March 28, 2024, 3:49 pm

Tọa đàm Văn học: Nhà văn nữ "Sống, viết và hy vọng"

 

Kỷ niệm Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10,  Ban Nhà văn nữ, Hội nhà văn Việt Nam đã tổ chức tọa đàm Thơ nữ: sống, viết và hy vọng. Tọa đàm diễn ra tại 70 Nguyễn Du - Hà Nội với sự tham dự của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch, Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam,  nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng, TS Văn học Đỗ Anh Vũ cùng các nhà văn, nhà thơ nữ thuộc Ban nhà văn nữ Hội Nhà văn Việt Nam. Trải qua hai năm Covid 19, sự hiện diện, gặp gỡ tại tọa đàm được xem là một điểm nhấn trong chuỗi hoạt động của các nhà văn nữ trong năm.

 

Các nhà văn tham dự tọa đàm

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới các nhà văn nữ nhân ngày 20/10. Đồng thời bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn khi được nghe những chia sẻ của các nhà văn nữ về cuộc sống và về những trăn trở trong lao động văn chương của các nhà văn nữ. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, dù phải đối mặt với những khó khăn, những phiền muộn kéo dài dằng dặc, thậm chí nhấn chìm cả những khát vọng lớn lao, thì trong mỗi trang sách của các nhà văn nữ, vẫn luôn là một một thế giới khác. Đó là thế giới mang lại niềm hy vọng, mở ra những ô cửa lớn cho tâm hồn con người.

 Cuộc sống dù khó khăn, nhưng mỗi trang viết phải lành lặn, phải lan tỏa cuộc sống đẹp đẽ. Cảm ơn những nhà văn nữ, những nhà lý luận phê bình nữ - những biểu trưng của cái đẹp, của sự sẻ chia, nhẫn nại, vị tha và lòng nhân ái... ( Nhà văn Nguyễn Quang Thiều)

Cho biết, trong thời gian tới Hội Nhà văn Việt Nam sẽ mở “Quỹ Văn học thiếu nhi” để làm sách cho trẻ em, Chủ tịch Hội tin rằng Quỹ sẽ được ủng hộ. Và kỳ vọng các nhà văn nữ sẽ đồng hành với dự án  “sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa”  và Quỹ Văn học thiếu nhi. 

Trước đó, tọa đàm đã lắng nghe tham luận và những chia sẻ tâm huyết của các nhà lý luận phê bình, nhà văn, nhà thơ nữ. Đa phần những chia sẻ của họ, dù được tiếp cận ở những khía cạnh khác nhau, nhưng đều cho thấy sự nghiêm túc trong lao động văn chương, sự hy sinh thầm lặng và năng lượng sáng tạo rất đáng được trân trọng.

Nhờ sát sao với đời sống Văn học, nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng đã chia đội ngũ sáng tác văn học thành 4 lớp khác nhau và ở mỗi lớp lại có những gương mặt nổi trội. Đáng chú ý, ở lớp 7X, 8 X cứ 50 cây bút nổi tiếng thì có 35 cây bút là phụ nữ. Nhà văn nữ viết đằm xong luôn có lửa sau mỗi trang viết. Và ông luôn hy vọng sẽ có những tác phẩm đột phá trong văn thơ nữ.

Với nhà phê bình Đỗ Anh Vũ, với văn thơ nữ, tình mẫu tử luôn là vấn đề được quan tâm. Sáng tác của các chị đi vào những vấn đề cụ thể, chi tiết hơn nam giới. Nhà văn nữ gửi gắm vào con chữ những tâm tư tình cảm của mình, ở đó có sự day dứt, có tâm sự và cũng có cả những kinh nghiệm sống…trao gửi cho những đứa con. Và những trang viết của họ luôn để lại những rung cảm ấm áp.

Với nhà lý luận phê bình Vũ Nho, sự quan tâm của ông về văn chương nữ lại chính là lĩnh vực Lý luận phê bình. Theo ông, viết lý luận phê bình là công việc khó khăn, kén người, nhưng các nhà văn nữ đã dấn thân và đóng góp vai trò rất quan trọng cho công tác lý luận phê bình VHNT hiện nay. Những gương mặt phê bình nữ như : Trần Thị Trâm; Lưu Khánh Thơ, PGS,TS Nguyễn Thị Minh Thái; PGS, TS Lý Hoài Thu… đã để lại những dấu ấn nhất định trên văn đàn. Hiện hội nhà văn Việt Nam có hơn 200 nhà văn nữ ( 20 nhà văn làm lý luận phê bình), trong tổng số 1200 nhà văn cả nước. Do đó, những sáng tác của nhà văn nữ khá hùng hậu. Và nhà Lý luận phê bình Vũ Nho khẳng định, trong thời gian tới, ông sẽ viết về những nhà phê bình nữ ra tấm ra món.

Chia sẻ về những sáng tác nữ, nhà văn, nhà lý luận phê bình Trần Thị Trâm cho rằng, văn học nữ có những đặc sắc riêng. Ở sáng tác của họ có sự khác ở điểm nhìn nghệ thuật, cách tiếp cận thế giới. Họ hay viết về những điểm rất khác trong tình yêu, cuộc sống. Ví dụ ở thơ, thường hay viết về sự cô đơn, sự dịu dàng…. Với những câu thơ chạm vào trái tim người đọc. Và  như vậy, văn thơ nữ có nhiều đóng góp cho văn học đương đại. Song, để có những tác phẩm đỉnh cao, văn thơ nữ cần phải đổi mới, cần có tính triết lý nhân sinh sâu sắc.

Bàn đến chữ Duyên và chữ Tình trong sáng tác văn chương, nhà văn Lê Phương Liên cho rằng, để những sáng tác của mình đến được với bạn đọc  nhà văn nữ cần có cái  Duyên và cái Tình, cái duyên với người đọc tác phẩm và cái Tình để lưu lại những tác phẩm của mình. Trong suốt 50 năm sáng tác, nhà văn Lê Phương Liên luôn có may mắn hạnh ngộ chữ Duyên và chữ Tình, đây là động lực để bà bền bì sáng tác.

Nhà văn nữ sống rất nhiều vai, họ không chỉ tròn vai người vợ, người mẹ, người bà, nhà văn nữ còn là những người hoạt động xã hội năng động. Dù ở vai trò nào, độ tuổi nào, họ cũng đều sống hết mình, nhất là trong sáng tác văn học, họ luôn cháy hết mình với văn chương. Đặc biệt với nhà văn Võ Thị Xuân Hà, lao động văn chương luôn đòi hỏi sự sắp xếp khoa học, sự tập trung cao độ, năng lượng sống và sống hết mình với những đam mê của mình.

Nhà văn Trần Thị Trường, người được biết đến là một nhà văn, họa sĩ, tự cho rằng mình chưa qua trường lớp dạy viết văn, hội họa,  nhưng lại có thừa đam mê. Ở tuổi 70 nữ nhà văn, họa sĩ  cho biết, chữ nghĩa, văn chương vẫn luôn có một sức hút mạnh mẽ và  tháng 11 tới đây, bà sẽ cho ra mắt cuốn “Chân dung 60 nhà văn Việt Nam”  và sẽ còn có tập hai để bổ sung những gương mặt nhà văn khác trong Hội Nhà văn Việt Nam.

Được biết đến với những bài phê bình văn học có sức lan tỏa mạnh mẽ - nhà lý luận phê bình Tôn Phương Lan cũng đã có những chia sẻ về công việc phê bình khá nặng nhọc nhưng đầy đam mê trong suốt nhiều năm qua của mình. Mặc dù không được nhiều người biết đến như các nhà văn, nhà thơ thông qua sáng tác, nhưng ở góc độ người làm phê bình văn học, bà cho rằng, những bài phê bình đã góp phần nâng tầm tác phẩm, khẳng định giá trị tác phẩm. Cảm ơn những nhà văn, nhà thơ, bằng sự cố gắng của mình đã lao động sáng tạo ra những tác phẩm văn chương, đưa lại cảm hứng cho những người làm công tác phê bình. Bà cũng hy vọng sau cuộc tọa đàm sẽ được gặp gỡ được nhiều hơn những tác phẩm văn học có giá trị.

Đến với tọa đàm, nhà văn trẻ Đỗ Bích Thúy cũng có những chia sẻ về vùng đất, vùng văn hóa Hà Giang, nơi chi sinh ra và lớn lên. Nữ nhà văn cho biết, trong suốt hành trình sống và viết, chị luôn muốn ngoái lại để tri ân vùng đất ấy. Bởi đây chính là vỉa quặng mà có lẽ sẽ không bao giờ cạn trên con đường sáng tác của chị . Với chị văn chương là công việc cá nhân, nhà văn luôn lao động trong sự cô độc, nhưng đổi lại có bạn đọc, có đồng nghiệp cùng hiểu và thông cảm cho nhau. Nhà văn gánh trên vai nhiều trách nhiệm, và những tác phẩm của họ sẽ  làm vợi bớt những nhọc nhằn và giúp họ có thêm năng lượng sống.

Cũng có những chia sẻ về công việc sáng tác, gương mặt trẻ, nhà văn Di Li thừa nhận mình không thể làm nhiều công việc một lúc. Và để hoàn thành công việc của mình, chị phải sắp sếp thời gian hợp lý, tập trung cao độ cho từng công việc cụ thể của mình. Thậm chí  “Cảm xúc lên đến 100%” để hoàn thành công việc.

Các nhà văn Nguyễn Thị Hải Yến, Cao Thị Hồng, … cũng có những chia sẻ về công việc thực tế song hành với nghề viết văn. Trong vai trò là một nhà văn - nhà giáo, những đau đáu về nghề đã được chuyển tải lên trang văn. Vì vậy, qua những công việc thầm lặng, các chị đã thắp lửa cho các học trò của mình.

Sau buổi tọa đàm. Ban nhà văn nữ tiếp tục tổ chức đêm giao lưu thơ nhạc “ Quà tặng mùa thu”. Cùng chung vui với các nhà văn nữ, Báo Văn nghệ xin chức mừng các nhà văn, nhà thơ nữ  bút lực dồi dào và hạnh phúc trong ngày 20/10.

PV


Có thể bạn quan tâm