April 18, 2024, 9:16 pm

Tinh thần yêu nước và thượng võ trong trò chơi dân gian

Trò chơi dân gian là kết tinh trí tuệ được sàng lọc qua bao đời, mang vẻ đẹp nhân văn, nghệ thuật giải trí. Trò chơi dân gian còn giàu cá tính sáng tạo, mang tinh thần thượng võ, gắn liền với những nhân vật lịch sử chống ngoại xâm. Mới đây, một số trường trung học phổ thông đã tổ chức thành công ngày hội trò chơi dân gian bằng diễn xướng các tác phẩm văn học. Đây là mô hình cần nhân rộng, không chỉ đối với văn học mà cả sử học nhằm bảo tồn và giúp học sinh có những trải nghiệm thực tế thú vị từ kho tàng văn hoá cổ truyền.

Cờ lau tập trận trong Lễ hội Hoa Lư

1.

Giới trẻ không thể thiếu trò chơi. Chơi để giải trí. Chơi cũng là học. Người xưa có câu “Học không chơi đánh rơi tuổi trẻ, chơi không học bán rẻ tương lai”. Ở thời đại công nghệ thông tin, các bạn trẻ chơi game trên máy vi tính hay điện thoại di động là điều bình thường. Nhưng chơi tới mức nghiện thì vô cùng nguy hiểm. Vì nghiện game mà có em thức khuya, trốn học. Vì nghiện game mà có em bỏ nhà đi bụi, tụ tập đua xe, kiếm tiền ăn chơi, sinh ra tệ nạn trộm cướp. Vì mải mê đắm chìm trong thế giới ảo, có em còn thay đổi tính nết, trở nên cộc cằn, hung hăng, muốn làm “đại ca” yên hùng như những nhân vật ảo trong game, vô tình gây tai nạn hay phạm trọng tội.

Những ai có tuổi thơ trước khi công nghệ thông tin ập đến, trò chơi dân gian là món ăn tinh thần lành mạnh không thể thiếu, nhất là những người sinh ra ở làng quê, trở thành hành trang quý giá suốt cuộc đời. Làm sao có thể quên được những trò chơi như: chi chi chành chành, chơi ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, kéo cưa lừa xẻ, mèo bắt chuột, nhảy lò cò, nhảy dây, bắn bi, đánh đáo, ném lon, kéo co, cướp cờ, đấu vật, oẳn tù tì, tập tầm vông,… Một cái ôm vô tình. Một cú đá, giật, ném làm đau bạn. Một cơn giận dỗi khi thấy mình bị ăn gian. Một tràng cười hả hê khi phe mình chiến thắng. Tất cả đã trở thành kỷ niệm sống động trong ký ức như khúc mía, củ khoai, củ sắn lùi hay con cá, con tôm đồng nướng.

Có hàng trăm trò chơi dân gian khác nhau. Ngoài những trò chơi phổ biến thì mỗi vùng quê còn có những trò chơi mang tính đặc thù. Có trò chơi thành chủ đề lễ hội văn hoá truyền thống, mang triết lý nghệ thuật rèn binh, dụng binh, tinh thần thượng võ của người xưa. Đánh phết ở Hiền Quan, Phú Thọ hoặc múa cờ lau tập trận ở Hoa Lư, Ninh Bình và vật cù ở Phù Ủng, Hưng Yên là những điển hình. Một trò chơi do nữ tướng tài sắc dưới trướng Hai Bà Trưng là công chúa Thiều Hoa sáng tạo. Một trò chơi thời ấu thơ của vị hoàng đế dũng lược Đinh Bộ Lĩnh chế ra. Một trò chơi được danh tướng Phạm Ngũ Lão dùng để luyện tập quân sĩ dưới thời nhà Trần.

2.

Vào đầu thế kỷ I, chị em Hai Bà Trưng “phất cờ nương tử” đánh đuổi quân xâm lược nhà Hán, có nhiều nữ tướng tài giỏi đem binh theo về dưới trướng lập công trận như Ả Nang, Ả Nương, Bát Nàn, Đào Nương, Lê Chân, Thánh Thiên, Thiều Hoa, Quỳnh Nương, Quế Nương, Lê Thị Hoa,… Trong đó, Thiều Hoa là người sinh trưởng trong gia đình nghèo khó ở động Lăng Xương nay thuộc tỉnh Phú Thọ. Cha mẹ mất sớm, Thiều Hoa tự bươn chải kiếm sống, có sức khoẻ hơn người, đấu vật hạ tất cả bạn bè trai gái cùng trang lứa. Bà được nhà sư trụ trì chùa Hiền Quan cưu mang, chỉ dạy phật pháp và võ nghệ.

Gan dạ và mưu trí, Thiều Hoa luôn bày ra nhiều trò chơi cho bạn chăn trâu, trong đó có trò đánh phết. Người chơi chia làm hai phe. Quả phết làm từ quả bướng hình cầu đặt giữa bãi đất trống. Mọi người dùng gậy bằng tre tranh nhau giành quả phết và đẩy sang làm sao cho rơi vào hố đối phương thì sẽ thắng. Nghe tin Hai Bà Trưng chiêu nạp hiền tài mưu việc lớn ở Mê Linh, Thiều Hoa tập hợp lực lượng rời sông Đà gia nhập đội quân khởi nghĩa ở sông Hát, được cử làm Tiên phong Hữu tướng tiến đánh Luy Lâu, lập công lớn, được phong làm Đông cung Công chúa. Những lúc nghỉ ngơi bà bày trò đánh phết, đích thân làm trọng tài, nhằm rèn luyện sức khoẻ, sự mưu trí, nhanh nhạy cho quân sĩ.

Thiều Hoa đã anh dũng hy sinh trong một trận chiến với đội quân hùng mạnh của Mã Viện. Nhân dân đã lập đền thờ, xem bà như thành hoàng của làng Hiền Quan nay thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Từ lâu tại làng này cứ vào ngày 12-13 tháng Giêng âm lịch hàng năm diễn ra Lễ hội Phết nhằm tưởng nhớ công lao đánh giặc cứu nước, tôn vinh tinh thần thượng võ của nữ tướng Thiều Hoa cũng như Đức ông Lý Mộc Trang thời nhà Đinh được thờ ở đình làng. Hội phết độc đáo này đã vượt khỏi ranh giới hội làng, thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng người Việt hướng về Đất Tổ như câu ca: “Dù ai buôn bán trăm nghề/ Nhớ ngày Hội Phết thì về Hiền Quan”.

Gần 900 năm sau trò đánh phết của Thiều Hoa ở Đất Tổ thì tại Hoa Lư xuất hiện trò chơi cờ lau tập trận của Đinh Bộ Lĩnh. Ông là con của tướng quân Đinh Công Trứ dưới thời Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền. Cha mất khi Đinh Bộ Lĩnh còn nhỏ, phải theo mẹ về sống trong động Hoa Lư bên cạnh đền Thần Núi, cắt cỏ chăn trâu ngoài thung lũng. Nhờ thông minh và mạnh mẽ hơn người, Đinh Bộ Lĩnh được bạn chăn trâu tôn làm “thủ lĩnh”, bày trò chơi vua tôi, lấy hoa lau làm cờ hiệu đánh trận. Đám trẻ còn chia làm hai bên tả hữu quần thần đi trước, một số khác cùng khoanh tay giả làm ngai kiệu ông “vua” trẻ trâu như nghi thức triều đình.

Sau khi anh hùng Ngô Quyền qua đời, em vợ là Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, khởi đầu sự loạn lạc 12 sứ quân. Đinh Bộ Lĩnh dấy binh nổi lên chiếm cứ vùng Hoa Lư, kết hợp với sứ quân Trần Lãm ở Bố Hải Khẩu thành lực lượng hùng mạnh làm chủ cả vùng đồng bằng trù phú rộng lớn phía Nam. Đinh Bộ Lĩnh tự xưng Vạn Thắng Vương, cùng con trai Đinh Liễn mang quân lần lượt chinh phạt đánh tan các sứ quân khác, thu phục giang sơn về một mối. Ông đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, lên ngôi vua lấy hiệu Đại Thắng Minh hoàng đế, sử gọi là Đinh Tiên Hoàng.

Từ thời nhà Lý, Lễ hội Hoa Lư ở Ninh Bình, trước đây gọi là hội Trường Yên hay hội Cờ Lau, đã diễn ra hàng năm vào các ngày 9-11 tháng 3 âm lịch để tưởng nhớ các vị anh hùng Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn, nuôi dưỡng lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc độc lập, tự chủ. Tiết mục cờ lau tập trận vốn chỉ là một cuộc diễn xướng kể lại sự tích lịch sử thời thơ ấu của Đinh Tiên Hoàng, về sau dần phát triển thành một trò chơi dân gian đặc sắc không thể thiếu trong lễ hội. Dưới chân núi Mã Yên phía trước cổng đền vua Đinh, khoảng 50-60 thanh thiếu niên ở độ tuổi 13 đến 16 chia thành 2 đội quân áo trắng và áo đỏ. Người đóng vai Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu, mặc áo đỏ, đầu đội mũ bình thiên, tay cầm kiếm, tay cầm cờ lau chỉ huy đội quân áo đỏ hùng dũng trên chiến trận…

Cũng vào mùa xuân, tại tỉnh Hưng Yên diễn ra Lễ hội đền Phù Ủng tưởng nhớ nhân vật Phạm Ngũ Lão của thế kỷ XIII, trong đó có trò chơi dân gian vật cù mà tương truyền vị danh tướng nhà Trần rất thích dùng để rèn luyện sức khoẻ và nghệ thuật đánh trận cho ba quân.

Phạm Ngũ Lão là chàng nông dân đan sọt có học thức, chí khí hơn người của làng Phù Ủng, được Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn tình cờ gặp gỡ và trọng dụng, gả con gái nuôi cho. Trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba cũng như những lần chinh phạt hai nước Ai Lao, Chiêm Thành quấy nhiễu bờ cõi, tài năng chỉ huy quân sự của Phạm Ngũ Lão đã được thể hiện, khẳng định ông là vị hổ tướng bách chiến bách thắng. Khi Phạm Ngũ Lão qua đời, vua Trần Minh Tông thương tiếc ra lệnh triều đình nghỉ chầu 5 ngày, tương tự quốc tang ngày nay. Ngoài chiến trận, Phạm Ngũ Lão còn là tài năng văn học, đến nay còn lưu truyền hai tác phẩm. Đó là bài Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo đại vương ông viếng vị ân nhân, cha vợ và cũng là tổng chỉ huy trực tiếp của mình. Thứ hai là bài thơ Thuật hoài (Tỏ lòng) ông viết khi đánh giặc Nguyên Mông, thổi cao ngọn lửa yêu nước và ý chí chiến đấu của tướng sĩ.

Đền Phù Ủng thuộc xã Đô Lương, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên được lập thờ danh tướng Phạm Ngũ Lão. Hàng năm, từ ngày 11-13 tháng giêng âm lịch, lễ hội được tổ chức ở đây với những nghi thức trang nghiêm, diễn xướng sinh động. Vật cù là trò chơi đặc sắc nhất lễ hội, với dụng cụ là quả cù hình tròn bằng gỗ mít hoặc gỗ sung, đẽo bào nhẵn sơn đỏ, nặng độ 6-8kg. Sân chơi chia làm hai phần cho hai đội, với mỗi đội từ 8-12 vật thủ là những trai làng khoẻ mạnh. Trên đầu các vật thủ quấn khăn có màu sắc khác nhau, cởi trần, đóng khố. Giữa sân chơi kẻ một đường trung tuyến làm ranh giới nửa sân Đông và nửa sân Đoài, hoặc nửa sân Nam và nửa sân Bắc. Chính giữa đường ranh khoét một lỗ rộng vừa hai người đứng và quả cù ở giữa gọi là lỗ cái, còn cuối sân mỗi bên đào một lỗ gọi là chuồng cù.

Người điều khiển cuộc chơi là tổng cờ, tuổi cao đức trọng trong làng, mở đầu bằng tiếng hô lớn: “Bớ trai giáp Đông! Bớ trai giáp Đoài!” và một tiếng “Dạ” đồng thanh vang dội của cả hai đội. Rồi ông tổng cờ giơ cao dùi trống đọc dõng dạc xúc động: “Thiên hạ thái bình/ Dân tình hoan hỉ/ Trai gái tráng dũng/ Chuẩn bị quốc phòng/ Cho xứng Lạc Hồng/ Nghìn năm rạng rỡ/ Ta đây, Phạm Ngũ Lão/ Nhân kỳ Nguyên đán/ Muốn chọn cuộc vui/ Trước để thử tài/ Sau đem sức kháng địch/ Nếu nước lâm nguy/ Ra quân mà chống chế/ Bớ Đông giáp, bớ Đoài giáp!/ Hãy tỏ lực người trai đất Việt!”. Vừa dứt lời, tổng cờ đánh một hồi trống báo hiệu cuộc chơi đưa cù vào lỗ hai bên bắt đầu.

3.

Ngoài hội làng Phù Ủng thì lễ hội nhiều nơi khác ở tỉnh Hưng Yên cũng có trò chơi vật cù hay còn gọi vật cầu, vật lầu. Qua trò đánh phết, cờ lau tập trận và vật cù có thể thấy trò chơi dân gian được sàng lọc qua bao đời, kết tinh trí tuệ sáng tạo, sự năng động, mang vẻ đẹp nhân văn, nghệ thuật giải trí, rèn luyện sức khoẻ. Trò chơi dân gian còn mang tinh thần thượng võ, gắn liền với những nhân vật lịch sử có công giữ nước của một dân tộc luôn chống chọi ngoại xâm.

Những năm gần đây khi các lễ hội truyền thống được phục dựng thì trò chơi dân gian cũng dần phục hồi. Ý thức về trò chơi dân gian trong nhà trường cũng manh nha. Vào tháng 4/2019, Trường THPT Nguyễn Thái Bình ở quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức chuyên đề “Văn hoá dân gian - Hồn dân tộc”. Cô giáo Tống Thị Thiều Hương - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, cho biết đây là chuyên đề hoàn toàn mới, gồm ba phần chính: văn nghệ dân gian, ẩm thực dân gian và trò chơi dân gian, trong đó phần trò chơi như đẩy gậy, múa sạp, nhảy lò cò, chơi ô ăn quan,… đã thu hút đông đảo học sinh tham gia. Nhà trường mong muốn mang môn văn đến gần với học sinh, trang bị cho các em thêm kiến thức về cuộc sống từ chính văn học, đặc biệt là về văn hoá dân gian.

Trước đó, vào tháng 1/2019, Trường THPT Lương Thế Vinh ở quận 1 cũng tổ chức ngày hội trò chơi dân gian bằng hình thức sân khấu hoá và diễn xướng các tác phẩm văn học, được học sinh biến thể thành hội du xuân tại làng khá sinh động. Trên cơ sở nội dung, hình tượng nhân vật, nhiều trò chơi dân gian được lồng ghép phù hợp với lứa tuổi các em. Theo cô giáo Huỳnh Thị Thuý Hằng - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, học sinh thành phố ít có cơ hội chơi những trò chơi dân gian như thôn quê, nên ngày hội là một trải nghiệm thực tế giúp các em có cơ hội tiếp cận với kiến thức ngoài sách vở, trang bị kỹ năng làm văn thuyết minh theo hướng sáng tạo, góp phần giáo dục các em truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc.

Nguồn Văn nghệ số 21/2020


Có thể bạn quan tâm