March 28, 2024, 7:37 pm

Tỏa sáng để tồn tại

Câu thơ như gan ruột

Phơi ra giữa trời mây

Mỗi người một số phận

Ngang qua thế gian này…

Không phải ngẫu nhiên, Trần Nhuận Minh “đặt” bốn câu thơ này làm tựa cho tập Nhà thơ và hoa cỏ (tập thơ cùng trường ca Bản xônát hoang dã đoạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt II năm 2007). Bốn câu thơ trên, tác giả rút ra từ bài Bạn thơ mời rượu bên sông Tiền (viết năm1999).

Tính đến thời điểm bài thơ ra đời, Trần Nhuận Minh đã trải ngót bốn mươi năm (kể từ khi ông công bố những bài thơ đầu tiên vào đầu những năm sáu mươi) thâm nhập cuộc sống với sự quan sát, ngẫm ngợi, chiêm nghiệm, để nhận thức và nhận thức lại những cái trông thấy cùng những điều chỉ có thể cảm nhận, từ đó thức nhận, cấu trúc tư duy thơ gần đúng với những quy luật vận động bất biến của tồn tại. Sau thời điểm đó, ông vẫn miệt mài sáng tạo, để chưa đầy năm năm sau, mở đầu trường ca Bản xônát hoang dã (in lần đầu năm 2003), Trần Nhuận Minh dẫn lời Kinh Thánh:

Hãy gõ cửa rồi cửa sẽ mở

Hãy tìm rồi người sẽ gặp…

Qua đó có thể thấy hành trình thơ của Trần Nhuận Minh đã đến rất gần chân lý mà ông muốn nhận chân. Đó là bước tiến trong tư duy của nhà thơ, mặc dù đã có lần Trần Nhuận Minh viết: “Ta rong chơi thôi mà, có tư tưởng gì đâu…” (câu kết trong bài Chơi thuyền trên vịnh Hạ Long, 1985).

*

Thành tựu thơ của Trần Nhuận Minh trên hành trình tiếp cận bản chất chân thực của sự sống, tính đến thời điểm hiện tại, thể hiện tập trung cao độ ở hai trường ca Đá cháy Bản xônát hoang dã. Hai văn bản này, ra đời cách nhau mười tám năm (lần lượt là 1985 và 2003), cho thấy sự chuyển dịch trong tư duy thơ của Trần Nhuận Minh là nhất quán, với biên độ tiếp cận đối tượng thăng tiến qua nhiều góc độ nhận thức và phương thức lựa chọn hình thức biểu cảm tương hợp.            

Tạp chí Thơ số 5&6 – 2020 in trường ca Đá cháy với lời “tường trình” của tác giả: trường ca được khởi thảo từ những năm 1962-1969, hoàn thành vào năm 1985, nhưng “cuối cùng, tôi kiên quyết cắt bớt tất cả những gì mà tôi cho là kể lể sự kiện và minh họa, chỉ còn giữ lại non 1000 dòng thơ” (bản thảo ban đầu gần 5000 dòng thơ). Trường ca Đá cháy in trong tập Nhà thơ và hoa cỏ (cùng trường ca Bản xônát hoang dã, 2014) cũng đã có sự “cắt gọt”, nhưng Trường ca Thợ mỏ 1985 vẫn ở dạng trích và chưa đặt số chương (từ I đến IV). Từ lúc khởi thảo đến khi chính thức định hình (như bản in trong Tạp chí Thơ số 5&6 – 2020), trường ca Đá cháy đã trải qua một chặng đường dài với sự “điều chỉnh” nghiệt ngã của tác giả, nhằm đạt tới sự nhất quán và tương hợp, giữa nội dung và hình thức, mà nhà thơ lựa chọn cho hành trình thơ của mình; trong đó, việc đoạn tuyệt với “kể lể sự kiện và minh hoạ” là một “chiêu thức” để tiệm cận chân - thiện - mỹ một cách giản dị mà hiện đại.

Giữa hai trường ca Đá cháy (bản in năm 2020) và Bản xô nát hoang dã có những tương đồng căn bản và những khác biệt tất yếu. Tương đồng ở cách nhìn và lý giải sự sống, trong sự dịch chuyển cách nhìn và thể hiện đối với các mối quan hệ hữu cơ giữa các hiện tượng và sự vật, giữa cái trông thấy và cái chỉ có thể cảm nhận, nâng lên thành triết lý mang tính luân lý, đạo lý, tạo nên những cung đoạn phức hợp, nấc thang trước làm đà để bước tiếp lên nấc thang cao hơn.

Ở trường ca Đá cháy, nhà thơ viết: “Mặt trời lặn vào than – hiện ra thành lửa”. Đây không phải là phát hiện mà là từ nhận thức này dẫn tới một nhận thức khác, mang tính triết luận “Bài học của than Toả sáng/ KHÔNG TOẢ SÁNG THÌ KHÔNG TỒN TẠI”. Triết luận này đã tạo thế đứng vững vàng cho những câu thơ biến tấu và điệp khúc, khắc hoạ rõ nét những ý thơ nung nấu bấy lâu. Trần Nhuận Minh đã toả sáng khi “Phơi ra giữa trời mây” những câu thơ từ gan ruột và cũng từ đó “phơi ra” số phận của mình. Cái số phận đã gắn nhà thơ với vùng than và những người thợ mỏ, như một định mệnh, để “Suốt đời tôi nặng gánh – Nỗi niềm Người/ Mà không biết đổ vào đâu…/ Trời không cao – và biển cũng không sâu…”.

Dường như Trần Nhuận Minh xây dựng trường ca Đá cháy trên nền tảng âm hưởng nhạc Rock. Tính điệp khúc, với những biến tấu đa dạng, làm nên nhịp điệu gắn kết các ý thơ, câu thơ thành những chuỗi âm thanh vừa mềm dẻo vừa sắc cứa của sự tăng tiến tiết tấu, vừa khoan thai vừa hối hả, biểu tả thang bậc hoà quyện giữa con người và môi trường thiên nhiên vùng mỏ đầy sóng gió, nơi mà ông đã lặn vào cuộc sống của những người thợ đầy gian nan vất vả, đầy nghịch lý, nhiều biến động, để từ đó thơ ông chất chứa những suy tư mang tính bản ngã rất rõ rệt. Cái tôi trữ tình của nhà thơ hoà làm một vào cái tôi đầy sinh khí của vùng đất ông tự nguyện hiến dâng cuộc đời. Ông ví mình như tảng đá đen liền khối với ngọn lửa bên trong âm ỉ cháy, cháy đến tận cùng; nhưng… “Nhưng tôi không tắt đâu – Không bao giờ tắt/ Như vỉa than/ Tôi nhô lên một mình/ Xấu xí và đơn độc/ Trong khi chín mươi chín phảy chín phần trăm tôi/ Liền khối dưới đất sâu/ Chân xoạc rộng dài/ Từ đáy sông Lục Đầu đến đáy vịnh Bắc Bộ/ Và lặng im – Như một tiếng vang…”, và ý thơ nâng lên thành tứ thơ vững vàng, khoẻ khoắn: “Vinh nhục vui buồn lặn vào cuộc đời tôi/ Như vết than lặn vào da thịt/ Có thể sau này khi tôi chết/ Những nỗi niềm thành khối vẫn không tan…/Tôi sẽ đầu thai làm Ngọn Lửa/ Cháy điên khùng trong đất tối âm u…”. Có cái tôi tự sự ấy mới có cái tôi đồng cảm mang tính đồng loại, chung sống cùng đồng loại – cùng cháy đấy mà vẫn không tắt, không tan.

Âm hưởng Rock trong trường ca Đá cháy đem đến cuộc sống nơi trần gian, cụ thể là vùng than bên vịnh Hạ Long “huyền ảo”, một sự cháy để tồn tại. Ngược lại, âm hưởng xônát đã nâng cái tôi trữ tình hoà vào cái tôi hư ảo ở trên cao, được biểu cảm trong trường ca Bản xônát hoang dã như vòng tuần hoàn lớn của nước. Đến tác phẩm này, nhà thơ - Trần Nhuận Minh “Bừng thức”: “Hạt mưa mơ hồ nhuốm làn mây mong manh/ Làm ngào ngạt bao nỗi niềm dưới đất/ Hư ảo hỡi! Giữa vô cùng Còn, Mất/ TA là ai? Thăm thẳm có TA không?...”. Thoát khỏi tự sự, nhà thơ chủ động “Là tình nhân ba trăm sắc thu buồn/ Mọi yêu ghét ta chẳng cần nhớ nữa/ Vĩnh biệt nhé, ráng chiều côi cút gió/ Ta một mình với một Đấng Mê Tơi!...”. Nhận ra và “bay” theo cõi  Đấng Mê Tơi, một lần nữa nhà thơ thực hiện cuộc dấn thân cho Thơ. Việc đoạn tuyệt với “kể lể sự kiện và minh hoạ” để hoàn thiện Đá cháy là chưa dứt khoát, còn vấn vương; nhưng lần này người thơ hoàn toàn dâng hiến để có được Bản xônát hoang dã tràn đầy ánh sáng, để trông thấy “Cái Màn đêm phản trắc đầy cạm bẫy” và “Cái Ánh ngày chính trực anh minh” hoà hợp làm nên sự tuyệt mỹ: “Ấy là lúc mặt trời sắp lên – Và ráng chiều sắp tắt/ Không gian đằm thắm – Huyền ảo mang mang/ Là lúc cùng sinh ra – Thiên Thần và Quỷ Sứ/ Lúc Nhà Thơ và Kẻ Trộm – Cùng hào hứng bước ra khỏi nhà”. Ánh sáng ấy là ánh sáng của tâm hồn, của thức nhận bằng trực giác, ước mong soi tỏ nhiều điều uẩn khúc giữa cái thực và cái ảo. Đó là Mặt Đất thì thuần phác, còn Ánh Trăng vừa hào hoa vừa giả dối, nhưng không xua đuổi nhau, mà tự bao đời quấn quýt “Không thể nào tách ra được…”; là nỗi oan khuất của Nguyễn Trãi gắn liền với đêm giông gió, “Cụ đâu biết sớm mai/ Cùng với mặt trời lên – Câu thơ phải rơi đầu…”; là khi chiều tháng bảy sụt sùi mưa, Nguyễn Du lâm bệnh trọng nhưng không chịu uống thuốc, mà nhờ người “Sờ xem ta chết đến đâu rồi/ Ừ. Được!/ Cụ nói thế và đi – Lẫn trong Thập Loại Chúng Sinh…”; và, đến lượt mình “Cơ thể tôi nhẹ bỗng/ Như một sợi tơ trời/ Đến mức có thể tự bay lên/ Và mất tích trong thinh không – Như nó không hề có…”. Ánh sáng ấy cho thấy, giữa con người và thiên nhiên hằng xoắn xuýt lấy nhau, không bao giờ và không thể nào tách khỏi nhau. Ánh sáng ấy cũng cho thấy, cái hiện ra trước mắt là sự tách bạch, đơn điệu đến nhàm chán, còn cái bị khuất lấp mới đích thực ẩn chứa nguyên do của sự sống, làm động lực cho cuộc sống luôn ở thế vận động và chuyển hoá. “Sáu mươi năm bò toài trên mặt đất”, người thơ bừng tỉnh vì “Vẫn không hiểu lẽ đời…”, chỉ đến khi “Đấng Mê Tơi” chỉ dẫn: Phải nhắm mắt lại để nhìn thấy, phải bịt chặt tai để nghe cho tường, thì hoá ra “Những bí ẩn xanh rờn/ Dạt dào tuôn chảy tự trời cao…”. Quy luật Nhân - Quả ai cũng có thể thao thao giảng giải, nhưng mấy ai tỏ tường và thực hiện rốt ráo, cho nên bể khổ vẫn mênh mông cuộn sóng, cuộc sống vẫn đầy rẫy nghịch lý và bất trắc xuất phát từ lòng tham, từ thói tị hiềm. Và cứ thế, trong guồng quay phát triển nền văn minh vật chất, một mặt phục vụ cuộc sống, mặt khác tự con người phá vỡ tính thống nhất hoàn chỉnh của hành tinh ra từng mảnh, khiến nguồn sống của chính mình bị huỷ hoại và cạn kiệt.

Cái tồn tại ở trường ca Bản xônát hoang dã khác xa ở trường ca Đá cháy. Không cần nữa Toả sáng, mà “Cái nghiệt ngã của Đấng Mê Tơi/ In lên khắp thế gian – Như một định mệnh? Bất chấp mọi ý muốn/ Và cứ thế tồn tại – Như một quy luật vĩnh cửu/ Và cứ thế bất biến – Như một điều tốt lành…” Và, từ đây, người thơ nhận ra điều không hề khiến người đời chán nản, rằng: “Cõi trần gian/ Chẳng có cái gì tươi đẹp hơn Cái Chết”. Sự thức nhận này của nhà thơ rất gần, chính xác là thấm nhuần giáo lý Nhà Phật về quan niệm sinh - tử, về sắc - không, về buông bỏ chấp ngã. Hành trình thơ của Trần Nhuận Minh tiệm cận tới bản ngã của Đấng Mê Tơi, là thế…

*

Dù Trần Nhuận Minh viết “Ta rong chơi thôi mà, có tư tưởng gì đâu…” và “Tôi cắp nách một kho vàng – Toàn là ánh trăng suông…”, thì đừng cho rằng nhà thơ cố tình khiêm tốn. Ông thực sự là người khiêm nhường, khiêm cung cả trong đời thường, cả trong thơ. Điều cần khẳng định: Thơ Trần Nhuận Minh dần dần và dứt khoát đoạn tuyệt với lối kể lể, minh hoạ, để đến với sự bứt phá về cấu trúc và hình thức biểu đạt một cách phóng khoáng, tạo cho thơ ông sức lay động người đọc bằng sự tuôn trào cảm thức liền mạch, không câu nệ vào khuôn khổ của bất cứ một thể thơ nào, một khuynh hướng nào. Thay đổi hình thức và cấu trúc thơ hiện đại, nhưng thơ ông không cắt đứt tư duy thơ truyền thống mang tính minh triết mà các nhà thơ tiền bối của dân tộc đã xây nền móng vững chắc. Chữ trong thơ ông không mấy lạ, song nghĩa của chúng đa tầng, có tính ẩn dụ cao, cấp cho người đọc trường suy tưởng mới và rộng.

Bằng ngôn ngữ thơ, Trần Nhuận Minh đã vẽ nên hai bức tranh tổng thể, khái quát hai chặng đường của cuộc hành trình tiệm cận bản chất chân - thiện - mỹ: Từ mô tả chi tiết đến chính xác, ở chặng đầu, chuyển sang biểu tả cái thần thái của toàn cảnh, ở giai đoạn sau. Đó là sự chuyển mình quyết liệt trong phong cách nghệ thuật thơ của Trần Nhuận Minh, theo đúng tinh thần Sự chính xác đâu phải là sự thật! – Nghệ thuật là tự thân! Xuất phát từ tâm chân thực mà có được lòng hướng thiện và, do vậy nhà thơ vươn tới cái toàn mỹ.

Nguồn Văn nghệ số 24/2021


Có thể bạn quan tâm