March 29, 2024, 1:59 pm

“Tôi dịch Truyện Kiều cả vì Truyện Kiều và vì bản thân tôi”

 

Truyện Kiều song ngữ với bản dịch tiếng Anh của Nguyễn Bình cùng bản tiếng Việt của học giả Bùi Kỷ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành được xem là bản sách đặc biệt ở chỗ, Nguyễn Bình bắt đầu dịch sách khi chưa đầy 19 tuổi và cuốn sách như một triển lãm nhỏ về Kiều với các tác phẩm hội họa của các họa sĩ nổi tiếng: Lê Thiết Cương, Lê Trí Dũng, Bùi Mai Hiên, Bùi Tiến Tuấn...

Dịch giả Nguyễn Bình sinh năm 2001, hiện đang theo học ngành Thiên văn học tại Đại học Arizona, Mỹ. Anh từng được xem là “thần đồng” của văn học Việt khi năm 2011, mới 10 tuổi, Nguyễn Bình đã hoàn thành cho ra mắt bộ tiểu thuyết nhiều tập Cuộc chiến với hành tinh Fantom. 10 năm sau trở lại với văn đàn, Nguyễn Bình chững chạc dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh. Một việc làm được cho là “không có gì mới”, bởi trước Bình đã có cả chục bản dịch Kiều rồi. Thêm nữa, việc dịch Kiều xưa nay chưa bao giờ là dễ dàng, xét đến tận cùng thì nó cũng là chuyện “thiên nan vạn nan”, dịch đúng đã khó, dịch hay mà lại để người đọc hiểu được những điển tích, điển cố, hiểu được tinh thần của Nguyễn Du và sự tài hoa trong cách sử dụng từ ngữ của tác giả còn khó hơn. Vậy mà chàng trai 21 tuổi Nguyễn Bình vẫn hào hứng dấn thân trên con đường đi khó.

“Chẳng thể hiểu nổi, điều gì đã khiến bài thơ này quan trọng thế”

Nguyễn Bình nói về “nhân duyên” với Kiều: “Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Kiều là vào những năm cấp 2, khi lớp tôi vò đầu bứt tai với mấy trích đoạn và được dạy phải ca tụng các trích đoạn này theo cách khô như ngói và khoa trương hết mức có thể. Bao nhiêu năm, tôi ghét Kiều vì vị trí của nó trên những đài ngọc tháp ngà của Việt Nam, và chẳng thể nào hiểu nổi, điều gì đã khiến bài thơ này quan trọng như thế trong ba cái thứ “văn học Việt Nam kinh điển” mập mờ.

Mãi đến cấp 3, tôi bắt đầu nhận thấy bóng dáng của Kiều trong các bài ca dao và lời ăn tiếng nói hàng ngày, buộc tôi phải thẩm định lại bài thơ này và đọc nó từ đầu đến cuối. Dần dần tôi nhận thấy, truyện Kiều đã thực sự khắc họa chân thực một đời người. Thúy Kiều không phải là nhân vật chán ngắt được ban tặng cho tất cả đạo đức và tài năng ở nhân gian...”.

Còn về chuyện dịch Kiều, Nguyễn Bình nói thêm: “Tôi thấy mình không có cơ sở để bảo rằng, tôi đã dịch Kiều một cách chính xác sang một ngôn ngữ khác, bởi bản dịch thơ của tôi được dựa trên bản in Kiều duy nhất mà tôi có trong phòng mình, chứ không phải được tổng hợp từ hằng ha sa số các bản Kiều ở ngoài kia... Và: “ Tôi làm tất cả những việc này với hy vọng ảnh hưởng tới người đọc theo đúng cách mà bản gốc đã ảnh hưởng tới tôi, một độc giả Việt Nam ngày nay. Tôi mong rằng, mình đã đạt được mục tiêu đó dù biết sẽ chẳng bao giờ cân đong đo đếm được liệu mình đã đạt được hay chưa. Đối với một văn hóa thiếu sự đại diện trên quy mô toàn cầu như Việt Nam, việc dịch một bài thơ được người Việt yêu mến như truyện Kiều là một điều quan trọng. Mong rằng, những người không biết nhiều về tiếng Việt hay văn hóa Việt Nam cũng sẽ nắm được thêm một chút sau khi đọc bản dịch này, còn không thì tôi mong là họ cũng thấy nó hay hay...”.

Mỗi bản dịch mang lại một vẻ đẹp riêng

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn kể: “Khi Nguyễn Bình trao đổi với tôi về việc dịch Truyện Kiều tôi vô cùng bất ngờ, bởi lẽ, để dịch một tác phẩm như Kiều là một thách thức vô cùng lớn. Nhưng tôi động viên và tin rằng, mỗi bản dịch mang lại một chiều kích riêng, một vẻ đẹp riêng cho những người nước ngoài muốn tìm hiểu về văn học Việt Nam tiếp cận.

Để dịch một bài thơ, một trường ca, hay là một tác phẩm như Kiều, không ai nói thế sẽ là đủ, là kết thúc. Các bản dịch liên tục nối tiếp nhau, mang lại giá trị khác biệt, để các văn bản đó được đối chiếu cho những người nước ngoài nghiên cứu về Truyện Kiều, về Nguyễn Du.

Cũng theo Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, để dịch được Kiều, Nguyễn Bình phải đọc nhiều sử thi bằng tiếng của các dân tộc cổ. Bình cũng là người thông thạo 5 ngôn ngữ cổ của các dân tộc. 9-10 tuổi cậu ấy đã đọc Hán tự rất giỏi. Đó là một trí tuệ đặc biệt, quan trọng hơn tất cả những điều ấy là Nguyễn Bình yêu Kiều, yêu Nguyễn Du. Và chính Nguyễn Bình đã từng nói, Truyện Kiều của Nguyễn Du không phải là quá khứ, nó tiếp tục sống với hiện đại, mang vẻ đẹp của hiện đại. Gợi gợi cho những con người đương đại và tuổi 20 của cậu ấy những suy ngẫm về văn chương, nghệ thuật lẽ sống, cuộc đời....

 “Tôi vô cùng yêu cách làm của người trẻ tuổi đầy khoa học, đầy cảm hứng và đầy phiêu lưu của một tác giả trẻ như vậy. Tôi có gửi cho 2 nhà thơ tên tuổi của Mỹ, một trong hai nhà thơ này, có người đã làm Chánh chủ khảo Giải thưởng sách quốc gia Mỹ, họ từng đọc vài bản dịch Kiều trước đây. Khi đọc đến bản dịch này thì sửng sốt và nhận định, bản dịch mang đến cho họ một cách nhìn đặc biệt, một cảm xúc khác hoàn toàn với phương pháp khoa học, ngôn ngữ tốt. Và chắc chắn bản dịch sẽ là một phần quan trọng cho những người nghiên cứu về ngành “Kiều học”.

Trong Truyện Kiều của Nhà xuất bản Hội Nhà văn do dịch giả Nguyễn Bình chuyển ngữ, ấn hành 2021 còn có sự tham gia của các họa sĩ tên tuổi: Lê Thiết Cương, Lê Trí Dũng, Bùi Mai Hiên và Bùi Tiến Tuấn. Chân dung Thúy Kiều được hiện lên trong các bức vẽ với nhiều hình dung khác nhau. Với mỗi họa sĩ, Kiều lại mang một dáng vẻ. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều giải thích, văn bản của Nguyễn Du là văn bản lần thứ nhất. Rồi sau đó, mỗi độc giả lại thấy Kiều ở một góc nhìn khác. Câu chuyện về Kiều được mở ra thành nhiều nhánh, những nhánh cây ấy tiếp tục đâm chồi nảy lộc và vươn lên mạnh mẽ trong văn hóa Việt.

_______

Theo https://anninhthudo.vn/ 

Tên bài do tòa soạn đặt

Nguồn Văn nghệ số 3/2022


Có thể bạn quan tâm