April 23, 2024, 2:47 pm

Tỏa sáng nơi biên thùy phía Nam đất Việt…

KỶ NIỆM 285 NĂM TAO ĐÀN CHIÊU ANH CÁC (1736-2021)

Hàng trăm năm nay, danh thắng Hà Tiên gắn liền với  mỹ tự: “Tao đàn Chiêu Anh Các”. Chiêu Anh Các là Tao đàn xuất hiện sớm trên vùng đất trẻ phương Nam. Hoạt động của Chiêu Anh Các bao gồm nhiều lĩnh vực và đã thu hút được sự tham gia của nhiều người. Tác phẩm của Chiêu Anh Các đã được nghiên cứu từ rất sớm và ngày nay giới nghiên cứu vẫn tiếp tục chú ý khai thác. Đến ngày thơ Việt Nam năm nay, Tao đàn Chiêu Anh Các đã tròn 285 năm tuổi.

Nơi an nghỉ của Mạc Thiên Tứ, nguyên soái Tao đàn Chiêu Anh Các, trên núi Bình San

Qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, Hà Tiên hiện là một thành phố trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Là miền đất gắn liền với tên tuổi Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích, Hà Tiên có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử. Hơn 280 năm trước, Tao đàn Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tích sáng lập đã làm cho Hà Tiên được người đời biết đến như là nơi khơi nguồn cho văn mạch phía Nam của nước ta. Không thể phủ nhận chính những tác phẩm như Hà Tiên thập cảnh đã làm nên tên tuổi cho vùng đất Hà Tiên. Hà Tiên và Tao đàn Chiêu Anh Các hiện nay vẫn tiếp tục được nhiều người tìm hiểu.

Tao đàn Chiêu Anh Các (1736-1771), ra đời sau Tao đàn Nhị thập bát tú (1495-1497) của Lê Thánh Tôn 241 năm, trước Mạc Vân thi xã hay Tùng Vân thi xã (1850) do Tuy Lý Vương Nguyễn Phúc Miên Trinh và Tùng Thiện Vương Nguyễn Phúc Miên Thẩm - hai ông hoàng con của vua Minh Mạng - đồng sáng lập là 114 năm, trước Bình Dương thi xã (cuối Thế kỷ XVIII) của Gia Định tam gia (Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh) gần 90 năm, trước Tao đàn Bà Đồ do bà Nguyễn Thị Nguyệt sáng lập tại làng Bình Thủy - Cần Thơ (hoạt động từ năm 1883 đến năm 1910) là 120 năm… Đặc biệt hơn hết là Chiêu Anh Các tồn tại 35 năm, lâu nhất các Tao đàn từng có mặt ở nước ta.

*

Trong tập sách Văn học Hà Tiên (Nxb Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh tái bản 1996), cố thi sĩ Đông Hồ (1906-1969) cho rằng: “Khi sách “Hà Tiên thập vịnh” khắc bản ấn hành, năm Đinh Tỵ (1737) chính Mạc Thiên Tích có làm bài tự in trên đầu sách”. Và cũng chính cố thi sĩ Đông Hồ đã dịch bài tự ấy như sau:

Mùa hạ năm Ất Mão (1735), đấng tiên quân (trỏ Mạc Cửu) qua đời, ta kế thừa giềng mối trước. Những lúc việc chính trị rổi rảnh cùng các văn nhân đàm sử luận thi” (tr.69)

Mùa xuân năm Bính Thìn (1736), có thầy Trần Hoài Thuỷ từ Việt Đông vượt biển đến đây. Ta đãi làm thượng tân. Mỗi khi hoa sớm trăng đêm, ngâm vịnh chẳng thôi. Nhân, đem Hà Tiên thập cảnh trình cho tri kỷ. Thầy Trần dựng cờ Tao đàn, mở hội phong nhã. Sau đó thầy Trần trở về Châu Giang (tức Quảng Châu tỉnh lỵ Quảng Đông) đưa ra làng thơ, nhờ được chư công chẳng bỏ. Khi đề vịnh xong, góp thành tập gởi cho ta. Bèn cho khắc bản…”. (tr.70)

Qua những lời trên, chúng ta nhận rõ: Tao đàn Chiêu Anh Các được thành lập vào mùa Xuân năm 1736.

Theo tác giả Trương Minh Đạt, người được mệnh danh là nhà Hà Tiên học, trong công trình Nghiên cứu Hà Tiên (2 tập) thì: “Nền chùa Phù Dung hôm nay chính là nền Chiêu Anh các xưa” (tr.156).

Về hoạt động của Chiêu Anh Các, cũng trong quyển Văn học Hà Tiên cố thi sĩ Đông Hồ viết:

 “Chiêu Anh Các khi đó lập nên có ba việc:

“Thứ nhất, đó là một tao đàn thi xã, làm nơi xướng hoạ ngâm đề, đồng thời cũng là nơi giảng đàm thao lược. Muốn nói theo điệu giang hồ kiếm hiệp thì đó là một sảnh đường tụ tập những bậc anh tài nho nhã, kết nạp những tay tuấn kiệt anh hào để đàm văn luận võ.

“Chắc nó cũng như các câu lạc bộ, các hội của chúng ta ngày nay.

“Thứ hai, Chiêu Anh Các còn là một văn miếu, để thờ Ông Thánh vạn thế sư biểu Khổng Phu Tử, tứ phối và thập nhị hiền, y như các văn miếu mà chúng ta thường biết. Như Văn miếu Hà Nội chẳng hạn.

“Thứ ba, Chiêu Anh Các còn là một nhà nghĩa học. Nghĩa học là một trường học dạy học trò không lấy học phí, dạy làm nghĩa…..” (tr. 20).

Như vậy mục đích của Chiêu Anh Các là khá rộng rãi, toàn diện chứ không đơn thuần chỉ là nơi ngâm vịnh của các tao nhân mặc khách như một số tao đàn khác hay như một số người vẫn tưởng. Bởi lẽ Mạc Thiên Tích không chỉ là một nhà thơ, một văn nhân, mà hơn tất cả ông là một người kế tập chức vụ của cha, là một nhà lãnh đạo của một địa phương miền biên viễn,…

Về số người tham gia Tao đàn, theo cố thi sĩ Đông Hồ viết trrong sách Văn học Hà Tiên thì nhiều người xác định không thống nhất. Theo Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn (1726-1784) có 32 người, Trịnh Hoài Đức cho rằng theo sách Minh Bột di ngư (của Tao đàn Chiêu Anh Các) thì có 36 thi nhân. Riêng tác giả (Đông Hồ) thì giả thuyết rằng “có 37 người, nhưng chỉ có 32 người xướng hoạ Hà Tiên thập vịnh mà thôi!”… (tr.10).

Ngày nay chúng ta có thể suy luận là có trên 30 người tham gia Tao đàn. Trong đó có người tham gia ngâm vịnh, có người tham gia các việc khác. Vì Chiêu Anh Các vốn có nhiều mục đích.

Về tác phẩm của Tao đàn, theo sách Văn học Hà Tiên: “Nay, còn lưu truyền được trọn vẹn, chỉ có một tập “Hà Tiên thập vịnh” bằng Hán thi, và một tập “Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh” bằng thơ Nôm” (tr. 22). Nhưng sinh thời nữ sĩ Mộng Tuyết (1914-2007) viết trong bài Thêm một tư liệu để bổ sung cho tập Văn học Hà Tiên của Đông Hồ được in ở tập sách 250 năm Tao đàn Chiêu Anh Các (1736-1986) do Sở Văn hoá và Thông tin Kiên Giang xuất bản năm 1987: “Ngày nay chúng ta cầm nắm được hệ thống của tập “Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh” bằng văn Nôm đã được sắp xếp lại cho có trước sau rõ ràng mạch lạc cũng là do Đông Hồ có để tâm sưu tập và góp phần nhặt nhạnh những vàng rơi ngọc rớt của Sĩ Lân Mạc Thiên Tích nói riêng và của thi phái Chiêu Anh Các nói chung…, tôi (nữ sĩ Mộng Tuyết – người viết) được biết Đông Hồ chú tâm hơn hết là tập văn Nôm… Nói thế không phải là Đông Hồ coi nhẹ phần chữ Hán. Chúng ta đã được biết qua Cấn Trai Trịnh Hoài Đức viết trong bài tân tự tập “Minh Bột di ngư” mà ông đã gặp ở Huế và đã cho trùng bản vào năm Tân Tỵ (1821) thì ngoài tập thơ Nôm (tức “Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh” – người viết) Chiêu Anh Các có được sáu bộ sách Hán văn đã hoàn thành và đều có khắc bản in thuở thi phái còn hoạt động thịnh hành:

1. Hà Tiên thập cảnh toàn tập

2. Minh Bột di ngư thi thảo

3. Hà Tiên thập vịnh vật thi tuyển

4. Châu thị trinh liệt tặng ngôn

5. Thi truyện tặng Lưu tiết phụ

6. Thi thảo cách ngôn dị tập

Tất cả đều đã bị thiêu huỷ theo cơn binh lửa của quân Xiêm xâm lược” (tr.243,244)

Ngày 3 tháng 10 năm Tân Mão (1771), quân Xiêm tiến đánh Hà Tiên. Tao đàn Chiêu Anh Các kết thúc theo sự thất thủ của trấn thành nơi miền biên viễn này.

*

Đánh giá về hoạt động văn chương của Tao đàn Chiêu Anh Các, Nhà bác học Lê Quý Đôn viết trong Phủ biên tạp lục” một cách đầy tự hào: “Không thể bảo rằng ở hải ngoại xa xôi không có văn chương vậy” (tr.10). Còn Danh sĩ đất Gia Định Trịnh Hoài Đức (1765-1825) đã viết: “Các vị nối bước nhau mà đến, mở Chiêu Anh Các gom góp thư tịch, thường ngày cùng các chư Nho thảo luận, có đề Hà Tiên thập cảnh, người thù họa rất đông, văn chương bắt đầu rực rỡ ở chỗ góc biển chân trời...” (Minh Bột di ngư tr.10). Đến đời sau, Giáo sư Lê Đình Kỵ trong bài Chiêu Anh Các và truyền thống văn vật Hà Tiên đã viết: “Những bài thơ có mặt (trong những tác phẩm của nhóm Chiêu Anh Các) không có giọng thở than, u hoài hay tiêu diêu thoát tục, thây kệ sự đời như thường thấy trong thơ văn của xã hội phong kiến xuống dốc”… (tr.197).

Trong tập biên khảo Trấn Hà Tiên và Tao đàn Chiêu Anh Các, tác giả Hà Văn Thùy nhận định: “trong những điều mà Hà Tiên cống hiến cho đất nước nổi bật lên thành tựu văn hóa, đó là việc sáng lập Tao đàn Chiêu Anh Các, tao đàn thứ hai trong lịch sử văn hóa dân tộc. Văn chương Chiêu Anh Các tỏa sáng nơi biên thùy phía Nam đất Việt và là đóng góp vô giá vào văn chương dân tộc…” (tr.105)

Tiếp tục truyền thống văn học, đất Hà Tiên đã sản sinh nhiều danh nhân như: nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Thần Hiến, nhóm Hà Tiên tứ tuyệt gồm Đông Hồ, Mộng Tuyết, Lư Khê, Trúc Hà,….

Ngày 19 tháng 12 năm 2019, UBND thành phố Hà Tiên đã tổ chức khánh thành Nhà Lưu niệm Tao đàn Chiêu Anh Các tại Khu di tích lịch sử văn hóa núi Bình San nhằm mục đích bảo tồn và phát triển Tao đàn Chiêu Anh Các thành nét văn hóa đặc trưng của khu vực phía Nam nói chung và của Hà Tiên nói riêng. Nhiều năm qua, trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam của cả nước, chính quyền và nhân dân Hà Tiên duy trì tổ chức Lễ hội kỷ niệm Tao đàn Chiêu Anh Các như một nét văn hoá riêng của một miền đất đẹp và thơ được nhiều nơi trong khu vực và cả nước biết đến. Rằm tháng Giêng năm Tân Sửu (2021) này Tao đàn Chiêu Anh Các tròn 285 năm tuổi.

Trong Chương trình Giáo dục Phổ thông mới đang được triển khai, ở phần giáo dục địa phương, thiết nghĩ những nhà biên soạn chương trình địa phương ở tỉnh Kiên Giang nên dành một thời lượng đáng kể giới thiệu cho học sinh các cấp biết về Tao đàn Chiêu Anh Các, một di tích văn hóa đã thở thành di sản gắn với Hà Tiên từ gần 300 năm nay.

Nguồn Văn nghệ số 12/2021


Có thể bạn quan tâm