March 29, 2024, 12:43 am

Tình tôi theo nhịp con tàu

Cũng đã hơn 10 năm tôi mới có duyên ra ga đường sắt Đà Nẵng lên tàu lửa từ Đà Nẵng hành trình phương Bắc. Cách đây hơn 10 năm nhà tôi ở đường Hoàng Hoa Thám gần ga nên thường nghe tiếng còi tàu, tiếng đoàn tàu xình xịch vào ga; chứng kiến người, hàng lên xuống nhộn nhịp, ồn ào, chứng kiến những cảnh tiễn đưa dùng dằng bịn rịn cùng những lời chúc thượng lộ bình an hoặc chia tay rơi nước mắt.

 

Nhân viên lái tàu

Nay, ngoài tuổi 60, được giảm giá vé người cao tuổi 10 phần trăm, tôi cùng nhà thơ Thạch Châu, Chánh văn phòng Trung tâm Unesco Nghiên cứu văn chương Việt Nam các tỉnh miền Trung Tây Nguyên ngoài tuổi bát thập và nhà văn Duy Vinh - Thanh Vinh, hội viên Câu lạc bộ thơ Hàn Giang- tác giả tiểu thuyết sáng giá Cháu nội của Chí Phèo cùng lên toa số 1 ghế ngồi mềm. Con tàu SE4 lăn bánh qua hầm, đèo Hải Vân mọi người ồ lên vì sự nên thơ, hùng vĩ biển một bên và núi một bên. Sau bão Noru số 4, biển ngoài kia vẫn trong xanh, sóng gần bờ đập vào đá núi trắng xóa. Chợt nhớ giọng hát cao vút truyền cảm của ca sĩ Thanh Hoa : Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay. Theo đèo Hải Vân mây bay trên đỉnh núi. Nhớ khi xưa qua đèo qua suối mà tàu anh mơ vượt qua bao núi cao...Nhà văn Duy Vinh - Thanh Vinh thốt lên: Các vị ơi, tàu lửa hôm nay đổi thay nhiều lắm. Này nhé, từ toa ngồi, toa lét đều sạch sẽ. Có máy điều hòa chứ không phải dùng quạt trần, quạt cánh rò rè như nhiều năm trước nữa. Nhà thơ Thạch Châu bổ sung thêm: Bồn rửa mặt có nước nóng lạnh và hệ thống sấy tay khô. Đặc biệt toa lét tự hoại, sạch bóng nước xả mạnh.

 

Trưởng tàu Trần Mạnh Thắng với các nhà văn cao tuổi

Tôi đi tìm trưởng tàu để hỏi chuyện, qua cửa thông các toa đều có nút đóng mở tự động rất thuận lợi. Tàu sau bão lũ mà chạy rất êm tốc độ bình quân 60km/ giờ. Trưởng tàu Trần Mạnh Thắng người to khỏe nhận tôi là đồng hương quê gốc Bắc Ninh vui vẻ nhiệt tình đưa tôi lên gặp Nguyễn Thành Đông lái tàu chính, Trương Tuấn Hải lái tàu phụ đã có thâm niên 13 - 14 năm phục vụ. Anh em mỗi việc theo phân công phân nhiệm. Thắng nói: Tàu SE3, tàu SE4 hành trình rất đẹp, các đoạn đường đi qua nhiều phong cảnh nhiều đèo dốc sông biển, đồng bằng, trung du. Đi một lượt với trưởng tàu, tôi thấy các toa xe đều được đóng mới, hoán cải, ghế nệm chứ không còn ghế gỗ .Sau bão Noru, đường sắt khắc phục nhanh chóng nên tốc độ chạy tàu vẫn bảo đảm. Tàu vào ga Huế, trên loa cất lên lời hát: Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ, tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt. Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được. Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư. Tình yêu từ chiếc nón bài thơ,,,

Ngày xưa khi đến ga thì hàng rong ríu rít tràn lên mời chào, nhưng bây giờ thì tuyệt nhiên không. Tôi nghe tiếng rao mời niềm nở cà phê, bắp ngô, trứng gà luộc, cháo gà, xôi nóng của nhân viên tàu phục vụ ăn uống. Uống với nhau chén trà mạn nói chuyện cố hương Bắc Ninh, trưởng tàu Thắng tâm sự: Đến nay đời sống của cán bộ nhân viên đi tàu cũng được cải thiện nhiều. Bình quân 8 triệu đồng mỗi người một tháng. Cứ 4 ngày đi tàu thì 4 ngày nghỉ, 2 ngày đi tàu thì 2 ngày nghỉ, bảo đảm sức khỏe phục vụ khách đi tàu.. Tỏ thái độ quý trọng và vinh dự được đón tiếp các nhà văn đi tàu của mình, Trưởng tàu Thắng đến chúc mừng ba nhà văn cao tuổi chúng tôi và nhà ý mời chúng tôi qua nghỉ ở toa giường nằm. Tàu êm ru nằm duỗi thẳng lưng, mắt lim dim, nhà văn Duy Vinh - Thanh Vinh ngân nga mấy câu thơ của nhà thơ Tế Hanh: Tôi thấy tôi thương những con tàu. Ngàn đời không đủ sức đi mau. Có chi vướng víu trong hơi máy. Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau. Nối tiếp nhà thơ Thạch Châu bật lên mấy vần thơ của nhà thơ Nguyễn Bính: Có lần tôi thấy một người đi. Chẳng biết gì đâu nghĩ những gì. Chân bước hững hờ theo bóng lẻ. Một mình làm cả cuộc phân ly. Tôi lớp đàn em so với hai vị kia nên cái bóng của quá khứ không đè nặng nhưng vẫn có hoài niệm nhớ lại bài thơ. Nhà tôi ở gần ga của mình viết đã lâu với những dòng:  Nhà tôi ở gần ga. Tiếng còi tàu nôn nao. Tiếng còi tàu ướt sũng. Tình tôi lăn theo nhịp con tàu. Đêm ngày ồn ã tiếng xe ồn ã tiếng người tiếng vọng. Hồn tôi hiên phơi hiên nắng. Đôi khi rầu rối ruột ngóng người dưng. Đang lơ mơ chợp mắt bỗng nghe bài hát Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân có đoạn: Có ai hỏi vì sao quê hương chúng ta nhiều ngói mới. Cuộc sống đổi màu...Thì ra tàu đã đến đất Quảng Bình quê hương của đại tướng Võ Nguyên Giáp kính mến. Chợt nhớ đến lời đại tướng trả lời phỏng vấn của tôi khi ông dự hội thảo khoa học về nhà yêu nước cách mạng tiền bối Phan Châu Trinh. Đại tướng nói đại ý Cụ Phan Châu Trinh yêu nước theo cách riêng của mình trên tinh thần duy tân tiến bộ trong mọi thời đại là " Khai dân trí, chấn dân khí,  hậu dân sinh . Giao thông đi đến đâu đất nước phát triển theo đến đó. Theo ý chí khát vọng trên, tôi và hai nhà văn đi cùng đều có ý nghĩ mong sao lãnh đạo đất nước thật sự chám lo đến sự nghiệp giao thông phát triển, trong đó có ngành đường sắt. Mong sao trong 5- 10 năm tới, Việt Nam mình có đường ray và tàu cao tốc theo kịp tiến độ các nước tiên tiến trong khu vực. Trước hết ngành đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải phải phát huy nội lực, nỗ lực hơn nữa trong tham mưu đề xuất các dự án, giải pháp để thực hiện. Công nghiệp hóa hiện đại hóa con tàu đường sắt theo xu thế hội nhập và hòa nhập với thế giới để phát triển.

Ngày 7.10.2022


Có thể bạn quan tâm