April 17, 2024, 1:58 am

Tố Hữu ý ngoài thơ

Năm 1990, Hội Nhà văn Việt Nam có sáng kiến tổ chức mừng thượng thọ 70 Tố Hữu tại tư thất của ông, ở phố Phan Đình Phùng, Hà Nội. Có mặt các anh lãnh đạo Hội Nhà văn lúc đó, Vũ Tú Nam, Chính Hữu và một số nhà thơ lớp trước, lớp sau. Buổi họp mặt có quay phim truyền hình, và đã phát sau đó. Tôi được phân công dẫn giải, bình luận các bài thơ của Tố Hữu.

Ông bà Tố Hữu đón và đưa tất cả chúng tôi vào phòng khách. Một bộ sa lông gỗ đã cũ, kiểu sa lông cải tiến những năm 60 kê thêm một loạt ghế dựa. Tố Hữu nghe giới thiệu khách, nhìn từng người. Ông xúc động nói: Anh em đến với mình quý quá, tri kỷ tri âm lắm. Khi nhắc những kỷ niệm về Bác Hồ, ông khóc nhưng lau ngay giọt lệ để đọc thơ. Hôm ấy ông nói ít, nhiều chỗ ngập ngừng. Tôi đã có may mắn được ngồi nghe ông trò chuyện mấy lần, tôi có cảm giác mình hiểu được nỗi xúc động và sự ngập ngừng lúc này của nhà thơ, nhà cách mạng lão luyện đó.

Khi trò chuyện chỉ có hai người. Tôi hay mạnh dạn hỏi và được ông trả lời tự nhiên, thoải mái, rất lôi cuốn. Tháng 3/1987, nhân ý tôi nhận xét thơ ông mỏng những tình cảm riêng tư quá. Ông nói:

- Tôi làm thơ không phải do bản thân thơ, vì thơ. Với tôi, thơ là một phương tiện của chính trị. Thơ nó dễ tác động. Nói miệng anh em ghi thế nào hết ý được. Chưa kể người ghi lại thường có ý thức nhào nặn lại. Gọi tôi là nhà thơ, oan tôi. Tôi làm chính trị chuyên nghiệp, làm thơ nghiệp dư.

Tôi hỏi ông việc làm thơ trong tù. Cảm xúc đến thế nào, viết rồi lưu hành ra sao?

- Tôi viết bằng mọi cách. Có lúc dùng kim viết lên tường. Nên cũng mất nhiều, hàng chục bài. Tiếc nhất bài về Maxcơva, tôi viết lúc phát xít đánh Maxcơva, rồi tình hình đất nước lúc ấy, tôi cố ghi lại. Trong tù tôi sống với mấy anh Trôxkit, họ chọc tức tôi. Tôi viết như một cách trả lời.

Tôi lại hỏi ông sao ít viết thơ tình yêu. Có phải làm lãnh đạo viết thơ tình nó bất tiện chăng? Ông trả lời ngay như không phải nghĩ ngợi sắp xếp gì:

- Hồi kháng chiến thơ gì cũng dẫn đến lòng yêu nước, kể cả thơ tình yêu. Aragon, Êlua, Nêruđa, Hikmet đều thế. Không ai cấm, ai lại cấm trai gái thương nhau. Nhưng trong kháng chiến phải che giấu tình cảm này vì nhìn ra quanh mình, anh chị em mình đang phải xa chồng xa vợ. Tự thấy không nỡ. Không thấy đôi nào đi dạo trong rừng kháng chiến. Người trong cuộc tự thấy không nên. Gây nhức nhối cho người khác vô ích. Nhưng đòi hỏi phải có tình cảm này trong văn học. Tình cảm Đợi anh về là một ví dụ. Có lẽ thơ tình kháng chiến không bài nào hơn Đợi anh về.

Tố Hữu nói một hơi, rõ ràng khúc chiết, tinh tế một vấn đề vốn không dễ thống nhất giữa những người làm thơ. Tôi lắng nghe, cố hình dung những quan niệm cốt lõi của ông về thơ. Thơ Tố Hữu đã luôn ám ảnh tâm trí tôi suốt thời đi học, phần vì do bài học, bài thi hay đụng tới thơ ông, phần vì trong tập Từ ấy ông có những câu thơ hay, đầy gợi cảm mà lại chất chứa một lòng tốt với cuộc đời rất lớn lao. Trong tù lắng nghe tiếng động bên ngoài: Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh/ Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về.

Trong tù lắng nghe lòng mình, một tâm tư: Gì sâu bằng những trưa thương nhớ/ Hiu quạnh bên trong một tiếng hò.

Thương nhớ tạo nên chiều sâu một buổi trưa tù và hiu quạnh thì đựng đầy một tiếng hò. Chính xác trong tâm lý và bí ẩn trong sức gợi cảm của câu thơ. Thơ Tố Hữu như thuộc về một chân trời lạ, tôi không với tới được. Hấp dẫn, say mê nhưng đầy bí ẩn. Cuộc đời tác giả thuở thanh niên có vẻ đẹp của thần thoại, của anh hùng ca. Đời tác giả đã thành một bảo đảm, một thuyết phục cho tác phẩm: Tôi đã là con của vạn nhà/ Là em của vạn kiếp phôi pha/ Là anh của vạn đầu em nhỏ/ Không áo cơm cầu bất cầu bơ.

Ông đã thành người cộng sản từ năm 18 tuổi. Mười chín tuổi bị tù đày. Nhiều phen phút chết đã kề bên. Tố Hữu hiểu gian lao con đường mình chọn: Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề tận cổ, súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa.

Cái giá để là con của vạn nhà là vậy. Để giữ được mình trước thử thách và cạm bẫy, Tố Hữu phải tự đấu tranh rất nhiều. Bài thơ Con cá chột nưa kể lại cuộc đấu tranh nội tâm trong những ngày tuyệt thực ở nhà tù Lao Bảo tháng 11/1940. Ông dặn khi chọn tuyển cho ông đừng để sót bài đó. Ông thích nó, có lẽ ông cho rằng tiếng nói bên trong tâm hồn mỗi con người bây giờ và bao giờ cũng rất cần có nó: Không thể gì quyến rũ/ Mua bán được lương tâm/ Danh dự của riêng thân/ Là của chung đồng chí.

Một lần khác. Tố Hữu nói:

- Tôi không tin yếu thắng mạnh. Phải mạnh mới thắng được mạnh. Mạnh không chỉ ở súng đạn, tiền bạc mà ở nhiều yếu tố, ở phẩm chất con người. Tính toán sức mạnh là phải tính toán tổng hợp, thấy cho hết các yếu tố. Trong kháng chiến vừa qua, ta đã lấy cái đứng im mà thắng cái bay nhanh của Mỹ. Bắn máy bay bằng súng trường. Trở lại yếu tố con người. Nhìn thẳng quân thù mà bắn. Con người phải không run mới nhìn thẳng được chứ. Kháng chiến chống Pháp ta thắng nhờ sức mạnh của tình đồng bào. Chống Mỹ ta thắng là nhờ tình đồng chí. (Tôi nghĩ: chắc ông nói tình đồng chí trong toàn phe).

Tôi chăm chú nghe ông và thầm lý giải cho mình cái lý do ông nói tôi chưa được làm thơ vì thơ. Hồi “Từ ấy” tôi viết để vận động cách mạng. Sau này tôi viết để giải quyết những vấn đề tư tưởng. Tôi nhớ Phan Bội Châu viết thư gửi đồng bào bằng máu và nước mắt (Hải ngoại huyết lệ thư). Tôi nhớ Bec tôn Brêch, nhà thơ Cộng sản Đức trong thời Hitler xưng hùng xưng bá, đã có câu thơ đại ý: Lúc này thơ nói đến cây là điều có tội. Tính mục đích của văn học, của thơ, với Tố Hữu là rõ rệt. Tôi nghĩ: ông có lý.

Ông nói tiếp: - Cô đơn vẫn còn là bệnh thời đại và còn kéo dài. Ngẫm nghĩ một lát, ông nói tiếp: Văn nghệ phải vừa khẳng định, vừa phủ định. Không nên coi cái nào là chính, là phụ. Cách nghĩ đó cũ. Lên án mạnh là khẳng định mạnh. Phải dũng cảm và trí lực. Mỗi triều đại lên và xuống là do biết chăm hay không chăm cái này. Cái mà Nguyễn Trãi gọi là Dân. Được một bát cơm cay chua lắm. Không phải mọi thứ đều hạch toán được đâu Mấy ai ra chợ mà mua anh hùng. Văn học phải trở lại nhân học, dân tộc học để tìm hiểu, để xây dựng lối sống.

Nhà thơ bữa đó nói liền qua trưa, quên cả giờ ăn. Tới gần hai giờ tôi tự buộc mình không được để ông mệt. Tiễn tôi, ông dặn: Nên lại chơi nói chuyện thơ với ông. Lúc trước ông hay bàn về thơ với Chế Lan Viên. Chế Lan Viên vào Tp. Hồ Chí Minh ông vẫn trao đổi được. Từ ngày ông Chế mất, ông trống trải quá. Tôi thấy nói chuyện thơ, với ông, là nói chuyện đời, thơ lẫn trong việc đời, việc chính trị. Ông nghĩ ngợi hệ thống và có những tiêu chí thống nhất để đánh giá thơ, đánh giá đời. Tôi có nhận xét ông chuyển tải vào thơ quá ít những điều ông nghĩ. Ông nói sắc và sinh động sao vào thơ vấn đề như bị mờ đi. Do thơ ước lệ hay do ông kín đáo?

Nguồn Văn nghệ số 43/2020


Có thể bạn quan tâm