April 19, 2024, 10:57 pm

Tính ký hiệu – đặc trưng bản thể của văn bản nghệ thuật

Nhìn lại hành trình tư tưởng của tư duy lý luận văn học thế giới, thế kỷ XX thực sự là một dấu mốc quan trọng. Với những khám phá mới về bản chất, chức năng của ngôn ngữ, người ta phát hiện ra tác phẩm văn học không chỉ mang tính hiện thực mà còn mang tính ký hiệu. Phát hiện này, về cơ bản đã làm thay đổi tư duy lý luận văn học về đặc trưng phản ánh nghệ thuật.

 

Các nhà ký hiệu học đã căn cứ theo chất liệu cái biểu đạt để chia ra các loại ký hiệu khác nhau như ký hiệu tự nhiên, ký hiệu biểu hình, ký hiệu - biểu tượng. 

Ảnh minh họa

 

Trong bài viết Phản ánh luận trong tầm nhìn hiện đại, Gs. Trần Đình Sử (2016) cho rằng những thay đổi trong lý luận nhận thức thế kỷ XX đã cung cấp thêm cứ liệu để ta xem lại phản ánh luận. Và theo ông, có bốn lý thuyết quan trọng về nhận thức đã tác động đến quan niệm về vấn đề đặc trưng phản ánh nghệ thuật. Bốn lý thuyết đó bao gồm: 1/ thuyết cơ học lượng tử; 2/ lý thuyết khoa học thần kinh tri nhận; 3/ lý thuyết kiến tạo; 4/ lý thuyết - ngôn ngữ ký hiệu. Trong bốn lý thuyết nói trên thì lý thuyết ngôn ngữ - ký hiệu được tác giả bài viết bàn đến nhiều nhất với mục đích soi sáng những khoảng khuất lấp trong phản ánh luận. Theo quan điểm của Trần Đình Sử, khi xây dựng lý thuyết về phản ánh luận, Lenin chỉ có thể dựa vào triết học và tâm lý học cổ điển và lấy phản ánh luận tâm lý học (không tính đến ký hiệu) làm nền tảng cho mọi lý luận về nhận thức. Thực tế cho thấy, khi con người đã chiếm lĩnh được hệ thống ký hiệu, đồng thời có khả năng tư duy bằng ngôn ngữ thì đó cũng là lúc con người không chỉ sống trong một không gian vật lý đơn thuần mà còn đang sống trong một thế giới ký hiệu do chính họ tạo ra. Và xã hội ngày một tiến bộ, tư tưởng và kinh nghiệm của con người ngày một phong phú, cũng là lúc tấm lưới ký hiệu bao phủ lên không gian sống của họ ngày một dầy đặc. Gs. Lê Huy Bắc (2018) cũng nhấn mạnh: “Hiểu theo nghĩa rộng nhất của ký hiệu thì chúng ta đang sống trong ký hiệu và bản thân chúng ta cũng là một ký hiệu hay một tập hợp ký hiệu theo quan niệm nào đó”. Như vậy, với một thế giới ký hiệu bao quanh và ở trong chính mình, con người đã, đang và sẽ không bao giờ trực tiếp đối diện với thực tại một cách hoàn toàn. Khi năng lực hoạt động ký hiệu của con người tiến bộ bao nhiêu thì tực tại cũng sẽ lùi xa con người bấy nhiêu…

Trở lên trên, chúng ta đang nói về ký hiệu nói chung. Vậy, có sự khác nhau nào giữa ký hiệu nói chung trong đời sống con người với ký hiệu trong tác phẩm văn chương? Trước hết, cần phải khẳng định, tác phẩm văn học là loại ký hiệu hướng tới chính nó. Đặc điểm này của ký hiệu nghệ thuật mâu thuẫn với việc sử dụng ký hiệu thông thường, loại ký hiệu luôn hướng tới cái gì khác bên ngoài, tới đối tượng mà nó biểu thị. Đặc trưng của ký hiệu thẩm mỹ là không nói đến sự việc nào đó của thế giới, mà là nó khắc họa các sự việc; với kết cấu song hành, tương ứng, nó gợi ra cái ấn tượng không liên quan cụ thể đến điều gì cả nhưng buộc người đọc phải liên hệ đến. Tác phẩm văn học tồn tại vì nó, nó không phản ánh hiện thực mà chỉ giúp cho chúng ta có cái ấn tượng và hình thức đời sống để nhờ đó chúng ta có thể biết được về xã hội thế tục”.  Nói cách khác, văn bản văn học chính là “một hệ thống ký hiệu thứ 2”, ngôn ngữ văn chương là “ngôn ngữ phái sinh” từ ngôn ngữ tự nhiên. Đấy là dạng tinh túy của ngôn ngữ. Nói cách khác, đó là ký hiệu nghệ thuật của ký hiệu, “là sự thăng hoa ngôn từ mang đậm cảm xúc cá nhân”. Vì vậy, có thể đi đến kết luận, từ ký hiệu trong đời sống thường nhật đến ký hiệu nghệ thuật là cả một bước tiến lâu dài, phải đạt đến “nhãn quan thẩm mỹ” nhất định thì mới có ký hiệu nghệ thuật.

Các nhà ký hiệu học đã căn cứ theo chất liệu cái biểu đạt để chia ra các loại ký hiệu khác nhau như: ký hiệu tự nhiên, ký hiệu biểu hình, ký hiệu - biểu tượng... Trong đó ký hiệu - biểu tượng được hiểu là dạng ký hiệu không những chỉ định một vật nào đó mà còn mang ý nghĩa rộng hơn. Nếu ký hiệu thuộc loại khác chỉ liên quan đến các sự vật của thế giới hiện thực, đến đời sống, tâm lý cá nhân, thì ký hiệu - biểu tượng còn hướng đến các giá trị cộng đồng, như quốc kỳ, quốc ca biểu thị cho sự độc lập của một quốc gia. Nói về sự chi phối của thế giới biểu tượng đối với đời sống con người, M.Kundera (1992) cho rằng: “con người là một đứa trẻ bị lạc trong khu rừng của biểu tượng. Tiêu chuẩn của sự trưởng thành là năng lực cưỡng lại biểu tượng. Nhưng nhân loại ngày càng trẻ ra”. David Hicks và Maragazet A.Gwynne (1994), trong bài Bản chất của văn hóa cũng chỉ rõ: “Trong tất cả mọi xã hội, biểu tượng là chiếc xe quan trọng để chuyển tải văn hóa. Hoặc là dưới hình thức ngôn ngữ, hành động hoặc là vật thể. Người dân thường xuyên sử dụng biểu tượng trong hành động, suy nghĩ nói năng, chế tạo ra vật dụng”. Nhà ký hiệu học văn hóa nổi tiếng người Nga Iu.Lotman (2004) thì khẳng định: “Biểu tượng (Symbol) là một trong những từ nhiều nghĩa nhất trong hệ thống các khoa học về ký hiệu”. Điều đó cũng có nghĩa là không dễ dàng khu biệt nội hàm nghĩa của cái gọi là “biểu tượng” và đôi khi chúng ta cảm giác được một âm thanh, hình ảnh, ký tự nào đó là biểu tượng nhưng chúng ta lại không thể cắt nghĩa được một cách tường minh. Đúng như J.Chevalier (1969) đã nói: “Không cách gì định nghĩa cho được một biểu tượng. Nó giống mũi tên bay mà không bay, đứng im mà biến ảo, hiển nhiên mà không nắm bắt được. Ta sẽ phải dùng các từ ngữ để gợi ra một hay nhiều ý nghĩa của biểu tượng nên phải luôn nhớ rằng, các từ không thể diễn đạt được hết ý nghĩa của biểu tượng”. Phải chăng chính sự mơ hồ, biến ảo đó đã khiến cho biểu tượng có sức mạnh biểu đạt mạnh mẽ và với các nhà văn nó trở nên phù hợp hơn cả để họ nói về một bức tranh thế giới nhiều tầng, nhiều lớp, đầy hỗn độn, phi lý, ngẫu nhiên...

Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về nguồn gốc và bản chất của biểu tượng. Theo nhà nghiên cứu Lê Nguyên Cẩn (2014), xét trên bình diện tâm lý học, ta có thể phân thành biểu tượng trực quan hay phi trực quan. Biểu tượng trực quan là những hình tượng cụ thể là hình thức của nhận thức, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn lưu giữ lại trong đầu óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan chấm dứt. Biểu tượng phi trực quan là một hình ảnh mới được xây dựng từ những biểu tượng của trí nhớ, nó là biểu tượng của biểu tượng, là cơ sở cho biểu tượng thơ ca, nghệ thuật. Cả biểu tượng trực quan lẫn phi trực quan mới chỉ là biểu tượng nằm ở cấp độ nhận thức. Muốn trở thành biểu tượng thực sự của văn chương nghệ thuật thì biểu tượng từ nhận thức này phải được chuyển hóa, phải được sáng tạo lại thành cái biểu đạt mới, phải chuyển hóa từ trực quan sang phi trực quan, chuyển hóa không phải như hình ảnh bất kỳ, ngẫu nhiên được lưu giữ trong trí óc mà là sự chuyển hóa tổng hợp tất cả những hình ảnh thu nhận được, biến cái ngẫu nhiên, cái cá biệt thành cái bản chất, cái tất yếu của đối tượng, để tạo thành tính chất phi trực quan, phi vật thể, có như vật mới trở thành biểu tượng văn hóa, biểu tượng của văn học nghệ thuật”.  Theo Trịnh Bá Đĩnh (2018), trong vô số các quan niệm khác nhau về biểu tượng, ta vẫn tìm thấy có những điểm chung. Điểm chung thứ nhất là hầu hết các nhà nghiên cứu dù có cách hiểu khác nhau nhưng đều thừa nhận biểu tượng có hai bình diện là “cái biểu đạt” và “cái được biểu đạt”. “Cái biểu đạt” của biểu tượng có thể là một vật, hành vi, hình ảnh trong nghệ thuật, đám rước, lễ hội... Còn “cái được biểu đạt” là nội dung hàm chứa trong đó. Về tiếp nhận, biểu tượng tác động đến toàn bộ tinh thần của người tiếp nhận, cả cảm giác, lý trí, tâm linh và được cộng động thừa nhận chứ không chỉ mang tính cá nhân. Điểm chung thứ hai là tất cả đều thừa nhận ở biểu tượng có sự phân đôi hay đối lập giữa nghĩa đen và nghĩa bóng, cụ thể và bao quát. Xét từ mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, các nhà nghiên cứu có ba ý kiến về biểu tượng như sau: 1/ Loại ý kiến thứ nhất hiểu biểu tượng theo nghĩa rất rộng, bao gồm tất cả các hình thức biểu hiện văn hóa loài người: nghi lễ, ngôn ngữ, nghệ thuật... Biểu tượng ở đây hầu như không đồng nhất với ký hiệu. Tiêu biểu cho quan điểm này là E.Casirer và Ch.Pierce; 2/ Loại ý kiến thứ hai hiểu biểu tượng theo một quan niệm hẹp, coi biểu tượng như một dạng ký hiệu đặc biệt, mà “cái được biểu đạt” (hình ảnh, sự vật, sự việc) gợi người đọc đến một nội dung khác ngoài nghĩa hiển lộ trực tiếp. Nội dung khác này đa nghĩa, mơ hồ, xa lạ, tàng ẩn, chỉ với lý trí không thể nắm bắt và diễn tả hết được. Theo quan điểm này có thể kể ra các tác giả tiêu biểu như A.F.Losev, I.Lotman, Tz.Todorov...; 3/ Loại ý kiến thứ ba coi biểu tượng là một hiện tượng thiêng liêng, thần bí, một thông điệp của đấng tối cao gửi đến cho con người. Trong bài viết này chúng tôi chọn cách hiểu thứ hai, coi biểu tượng như một dạng ký hiệu đặc biệt mà nhà văn chọn để làm phương tiện kiến tạo, chiếm lĩnh và diễn tả bức tranh đời sống trong tác phẩm.

Nguồn Văn nghệ số 09/2020


Có thể bạn quan tâm