April 23, 2024, 10:33 pm

Tổ chức hoạt động trải nghiệm Ngữ văn: Những vấn đề quan tâm

1.

Dạy học ngữ văn gắn liền với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là một trong những phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động góp phần tạo được hứng thú, tính tích cực, hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất người học. Từ đó, góp phần đổi mới dạy học Ngữ văn trong các nhà trường trung học. Nhận thức được điều đó, trong thời gian qua, các cơ sở giáo dục đã tích cực, chủ động tiếp cận và vận dụng mục tiêu của hoạt động trải nghiệm theo chương trình giáo dục phổ thông mới phù hợp với từng cấp học, bậc học.

Thứ nhất, ngay trên lớp học truyền thống nhưng hoạt động này vẫn được tổ chức và có hiệu quả: thay vào lối truyền thụ kiến thức một chiều thì giáo viên tổ chức hoạt động, giao nhiệm vụ, học sinh tương tác, hoạt động nhóm, trình bày báo cáo sản phẩm; vận dụng kiến thức từ bài học để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Học sinh có dịp trải nghiệm khi chính bản thân các em được hóa thân, nhập vai trong từng nhân vật của các tác phẩm văn học để thể hiện cảm xúc, thái độ, tư tưởng và qua những câu hỏi, tình huống đặt ra, các em được thể hiện rõ suy nghĩ, quan điểm riêng của mình.

Thứ hai, trên cơ sở những bài/tiết học có liên quan đến bộ môn để các cơ sở giáo dục tổ chức thành lập các câu lạc bộ liên quan đến bộ môn ngữ văn. Trong chương trình ngữ văn cấp THCS đến THPT, giáo viên và học sinh được tiếp cận với các đoạn trích trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du (câu lạc bộ Truyện Kiều); các thể loại của văn học dân gian như ca dao, chèo (câu lạc bộ dân ca, ví giặm, câu lạc bộ chèo)... để vận dụng và nâng cao những hiểu biết về các thể loại tiêu biểu đã học trong chương trình liên quan đến các thể thơ, thể loại truyện ngắn... đồng thời khuyến khích năng khiếu, sở trường cho học sinh, các nhà trường đã tổ chức thành lập các câu lạc bộ sáng tác: Sáng tác thơ, truyện ngắn. Những sản phẩm này này không chỉ dừng lại ở việc sinh hoạt, trao đổi trong câu lạc bộ mà còn được chủ nhiệm câu lạc bộ lựa chọn, biên tập gửi đến các tạp chí sáng tác.

Thứ ba, tổ chức các hội thảo, diễn đàn: Các học sinh được dịp tìm hiểu, nghiên cứu, các em được dịp chia sẻ, trao đổi với nhau liên quan các vấn đề về văn học. Đặc biệt, hoạt động trải nghiệm dưới hình thức hội thảo, diễn đàn sẽ giúp các em làm chủ trước đám đông, bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của riêng mình, phát triển kỹ năng thuyết trình hùng biện, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm...

Thứ tư, tổ chức hoạt động dưới hình thức sân khấu hóa tại trường học liên quan đến các văn bản văn học trong chương trình và gắn với chủ đề, chủ điểm năm học như: Hát mãi khúc quân hành (dựa trên bối cảnh những văn bản đã học: Bài thơ Đồng chí (Chính Hữu), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật) dành cho học sinh THCS; hay Tây Tiến (Quang Dũng) dành cho học sinh THPT; hay Văn học dân gian - Cội nguồn và sáng tạo (THCS và THPT); Hãy sống là chính mình (liên quan đến đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ, Ngữ văn lớp 12)...

Tổ chức hoạt động trải nghiệm dưới hình thức sân khấu hóa, các nhà trường đã sáng tạo, linh hoạt và hình thức thể hiện qua các phần thi: Phần chào hỏi: Các đội thi đặt tên liên quan đến chủ đề; Phần thi hiểu biết: những câu hỏi liên quan kiến thức đã học; Phần thi tài năng: thể hiện năng khiếu, tài năng: hát, múa, vẽ, biểu diễn hoạt cảnh được lấy ra từ những đoạn trích/ tác phẩm đã học. Phần giao lưu cùng khán giả. Chính các hoạt động này, các em được hóa thân, được nhập vai, trải nghiệm, sống cùng cảm xúc và tư tưởng với nhân vật trong tác phẩm văn học, chuyển tải được những dụng ý nghệ thuật của các tác giả gửi gắm. Đồng thời tạo mối liên hệ mật thiết, gắn bó giữa loại hình ngôn ngữ trong văn học và các loại hình nghệ thuật khác.

Thứ năm, dạy học ngữ văn gắn với hoạt động trải nghiệm “trang văn với trang đời”: Nhà phê bình văn học Hoài Thanh trong bài Ý nghĩa của văn chương (Ngữ văn 7) đã từng khẳng định: “Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài…”. Vì vậy, qua những tiết học không chỉ giúp các em hình thành và phát triển các năng lực mà còn hướng tới phẩm chất, giáo dục tư tưởng, tình cảm cho các em, bồi đắp những giá trị nhân văn cao đẹp: biết đồng cảm, chia sẻ, biết yêu thương con người, trung thực, dũng cảm...

Trong chương trình ngữ văn trung học, học sinh được học những tác phẩm văn học thấm đẫm tinh thần nhân văn như: Cô bé bán diêm, Chiếc lá cuối cùng, Lão Hạc (Ngữ văn 8) các đoạn trích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du (Ngữ văn lớp 9 và 10), Chí Phèo (Nam Cao), Hai đứa trẻ (Thạch Lam, Ngữ văn 11), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân), Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12), đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ, Ngữ văn 12) và rất nhiều tác phẩm, đoạn trích tiêu biểu khác. Chính việc tìm hiểu, khám phá những tác phẩm văn học ấy sẽ giúp học sinh biết nhìn nhận lại bản thân để biết sống có ý nghĩa hơn. Các em sẽ có dịp đồng cảm, chia sẻ không chỉ trên những trang văn mà còn còn biết trắc ẩn giữa những trang đời. Các em được tham gia các hoạt động thiện nguyện “bát cháo tình thương” về với những bệnh nhân nghèo tại các cơ sở y tế trong, ngoài địa bàn, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, với những mảnh đời đang cần những bàn tay yêu thương, đùm bọc. Có những cơ sở giáo dục, trong một năm đã tổ chức được 3 đến 5 lần hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ trẻ em nghèo, hoàn cảnh khó khăn; trẻ em trường Trẻ mồ côi, khuyết tật, trẻ em vùng núi, địa bàn khó khăn...

Thứ sáu, dạy học ngữ văn gắn với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp qua phương thức nghiên cứu: Là cách tổ chức hoạt động tạo mà qua đó giúp các em có cơ hội tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học nhờ cảm hứng từ trải nghiệm thực tế. Từ đó đề xuất những giải pháp để giải quyết các vấn đề một cách khoa học. Thực tế hoạt động trải nghiệm, học sinh không những thích thú, hào hứng mà thông qua hoạt động các em đã hình thành được những cách thức giải quyết các vấn đề từ thực tiễn đặt ra. Chẳng hạn, đối với các trường học đóng trên địa bàn hoặc học sinh trong toàn tỉnh như ở tỉnh Hà Tĩnh khi dạy các đoạn trích Truyện Kiều của Nguyễn Du (Ngữ văn 9 và 10) bài thơ Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ (Ngữ văn 11) học sinh có dịp được về với Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân Nguyễn Công Trứ để mở rộng kiến thức, hiểu biết, được tận mắt chứng kiến những di  vật, di sản văn hóa được trưng bày trong các khu lưu niệm. Hay các em được đến với các làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất kinh doanh: Làng Mộc, Nón, Rèn, Gạch, Làng Nghề nước mắm… Từ những chuyến đi, các hoạt động trải nghiệm đó, các em có thêm những tìm tòi để tìm ra những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của quê hương, dân tộc: Trò Kiều, ca trù Cổ Đạm; các giải pháp để tạo được thương hiệu cho các làng, nghề truyền thống...

Thứ bảy, bên cạnh việc tổ chức hoạt động trải nghiệm gắn liền với lớp học truyền thống, tại sân trường... thì một số tiết/bài học, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch để tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm dưới hình thức tham quan, dã ngoại ở các khu lưu niệm, địa chỉ cách mạng, danh lam thắng cảnh trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt sau mỗi chuyến đi, học sinh sẽ có những thu hoạch bằng bài viết, bằng các sáng tác theo năng khiếu, sở trường của mình, bằng những bài báo cáo được trình bày qua những tiết sinh hoạt đầu giờ, cuối tuần... được đăng tải trên Website của trường.

 

2.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp gắn với bộ môn ngữ văn còn có những khó khăn, hạn chế:

 - Trong lớp dạy truyền thống: Nhiều tiết dạy vẫn còn nặng về kiến thức, chưa chuyển giao nhiệm vụ cho học sinh; chưa đặt ra những câu hỏi, tình huống để học sinh giải quyết nên tính trải nghiệm còn hạn chế.

- Tổ chức câu lạc bộ, diễn đàn: Một số đơn vị, địa phương tuy có thành lập các câu lạc bộ, tổ chức các diễn đàn nhưng hiệu quả chưa cao, chưa phát huy được năng khiếu, sở trường của các em, ngày thành lập câu lạc bộ thì hoạt động rầm rộ nhưng hoạt động thì thưa thớt, lèo tèo, thiếu những nhân tố có khả năng tập hợp và điều hành.

- Tổ chức hình thức sân khấu hóa: Công phu và tốn nhiều thời gian; một số giáo viên năng lực tổ chức còn hạn chế; Một số hoạt động chưa liên kết được chặt chẽ, hệ thống và nhuần nhuyễn các bài học/tiết học liên quan đến bộ môn ngữ văn nên đôi lúc còn rời rạc, thiếu lôgic; có khi còn nặng về hình thức, phô trương, lãng phí.

- Tổ chức hoạt động trải nghiệm dưới hình thức tham quan dã ngoại: tốn thời gian, kinh phí và tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn nếu như thiếu các giải pháp; có một số cơ sở giáo dục, sau mỗi chuyến đi, kết quả thu lại chỉ dừng lại ở một vài hình ảnh đăng trên trang Web của trường và trên facebook của một số cá nhân...

 

3.

Vì vậy, để khắc phục các hạn chế nêu trên và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp gắn liền với bộ môn ngữ văn ở các trường trung học đặt ra yêu cầu, trách nhiệm cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh:

Đối với cán bộ quản lý cần phải thực hiện tốt công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, phê duyệt kế hoạch, chương trình của các tổ, nhóm chuyên môn; tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng, sơ kết, tổng kết để đánh giá rút kinh nghiệm; việc tổ chức cho học sinh tham gia trải nghiệm phải thực hiện theo đúng quy định; phải có các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh và thấy được hiệu quả của hoạt động này mang lại.

Đối với giáo viên, cần phải chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch ngay từ đầu năm học; các giáo viên rà soát, đề xuất những nội dung tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phù hợp với đặc trưng bộ môn; trong sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, bên cạnh việc nghiên cứu trao đổi nội dung bài dạy thì cần tập trung thảo luận, bàn bạc, thống nhất kỹ nội dung này. Tổ chức các hoạt động giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động này với các giáo viên, tổ, nhóm các trường bạn dưới hình thức sinh hoạt chuyên môn liên trường. Sau các hoạt động, cần khuyến khích học sinh thể hiện bằng những sản phẩm sáng tạo từ việc thu hoạch của các em.

Đối với học sinh, để hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp gắn với môn ngữ văn có hiệu quả, khâu nghiên cứu, chuẩn bị kỹ cho bài học, khả năng tự học cần phải được quan tâm đúng mức. Thực tế, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có mang lại hiệu quả đích thực không chính là ở sự quan tâm, hứng thú và đam mê bởi vì năng lực, phẩm chất được hình thành và phát triển được thông qua quá trình tiếp xúc và giải quyết từ tình huống thực tiễn đặt ra.

Đối với các bậc phụ huynh: Thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội; tạo điều kiện và khuyến khích các em được tham gia các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có hiệu quả do nhà trường tổ chức; đồng hành với nhà trường trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho các em để từ đó có những tư vấn chọn nghề và ngành phù hợp, khắc phục tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” và áp lực thành tích, điểm số, thi cử dẫn đến học thêm tràn lan.

Thiết nghĩ, nếu thực hiện được những điều đó, các cơ sở giáo dục, các địa phương sẽ thực hiện được mục tiêu chung của Hoạt động trải nghiệmHoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được qui định trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhằm “hình thành, phát triển ở học sinh năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp; đồng thời góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung quy định trong Chương trình tổng thể”, “giúp học sinh khám phá bản thân và thế giới xung quanh, phát triển đời sống tâm hồn phong phú, biết rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên và tình người, có quan niệm sống và ứng xử đúng đắn, đồng thời bồi dưỡng cho học sinh tình yêu đối với quê hương, đất nước, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc để góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam trong một thế giới hội nhập”.

________

* Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh.

Nguồn Văn nghệ số 11/2020


Có thể bạn quan tâm