April 24, 2024, 2:53 pm

Tọa đàm quốc tế “Dịch thuật và tiếp nhận Truyện Kiều tại Pháp và trong Cộng đồng Pháp ngữ”

 

 “Dịch thuật và tiếp nhận Truyện Kiều tại Pháp và trong Cộng đồng Pháp ngữ” là tên cuộc Tọa đàm quốc tế do Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI)  phối hợp với  Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN tổ chức sáng 21/11 tại Hà Nội

Hội thảo đã nghe học giả, Giáo sư Alain Guillemin- nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp  giới thiệu 10 bản dịch truyện Kiều sáng tiếng Pháp, sự tiếp nhận truyện kiều tại Pháp và cộng đồng Pháp ngữ. Đồng thời nghe Nhà thơ, giáo sư Nguyễn Huy Hoàng - cộng tác viên khoa học của Viện Kinh tế Pháp luật Moskva, chủ biên bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga trao đổi về quá trình dịch thuật văn học Việt Nam sang tiếng Nga nói chung và truyện Kiều sang tiếng Nga nói riêng. Theo các học giả, việc giao lưu văn hóa, đặc biệt là giao lưu và tiếp nhận các giá trị văn hóa kinh điển giữa Việt Nam và Pháp cùng với các quốc gia khác trên thế giới, là một yếu tố rất quan trọng trong việc phát triển các giá trị tinh thần chung của toàn nhân loại. Trong quá trình giao lưu này, dịch thuật và tiếp nhận các giá trị văn hóa kinh điển của các quốc gia khác nhau là một hoạt động rất quan trọng nhưng hiện nay ít được nghiên cứu đến, do đó bản thân các học giả, BTC  mong muốn thông qua toạ đàm sẽ mang  đến cho các em sinh viên, các học giả ngành xã hội nhân văn nói chung và những người quan tâm đến mảng nghiên cứu dịch thuật nói riêng cơ hội gặp gỡ, trao đổi về việc giao lưu tiếp nhận văn hóa thông qua các giá trị văn hóa kinh điển trong đó có Truyện Kiều

Trên thực tế, vấn đề nghiên cứu, xác minh, tìm hiểu lịch sử dịch thuật và tiếp nhận Truyện Kiều của Nguyễn Du trên thế giới không chỉ là mối quan tâm của các nhà Kiều học mà đã thu hút cả dư luận xã hội, nhất là với việc soạn sách giáo khoa và định hướng nhận thức, cảm thụ, giảng dạy trong nhà trường; đồng thời đã nâng cấp thành đối tượng tìm hiểu, khảo sát chuyên sâu và mở rộng thành các cuộc thảo luận có ý nghĩa khu vực và quốc tế...

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến nay kiệt tác Truyện Kiều đã được dịch sang hơn 20 thứ tiếng với hơn 60 bản dịch khác nhau và xuất bản ở các nước Pháp, Nhật Bản, Anh, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hy Lạp, Phần Lan, A-rập, Đức, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri, Ru-ma-ni, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Mông Cổ, Lào, Thái-lan... Nhiều thứ tiếng có số bản dịch phong phú: Pháp 13 bản, Trung Quốc 11 bản, Anh 7 bản, Nhật Bản 5 bản, Nga và Đức cùng 2 bản

PV


Có thể bạn quan tâm