April 26, 2024, 4:53 am

Tính tích cực từ những nhận thức đối kháng

Một nền văn hóa được coi là tiên tiến, chỉ khi các yếu tố mới chiếm phần chủ đạo, bên cạnh sự bổ trợ của những giá trị truyền thống, để hướng vận mệnh dân tộc đi tới tương lai, chứ không phải tuyệt đối hóa truyền thống rồi dẫn cộng đồng dân tộc ngược về dĩ vãng.

Văn hóa bắt nguồn từ đời sống lao động. Môi trường thiên nhiên, thổ nhưỡng tác động trực tiếp đến con người, buộc con người làm ra công cụ, tìm ra phương thức lao động, tạo nên hình thái kinh tế phù hợp với tự nhiên, đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt, phản vệ... Thế nên, ai cũng biết, hình thái kinh tế thay đổi, kéo theo môi trường sống thay đổi, thì văn hóa cũng sẽ biến đổi. Biến đổi luôn là nhu cầu nội tại để thích ứng với thực tiễn khách quan của thời đại mới. Rõ nhất hiện nay chính là quan hệ ứng xử, từ một xã hội phong kiến thuần nông khép kín mà con người sống trong đó bị chi phối hoàn toàn bởi tâm thức và tri thức nông nghiệp chuyển sang một xã hội công nghiệp rộng mở gồm nhiều thành phần kinh tế cộng thêm sự trợ sức đắc lực của công nghệ cho phép cá nhân càng lúc càng có những điều kiện thuận lợi để tự quyết trong việc chọn lựa theo thị hiếu. Môi trường sống mới sẽ hình thành văn hóa ứng xử tương xứng.

Trình diễn “Áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên” tại thị trấn Măng Đen.  Ảnh: N.B

Tuy nhiên, trong khi các giá trị văn hóa đương đại chưa định hình rõ nét, tạo nên hệ chuẩn mực mới, tự thân diễn trình đó làm nảy sinh những mâu thuẫn, đối kháng giữa một bên là nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, còn bên kia là nhu cầu đối thoại, hội nhập, phát triển. Trước sự mai một các thành tố văn hóa truyền thống, cùng sự xáo trộn những giá trị tinh thần độc đáo đã tạo nên sự phản vệ tự nhiên cố hữu trong căn tính dân tộc, nhiều người sẽ đổ lỗi do sự thay đổi, rồi kêu gọi trở về với khuôn mẫu truyền thống, coi đó là đáp án tối ưu của vấn đề. Trên thực tế, chúng ta chẳng những không thể quay ngược bánh xe lịch sử, còn rất khó tách khỏi dòng chảy thời đại. Cũng cần nói thêm, việc “đóng băng” đời sống là bất khả. Hô hào bảo tồn nguyên trạng các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại rất khó thực hiện, vì không thể giữ nguyên trạng đời sống, sinh cảnh... của một cộng đồng trong khi môi trường sống, quan hệ kinh tế đã thay đổi. Hơn nữa, bảo tồn và phát triển không phải là hai phạm trù đối lập mà thực chất nó là một cặp phạm trù song hành xuyên suốt, bổ trợ cho nhau. Bảo tồn là nền tảng, là một chiều kích của sự phát triển.

Cái nhìn thiên trọng về truyền thống ấy, bắt nguồn sâu xa từ lịch sử, khi dân tộc ta luôn phải đối đầu với các thế lực ngoại xâm. Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, để giải trừ sự áp đặt văn hóa nô dịch của các thế lực ngoại xâm, ông cha ta đã chọn đồng nhất chủ nghĩa dân tộc với tư tưởng tự tôn văn hóa. Nhờ gắn liền văn hóa vào dân tộc nên văn hóa đã thể hiện tuyệt vời sức mạnh nội sinh của mình trong quá trình dựng nước và giữ nước. Ở đây, nổi lên hàng đầu là khả năng đề kháng, sức miễn dịch trước những tác động, áp đặt nô dịch của văn hóa ngoại bang. Tuy nhiên, việc đồng nhất chủ nghĩa dân tộc với tư tưởng tự tôn văn hóa, tự thân nó lại sản sinh ra chủ nghĩa bài tha, thải loại những cái không giống mình và tỏ ra ngần ngại khi buộc phải thay đổi. Những phản vệ tự nhiên, vô hình trung, đã tạo ra rào cản với sự tiến bộ, e dè trong tiếp nhận, ứng xử với những thành tựu khoa học - kỹ thuật - công nghệ - nghệ thuật tiên tiến của thời đại.

Thực tiễn cuộc sống và lịch sử đã chứng minh, ở bất cứ quốc gia, dân tộc nào và ở thời điểm lịch sử nào, văn hóa luôn không ngừng vận động, hòa nhập các giá trị cũ - mới, tích hợp yếu tố nội sinh - ngoại sinh, dung hòa những mâu thuẫn do sự khác biệt về sắc thái văn hóa, thiết lập nên cơ cấu văn hóa đương đại phù hợp với cộng đồng, dân tộc mình. Thử điểm qua ví dụ: Trước đây, hoa văn thổ cẩm Tây Nguyên chủ yếu là các hình kỷ hà, hoa lá, động vật, mặt trăng, mặt trời, sông suối, chày cối giã gạo... Nay, hoa văn thổ cẩm Tây Nguyên còn có cả họa tiết máy bay, xe tăng, ô tô... Như vậy, thổ cẩm Tây Nguyên đã được biểu đạt bằng một hình thức khác xưa, tuy nhiên nội hàm tình cảm bên trong nó vẫn là tấm thổ cẩm, do đôi bàn tay người phụ nữ Tây Nguyên dệt nên. Tương tự, ngày xưa, cây nêu của các tộc người Tây Nguyên được trang trí chỉ có hai màu, đen và đỏ (những màu thực vật sẵn có trong tự nhiên). Hiện nay, cây nêu đã được trang trí nhiều màu sắc hơn (do phẩm màu công nghiệp phong phú, dễ tìm), nhưng không vì thế mà tính biểu tượng của cây nêu bị mất đi, nó vẫn là totem, một cổ mẫu văn hóa đặc trưng của người bản địa Tây Nguyên. Qua đấy cho thấy quá trình mỹ cảm thị giác, sự dung nạp trực quan và nhận thức mỹ học của người Tây Nguyên đã khác xưa nhưng gen giống nòi thì bất biến.

Đặc tính cơ bản của mọi nền văn hóa là luôn vận động, dung nạp thêm những giá trị mới, tích cực, tiến bộ từ các nền văn hóa khác, làm dày thêm, phong phú thêm, đa dạng thêm vốn văn hóa nội sinh của dân tộc mình. Theo dòng lịch sử, trang phục truyền thống của người Việt là khăn xếp, áo the, áo mớ bảy, mớ ba, cùng những áo bà ba, váy đụp... - đặc trưng văn hóa nông nghiệp lúa nước. Từ khi văn minh phương Tây tràn vào nước ta, người Việt đã dung nạp các loại hình phục trang như quần Tây, áo sơ mi, veston... để phù hợp với yêu cầu của đời sống công nghiệp. Mặc nhiên ngoại hình, khổ người, dáng vóc, cách ứng xử vẫn toát lên cốt cách của người Việt. Chính vì thế, Việt kiều định cư ở châu Âu, họ sử dụng hoàn toàn trang phục, vật dụng, phương tiện, nhà cửa theo kiểu phương Tây, nhưng họ vẫn tìm cách tụ cư trong những cộng đồng nhỏ người Việt ở nước sở tại, cốt cách của người Việt vẫn được giữ nguyên, luôn được trân trọng, tự hào.

Rõ ràng, việc tiếp nhận những chức năng văn hóa mới và đào thải những thành tố văn hóa đã lỗi thời sẽ làm nảy sinh những sắc thái mới, từ đó định hình nên bản sắc văn hóa, phù hợp với bối cảnh phát triển mới. Do vậy, tuyệt đối hóa truyền thống, cũng có nghĩa đang tạo ra cái nhìn mất cân đối của chỉnh thể tiên tiến - đậm đà bản sắc dân tộc, như cương lĩnh của Đảng về văn hóa đã xác định: “Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Một di sản dù vàng son và đồ sộ đến đâu cũng không bao giờ là đủ. Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại chưa một quốc gia hay một dân tộc nào có thể phát triển được đằng sau cánh cửa truyền thống. Từ thực tiễn, chúng ta thấy rằng, hài hòa các thành tố văn hóa tiên tiến với các thành tố văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là lý tưởng nhất, không nên thiên trọng thành tố văn hóa này, hay bài tha thành tố văn hóa kia. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần minh định: đây không phải là phép cộng của thành tố văn hóa tiên tiến và thành tố văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Mối quan hệ đó cần được xem như một chỉnh thể tương giao, đối ứng phù hợp.

Trịnh Chu

Nguồn Văn nghệ số 51/2022


Có thể bạn quan tâm