March 29, 2024, 3:55 pm

Tôi không bỏ được xứ này

Tôi không bỏ được xứ này, cậu à! Câu đó, bà già bán hột vịt ở chợ Đất Mũi nói với tôi nhiều lần, nhưng nhớ nhất là lúc từ giã ra về, bà không chào bằng mấy câu kiểu như “về mạnh giỏi nghen” hay “lần sau có xuống nhớ ghé tui chơi”, mà chào tôi (cũng là chào nhau) bằng một câu khẳng định chắc nịch, “tôi không bỏ được xứ này…”

 

Minh họa của ĐỖ DŨNG

 

Cái xứ bà nói là nơi cuối trời đất nước Cà Mau, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Nơi người xưa tả rằng “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh tựa bánh canh”. Nơi mà chừng chục năm trước, muốn đi ra đến huyện lỵ, tỉnh lỵ đều bằng phương tiện duy nhất là ghe tàu, có khi ngồi tàu đò cả ngày mới ra đến được thị xã cách Mũi hơn trăm cây số.

Bây giờ ở Đất Mũi không còn nhiều muỗi mồng đỉa vắt như xưa nữa. Nhưng ở rẻo đất cuối trời Nam ấy, chưa năm nào không có những trận mưa dầm, bão dữ. Những trận mưa có khi hàng tháng trời không dứt. Còn bão, khi đã đi đến bờ thì đôi lúc cũng ngang ngược và tàn phá ghê gớm. Có đợt quét tan hoang nhà cửa, khiến hàng ngàn người thương vong…

Bà già Đất Mũi vừa kể chuyện, vừa cắt ngang bằng câu, “Hồi mới tới chưa quen, nghĩ tới chuyện đau bệnh bất tử, cần chuyển lên thị xã thôi là đã thấy muốn… chết”.

- Xa xôi cách trở, lại bão bùng cực khổ như vậy, sao bà không đi nơi khác, mà cứ ở lại đây, lẽ nào bà yêu mến quê hương mình đến vậy sao?

Nghe xong, bà không trả lời liền, mà hỏi lại tôi, “chắc cậu không phải dân xứ này?”. Tôi, “dạ, cháu ở nơi khác đến”. “Tui cũng từ nơi khác đến đây”. Bà làm tôi trước đã thắc mắc, lại thêm thắc mắc, vì đi từ chợ Cà Mau, cách nơi đây hơn trăm cây số, những người láy buôn hột vịt đã nhắc đến và gọi bà (vừa kính lại vừa nể) là “bà già Đất Mũi”. Tôi cứ nghĩ rằng chắc bà già này là dân gốc Đất Mũi và có điều gì đó nổi trội dữ dội lắm. Nhưng đến nơi mới biết, không phải vậy…

Bà già không giàu nhất Đất Mũi, “đến cái chòi ở còn không có, nói chi đến chữ giàu”. Bà cũng không phải lái buôn hay chủ vựa tôm khô, cá biển – những thứ đặc sản xứ Mũi, mà Bà già Đất Mũi là một bà bán hàng hột vịt với ít món lặt vặt, ngồi một mình ở góc chợ cuối cùng trời Nam.

Chị Nguyễn Thị Chi (tự nhận là người thân thiết nhất của bà) nói, cậu xuống đây hỏi bà già Đất Mũi người ta không biết đâu. Cái tên đó là “mật danh” mần ăn của má Sáu. Dân chợ trên kêu vậy riết quen. Má là bạn hàng lâu năm nhất ở chợ này mà. Ở đây người ta kêu là bà Sáu: Sáu Hột Vịt, Sáu Bán Thiếu hay Sáu Không Nhà… - Bà Sáu cắt ngang câu nói liền, đính chính lại: “Có nhà nghe mậy.” Rồi quay sang nói với tôi: “Nhưng bữa đất lở, lấy mất nhà tui rồi, giờ ở đây là nhà”. Vừa nói, bà Sáu ngó lên phía mái thiết của cái kho, còn một nửa, hai bề trống trơn như ai đó đã nắm căn nhà xé rách ra làm đôi. Phần phía trước mất đi, phần phía sau là nơi bà Sáu đang ngồi và nói: “nhà”.

Người dân ở chợ Đất Mũi cho biết, cơn thịnh nộ của dòng sông hồi tháng trước đi qua, ngoạm mất mấy căn nhà và một dãy bờ kè. Để lại một hỏm sâu dị dạng vào bờ đất. Sóng vẫn không thôi ì ầm hăm dọa sẽ lấy mất một số đất đai, nhà cửa và cả con người nữa, vào một bữa nào đó bất ngờ. Mấy ngôi nhà gần đó lục đục di dời. Bỏ lại một nửa cái kho, mái thiết thô kệch de ra bờ sông thêu thêu, gió quẹt kêu xèn xèn ơn ớn.

Để ngăn chặn nhất thời cơn giận của dòng sông, người dân sóc nọc bạch đằng, chằn lại bằng dây chì tạm bợ. Người ta đi qua lại chỗ đó cũng thấy ớn chân. Nhưng bà Sáu thì cương quyết ở lại: “Buôn bán ở đây quen rồi, giờ dời đi thì người ta biết tui ở đâu mà mua”. Nơi bà ngồi bán và ăn ngủ bây giờ, ngó ra sông khoảng ba bốn mét, trước đây (chừng một tháng). Còn là mảnh đất chợ và mấy căn nhà. Nơi bà đã neo ghe, căng dù, che bạt ni lông buôn bán và sinh sống gần nửa đời người. “Đó giờ sống sương rừng gió biển vậy quen rồi, giờ dời vô chợ, tui sống không được”.

Trưởng ấp Kinh Đào, ông Nguyễn Văn Que kêu trời:

- Cô Sáu già vậy chớ gan lắm. Bữa đất nứt, kêu di dời đi mà cô không chịu, cổ nói: “Tui có gì đâu mà dời”. Cũng phải, cổ chỉ có mấy cái dù đâu lại, tấm ni lông trùm quanh là thành cái chòi che mưa cho mấy thúng hột vịt. Đêm sạc lở, cô Sáu chỉ kịp la hoảng lên rồi chạy. Tài sản duy nhất cổ còn sau trận lở là bộ đồ bận trên người. Vậy mà vẫn kiên cường bám đất, dời mấy cũng không đi. Thôi thì cô Sáu thấy sống vậy đời cổ vui, thì cho ở vậy, chớ biết sao giờ. Cổ già rồi! Nhưng lo thì mình cũng nơm nớp lo”.

Tôi thắc mắc, “Vậy địa phương không cấp cho bà Sáu đất ở khu tái định cư sao chú?” Ông Que nói, “Cũng có lần xã định cấp rồi, nhưng cô Sáu không có giấy tờ, nên cũng khó. Thiệt ra thì cổ đến đây lâu năm rồi, sống tử tế đàng hoàng. Ai cũng biết, cũng thương quý nên xã cũng không tra xét giấy tờ làm gì. Nghe đâu cô Sáu có cái thẻ căn cước hồi trước 75 xài tới giờ. Nhưng hồi tháng trước đất lở, giấy tờ gì cũng mất sạch hết rồi”.

Vậy là sau cơn sập đất đêm 12 tháng 6 vừa rồi, nhà của 4 hộ dân ở chợ Đất Mũi cùng với “mớ tài sản” của bà Sáu cũng bị cuốn phăng đi. Những hộ dân bị sạt lở được hỗ trợ di dời nơi khác. Riêng bà Sáu được nhà nước hỗ trợ hai triệu đồng. Bà kể, bữa nhận tiền, cháu trưởng công an nói, “Ngoại về nhà nghỉ ngơi đi, cho thiệt khỏe. Rồi nào ngoại xuống, ngoại cho con hay, con kiếm chỗ cho ngoại ở”. Bà nhìn quanh, mớ hàng hóa làm kế mưu sinh và cái chòi tạm bợ để trú nắng mưa giờ cũng không còn gì nữa. Rìa đất mà mấy chục năm trời bà cắm dùi làm ăn sinh sống giờ hóa bể dâu rồi, có quyến luyến mấy ở cũng không được. Nhưng ngặt nỗi, đường về nhà thì bà không còn nhớ nữa. Cũng lâu rồi, gần chục năm không về quê, cộng tới trí nhớ tuổi già không còn minh mẫn, nỗi hoảng loạn sau cơn “một phút mất trắng” làm bà thấy con đường về nhà ở Phụng Hiệp – Hậu Giang sao mà mù mịt. Nói xong đoạn, bà khều tôi nói nhỏ, “Nói thì nói vậy, chứ thiệt ra tui không nỡ bỏ đất này đi, cậu à!”

Bà Sáu không nỡ, bởi ở đất này còn nhiều người nợ bà vài ba chục hột vịt, hay bà nợ của nhiều người mỗi người vài ba trăm ngàn mượn đỡ lúc khó khăn? Bà từ tốn nói, “tui nợ ân tình đất này nhiều lắm, chưa trả hết được. Với lại còn con Chi với con mèo…”

Con mèo mướp nghe bà Sáu kêu, từ dưới sạp đi ra, nhũi vào chân bà nũng nịu. Bà nựng mặt con mèo: “Nó cùng tuổi Thìn với tui. Tui lượm nó ở ngoài chợ Năm Căn, hồi sáu bảy năm trước. Hôm đất sập, tất cả đều mất trong tít tắt, tui tưởng nó bỏ tui đi luôn rồi. Ai dè nó cũng không nỡ bỏ tui”…

Vậy là trong mấy ngày mất trắng bơ vơ, bà Sáu nương tựa vào bà con ở chợ. Nay ngủ nhà người này thì đã có người khác “đặt hàng”: “Mai qua ngủ với em nghen chế”. Cơm nước thì khỏi nói, ai ăn gì cũng dành phần cho bà Sáu, nên chỉ “no buồn” chứ không đói bụng. Bà Sáu nói, đời bà có nhiều điều lạ, như bữa đất sập, mất trắng. Bà Sáu hoang mang suy nghĩ đủ điều. Nào là chuyện lấy tiền đâu trả nợ. Nào là hông lẽ mình ăn chực cô bác hoài sao, rồi còn con mèo giờ ở nơi đâu…? Nghĩ lung tung mông lung tùm lum thứ. Nhưng chưa bao giờ nghĩ ngợi, lo âu rằng, mình sẽ rời bỏ mảnh đất này đi…

Không nghĩ, nhưng cũng phải đi. Khi mấy hôm sau đó, con của bà Sáu xem đài, thấy mẹ mình lên tivi. Đài nói rằng đất lở, bà già giờ mất trắng. Mấy đứa con cầm lòng không đặng nên tức tốc tìm đến tận chợ Đất Mũi, quyết rước mẹ về cho bằng được. Bữa bà Sáu “bị áp giải” về, chị Chi ôm chặt người bạn vong niên khóc ròng như con nít mất bạn: “Má Sáu, má đành bỏ con về thiệt vậy sao má, má ơi”… Kể đoạn, bà Sáu lấy tay che miệng, nói nhỏ, “trên đường về, tui định nhảy xe về với con Chi mấy lần, mà tụi nhỏ kìm chắc quá, chắc tụi nó biết ý tui…”

Chợ Đất Mũi vắng bà già, buồn hiu như vắng đi một điểm nhấn để những người đi ngang qua thấy cái chợ còn có sức sống mạnh mẽ trước bão giông vẫn còn y thinh đó. Nhưng về nhà được mấy hôm, bà Sáu không quen được, nên liền “ủ mưu vượt ngục” trở về chợ. Bà Sáu nói vui, mấy ngày ở nhà buồn dữ lắm. Vậy là một bữa, nửa đêm thì bà cuốn gói, bao luôn chiếc xe ôm đi thẳng về Đất Mũi với giá sáu trăm ngàn đồng mà trong túi chỉ có hai trăm. Hỏi sao bà dám liều dữ vậy? Bà Sáu nói, không phải liều, mà biết, dân Đất Mũi không bỏ mặt mình đâu. “Bởi vậy tui xuống tới là con Chi cho tui mượn tiền trả cho xe liền. Lần này con tui chắc biết, vô phương nhổ tui về rồi, nên tụi nó bỏ cuộc, không rượt theo bắt nữa”.

Nhưng bắt bà Sáu về sao đành, khi bà vừa tới thì dì Bảy Bền, người hàng xóm ở chợ với bà Sáu mấy chục năm qua kêu, hay là chị lại nhà mới của em ở đi. Xưa giờ mình ở có chị có em kề bên. Giờ đất lở hết rồi. Em cất nhà mới, chị lại ở với em đi, em nuôi. Nhưng bà Sáu không chịu: “Đó giờ em Bảy lo cho tui từng viên thuốc, nồi cơm đến cái mùng cái gối. Giờ lại để em lo chỗ ăn chỗ ở nữa thì không nên. Với lại buôn bán đây quen rồi, ai cũng biết, cũng thương, mà bỏ đi thì không đành”. Vậy là một tiểu thương cho bà vào tá túc trong một cái kho bỏ trống vì bị lở còn phân nửa…

Bà con ở chợ thấy vậy, người cho chiếc chiếu, người cho cái mền, cái mùng. Thiếu gì thì cho đó, mấy bữa sau bà lại tươm tất một “cái ổ mới” – “đủ sống qua ngày là nhẹ lòng rồi” vừa nói, bà Sáu vừa chỉ tôi chiếc giường với mấy vật dụng nằm trong góc tường chừng ba mét vuông, có con mèo mướp đang nằm say ngủ.

“Rồi tiền bạc ở đâu bà Sáu gây dựng lại mấy thúng hột vịt này?”

- Cậu có tin không, người ta thiếu tui mấy chục năm, tui không nhớ, mà người ta nhớ. Bữa nghe tui xuống, có mấy người ở xa đem tiền lại trả, còn cho thêm “lãi” nữa. Bà con ở đây thiệt thà, thương tui như ruột thịt. Cầm tiền mà tui rưng rưng. Còn hột vịt, mối mần ăn mấy chục năm mà, họ cho tui lấy trước, trả tiền sau.

Đang nói, bà Sáu dừng lại, móc túi mót tiền trả cho một chị đi chợ ngang: “Đủ chưa bây?” Chị cầm tiền không đếm, hỏi bà: “Ngoại còn đủ tiền lấy hột không, hông thôi giữ đó đi, nào có thì trả con”. Bà Sáu lắc đầu: “Mấy nay bán được, nên tao trả, để tao nợ hoài, kỳ lắm”. Xong xuôi, bà Sáu lại nói tiếp câu chuyện, già rồi, buôn bán cho vui chứ ăn uống có bao nhiêu. Có khi cả tuần bà không nấu cơm. Ở chợ ai cúng kiếng, giỗ quảy gì họ cũng đem đồ ngon cho: “Không ăn là mấy bả giận. Dân Đất Mũi ngộ vậy đó! Rồi cậu nghĩ coi, đất đai cô bác ở đây thương mình vậy, sao mà nỡ đành đoạn bỏ đất này đi. Mà đi đâu bây giờ? Xứ khác thì khác cảnh, khác người, không giống như đây, tui ở không quen…”

Chị Chi ngồi gần đó nói với tôi: “Cậu thấy không, nhà tui kế bên nè, mà tui ăn là bới tô qua ngồi ăn chung với má. Tội nghiệp, đời má không có mấy bữa cơn sung vầy đâu. Đêm nào tui cũng lại đây ngủ chung với má. Tối tối nghe cải lương rồi nói chuyện đời xong là ngủ đó. Đời tui với má vui có nhiêu đó”. Rồi bà Sáu cười, nói bữa chủ tịch xã xuống thăm chợ, chủ tịch nói “chế bém rể đây rồi thì để em kiếm ông nào hiền như chế vậy, ráp vô ở cho vui, chế nghen!” Nhưng thôi, “sống với con Chi và con mèo không phải quá trời vui hay sao…”. Bà Sáu khều chị Chi cười, nụ cười như tràn đầy niềm an nhiên…

Tôi hỏi chị Chi, chị biết sao bà Sáu đi đến đây ở luôn không chịu về hông? Chị Chi nhanh miệng nói, “Má Sáu chán chồng, giận con nên đi”. Bà Sáu quay ngang rầy, “Bậy mầy, tao mà giận hờn ai? Cậu đừng có tin nó.”

Lặng lẽ hồi lâu, bà mới nói: “Tui buồn! Buồn quá không biết làm sao nên tui sắm chiếc ghe, đi bán hàng bông. Tới đâu tấp vô tới đó, vui thì ở, buồn thì nhổ neo đi tiếp. Cũng không biết đi kiểu gì mà lạc tới đây. Thấy vẫn còn vui nên cứ ở, nào buồn thì đi. Nhưng ở cũng gần ba chục năm rồi…”

Chiếc ghe sau mấy mươi năm rong ruổi cùng bà Sáu cũng đến lúc cây gỗ rệu rã đi. Anh Trương Anh Giàu, Trưởng Ban Quản lý chợ Đất Mũi kể rằng, “trước bão Linđa năm 1996 thì dì Sáu và chiếc ghe đã có mặt ở đây rồi. Ghe lâu năm bị mục, dì đấp hết chỗ này đến chỗ kia, sóng dữ chút là phải nhảy xuống tát nước. Ai tới kêu, Sáu ới, bán hột vịt, thì lại lên bờ bán, xong lại xuống tát nước. Tát riết, đấp riết cũng hết nỗi. Chiếc ghe tới tuổi, bước mạnh chút là đủ chìm”.

Một bữa, khi đã đi đến tận cùng tuyệt vọng tát nước, vá ghe, bà Sáu ngồi nhìn chiếc ghe chìm dần, rồi khóc. Bà Sáu xá ghe mấy xá, rồi kêu người bên đội Từ thiện đến đem xác ghe về làm củi. Bà chính thức lên bờ, nhưng cũng ở trong “chòi dù” như mấy chục năm qua. Có điều, bà sẽ không còn thấy chiếc ghe đã là nhà, là bạn, neo dưới bến sông như trực chiến cho một cuộc đi rong ruổi nữa.

Sau đó ít hôm, thì đất lở, đời bà Sáu tưởng chừng như mất trắng, cũng như đất bị cuốn đi...

- Đến má tui với ông cậu, thờ ở chung bàn ông địa tui còn không kịp đem lên. Giờ mỗi khi nhớ má, không biết ngó đâu, ngó qua Vàm Xoáy thì lại thấy đau lòng… Nhưng nhiều bữa tui thấy cũng ngộ, chắc những cơn xoáy ngoài vàm không có hù dọa tui đâu, mà an ủi tui đó cậu. Cậu thấy, của cải phù du, sông lấy đi, nhưng có cướp sanh mạng tui đâu. Bà con Đất Mũi dù lở nhà, mất đất cũng không bỏ tui. Chứ sông mà cố ý, là ngoạm luôn tui bữa đó rồi… Chắc kiếp trước, tui ăn ở sao đó, nên kiếp này tới lúc, sông lấy lại thôi. Nhưng lấy gì lấy, chứ không lấy cái tình cái nghĩa bà con cô bác, thì tui còn ở đây sống nhẹ lòng như sống ở nhà mình, quê mình. Không có gì rầu lo, đau buồn…

Hình như có chị bán hàng dưới ghe, ngó lên hỏi, “Sáu ơi, hồi hôm nước lớn mấy giờ vậy sáu”. “Tao coi xong tuồng cải lương, mười một giờ rưởi là nước lớn đó mầy”. Bà Sáu cười, nói với tôi, “Dân đi ghe nói, ở đây có cái lô – cút, đặt trạm thủy văn. Nước lớn nước ròng, gió mái trong đêm sao, sáng ra tui báo cáo đầy đủ hết”.

- Cậu biết sao hông, tui già rồi, giấc ngủ chập chờn. Nghe sóng đánh thì tui buồn, rồi lại lấy đèn pin ra đi lên đi xuống, rọi đầu này đầu kia. Ngó ra chỗ hồi trước ngồi bán, nhiều bữa thấy mờ mờ đen đen thì mừng rơn, cứ tưởng như đất chưa hề lở.

Hỏi vậy bà Sáu đóng cửa lúc mấy giờ? Bà cười: “Hàng tui làm gì có cửa mà đóng. Tui trực chiến 24/24. Bất cứ giờ nào, cứ kêu Sáu ơi, là tui bán. Cái gì mình có thì bán cho họ, nhiều khi họ mua thuốc men, đường tỏi (mấy món đó tui mua để xài), tui cũng bán luôn, có khi cho cũng không chừng. Rồi sáng ra đi mua, thủ lại”.

Anh Giàu quản lý chợ nói, nhiều khi cũng thấy lo cho bà. Biết là không có vàng bạc gì quý giá, nhưng trộm cướp, gió mái bệnh tật thì không biết đâu mà nói trước được. Lâu lâu anh Giàu lại kêu, “thôi dì vô chợ bán đi, ở trong nhà lồng tụi con chừa riêng cho dì một chỗ ngon lành nhứt, không thu đồng nào đâu”. Nhưng dì Sáu không chịu. Có bữa ở đằng nhà nghe gió dữ quá, tui chạy lại tìm coi dì sao. Vừa tới nơi thì thấy dì đã đứng đó, cầm đèn pin hỏi, “gió nay dữ quá, bây dằn nóc nhà chưa?”.

“Kệ, mua giúp bả, già cả. Chắc bả đi đâu đó trên xóm chút về liền à, đợi chút có sao” hay “Đi chợ, sẵn ghé thăm coi nay bả khỏe hông?” là câu trả lời của những người chờ bà Sáu giây lát khi bà đi đưa mớ hột vịt cho cô bán bún nào đó trên xóm hay đi chợ mua mớ cá kho cho con mèo… Tôi hỏi, bà bỏ hàng đi vậy, không sợ bị ăn cắp đồ sao? Bà cười, “Xưa nay ở đây chưa hề có trộm cướp gì hết. Hồi tui mới xuống, nhà người ta còn không làm cửa. Nhìn mà thấy mát lòng liền, như người ta luôn mở cửa đón mình, bất cứ lúc nào, như dân ở đây họ tin nhau, tin đến mức không thèm làm cửa ngăn trộm cướp.”

Nhưng trong tôi lại có chút lo, phong cách nhà không cửa ở Đất Mũi cũng dần ít đi rồi, khi đời sống ngày một phức tạp. Bà Sáu một khi già yếu đi, liệu bà còn có ở được xứ này để cảm thấy đời nhẹ nhàng, và an dạ? Tôi hỏi, vậy bà Sáu có tính, sau này bà sẽ về nhà ở với con không? Bà trầm ngâm: “Cậu hỏi phải, nhưng hơi khó”. Bà biết, lớn tuổi thì sẽ có nhiều bất tiện, nếu ở lại đây, cô bác thương họ cũng sẽ giúp, nhưng bà ngại làm phiền. Bà tâm niệm, mình nợ ân tình của Đất Mũi này gần nửa đời người rồi. Khi già yếu, để họ dung dưỡng mình hơn nửa thì không phải. Nhưng bỏ đất Mũi mà về, thì bà lại không đành: “Đời tui chỉ thấy vui khi ở đất này thôi. Giờ thì tới đâu tính tới đó, chớ biết sao”…

Một người thầy dạy địa lý nói với tôi rằng, từ xa xưa, dân ở miệt U Minh – Đất Mũi đa phần là lưu dân. Họ “đến đây thì ở lại đây”, tâm nguyện “khi nào bém rể xanh cây thì về”. Ở giữa bụng thiên nhiên hào sản mà thử thách, họ tồn tại bên nhau và tạo nên một không gian sống chan hòa, rộng rãi, chân thành và tình cảm. Và cũng chính cái không gian có phần xa xôi, ngăn cách thị thành ấy, cho họ được sự thoải mái và yên vui để sống qua ngày này tháng nọ, không lo thiệt hơn, không buồn toan tính.

Bây giờ, tôi đã phần nào hiểu được, vì sao người dân Đất Mũi, dù bỏ xứ đi do căn nguyên nào đó, rồi họ cũng quay về. Còn người xứ khác một khi đã đến đây để tìm kế sinh nhai thì khó có thể rời bỏ rẻo đất cuối trời này được. Minh chứng cho điều đó, ở Đất Mũi không chỉ có bà Sáu, mà còn có dì Bảy Cá Khô, dân gốc Bến Tre đến đây một mình buôn bán và sống mấy chục năm qua, hay ông Út Ngọc lưu lạc từ miệt trên xuống làm thuê từ hồi trai trẻ. Đến nay tuổi đã xế chiều, ông không về lại quê, mà ở lại đây sống tá túc trong một căn nhà bỏ hoang, được anh Tí ngọng, bảo vệ trường mẫu giáo xã Đất Mũi nuôi cơm ngày ba buổi: “Có mắm ăn mắm, không có mắm ăn muối, có cái tình thì không sợ đói…”

Lúc sắp từ giã Đất Mũi ra về, tôi hỏi, nảy giờ con quên hỏi, bà Sáu tên thật là gì, năm nay bao nhiêu tuổi? Bà có vẻ bất ngờ: “Lâu lắm rồi không ai hỏi tên tui, tui tên Thái Thị Lâu, tía nói tui sinh năm Thìn, không biết nay nhiêu tuổi nữa”. Mà cậu cứ gọi tôi là Sáu Hột Vịt, ở đây ai cũng biết tui hết trọi.”

Tôi chợt nghĩ, nếu ở lại đây sống một thời gian, không biết mình có “không bỏ được xứ này” giống bà Sáu hông nữa? Làm sao biết được, khi nhìn bà Sáu sống tươi vui trong lòng bao dung của xứ Mũi, tôi cũng đã thấy hạnh phúc nở hoa rồi. Những bông hoa nở ở Đất Mũi ấy vẫn tươi nguyên mỗi lần nhắc tới: Buổi chiều, có bà già “lưu dân” vẫy tay chào và nói dúi theo:

- Tôi không bỏ được xứ này đâu cậu!

Nguồn Văn nghệ số 37/2020


Có thể bạn quan tâm