April 20, 2024, 7:22 pm

Tính dự báo của văn chương – thế nào, tại sao?

 

1.

Người cực đoan thì khó lòng khách quan trong mọi trường hợp. Bảo, các cụ xưa nói, cấm câu nào sai. Thế được đằng chân lân đằng đầu giờ có đúng đâu? Người ta làm ngược lại đấy chứ. Đấy là cãi cho vui. Còn bao điều được đúc kết hàng ngàn đời, giờ thiên hạ có điều kiện chiêm nghiệm, nghiên cứu bài bản, khảo sát, thống kê, tính toán khoa học nâng lên thành nguyên lý, thành khoa học hẳn hoi mới ngộ ra. Hóa ra, nhiều điều các cụ ta đã nghĩ chín rồi.

Nhiều người trẻ là triệu phú thời gian, nhưng lại sống gấp. Những người tiên tiến cổ vũ sống chậm. Thì các cụ ta đã chẳng khuyên đó sao: “Đi đâu mà vội mà vàng, chẳng đã nào vấp, chẳng quàng phải dây. Thủng thỉnh như chúng anh đây. Chẳng đá nào vấp chẳng dây nào quàng.” Có hẳn một môn khoa học là Ra quyết định, thì ngày xưa các cụ ta đã dạy rồi: “Làm người phải đắn phải đo, phải cân nặng nhẹ, phải dò nông sâu.”

Tất cả các loại hình bảo hiểm xã hội, y tế, giao thông, nhân thọ v.v… đều nằm trong lĩnh vực của chuyên môn Quản trị rủi ro. Thì các cụ ta đã chỉ ra trong câu, vô cùng đơn giản này: “May quần phòng khi cả dạ. Làm cửa phòng khi bựng mâm”. Vì không nhớ đến câu ấy nên tất cả những dãy nhà cao tầng ở miền Bắc (thời ấy năm tầng được gọi là cao tầng) đều không tài nào xoay xỏa được cỗ áo quan khi nhà có chuyện hậu sự.

 

2.

Ngày đi học, ai chẳng biết câu: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, “Thương người như thể thương thân”… nhưng đầu những năm 60 thế kỷ trước, học văn chỉ được biết văn học có tính hiện thực, tính chiến đấu, tính Đảng, tính dân tộc, tính nghệ thuật, chứ không có tính nhân loại (nhân tính). Thế nên phim Người thứ 41 bị coi là xét lại, bị phê phán kịch liệt.

Văn học Nga Xô viết cũng có một tác phẩm cực hay của M. Gorki Bài ca chim báo bão như dự báo một cơn bão táp cách mạng sẽ nổ ra. Nhưng hình như trong lí luận, chưa thấy khẳng định chức năng ấy của văn chương.

Trong văn chương Cách mạng, nhất là thơ Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Sóng Hồng… tính tích cực của nó được mang thuật ngữ tính chiến đấu, nghĩa là cổ vũ người ta đấu tranh lật đổ chế độ cũ (dùng cán bút làm đòn xoay chế độ). Trong kháng chiến thì cổ vũ công, nông, binh, trí kháng chiến, hăng hái thi đua giết giặc lập công “mừng đón cha trở về” (ca từ một bài hát).

Văn chương sau hòa bình lập lại ở miền Bắc thì tính chiến đấu thể hiện nỗi đau chia cắt, nhớ miền Nam, tin vào ngày mai thống nhất, cổ vũ quân dân miền Bắc “mỗi người làm việc bằng hai”, “thanh niên ba sẵn sang”, “phụ nữ ba đảm đang”. Trong chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân giặc thì cổ vũ bộ đội “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, cả nước, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Nói chung, tính tích cực của văn chương cách mạng, kháng chiến trước sau 1975 ở miền Bắc đều thể hiện niềm tin vào độc lập, thống nhất, dân giàu nước mạnh. Tự thân niềm tin ấy về bản chất cũng đã mang ý nghĩa dự báo tương lai tốt đẹp của đất nước rồi.

 

3.

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, văn chương phát triển phong phú hơn, đa dạng hơn, có nhiều xu hướng, phong cách được thể hiện trong thực tế sáng tác. Mặt khác, xu hướng toàn cầu hóa của thế giới phẳng, lấy hòa bình, hòa hoãn, hòa giải, hòa hợp của thế giới hội nhập khiến ai cũng nhận ra nhân tính là mẫu số chung của loài người. Tử số chỉ còn là sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ mà thôi.

Liên hiệp quốc định nghĩa khoan dung là hãy chấp nhận sự khác biệt về cả chính trị, tôn giáo, mầu da, tiếng nói, văn hóa. Có nhiều vấn đề phải hành động toàn cầu như biến đổi khí hậu, như chủ nghĩa khủng bố…

Văn chương dự báo tất cả những hiểm họa ấy của loài người. Văn chương nước ta trong hơn hai chục năm trở lại đây thể hiện rõ chức năng dự báo ấy. Nguyễn Thiên Sơn có Dòng sông chết là lời cảnh báo về môi trường sống. Chủ tịch tỉnh (kịch bản Đình Kính) cảnh báo về sự tha hóa của một bộ phận cán bộ công chức. Sinh tử (kịch bản Phạm Ngọc Tiến) đang chiếu trên Truyền hình cảnh báo về cuộc đấu sống còn giữa những người tử tế đích thực và những người tự chuyển hóa, tự biến chất cấu kết với kẻ xấu mưu cầu lợi ích riêng, lợi ích nhóm.

Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, số 37 tháng 9-10/2019, nhà thơ Trần Đang Khoa “Thử đưa ra một giải pháp chống chạy chức chạy quyền” có dẫn ra nghị quyết chống chạy quyền chạy chức do Tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký. Sau đó tác giả dẫn cách làm rất hay của Tỉnh ủy Quảng Ninh, là tổ chức thi các chức danh. Nhiều nơi đã làm theo, nhưng sau đó cách làm này đã bị biến thái vì người ta đã “chọn trước kết quả”, nên “thi chỉ là hình thức”. Tác giả đưa ra giải pháp khắc phục: “cần minh bạch hóa cuộc thi bằng truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình hoặc mạng xã hội… Đề thi cần đi vào những việc cụ thể, thậm chí có thể đặt câu hỏi, đưa ra các tình huống để ứng viên xử lí. Đề thi cần đi vào những việc cụ thể, hay những vấn đề dân sinh cấp bách cần giải quyết trong ngành hay địa phương”

Nói đến thế nhà thơ không chỉ dự báo mà còn mách nước cụ thể cách làm để chặn đứng thủ đoạn của những kẻ nhiều mưu ma chước quỷ vì tiền.

 

4.

Trong tiểu thuyết Lửa đắng tập 2 của Luật đời và cha con, có cả một hệ thống cán bộ từ quận đến thành phố (trực thuộc Trung ương) đến tận Trung ương. Tác giả chỉ ra thời ấy thực tế có tình trạng: Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, hưu trí điều hành, lão thành chỉ đạo… Sách ra rồi, trong một cuộc hội thảo toàn quốc ở Tp Hồ Chí Minh (do Hội đồng Lý luận VHNT Trung ương chủ trì), khi tham luận, tác giả nói: “Thưa nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, tôi chỉ mượn hình ảnh người lính và việc làm trong thời gian làm Tổng Bí thư thôi, còn nhân vật Tổng Bí thư trong Lửa đắng là nhân vật lý tưởng, bởi nhân vật ấy đã trả lời phỏng vấn báo chí “về việc này, tôi chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng và trước cả pháp luật”

“… Khi một nhân vật chính diện được xây dựng với một phẩm chất hoàn hảo, có tính chất tiêu biểu cho tinh hoa của một giai cấp, một dân tộc, một thời đại, mang những mầm mống lý tưởng trong cuộc sống có thể coi là nhân vật lý tưởng” (M.Bakhtin). Với định nghĩa ấy “nhân vật lý tưởng rất hiếm trong văn học. Nó phải đạt được những chuẩn toàn vẹn về đạo đức, lối sống, phải tiêu biểu và đại diện cho ước mơ, khát vọng lớn lao những cũng rất thực tế của toàn xã hội trong từng thời kỳ nhất định. Trong hoàn cảnh xã hội có những khủng hoảng nghiêm trọng về niềm tin, về chân lý, về các chuẩn mực đạo đức, về khuynh hướng phát triển… luôn xuất hiện những “người hùng” thực sự có tài năng, bản lĩnh, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám hi sinh vì những sứ mệnh lớn lao, tạo nên những bước ngoặt lịch sử có tính quyết định cho số phận dân tộc”. Đấy là trích đoạn bài viết của Trần Việt Hà trong bài Nhân vật lý tưởng trong tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn trên tạp chí Lí luận Phê bình văn học nghệ thuật, 8/2018.

 

5.

Trong Lửa đắng tác giả đã miêu tả chi tiết quận Lâm Du thông báo trên trang Web cuộc thi chức danh trưởng phòng VHTT quận. Nhạc sĩ Vĩnh Bảo xuất hiện với trò khẩu thuật rồi trình bày sáng tác mới “Thanh Hoa chùm sấu non” (lời là thơ Xuân Diệu Quả sấu non trên cao). Trong đề án hoạt động anh có trình bày cách quản lý đài truyền thanh phường. Ban giám khảo đặt câu hỏi: Làm sao thanh toán được nạn rao vặt bừa bãi trên tường? (Tr.258-261). Điều thú vị là bây giờ ở Hà Nội, việc quản lý loa phường và rao vặt đã thực hiện đúng như trong tác phẩm.

Tìm hiểu mô hình quản trị nhà nước thế giới thấy người đứng đẩu đảng thắng cử trong cuộc chạy đua với đảng khác và ngay cả một đảng cầm quyền thì người đứng đầu đảng cũng đồng thời là nguyên thủ quốc gia, tùy theo hiến pháp nước đó quy định thủ tướng có thực quyền cao nhất như Đức, Israel hay Tổng thống có thực quyền cao nhất (như Pháp) hoặc không có thủ tướng (như Mỹ) nên tác giả mới đưa quan niệm nhất thể hóa vào Lửa đắng như một thử nghiệm. Và thật ra Đảng ta cũng có hẳn một nghị quyết về việc này và đã cho làm thí điểm ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) được tạp chí Xây dựng Đảng (của Ban Tổ chức Trung ương) có bài đúc kết hẳn hoi. Nhiều nơi đã triển khai ở cấp phường, xã có kết quả như Quảng Ninh.

 

6.

Tác giả hoàn toàn đồng thuận với đề xuất của nhà thơ Trần Đăng Khoa là cần tổ chức truyền hình trực tiếp. Trong Lửa đắng là truyền hình trực tiếp một phiên tòa điểm.

Lâu nay nếu có làm thường chỉ đưa cảnh mở đầu và kết thúc (tuyên án). Phần mọi người cần theo dõi nhất là tranh tụng trước tòa thì người xem Truyền hình không biết. Chúng ta có hẳn một nghị quyết về cải cách tư pháp trong đó có việc phải coi trọng khâu tranh tụng trước tòa kia mà! Thế nên trong Lửa đắng, có một đoạn (Tr.534-538) đấu khẩu quyết liệt giữa Trần Kiên và giám đốc Sở Tư pháp.

Truyền hình trực tiếp một cuộc xét xử của tòa án công lý cũng có nghĩa là cùng lúc, nó được tòa án dư luận giám sát chặt chẽ, kể cả lời nói cử chỉ, nhất là lập luận, lý lẽ của các bên. Mà tòa án dư luận trong đó có báo chí là đặc biệt nhạy bén, sắc sảo, có khả năng phản ánh kịp thời công luận xã hội như một phản biện xã hội đáng nể trọng. Tác giả mong muốn cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng như Đảng đã từng có nghị quyết.

 

7.

Chạy chức chạy quyền là một cách hối lộ để có quyền. Quyền sẽ đẻ ra tiền. Khi bị báo chí nêu ra, các nhà tổ chức đều nhất loạt trả lời: chúng tôi đã làm đúng quy định, quy trình. Trong bộ Vỡ vụnCuộc vuông tròn có nhân vật trưởng ban tổ chức tỉnh ủy (mọi người gọi là Bia Cổ Rụt) có rất nhiều cuộc chạy đua chạy chức chạy quyền. Tác giả mổ phanh cơ chế của tổ chức đội ngũ cán bộ chủ chốt một tỉnh thông qua ý kiến nhân vật:

“- Đúng quy trình mà không đúng quy định (bổ nhiệm) không đúng người, đúng việc, để hỏng việc hàng loạt mà về trách nhiệm chỉ nhận như một trong những người bỏ phiếu tín nhiệm ở cơ sở, một trong những thường vụ bỏ phiếu… thì có nghe được không? Nếu bảo nghe được thì đồng chí có thể làm đơn xin từ chức để tôi không phải làm thủ tục cách chức… Nếu bảo không nghe được thì tôi còn yêu cầu kiểm điểm để thường vụ quyết định hình thức kỷ luật. Yêu cầu trả lời tại chỗ. Hắn ta nhận khuyết điểm đại thể là ở trên kia (trên Trung ương) chỉ quen làm tổng hợp, chưa làm tổ chức nên sai về phương pháp công tác chứ không sai về động cơ. Không ai tố cáo, không thư nặc danh, không bắt được quả tang mà người ta làm đúng quy trình thì cả nước đều chịu thua các bố tổ chức rồi…”

Cử tri cả nước đều bận tâm việc kẻ tham nhũng nhận tội nhưng không thu hồi được tài sản thì với cách này đảm bảo sẽ thu hồi được. Xin các vị kiểm tra, thanh tra hãy đọc từ trang 159-174 Cuộc vuông tròn sẽ nhận ngay ra tính khả thi của giải pháp này.

 

7.

Nhà văn đích thực sống cuộc sống thực sẽ nhận ra điều này: khi cuộc sống hôm nay đặt ra vấn đề gì thì nó cũng đồng thời có câu trả lời cho vấn đề ấy. Cuốn sách những vấn đề khoa học của thế kỷ XX chưa giải quyết được nêu 20 vấn đề. Nhưng nó thuộc về lĩnh vực khoa học. Còn những vấn đề xã hội của ta, thật ra các nước phát triển đã giải quyết từ lâu rồi: Đấy là công khai, minh bạch để dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân làm (dưới sự quản trị của nhà nước và dân kiểm tra. Nhờ thế mà văn chương có tính dự báo.

Có một nhân vật mang tính dự báo rất cao mà Lửa đắng đề cập đến. Ấy là yếu tố nước ngoài tác động đến nhiều mặt đời sống nước ta qua nhân vật bí mật “người ngoài hành tinh” chống lưng cho Vũ Sán leo lên chức giám đốc Sở.

Bí quyết làm giàu của một tỷ phú Mỹ là đọc tiểu thuyết. Thiết nghĩ những nhà quản trị đất nước cũng nên đọc tiểu thuyết, có thể cũng nhặt nhạnh được ít nhiều điều có ích, trước hết là tính dự báo.

Nguồn Văn nghệ số 52/2019


Có thể bạn quan tâm