April 23, 2024, 7:33 pm

“Tình” trong thơ

Dương Xuân Huynh là một trong những nhà thơ Hải Phòng đã nặng lòng và bền bỉ với thơ, nhiều bài thơ của ông đã neo lại trong lòng người đọc những ấn tượng, cảm xúc khó phai mờ. Mắt đêm là tập thơ thứ ba của ông (sau tập Cõi riêng, Ngụ cư) vẫn tiếp nối dòng cảm xúc  khôn nguôi về con người và cuộc sống.

Nhìn tổng thể Mắt đêm không quy hẹp trong một chủ đề nhất định, Dương Xuân Huynh viết theo nhiều chủ đề khác nhau, ông bộc bạch cảm xúc một cách rất mộc mạc chân tình xung quanh thế giới hiện thực do ông cảm niệm được: Bạn thơ, Đồng ngũ, Mai con về bên mẹ, Nghề xe ôm, Qua làng em, Bên đồng, Ao làng, Khói thuốc lào, Nghĩa trang làng, Con đường, Bóng quê, Nén nhang dâng mẹ, Bến xưa,Bên quán trà hè phố, Tình quê,Hương đồng, Đường quê, Bóng quê, Lời dặn cuối cùng của cha… chính vì vậy người đọc dễ dàng cảm nhận thấy thế giới nội tâm, thái độ xúc cảm và tâm trạng của nhân vật trữ tình – tác giả cũng rất phong phú, nhiều cung bậc. Dương Xuân Huynh thường thể hiện tình của ông với những đối tượng gần gũi, gắn bó: thiên nhiên, con người, sự vật, sự việc và những đổi thay của chúng trong vòng quay nghiệt ngã của thời gian.

        Hoài niệm là trục tâm trạng chi phối xuyên suốt Mắt đêm, và chính vì đau đáu cùng hoài niệm nên chữ Tình lại càng thao thiết. Trong các bài thơ Ngâm nga con vịnh thơ người, Tôi đến thăm Km số 0, Biết giờ em ở nơi đâu mà tìm,Nỗi nhớ tháng tư, Tìm hơi ấm, Mùa thu, Người về, Ngày xưa, Kỷ niệm Hà Nội…bạn đọc thấy Dương Xuân Huynh nặng tình với kỷ niệm. Đọc thơ Dương Xuân Huynh người đọc như được cùng ông ngược dòng thời gian chìm đắm về miền ký ức, nơi đó có nỗi nhớ quê hương da diết: Ao lành vằng vặc trăng sao/ Cái đêm ai khỏa sóng vào hồn tôi/ Đường làng quanh những khúc nhôi/ Một thiên cổ tích đầy vơi nỗi niềm (Tình quê). Những giấc mơ trở về bên những người mình thương yêu, gắn bó, trở về tuổi thơ, và một thời tuổi trẻ, tình yêu… tất cả như những thước phim sống dậy từ thẳm sâu tiềm thức, chợt đến, chợt đi khiến lòng người không yên ổn. Sống cùng kỷ niệm để rồi lòng thêm chất chồng cảm xúc - những cảm xúc khiến lòng người thêm gắn bó, yêu thương với mảnh đất nơi mình sinh ra và gắn bó cả cuộc đời: Bao nhiêu nhớ, bao nhiêu khổ, bao nhiêu mừng vui bừng lên mùa hoa phượng đỏ/ Những chuyến tàu không số ra đi từ bến nghiêng/ Những linh hồn vô danh/ Như ngọn nến linh thiêng thắp trong đền Trạng… (Hải Phòng). Ở nhiều bài thơ bạn đọc bắt gặp nhà thơ bộc bạch những ưu tư sâu thẳm nhất về tình yêu, về con người và cuộc sống,  ẩn sau câu chữ là sự bao dung, vị tha của một tấm lòng: Muốn khép cửa nghĩ cũng tội bởi bóng tối đến đánh cắp đi những gì không có/ Hẹn thầm bông hoa vừa chào ngày mới ngày cũ còn ai! (Hát đối); Về đây gặp lại ngày xưa/ Ai còn, ai mất, ai chưa trở về/ Lòng tôi còn nặng lời thế/ Cùng người dưới gốc bồ đề cầu duyên (Cầu duyên). Đọc Mắt đêm nhận thấy, thì ra kỷ niệm cũng chính là nơi tin cậy để nhà thơ tìm lại chính mình mỗi lúc “xao lòng”, và có lẽ thơ với Dương Xuân Huynh chính là điểm tựa để ông có thêm sức mạnh tinh thần để dẻo dai bước trên con đường thiên lý nhiều tao đoạn đầy vơi...

Trong Mắt đêm, đặc biệt trở đi trở lại bóng dáng người Mẹ với nỗi nhớ thương da diết, sự thành kính thiêng liêng. Trong tâm cảm của nhà thơ Mẹ hiện hữu như là niềm an ủi lớn lao, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho cuộc đời mình, Mẹ là niềm an ủi, là nơi cho con tìm thấy sức mạnh, niềm tin. Hình ảnh bà mẹ Việt hiện lên trong thơ của Dương Xuân Huynh luôn khiến người đọc thương cảm, xúc động: Áo mẹ thì đẫm mồ hôi/ Gạt bao nước mắt không vơi nỗi buồn/ Mùa về chân rối rạ rơm/ Lệch vai mẹ gánh giữa cơn mưa nguồn/ Mẹ như thân củi gầy còm/ Cháy trong lửa đỏ sắt son cùng người (Mẹ về)… Hay Ngón chân mẹ tõe ra/ Bám đường sống trâu mưa phùn gió bấc/ Mẹ nhường cơm khoai sắn nuôi con/ Cõng con băng cánh đồng chạy loạn/ Đạn chéo quanh mình mẹ vẫn coi khinh (Mai con về bên mẹ); Run run bóng mẹ nghiêng đồng/ Cõi riêng mải miết dòng sông (Cõi riêng); Nắng rám giàn bầu/ Mẹ giãi vàng sợi cay sợi đắng (Khói thuốc lào); Mẹ ngồi khâu những đường kim/ Bao nhiêu mũi chỉ nổi chìm trên tay ( Mẹ ơi); Tháng ba nắng còn non/ Mẹ cóng tay dặm rét/ Cùng lúa ngâm mình trong nước/ Nuôi con vượt dòng đời (Tháng Ba); Mẹ thắt lung quẩy niềm vui đi cấy/ Vai gầy nhún nhảy quang chành/ Chân lấm tay bùn đỡ mạ xanh/ Trải nỗi mừng lên cánh đồng lam lũ (Ngày con vào đại học); Nhớ mùa gào khản tiếng ve/ Con nằm chao võng nắng hè mẹ phơi/ Áo mẹ thì đẫm mồ hôi/ Lệch vai mẹ gánh giữa trời cơn giông (Con mong mẹ về)

Mẹ hiền tần tảo, lam lũ nhưng đầy nghị lực và tiềm tàng sức mạnh che chở cho con - là một biểu tượng đẹp đẽ của văn hóa Việt. Mẹ trong tâm thức người Việt Nam không chỉ là người Mẹ cụ thể trong mỗi gia đình Việt mà còn là hình ảnh của Đất Nước, của Tổ Quốc, của Dân Tộc... Cho nên người Việt Nam mới gọi Tổ Quốc là Mẹ Việt Nam, và gọi quê hương là Đất mẹ, Quê mẹ... Đây cũng là một dấu ấn sâu đậm có từ trong văn hóa của người Việt mà hình ảnh Mẹ Âu Cơ là cội nguồn của văn hóa ấy. Thông điệp vang lên từ những vần thơ của Dương Xuân Huynh góp phần tô đậm, làm đẹp hơn nét văn hóa ấy. 

        Tình trong thơ Dương Xuân Huynh lấy giản dị chân mộc làm nét riêng, là yếu tố cơ bản làm nên chất thơ. Trong thời đại kỹ trị hiện nay những người làm thơ chú trọng neo giữ chữ tình là đáng quý lắm thay!

Nguồn Văn nghệ 48/2018


Có thể bạn quan tâm