năm 1921, bởi trước đó, năm 1920, ông giành được Giải thưởng “Đông Dương về hội họa” trị giá 1.000 F và chuyến tham quan Đông Dương. Chuyến đi này đã thay đổi cuộc đời ông mãi mãi, và cũng tạo nên một trường phái với những di sản đồ sộ của nghệ thuật Việt Nam. “Tôi rất yêu mến người An Nam (Việt Nam). Tôi muốn giúp họ tìm lại diện mạo thực sự của họ” - Ông nói.
Ngày nay, khi nhắc đến Victor Tardieu, những người am hiểu nghệ thuật đều biết rằng, khi đến Việt Nam, ông đã nhận được một hợp đồng vẽ hai bức tranh tường rất lớn, một cho Đại Học Đông Dương (Université Indochinoise) và một cho Thư viện trung ương (Bibliothèque Centrale). Trong 6 năm làm việc miệt mài trên một diện tích rộng 77m2, bằng chất liệu sơn dầu trên toan, Victor Tardieu đã minh họa một cách sinh động khung cảnh xã hội Hà Nội qua cảm nhận của ông. Theo đánh giá của giới chuyên môn cùng thời, bức tranh là sự hoàn hảo của kỹ thuật phương Tây thời đó, nhưng lại thể hiện rõ văn hóa phương Đông.
Tranh của các họa sĩ Pháp thời đó, được trưng bày ở triển lãm “Mộng Viễn Đông” cũng thể hiện rất rõ điều này: Mặc dù là những người phương Tây cấp tiến, mang kỹ thuật của người phương Tây để vẽ sơn dầu trên toan, nhưng thể hiện tinh thần phương Đông rất rõ nét. Rồi, chính tinh thần này lại được truyền cho các họa sĩ thế hệ sau, để rồi ngày nay chúng ta có các tác phẩm mỹ thuật được sáng tác trong giai đoạn đầu tiên đó rất thành công về mặt giá trị trên thị trường đấu giá thế giới. Những danh họa như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Tô Ngọc Vân v.v mà nhiều tác phẩm của họ có giá triệu đô. Từ những kiệt tác này, mỹ thuật Việt Nam được giới thiệu ra thế giới.
Đóng vai trò là một người giảng dạy và hướng dẫn cho các thế hệ sinh viên Victor Tardieu đã không áp đặt bất kì trường phái hay khuynh hướng nghệ thuật nào ở châu Âu mà thay vào đó ông đã truyền cho sinh viên của mình lòng say mê với những kĩ thuật cơ bản của hội họa. Trong đó, ông đặc biệt khuyến khích sử dụng chất liệu sơn dầu - chất liệu hội họa lần đầu các họa sĩ Việt Nam được tiếp cận. Ông cũng giúp học trò nhận ra rằng truyền thống nghệ thuật Việt Nam cần được chú trọng và sử dụng như là điểm khởi đầu cho sự phát triển phù hợp với xu hướng thế giới. Từ đó, chất liệu sơn mài truyền thống của người Việt đã được khai thác, tôn vinh và phát triển một cách triệt để.
Trở lại thời điểm Victor Tardieu và họa sĩ Nam Sơn của Việt Nam thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương. Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh trong bài về Victor Tardieu trên Tạp chí Kiến trúc: “Trong các cuộc tranh luận canh tân xã hội ở Pháp thời đó không thể thiếu vắng các nhà khoa học, các nghệ sĩ, hoạt động văn hóa trẻ tuổi… Nhiều người trong số họ vượt qua những rào cản ngay tại chính quốc đến các lãnh thổ Pháp hải ngoại để thực hành ý tưởng mới. Và, Hà Nội – Việt Nam là điểm đến thích hợp. Không thể kể hết danh sách những nhà khoa học xuất sắc từ khảo cổ, y sinh học, nhân chủng, địa chất, địa lý nhân sinh tới những ngành công kỹ nghệ… đã đến với Việt Nam lúc bấy giờ. Hầu hết các họa sĩ/ kiến trúc sư danh tiếng đã kề vai góp sức cùng Victor Tardieu để tạo dựng Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội, nơi đón thế hệ thanh niên Việt Nam vốn được thừa hưởng văn hóa phương Đông sâu đậm, vừa trải qua phong trào Duy Tân sôi sục, nay lại tiếp nhận văn hóa phương Tây cấp tiến, coi trọng sự sáng tạo và tự biện của sinh viên. Trường đào tạo theo chương trình của Trường Mỹ thuật Quốc gia Paris, đặc biệt khoa Kiến trúc là cơ sở đào tạo kiến trúc sư duy nhất của Pháp tại nước ngoài, các kiến trúc sư tốt nghiệp có quyền hành nghề tại Pháp và Đông Dương. Chương trình đào tạo tổng quát phần Kiến trúc có nội dung đào tạo những sinh viên “có ý thức xã hội”, vượt xa quan điểm cổ hủ phân chia đẳng cấp/ thực dụng “Khai hóa thuộc địa” của chính quyền thực dân đương thời – Đó là nhờ can đảm phi thường của Victor Tardieu đã kiên trì đấu tranh mà có”.
![]() |
Phố cổ Hà Nội - Tranh của Victor Tardieu |
Kiến trúc là một trong những ngành mà trường Mỹ thuật Đông Dương đào tạo. Cũng theo kiến trúc sư Trần Duy Ánh, những sinh viên thế hệ đầu tiên của trường đã tham gia kháng chiến. Trên chiến khu Việt Bắc, các KTS đã tạo dựng những ngôi nhà, phòng hội họp tranh tre nứa lá giản dị mà rất khang trang đậm chất dân tộc. Rồi khi tiếp quản Thủ đô, họ lại bắt tay vào xây dựng những trụ sở các cơ quan, trường Đại học, khu nhà ở tập thể, công viên… khởi tạo nền móng vững chắc của Kiến trúc Việt Nam hiện đại với chi phí tối ưu, vật chất tối giản, tính hữu dụng và chất cảm tối đa. Tại Sài Gòn, các kiến trúc sư Việt Nam thế hệ đầu tiên cũng đã tạo nên một phong cách “Kiến trúc Nhiệt đới” trong các công trình công cộng và nhà ở đặc sắc, ảnh hưởng mạnh mẽ trong tiến trình phát triển Kiến trúc hiện đại, giàu tính bản địa của Kiến trúc Đông Nam Á. Những trí thức Việt Nam giàu lòng yêu nước học tập tại trường Mỹ thuật Đông Dương, được các trí thức phương Tây cấp tiến dẫn dắt cùng với người Hiệu trưởng khả kính, họ đã trở thành “Thế hệ Vàng” của nền Mỹ thuật - Kiến trúc Việt Nam hiện đại.
Người Pháp đến đặt ách đô hộ của họ lên xứ sở Việt Nam, gây chiến tranh, đau thương mất mát cho người Việt, nhưng, theo TS Phạm Long: bên cạnh những trí thức nổi tiếng có công lớn không chỉ với người Việt, mà còn với nền y học thế giới như Yersin, Pasteur..., Victor Tardieu xứng đáng được nhân dân ta tôn vinh danh nhân văn hóa của đất Việt.
Thành Duy
Nguồn Văn nghệ số 37/2023