March 29, 2024, 3:05 pm

Tình yêu và ước mơ không giới hạn

Không giới hạn của Hà Minh Đức tập hợp từ 3 tập thơ rời Hạnh phúc nào không cô đơn, Nồng nàn lửa hạ và Bóng chiều đã nhạt nẻo về còn xa được sáng tác trong cùng thời khoảng, lúc tuổi đời nhà thơ đã sắp chạm tuổi chín mươi. Quả là năng lượng thi ca còn mạnh mẽ và hồn thơ còn dạt dào thi cảm lắm mới có thể bừng vỡ thành ngôn từ, hình tượng và tư tưởng, để làm nên thế giới nghệ thuật thơ mang phẩm tính riêng như thế!

Bài thơ mở đầu là tư tưởng chính của tác phẩm. Đó là thông điệp muốn vượt thoát những chật hẹp, cũ mòn để tiến về phía trước, phía khát vọng đường chân trời không giới hạn của chính mình và mọi người:

Người lữ hành nửa đường dừng bước

Cánh chim mỏi vội tìm về rừng cây

Hạnh phúc nào đâu ở chỗ này

Hãy loại bỏ những gì ràng buộc

Tiến về phía trước

Quê hương tươi đẹp một vùng non nước

Bầu trời lộng gió cho cánh chim bay

Đời vui tươi nâng bước chân ai

Người đi xa sẽ về tới đích

Từ ngàn xưa cho đến hôm nay

Non nước này: không giới hạn.

(Không giới hạn)

Với tác phẩm mới này, tác giả nghiêng về trữ tình tự thuật sự cô đơn, bất hạnh của chính mình và tha nhân, dù có lúc niềm tin sắp gần kề. Quyền lực, kể cả sự giàu sang “không phải lúc nào cũng làm nên hạnh phúc”. Trong lời nói đầu cho tập thơ này, Hà Minh Đức đã nhận ra sự sống thật của mỗi chủ thể hiện sinh là “phải biết đồng hành với cuộc sống, đồng cảm với mọi người. Cô đơn như cơn gió lạnh luẩn quẩn bên ngoài những ngôi nhà lầu cao cũng như mái tranh nghèo. Phải biết giữ tổ ấm, không để cho sự cô đơn ám ảnh, niềm lạc quan yêu đời hài hòa với đồng loại”. Đó là sự sống thật không giới hạn mà ai cũng hướng đến với niềm tin nhân ái. Dù “Hạnh phúc không chia đều cho số đông/ Cuộc sống cho anh một phần bé nhỏ”, dù “Hạnh phúc tràn đầy trong giấc mộng du/ Mà thực sự lại nhiều cay đắng”, thì niềm yêu vẫn sáng lên trong hoài nhớ quê nhà: “Xuôi ngược nhiều miền qua năm tháng/ Lòng bỗng sáng lên bên bếp lửa chiều quê” (Người đi tìm hạnh phúc). Nhìn rộng ra là non sông kỳ thú: “Nhìn đất nhìn trời lòng tôi mong ước/ Xin cho tôi một ngày đi Bắc về Nam” (Non sông kỳ thú). Nhưng rồi có lúc người thơ “hồi hộp với phút giây chờ đợi” để rồi liền sau đó lòng không khỏi ngậm ngùi trước những lời lỗi hẹn: “Có lẽ nào người sớm quên tôi/ Tôi hẹn người nhưng người không hẹn tôi/ “Vì ta hẹn cho nên người chẳng đến” (Hẹn).

Hà Minh Đức cho rằng, từ xưa cho đến ngày nay, hạnh phúc nào không cô đơn. Nhưng con người phải vượt qua mọi ngăn trở, vì hoàn cảnh luôn đặt ra cho con người sự lựa chọn theo phán đoán đúng để quyết định hành vi:

Cô đơn là chuyện của ngày xưa

Khi người chiến binh ra trận

Để lại nỗi buồn cho một khúc ngâm

Người cung nữ đẹp như một vầng trăng sáng

Giam hãm một đời trong cảnh cô đơn

Đồng hiện xưa để liên hệ nay:

Cô đơn là chuyện ngày nay

Đồng tiền lên ngôi, việc đời đều có giá

Xã hội vô tâm, con người vô cảm

Tình đời nhiều nỗi đắng cay

Nhưng rồi nhà thơ tin nỗi cô đơn sẽ qua đi vì quanh đời vẫn còn tình người cao đẹp. Hãy nuôi dưỡng niềm tin “không giới hạn” về nhân tính trên mặt đất: “Còn chăng tình yêu thương nhân loại/ Như con thuyền dập dìu trong sóng gió/ Vẫn còn đó hạnh phúc mong manh/ Hãy giữ lấy cho niềm vui nảy nở/ Xin em đừng nghĩ đến cô đơn” (Hạnh phúc nào không cô đơn). Con người nên biết tự mình xóa nỗi cô đơn, dẫu quy luật của thiên nhiên “Hoa thường hay héo, cỏ thì tươi” như Nguyễn Trãi đã thực chứng:

Cánh hoa tàn bay theo gió

Hương hoa về với đất trời

Chỉ còn lại mình em bông hoa nhỏ

Cô đơn trong nắng sớm

Cô đơn giữa vườn khuya

Mùa hoa không hẹn trước sau

Giữa hoang vắng bông hoa chói đỏ

Xóa đi nỗi cô đơn

Côi cút phận mình

(Bông hoa nhỏ trong vườn quê)

Nước non không giới hạn cũng chính là cấu trúc của tâm hồn con người không hữu hạn đó thôi! Phải chăng đó là điều kỳ diệu mà bất kỳ ai đang đối diện với thử thách, lâm nguy, rồi tự mình xóa bỏ hoài nghi, tin vào khả năng làm chủ bản thân mình để thoát khỏi những ràng buộc. Một triết lý phản đề hiện lên: Không giới hạn khi đã biết giới hạn để điều bình. Ví như trong tình yêu được nhà thơ tự thức “Quả cấm thơm ngon trong thánh kinh/ Tuổi trẻ không kìm được lòng mình”, bởi vì “Quả cấm trần gian mùa này lại thơm hương tình ái”, nhưng rồi tuổi trẻ chợt nhận ra “Thượng đế thì xa quả cấm thì gần/ Liệu chừng mực trong cơn thèm khát” (Quả cấm). Cũng như anh yêu em giống như mùa đông nhớ rét: “Đôi má ửng hồng tươi mới màu hoa/ Hơi thở nồng nàn ấm áp”, nhưng “Lòng dặn lòng hãy kiên tâm chờ đợi” (Mùa đông nhớ rét).

Thơ Hà Minh Đức giàu tính giãi bày, chung và riêng luôn hòa quyện trong nhau, tạo thành dòng tâm trạng hoài niệm nhân ái nên dễ được người đọc đồng cảm, sẻ chia. Giữa bao bộn bề xuôi ngược của dòng đời, nhà thơ muốn an yên trong thiền tịnh:

Giữa cuộc đời náo động

Ước mong những giây phút bình yên

Một mình ngồi tĩnh lặng

Thiền

Tâm thế và tâm cảm thiền của Hà Minh Đức cũng rất riêng “Thiền phải chăng là niệm Phật/ Thả tâm hồn trong cõi từ bi”. Thiền gắn với những gì gần gũi, cao đẹp: “Thiền hướng ta nghĩ về những điều tốt/ Tình mẹ thương yêu con/ Một bông hoa ngát thơm/ Một người con gái đẹp/ Thiền không tìm về cái xấu” (Thiền). Thiền đồng nghĩa với điều tốt, xa lạ với tội lỗi, tầm thường, giả dối. Thiền để tịnh tâm cảm nhận những ba động của cuộc sống và lòng nhân ái của cõi người:

Tạm biệt những giấc mơ trong đêm dài lạnh giá

Thức dậy hoa xuân đã bừng nở khắp mọi nơi

Ánh nắng xuân vàng tươi trong như mật

Gió xuân như dan díu với tình người

(Xin đừng lỡ hẹn với mùa xuân)

Bởi vì, theo nhà thơ, dẫu đời còn nhiều giông tố, nhưng hạnh phúc vẫn đón chờ “Hạnh phúc tìm về là hạnh phúc nhân đôi”. Tình yêu và thi ca từ đó cũng đồng hành trên hành trình mơ ước:

Những bài thơ hay đều ở phía chân trời

Làm sao mà có được

Chân trời cho ta điều mơ ước

Mỗi cuộc đời có một chân trời

Và có riêng khúc hát: “Lên đường”.

 (Chân trời)

Nghĩ về cỏ, nhà thơ nghĩ đến thi ca. Đó chính là liên tưởng tương đồng vì cả hai đều có thuộc tính vĩnh cửu: “Cỏ và thơ cả hai đều bất tử/ Ngang nhiên sống giữa cõi đời”. Cỏ và thơ tồn tại sau tồn tại, hiện hữu sau hiện hữu. Cỏ cũng như thi ca đã trở thành những cổ mẫu mộng mơ, luôn tái sinh non tơ, bỡ ngỡ và giàu dự cảm: “Cho đến khi chấm hết cuộc đời/ Cỏ xanh vẫn phủ bình yên phần mộ” (Cỏ).

Hình tượng thơ, ngôn ngữ thơ Hà Minh Đức hiện lên theo dòng cảm xúc nội tâm trong sự liên hệ, hòa hợp với khách thể thẩm mỹ nên chân thật, không cầu kỳ. Vì vậy mà thơ ông nghiêng về thi pháp nhân văn, nhân hậu pha nỗi xót thương, day dứt. Những bài thơ hay: Mùa đông nhớ rét, Dòng sông quê hương, Thưa mẹ, Thương con, Cuộc phỏng vấn kỳ lạ, Không ai gọi cho tôi... thường tuân thủ theo cấu trúc này.

Không giới hạn luôn làm sống lại những hoài niệm và cái đẹp trong quan hệ tương tác với thiên nhiên và sự sống thật của cõi người. Trước hết là với mẹ và những người thân mà ông nặng tình, ân nghĩa. Mẹ đã đi xa về chốn suối vàng, nhưng mẹ vẫn còn đây với quê hương, cỏ cây cùng mái tranh nghèo hôm sớm: “Đã ba năm rồi vắng bóng mẹ trên trần thế/Quê hương buồn vì không còn mẹ/ Vẫn như in trong con từng hình bóng mẹ/ Buổi sáng bên vườn chăm sóc/ Mấy bông hồng vườn cây/ Và những lá trầu cay/ Mẹ lặng lẽ thắp hương thờ cúng/ Nắng đã lên chân trời tỏa sáng/ Mẹ ngồi thương nhớ các con/ Những đứa con đứa mất đứa còn/ Đau lòng mẹ lúc tuổi già”. Những hoài niệm thiêng liêng như thế tạo nên tính trữ tình thương cảm trong thơ Hà Minh Đức:

Mùa xuân này chúng con sang cát

Đưa mẹ về đầu núi quê hương

Không còn bóng đêm tăm tối

Đêm đông trăng tỏ sáng một vùng trời

Chúng con dâng hương tạ lòng Mẹ!

Những đứa con còn ngây dại trên đời.

 (Thưa mẹ)

Trong mảng thơ viết về hồi ức - tâm tưởng, ở tập thơ này, Hà Minh Đức cũng không nguôi dành tình yêu không giới hạn cho con. Thương con là bài thơ xúc động, hồi nhớ mấy mươi năm con từ giã cõi đời, giờ nhìn di ảnh mà ngậm ngùi, thương xót cho phận con, thương tủi cho phận mình:

Mấy chục năm rồi từ ngày con ra đi

Con còn để lại gì trên trần thế

Tấm ảnh một chàng trai trẻ

Nghi ngút trong khói hương

Bố mẹ già từng ngày thấm nỗi cô đơn

Thương con thương thân phận mình

Cuộc sống hôm nay rập rình tai họa

Phải tự cứu mình biết dựa vào đâu

Nhà thơ như bừng tỉnh sau phút giây siêu thoát để an ủi con và trấn tỉnh mình. Tưởng như những giọt lệ nhớ thương không còn nữa để lăn dài trên má người cha buồn đau, tuổi đã về chiều, chan chứa yêu thương:

Xin con đừng lo âu

Mong con vui nơi phương trời xa cách

Bạn bè con một thuở đã nên người

Hạnh phúc nở nụ cười trong tổ ấm

Nhớ con thắp nén hương số phận

Lòng tủi buồn chan chứa yêu thương

(Thương con)

Làm nên phức điệu và phức cảm trong Không giới hạn, có tiếng nói dành cho tình yêu day dứt đến nao lòng của một người ngoài bát tuần, ngoảnh lại những nỗi niềm yêu xưa cũ. Những cảm xúc chân thành pha chút dỗi hờn được vực dậy từ trái tim không bình lặng:

Em cầm sắc đẹp trong tay

Như cầm con dao hai lưỡi

Giữ vững lời nguyện cầu đức hạnh

Hãy lắng nghe tiếng nói của con tim

Sắc đẹp trên ngôi vô giá

Sắc đẹp phai tàn lẫn với cỏ cây.

(Sắc đẹp)

Và người thơ nhận ra tình yêu có ngàn vạn lối và mỗi người không đón nhận hồng phúc như nhau: “Thời gian như dòng nước chảy xuôi/ Không bến đợi/ Bóng đã ngả chiều/ Tôi chậm hiểu ra tình thương không dẫn đến tình yêu” (Em thương anh). Người thơ chấp nhận trái ngang để đợi chờ trong vô vọng: “Thôi em cứ ra đi/ Theo con đường em chọn/ Không cần gì cần nói thêm/ Nơi xa có người đang đợi” (Xin em đừng đi).

Hà Minh Đức luôn tin yêu, nhưng không dấu được nỗi tủi buồn, giống như tình yêu đơn phương của thi sĩ Xuân Diệu:

Với người tình yêu như những đóa hoa

Tỏa ngát hương thơm nhưng không cần kết trái

Người tặng đời trăm ngàn lời yêu mến

Nhưng riêng mình chịu cảnh cô đơn.

(Nhà thơ Xuân Diệu)

Bài thơ Không ai gọi cho tôi có thể xem là kết tinh tâm trạng buồn của nhà thơ khi đối diện với lòng mình trước thế thái đổi thay, trước lòng người hoang mạc, nhưng vẫn tóat lên lòng yêu đời, yêu thiên nhiên, tạo vật mãnh liệt từ thế giới nội tâm của nhà thơ: “Hằng ngày tôi vẫn lắng nghe/ Không ai gọi cho tôi/ Chỉ nghe tiếng chim hót/ Líu lo chẳng thành lời”.Và người thơ không khỏi bùi ngùi: “Họ quên tôi rồi/ Tôi chẳng còn gì để được nhớ/ Cuộc đời không cần đến tôi”. Nhưng càng dần xa cõi đời, nhà thơ vẫn không nguôi hy vọng, bởi nhà thơ nhận ra mình còn yêu cuộc đời này thiết tha, xao động:

Đêm về miên man gió thổi

Làng xóm đã ngủ yên

Tôi vẫn còn thao thức

Tôi yêu cuộc đời xao động

Tôi nhớ tiếng nói thân quen

(Không ai gọi cho tôi)

*

Cũng cần nói một cách khái quát về thi pháp hình thức thơ Hà Minh Đức. Tương ứng với dòng cảm xúc “có phần tự phát, bộn bề miên man” như nhà thơ tự nhận đã kéo theo đặc điểm thi pháp hình thức ở tập thơ này, đó là sự phóng túng, linh hoạt trong ngôn từ, kiến trúc dòng thơ, khổ thơ, giọng điệu, nhạc tính. Nghĩa là nhà thơ không chú ý nhiều đến kiến tạo vần điệu, khuôn thơ, liên tưởng thơ và đường biên thơ, cứ để cho dòng chảy cảm xúc nội tâm dẫn dắt mạch tự thuật theo dạng trữ tình và tự sự diễn ra tự nhiên, gần gũi, hài hòa giữa khách thể và chủ thể, đúng như Hữu Thỉnh đã nhận xét trong Lời tựa: “Đọc những bài thơ như thế này, chúng ta phải sẵn sàng đón trước chiếc chìa khóa “không giới hạn” mà tác giả trao cho, rồi mới có thể nắm bắt được cái mạch chính của nó. Nghĩa là phải tháo bỏ những tư duy hợp lý, những thói quen có sẵn, những quan niệm chật hẹp, để tiếp nhận dòng trữ tình phóng túng, phiêu diêu và đầy ngẫu nhiên. Đó cũng là một phẩm chất của thơ, chứ sao?”. Kiến trúc bài thơ theo kiểu này rất gần với thơ tự do, phá cách của thơ trẻ hiện nay. Đó phải chăng là tình yêu và ước mơ không giới hạn trong thơ, thể hiện thành “thi pháp khác” của tác giả so với Đi hết một mùa thu (1999) Ở giữa ngày đông (2001), Khoảng trời gió cát bay (2003), Ngoài trời còn mưa (2007), Chiều miên man gió (2011), Lạc lối giữa mùa xuân (2016) - những tập thơ đã làm nên địa chỉ tâm hồn và thi ca của Hà Minh Đức.

Nguồn Văn nghệ số 15/2021


Có thể bạn quan tâm