April 24, 2024, 1:35 am

Tình thầy trò và đồng đội

 

Bài Dự thi " Vì sự học Ngày nay"

 

Cuối năm ngoái Trung tướng Đỗ Phúc Hưng bảo tôi: “Sắp tới anh đi Nghĩa Lộ thăm anh bạn cùng nhập ngũ đang bị ốm nặng” Tôi hỏi lại: - Anh ấy tên là gì? Quê ở đâu?. Anh Hưng bảo: - Anh Trịnh Phúc Duyên, quê xã Trà Giang. Tôi thốt lên: - Thế là anh Duyên trọ cùng nhà với tôi ở làng Cao Bạt, khi học cấp III Bắc Kiến Xương, tôi sẽ đi Nghĩa Lộ thăm bạn ấy cùng anh.

Trời mùa đông se lạnh, xe chạy sớm từ Hà Nội gần trưa thì tới nhà anh Duyên ở xã Tân Thịnh huyện Văn Chấn, cách thị xã Nghĩa Lộ 40km, đó là vùng đồi núi bán sơn địa mà từ những năm 1974 nhiều gia đình quê ở Thái Bình lên khai hoang xây dựng kinh tế mới, khi ấy đường giao thông đi lại còn rất khó khăn kinh tế lạc hậu chưa phát triển. Ngôi nhà gia đình anh Duyên đang ở được đúc bê tông giữa những đồi chè xanh, cam, bưởi và các loại hoa trái, có vườn có ao rộng rãi. Kinh tế đã có bước phát triển, đời sống của bà con đã được cải thiện có của ăn, của để. Cả nhà vui mừng đón tiếp chúng tôi là bạn bè cùng quê hương Thái Bình với tình cảm chân thành, gần gũi và ấm cúng. Anh Duyên bị bệnh đã gần 1 năm, sức khỏe ngày càng kém. Chúng tôi vào nhà, anh ngồi trên giường đệm, ánh mắt, cử chỉ mệt mỏi của người đang bệnh vẫn thể hiện sự mong chờ, nhưng anh đã không nói được bằng lời. Nhìn các đồng đội cũ, anh Hồng, anh Hưng, anh Thắng đã từng chiến đấu sống chết ở chiến trường Quảng Trị, vẫn liên lạc thường gặp nhau, anh gật đầu nhận ra ngay. Còn tôi anh cứ nhìn và ngờ ngợ. Tôi hỏi anh có nhận ra tôi là ai không… Nét mặt anh ánh dần lên khi tôi nói ba anh em là anh Tạ Quốc Trị, anh Trịnh Phúc Duyên và tôi, Phạm Tiến Luật cùng trọ học nhà cụ Nguyễn Thiện Phạn, thôn Cao Bạt, xã Nam Cao. Anh Duyên vui lắm, nâng niu những thứ quà chúng tôi tặng. Anh ngắm kỹ biểu tượng Trường cấp III Bắc Kiến Xương thân yêu 50 năm ngày truyền thống và các tài liệu hiện vật về trường.

Bữa cơm thân mật cùng gia đình anh Duyên trải chiếu ngồi dưới đất có đông đủ vợ, con, các cháu, các em của anh Duyên. Chúng tôi uống rượu và cố tạo không khí để anh vui mà tạm quên đi bệnh tật, các kỷ niệm được nhắc lại khi đi học, khi ở chiến trường Quảng Trị nóng bỏng bom đạn, đói cơm thiếu muối và nhớ về bạn bè đồng đội đã hy sinh. Anh Hồng người cao tuổi nhất trong chúng tôi ở Nghĩa Lộ từ mấy chục năm bất ngờ đưa một thông tin: Anh công tác ở Lâm trường Văn Chấn cùng với con trai thầy giáo Bùi Văn Hùng, dạy sinh vật ở trường ta. Nghe được tin ấy, chúng tôi thật ngỡ ngàng vì thầy Hùng là Liệt sĩ, nhập ngũ năm 1972, nhưng mọi người trong trường đều cho là thầy đi bộ đội chưa xây dựng gia đình... Thầy Hiệu trưởng, Nhà giáo Ưu tú Bùi Tấn, mỗi lần gặp mặt hay Hội trường vẫn ngậm ngùi xúc động kể là có học sinh của trường đi bộ đội chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị ra kể lại: đêm canh gác trời tối nghe giọng nói mà nhận ra và gặp được thầy Hùng… sau đó không lâu thì có tin thầy đã hy sinh.

Thầy Hùng thân yêu mà trong bài viết in trong tập san 50 năm thành lập trường đã 3 lần tôi nhắc đến: Khi chúng tôi vào cấp III cũng là năm thầy Hùng và một số thầy cô giáo trẻ tốt nghiệp Đại học về giảng dạy ở trường cấp III Bắc Kiến Xương như thầy Thành, thầy Nhi, thầy Chung, thầy Hằng, cô Mai, cô Thuận, cô Mởn, cô Hồng, cô Phúc… các thầy cô mới về mang thêm sự tươi trẻ cho nhà trường và rất gần gũi với các học sinh thân yêu.

Thầy Hùng dáng người cao gầy nước da ngăm bánh mật bước đi khoan thai mặc quần âu áo xanh sỹ lâm bỏ ngoài quần, tóc luôn cắt cao khuôn mặt trẻ trung với đôi mắt sắc, chiếc miệng rộng hay nói, hay cười thầy là một người vui tính. Thầy dạy môn sinh vật có phần giải phẫu sinh lý mà sách giáo khoa bấy giờ phải phân phối học sinh lại vẽ nhiều, chúng tôi phải mượn sách của nhau để xem hình vẽ mẫu. Có lẽ ở trường Đại học thầy được học kỹ với tư chất thông minh và hiếu động thầy lên lớp giảng bài thật say mê, các lớp có tiết dạy của thầy luôn vang lên những tiếng cười vui của thầy trò. Thầy hướng dẫn chúng tôi thực hành thí nghiệm về thần kinh, mô hình là những chú ếch còn sống, nhiều bạn sợ nhắm mắt… Cũng trong nhiều tiết học, thầy dành thời gian kể cho chúng tôi những chuyện vui ở trường Đại học. Ngành sinh học với ngành Y gần gũi gắn bó là những môn khoa học đã được kiểm chứng từ thực tiễn. Thầy luôn khẳng định là “không có Ma”... Thầy còn kể chuyện các thầy trêu đùa bỏ mô hình cơ thể người bằng thạch cao vào túi sách bạn học nữ, cả lớp phá lên cười và các bạn nữ vừa bịt miệng cười vừa đỏ mặt… Bấy giờ kinh tế còn khó khăn chúng tôi liên hoan mỗi người đóng góp một đồng để làm được mấy mâm xôi có thịt gà băm nhỏ rắc lên trên mời các thầy cô đến dự, thầy Hùng cao giọng hỏi: các em đã thấy mấy loại “men” và dịch vị tiết ra từ chân răng như thầy dạy không?... làm cho bữa ăn liên hoan thật ấm cúng.

Từ thông tin của anh Hồng tôi điện ngay hỏi thầy Hằng, giáo viên Nga văn, từng đi bộ đội cùng đơn vị với tôi tháng 5 năm 1971. Thầy Hằng nói là có về dự lễ cưới thầy Hùng ở quê Ninh Bình, thế là thêm một tin tốt lành. Tôi đã xin anh Hồng số điện thoại của cháu Bùi Văn Dũng và thông tin chuẩn xác và đầy đủ dần được bổ sung: Thầy giáo Bùi Văn Hùng sinh năm 1946, tháng 11 năm 1971 thầy về quê cưới vợ là cô Tạ Thị Vuông, kém thầy 1 tuổi, là nhân viên cửa hàng Dược Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, người xã Khánh Thủy cùng quê.

Tháng 5 năm 1972 thầy nhập ngũ vào Sư đoàn 304 ở Tiểu đoàn do Anh hùng Lê Mã Lương là Chính trị viên. Khi đó vợ thầy đang mang thai cháu Bùi Văn Dũng. Trên đường đi B đơn vị dừng ở Quảng Bình thầy nhắn tin và cô Vuông đã vượt đường đất xa xôi bom đạn vào thăm thầy. Ở chiến trường Quảng trị tháng 3 năm 1975 thầy được đơn vị cho nghỉ phép thăm nhà, bé Dũng đã được 3 tuổi cuối. Tháng 3 thầy trả phép về đơn vị, trong ba lô ngoài gia tài người chiến sĩ thầy còn mang theo tấm áo của con trai, vào đến Quảng Đà, thầy viết thư về báo tin đã đuổi kịp đơn vị và đang tiến quân vào sâu hơn nữa.

Tôi đã điện hỏi anh hùng Phạm Xuân Thệ và anh hùng Lê Mã Lương, khi đó là Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 24. Xong chiến dịch Quảng Trị, Sư đoàn 304 đánh Thượng Đức, Trung đoàn 24 đánh quân dù chốt giữ điểm cao 1062. Sau chiến dịch, đầu tháng 3 năm 1975, đồng chí Lê Mã Lương có ký giấy phép cho một số chiến sĩ theo xe của đơn vị ra Bắc. Thầy Hùng được về thăm gia đình trong đợt nghỉ phép đặc biệt này. Đầu tháng 4 thầy trả phép cùng đơn vị tiến quân từ Đà Nẵng vào giải phóng Sài Gòn. Ngày 28 tháng 4 năm 1975, Sư đoàn 304 đánh chiếm căn cứ Nước Trong, cửa ngõ tiến vào Sài Gòn trong trận đánh diễn ra rất quyết liệt vì địch ngoan cố chống cự khiến nhiều bộ đội ta hy sinh. Sau trận đánh, đơn vị cho xe chở tử sỹ về Quảng Nam, là hậu cứ của Sư đoàn 304, để mai táng. Như vậy là người thầy Bùi Văn Hùng kính mến của chúng tôi là một người lính đã anh dũng chiến đấu hy sinh ở căn cứ Nước Trong trước giải phóng Sài Gòn 2 ngày và cách Sài Gòn chỉ có 20 km.

Ngày 09 tháng 3 năm 2019, khóa chúng tôi Hội khóa tại Hà Nội. Niềm vui đặc biệt của ngày Hội khóa năm nay chúng tôi đã được mời cô Tạ Thị Vuông và cháu Bùi Hồng Yến (em trai cháu là Bùi Đức Mạnh đang đi học) là cháu nội thầy Hùng đến gặp mặt. Chúng tôi tặng hoa, tặng quà cho cô và tâm tư ôn lại bao kỷ niệm về người thầy Liệt sĩ.

Từ chuyến đi thăm người bạn, người đồng đội Trịnh Phúc Duyên ở Nghĩa Lộ mà có những thông tin quý báu để chúng tôi tìm được vợ con thầy giáo Hùng. Từ gia đình của Thầy mà chúng tôi liên lạc và biết thầy giáo chúng tôi đã sống, chiến đấu ở một đơn vị chủ lực tham gia nhiều chiến dịch lớn và anh dũng hy sinh trước ngày toàn thắng ngay cửa ngõ Sài Gòn. Mộ Thầy và đồng đội yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Tấm áo của con trai thầy mang theo vào chiến trận được người đồng đội tên Tải (quê Thanh Hóa) mang về cho gia đình thấm mồ hôi và máu của Thầy có cả mùi khét thuốc súng...

Phải chăng đây là cái duyên máu thịt của tình thầy trò, tình đồng đội thiêng liêng và cao quý.

Bài báo này như một nén tâm nhang nhân ngày Giỗ lần thứ 44 của thầy giáo, Liệt sĩ Bùi Văn Hùng (28 tháng 4 năm 1975 - 28 tháng 4 năm 2019)

Nguồn Văn nghệ số 13/2019

            

 


Có thể bạn quan tâm