April 25, 2024, 9:57 pm

Tổ chức biên soạn theo phương thức xã hội hóa SGK Giáo dục Quốc phòng và An ninh bộ sách Cánh Diều

NGƯT Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) cho biết sách giáo khoa (SGK) Giáo dục Quốc phòng và An ninh Cánh Diều được tổ chức biên soạn theo phương thức xã hội hóa.

 1. Xây dựng, phát triển đội ngũ tác giả đáp ứng tiêu chuẩn cá nhân biên soạn SGK

Xây dựng tiêu chuẩn tác giả đáp ứng tiêu chuẩn cá nhân biên soạn SGK quy định tại Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT và Thông tư 23/2020/TT-BGDĐT đồng thời cụ thể hóa thành các tiêu chí như phải là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt; có trình độ được đào tạo từ đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục (ưu tiên người am hiểu giáo dục phổ thông), có chuyên môn phù hợp với SGK (ưu tiên người có kinh nghiệm và am hiểu Giáo dục quốc phòng và an ninh),…; cam kết không tham gia thẩm định SGK Giáo dục Quốc phòng và An ninh.

Tổ chức tuyển chọn và thành lập nhóm tác giả, trong đó có Chủ biên và Tổng Chủ biên bộ SGK cấp THPT; cử Biên tập viên SGK Quốc phòng và An ninh; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho nhóm tác giả về các tiêu chuẩn SGK (đặc biệt là các chỉ báo SGK liên quan đến dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, cấu trúc đặc thù chương trình môn Giáo dục Quốc phòng và an ninh và cách thức để cụ thể hóa được chương trình; tập huấn về những điểm mới của chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018; những điểm mới, đặc thù của chương trình môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh mới.

2. Xây dựng mô hình cấu trúc và đề cương chi tiết SGK Quốc phòng và An ninh cấp THPT

Tổng chủ biên, chủ biên, tác giả, biên tập viên trên cơ sở nghiên cứu chương trình môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh mới và tham khảo mô hình SGK một số nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới xây dựng mô hình cấu trúc và đề cương chi tiết SGK.

Đề cương chi tiết SGK bảo đảm bám sát chương trình và tính nhất quán, xuyên suốt của mạch kiến thức môn học/lớp/cấp học đồng thời đáp ứng các yêu cầu về phẩm chất, năng lực của học sinh.

3. Đối với biên soạn SGK Giáo dục QPAN lớp 10

SGK Giáo dục quốc phòng và An ninh lớp 10 Cánh Diều đã hoàn thành việc biên soạn và tổ chức dạy thực nghiệm; biên tập, minh họa và thiết kế hoàn thiện bản thảo tác giả, hình thành bản thảo gốc và bản mẫu SGK.

Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của các Vụ chuyên môn Bộ Giáo dục & Đào tạo, bản thảo SGK Giáo dục Quốc phòng và An ninh 10 Cánh Diều đã được Hội đồng thẩm định nội bộ tiến hành thẩm định lần 1. Ngay sau khi có ý kiến của Hội đồng thẩm định nội bộ lần 1, liên tục trong gần 1 tháng vừa qua, đội ngũ Tổng Chủ biên, Chủ biên, Tác giả SGK Giáo dục Quốc phòng và An ninh 10 đã cùng các Biên tập viên của Công ty VEPIC khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19,  miệt mài ngày đêm tiến hành chỉnh sửa bản thảo của từng bài học trong SGK trên tinh thần tiếp thu, quán triệt đầy đủ ý kiến của Hội đồng, quyết tâm và kiên trì từng bước nâng cao dần chất lượng bản thảo.

Để giúp tác giả hoàn thiện bản mẫu theo tiêu chuẩn SGK quy định tại Thông tư 33 của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Chiều 3.7 đã diễn ra buổi thẩm định nội bộ lần 2 SGK Giáo dục Quốc phòng và An ninh 10 Cánh Diều. Hội đồng thẩm định gồm 10 thành viên, do Trung tướng, PGS-TS Nguyễn Đức Hải - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng - làm Chủ tịch Hội đồng.

Đây là cố gắng rất lớn, thể hiện sự nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm cao của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục quốc phòng và an ninh đối với SGK Quốc phòng và An ninh 10 nói riêng và cả bộ sách Cánh Diều nói chung. Sau thẩm định lần 2, bản mẫu SGK Giáo dục Quốc phòng và An ninh 10 sẽ được các tác giả chỉnh sửa lần cuối để gửi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK theo kế hoạch thẩm định SGK lớp 10 của Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Một buổi làm việc của Hội đồng thẩm định


Có thể bạn quan tâm