April 25, 2024, 3:58 pm

Tôi về làm báo Văn nghệ

 

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY BÁO VĂN NGHỆ RA SỐ ĐẦU TIÊN

 

Ở đời nhiều khi lời nguyện cầu mơ ước những ý nghĩ chân thật được đáp đền. Từ một cậu bé vừa bán báo vừa lượm rác Mỹ để kiếm tiền mưu sinh, năm bước vào Đệ thất Trường Trung học Phổ thông mang tên chí sĩ yêu nước Thái Phiên ở một vùng ngoại ô Đà Nẵng, được chọn làm trưởng ban bích báo, tôi đã ghi nguyện vọng mơ ước của mình sau này trở thành nhà văn.  Vậy mà cái duyên cái nghề-nhà báo- lại đến trước 1985, cái nghiệp-nhà văn –lại đến sau hai năm- 1987.

 

Trự sở báo Văn nghệ tại 17 Trần Quốc Toản- Hoàn Kiếm- Hà Nội

Trải qua báo Quân khu 5, có một thời gian làm phóng viên chiến trường Campuchia ở Mặt trận 579 Quân khu 5, rồi phóng viên báo Quân đội nhân dân, nghĩ chuyển sang làm Nhà xuất bản Quân đội nhân dân mình hết duyên với nghề báo, nhưng sau này Nhà xuất bản Quân đội nhân dân có Tạp chí Văn Hóa Quân Sự vậy là cái nghề vẫn còn. Những năm cuối khi chưa nghỉ hưu bên quân đội, tôi được nhà văn đàn anh Khuất Quang Thụy, Tổng biên tập báo Văn Nghệ mời làm trưởng đại diện của báo tại các tỉnh miền Trung Tây Nguyên, cơ quan đóng tại Đà Nẵng. Vậy là cái nghề báo được liên tục 35 năm trong 36 năm 1 tháng ở quân ngũ. Anh Thụy không cho lương, phụ cấp mà cho cơ chế, đặt văn phòng tại nhà riêng 03 Nại Thịnh 5, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Nhà tôi ở khu vực Vũng Thùng, mà cách đây 550 năm Đệ nhất Minh quân Lê Thánh Tông gọi là xứ Đồng Long, nhiều người hiểu là xứ của nhiều con rồng.. Ai hỏi nhà tôi, cơ quan tôi ở đâu, tôi hãnh diện đọc hai câu ca dao ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp xâm lược: Tai nghe tiếng nổ cái đùng. Thằng Rây đã chiếm Vũng Thùng hôm qua.

Cơ quan báo chủ quản ở Hà Nội không bắt tôi làm quảng cáo, chạy phát hành mà động viên tự trang trải, làm thế nào đáp ứng bài vở quan trọng về những sự kiện chính trị, văn hóa, văn nghệ trên địa bàn các tỉnh miền Trung Tây Nguyên. Thú thực với miền Trung Tây Nguyên địa bàn còn khó khăn cách trở, nguồn thu nhập, tài chính của chính quyền, các cơ quan doanh nhân doanh nghiệp chưa thấm tháp chi so với hai đầu tầu của đất nước nên cũng khó vận động. Còn cái tâm và sự năng động chịu khó lăn lộn đi lại đáp ứng bài vở thì không thiếu. Tinh thần làm báo vẫn cứ hừng hực như thời mặc áo lính làm báo, tạp chí Quân khu, Quân đội. Ăn đồng lương hưu quân ngũ với nhiệt tâm nhiệt tình tôi đã rất cố gắng bám nắm địa bàn, viết nhiều bài đăng trên Văn Nghệ online. “Báo mình còn khó khăn nên chưa có nhuận bút anh thông cảm vui vẻ nhé!”. Sau mỗi lần biên tập đăng bài của tôi, trưởng Ban biên tập báo thường động viên như thế. Tôi bụng bảo dạ tự động viên: May quá được ưu ái đăng ngay cho mình là nguồn động viên tinh thần viết lách rồi. Té ra mình về hưu mà được viết báo, được sáng tác văn chương , 3 năm liền dịch Covid-19 hoành hành mà không bị em vi rút cô vy xâm hại, lại có 3 trường ca, trong đó có trường ca “Giữa mùa đại dịch” ra mắt công chúng là vui với đời là lãi to rồi.

Sau này để tăng cường lực lượng cho ra vị thế cơ quan, tôi thuyết phục động viên mãi, nhà báo Trần Ngọc, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí  điện tử Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng (ICTDANANG) thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, nguyên trưởng đại diện báo Tuổi Trẻ ở Đà Nẵng về làm phó cho mình. Hai anh em tả xung hữu đột nắm bắt cập nhật thông tin để phản ảnh kịp thời những sự kiện nóng bỏng quan trọng của thành phố Đà Nẵng cho báo. Trần Ngọc, lăn lộn trong mùa covid-19 để phản ảnh trực diện những điểm thời sự nóng bỏng, được thành phố khen thưởng còn tôi “ đánh bắt xa bờ” để viết những vệt bài về hoạt động văn hóa, văn nghệ, các lễ hội trên địa bàn miền Trung Tây Nguyên, được bạn đọc, đồng nghiệp báo đài và văn chương khen, viết khỏe, viết nhanh, kịp thời và cả hay nữa. Họ nói, sức khỏe tôi già không đều, gừng càng ngày càng cay”. Ờ nhỉ, gừng hay muối gì cũng được miễn là nồng nàn với nghề, mặn mà với nghiệp là tốt rồi. Dốt vi tính, lại chưa có láp tốp sử dụng, tôi dùng điện thoại di động chụp ảnh, lò mò gõ điện thoại viết bài rồi chuyển ngay qua zalo hoặc email cho nữ trưởng Ban biên tập. Rứa là thỏa mãn “bần cố nông” rồi, còn ước chi nữa!.

Nhà thơ, dịch giả Bùi Xuân, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng gặp tôi thường động viên cái máu làm sách vốn thâm niên của tôi ( từng trưởng đại diện Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Phó trưởng Văn phòng đại diện Nhà xuất bản Văn Học các tỉnh miền Trung Tây Nguyên): Lê Anh Dũng viết mạnh, viết đều liền mạch các bài về lễ hội văn hóa về du lịch về văn chương các nơi sau đó tập hợp in thành sách rất có giá trị và ý nghĩa trong sự nghiêp viết báo, làm thơ của mình. Anh còn động viên: Dũng có thế mạnh về thể loại trường ca nên phát huy, đủ 10 tập thì in thành một tập với nhan đề 10 trường ca của Lê Anh Dũng cho tròn, cho đẹp ( hiện tôi đã có 8 trường ca rồi). Khi trà dư, tửu hậu,tôi trải lòng với anh Bùi Xuân, kể cả anh em văn nghệ sĩ: Tôi viết bằng trải nghiệm, thực nghiệm, hứng thú, cho đã đời rong chơi, cho thỏa niềm đam mê, cho thỏa chí tang bồng hồ thỉ, chứ cũng không mong dự giải, đạt giải và nổi danh nổi tiếng chi. Thôi nghề báo, nghiệp văn nó đeo đuổi đời mình và mình cũng khát vọng si mê, si tình theo đuổi nó, cứ tặc lưỡi như các cụ xưa: Không thành công cũng thành nhân. Rứa thôi.

75 năm tờ báo Văn Nghệ  ngôi đền thiêng của giới văn nghệ sĩ cả nước chuẩn bị kỷ niệm. Các Cơ quan, văn phòng đại diện được giao nhiệm vụ tự lo trang trải gặp gỡ cộng tác viên. Vinh dự, tự hào mà cũng nhiều lo toan. Nguồn nào để chi đây? Cũng phải ngồi lại tính toán cùng với người phó của mình để buổi hặp mặt thật ấm áo, ý nghĩa. 75 năm thành lập, trong khi mình về làm tờ báo này chỉ  “Ba năm là bấy nhiêu ngày”, sau trưởng Văn phòng đại diện nhà thơ Thanh Quế, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khả kính. Công sức mình chỉ bằng cái móng tay. Phải theo gương các nhà văn, nhà báo thâm niên kỳ cựu, lão thành tiếp tục cố gắng, phát huy thôi, rong ruổi trên con đường nghề báo, nghiệp văn còn xa thăm thẳm.

 

                                     Đà Nẵng, ngày 4 tháng 10 năm 2022


Có thể bạn quan tâm