April 19, 2024, 4:22 pm

Tình đất Tương Dương

“Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”

Khi đến đoạn đường mà nhìn xuống bên trái thấy dòng sông Lam êm đềm trôi như mệt mỏi, bạn tôi mới chỉ ngọn đồi mờ mờ trong sương bên hữu ngạn bảo, kia là phủ Trà lân cũ, mọi người mới ồ lên tiếc hùi hụi là khi đi qua bản Trầm Hương thuộc huyện Con Cuông không dừng lại ngắm bài thơ khắc trên vách núi của danh sĩ Nguyễn Trung Ngạn. Chúng tôi đang về đất Tương Dương, một Tương Dương hiện đại với những công trình đầy sức cốn hút như thác thủy điện Bản Vẽ,  Rừng quốc gia Pù mát và một Tương Dương lịch sử xa xôi với dày đặc những di chỉ và địa danh lịch sử. Những Đền Ông (có lẽ thờ Lý Nhật Quang), Đền Vạn (thờ Đoàn Nhữ Hài), Miếu Kỳ, Bãi Voi, Bãi Tập, Bãi Dinh, làng Đong, Làng Rạch và “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật/ Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” của cuộc Khởi nghĩa Lê Lợi như còn vang vọng những dư âm chiến trận…

Tương Dương ngày xưa bao gồm cả huyện Kỳ Sơn và huyện Con Cuông, nhưng diện tích địa lý của Tương Dương hiện nay vẫn rất rộng, phần nhiều là núi, dốc cao suối sâu, đất canh tác rất ít. Vì ít đất canh tác, có nơi chỉ 3,5 ha cho dân cả xã cày cấy, theo các anh ở huyện nói thì đây là một yếu tố khó khăn cho sự phát triển kinh tế huyện. Cả huyện có 148 bản, đến bảy dân tộc Ơ đu, Khơ mú, Dao, Mông, Tày, Thái và Việt. Có bản xa trung tâm xã đến hơn trăm cây số, muốn đến phải vượt qua rất nhiều khe suối đèo núi hiểm trở. Tương Dương có hơn trăm cây số đường biên giáp nước Lào, thuộc diện huyện nghèo 3a, không những khó khăn về đất đai, về khoảng cách địa lý mà còn vì trình độ canh tác và những tập tục lâu đời và rất riêng của từng tộc người.

Tuy hôm nay còn nhiều khó khăn của một huyện miền núi nhưng Tương Dương đã để lại cho những ai qua miền đất này, những ấn tượng thật tốt đẹp về những Bản Làng văn hóa được quy hoạch với những dãy nhà sàn mà ánh điện chiếu qua khung cửa sổ làm sáng cả rừng xanh, những cây cầu và những con đường bê tông ngoằn ngoèo đi mãi vào thung lũng xa, lên lưng chừng núi tưởng như nó đã biến luôn thành màu xanh của rừng. Xa xôi cách trở là vậy nhưng Tương Dương đã phấn đấu trăm phần trăm số xã có đường ô tô từ xã lên huyện. Cũng trăm phần trăm số xã có đường bê tông đến tận bản. 16 trên 17 xã có điện lưới quốc gia. 109 trên 148 bản đạt chuẩn Bản văn hóa. Trăm phần trăm số xã có sóng điện thoại, truy cập internet. Điều đặc biệt là Tương Dương có nhiều xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 19 trên 19 chỉ tiêu, ở một đia hình rộng lớn làm đường phải qua nhiều núi cao vực sâu vào tận các bản làng heo hút không phải là đơn giản.

Buổi đầu tiên anh Lữ Văn May, phó bí thư thường trực huyện ủy đã phấn khởi nói: “Trải qua những năm tháng khó khăn của thời bao cấp và những năm đầu của thời kỳ đổi mới, Tương Dương thông thoáng về thông tin liên lạc, họp và giao ban hàng tuần bằng trực tuyến. Bây giờ Tương Dương khá thuận lợi về giao thông. Có quốc lộ 7, 16 và 48c đi qua cùng với hệ thông giao thông nội huyện như đường Cửa Rào - Vẽ - Yên Na - Yên Tĩnh - Hữu Khuông, tuyến Bãi Xa - Tùng Hương, Tam Thái - Tam Hợp, các tuyến vành đai biên giới,… Những huyết mạch giao thông này là những cầu nối, là yếu tố quan trọng giúp Tương Dương liên kết kinh tế, giao thương với các địa phương trong tỉnh và cả nước.  Người Tương Dương hôm nay đã và đang phát huy truyền thống cách mạng, với tính cần cù, sáng tạo, vững tin vào trí lực của mình, khai thác tiềm năng, thế mạnh, nắm bắt thời cơ, áp dụng khoa học công nghệ biến tiềm năng thành hiện thực.”

 

Đường về bản

Chúng tôi đi về xã Tam Quang, một xã khá xa trung tâm, có nhiều dân tộc sinh sống, là xã đạt chuẩn nông thôn mới sớm nhất huyện. Con gái vùng này đẹp có tiếng, em gái Thái, Ơ Đu, Khơ Mú, Tày Poọng… mắt long lanh như nước Nậm Nơn. Tương Dương mênh mông núi rừng, xã nào cũng xa huyện lỵ, cũng gập ghềnh đường đi… Xe đi gần đến Huổi Ngôm thì đón thêm một người phụ nữ. Ấy là chị Kha Thị Hiền, phó chủ tịch xã Tam Quang, một phụ nữ trẻ trung, năng động với vẻ đẹp khoẻ khoắn đậm chất núi rừng. Nụ cười rất duyên và tính cách sôi nổi, hài hước và rất khảng khái. Một nữ cán bộ cơ sở từng trải. Xã Tam Quang nhà em có diện tích bằng tỉnh Thái Bình, bằng hai huyện Vĩnh Linh gộp lại đấy, các bác ạ! Từ đầu xã đến cuối xã, dài đến hai ba chục cây số. Em người Thái, chồng em cũng là người Thái. Chồng em là cán bộ địa chính của xã khác, thuộc cán bộ “hai sáu” nghĩa là sáng thứ hai đi đến tối thứ sáu mới về nhà với vợ con. Các xã trên này cán bộ “hai sáu” không ít vì huyện điều xuống, tỉnh điều về như anh Hồ Xuân Tuyến đây - vừa nói chị vừa vỗ vai thiếu tá biên phòng cũng vừa mới lên ngồi cạnh chị - bộ đội biên phòng tỉnh điều về làm phó bí thư Đảng uỷ xã, cắm bản”.

Xã Tam Quang nếu đi từ Vinh lên thì ở đầu huyện. Xã có mỏ than Khe Bố và là xã có tên trong vùng dự án Vườn quốc gia Pù Mát. Chị Hiền nói: Nhà em ở ngay bản Tùng Hương, một bản vừa kỷ niệm 200 năm hình thành. Bây giờ, xe ô tô khách loại lớn đi vào bản chạy bon bon trên đường nhựa, tắt qua dốc Kẽm chứ trước kia chưa có đường phải đi vòng mất ngót một ngày trời mới đến bản. Em không phải nói quá nhưng đúng là quê em còn đẹp hơn cả Sa Pa nữa…

Chúng tôi vào bản Tùng Hương, quê chị Hiền. Bản xưa còn gọi là Nậm Xán, bởi bản nằm cạnh con suối lớn cùng tên phát xuất từ Lào, chảy qua bản xuống huyện Con Cuông thì gọi là khe Thơi. Chị Hiền nói, nậm Xán có nhiều loại cá ngon, đến mùa cá đẻ, cá chen chúc như trấu. Dân bản đem rổ ra xúc, ăn chán rồi phơi khô ăn dần. Giá cá rẻ hơn giá măng rừng! Bây giờ nhiều đoàn du lịch tham quan Pù Mát, bao giờ cũng tìm đến Tùng Hương mua đồ vải thổ cẩm và ăn cá mát, đàn ông ra suối tắm tiên và uống rượu cần và nhảy múa lửa trại.

Ô tô khách 30 chỗ đậu ngay chân cầu thang của một nhà sàn đầu bản, khách dạo quanh bản Tùng Hương một lượt, ai cũng thấy cuộc sống nơi đây thật sự khởi sắc, no ấm yên lành. Bản giờ giầu đẹp mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc mình. Tất cả đều nhà sàn, cột kê, mái ngói. Đường bản láng bê tông tận chân cầu thang của từng gia đình. Dưới gầm sàn thấy dựng đầy xe máy, xe đạp, khung dệt thổ cẩm... Trên nóc nhà, ăng ten chảo ti vi sáng bạc. Đặc biệt, trong trong bản vẫn duy trì được 10 hộ chuyên dệt thổ cẩm bán. Chị Hiền kể: khăn, váy áo thổ cẩm dệt bằng tay, nhuộn bằng lá rừng không phai, không độc, khách du lịch đến tham quan Vườn quốc gia Pù Mát toàn ngược thuyền lên tận đây mua cho bằng được. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống này làm cho đời sống khấm khá hơn nhiều so với bà con thuần nông trong bản… Nhờ có sức dân, chỉ trong năm, cả xã đã bê tông hoá 34km đường nội bản, liên bản và 74 km kênh mương, làm mới nhiều cây cầu vượt qua khe, suối. Ông Lô Hữu Chiến - người có uy tín ở xã em là người đi tiên phong trong việc vận động bà con nhân dân quyên góp tiền để xây đường giao thông, kênh mương nội đồng. Ông nói với bà con, Ai có ít cho ít, ai có nhiều cho nhiều, chúng ta hãy góp sức cùng Nhà nước để làm đường. Làm đường là để ta đi, chứ chẳng ai đi nhiều hơn ta mà. Nói là làm, riêng gia đình ông cũng đóng góp 2 triệu đồng, hiến hàng trăm mét vuông đất vườn, tham gia nhiều ngày công cùng bà con. Bản thân ông đích thân đến từng nhà vận động các hộ gia đình ở bản Bãi Xa hiến trên 7.000m2 đất vườn và hơn 100 triệu đồng mua vật liệu”.

   

Nông thôn mới, đồng nghĩa với hết nghèo

 Tương Dương đất rộng thế nhưng tìm một vùng đất bằng cấy được lúa nước thật không dễ dàng gì. Cả huyện mới có hơn một nghìn ha đất nông nghiệp. Nhưng trời đất rất công bằng, thiếu đất trồng cây lương thực thì trời bù cho Tương Dương, nhiều khoáng sản và tài nguyên rừng phong phú  vào bậc nhất nước. Theo anh Vi  Hợi, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân nhân huyện thì tính đến nay, trên địa bàn đã có 5 cơ sở phát điện bằng thuỷ lực. Lớn nhất là Thuỷ điện Bản Vẽ, trên dòng Nậm Nơn, rồi Khe Bố, Yên Thắng, Xoóng Con và trên dòng Nậm Mộ có thêm Thuỷ điện Bản Ang cùng nhiều dự án thuỷ điện nhỏ khác, cũng sắp phát điện. Có thuỷ điện tạo ra nhiều lòng hồ, đây là điều kiện thuận lợi để bà con phát triển nghề nuôi trồng thuỷ, đánh bắt thuỷ sản. Rõ ràng Tương Dương đang có lợi thế rất lớn về diện tích mặt nước để phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Với diện tích mặt hồ trên 10 ngàn ha, cùng với kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi trồng, đánh bắt của các hộ dân đã quen với cuộc sống sông nước. Sản lượng cá thương phẩm hàng năm cung cấp cho thị trường trên 100 tấn đã tăng thêm nguồn thu đáng kể cho người dân địa phương.

 Xưa kia Tương Dương giầu gỗ, hàng năm khai thác hàng chục nghìn mét khối gỗ tròn. Bây giờ huyện được nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Khu bảo tồn này gồm 12 xã, trải rộng từ Quế Phong, qua Quỳ Hợp đến Con Cuông và Tương Dương. Tương Dương còn có chung Vườn quốc gia Pù Mát với hai huyện Anh Sơn và Con Cuông nữa. Vườn quốc gia này tổng diện tích tới 194 nghìn ha… Vậy là, Tương Dương đã từng một huyện trước đây giầu nguồn gỗ thì bây giờ vẫn hãy còn vốn rừng, được Nhà nước chung tay bảo vệ. Nguồn vàng xanh vì thế còn cất giữ được đến hàng trăm năm sau.

 Chương trình 135/CP, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng cho các xã vùng sâu, vùng xa cả tỉnh. Cứ mỗi bản, mỗi năm được Nhà nước đầu tư 500 triệu đồng để kiến thiết trường học, công trình nước sạch, trạm xá và nâng cấp đường giao thông. Sức dân thì sẵn, vấn đề là có “cơm, thịt” và tổ chức họ lại để thành sức mạnh mở đường. Do vậy hàng năm, Tương Dương đã huy động hàng chục vạn ngày công, mở hàng nghìn cây số đường. Sau này có điều kiện thì thuê máy húc, nổ mìn nhưng vẫn kết hợp lao động chân tay, vẫn phải động viên sức dân xúc, cáng, lăn đá đổ đi. Vì vậy, bản nào dù xa đến mấy đường bê tông cũng đến chân cầu thang của từng gia đình.

Nhờ các trục đường lớn và đường chính trong thôn theo phương châm “Nhà nước và dân cùng làm”, bà con các bản đã đóng góp 60.000m3 cát sỏi, huy động 200.000 ngày công và đóng góp 85 tỷ đồng để tự làm trên 100km đường bê tông trong bản, bây giờ xe ô tô chạy đến trung tâm các xã và bản không cần phải xuống xe đùn đẩy, kể cả mùa mưa như trước. Ban đêm, điện lưới thắp sáng mọi nhà. Vào bản thấy hàng hoá bày bán tận ngõ, thật tiện lợi, trông chẳng khác mấy miền xuôi. Giao thông chẳng những giúp cho sự đi lại thuận tiện mà còn là đòn bẩy phát triển sản xuất hàng hoá và nối kết các nơi xích lại gần nhau.

 Hiện nay, Tương Dương đang chuyển hướng phát triển mạnh cây ngô, với những giống mới chịu hạn, chịu rét tốt, năng suất cao, từ đó đã mở ra con đường thâm canh, quy hoạch tập trung vùng chuyên canh ngô chất lượng cao trên 3.500ha để thay thế cây lúa nương. Hiện nay ngô hàng hoá dễ bán hơn lúa, Nhà nước còn nhập hàng chục nghìn tấn ngô, còn ở đây thì dùng cho chăn nuôi hiệu quả lắm. Ngoài ra với tính năng động của bà con, đã xuất hiện nhiều cách làm tiến bộ lắm. Chẳng hạn: Mô hình trồng rau an toàn bằng nhà lưới ở bản Lau, bản Mác. Các xã Thạch Giám, Tam Hợp đi đầu trồng chè. Chỉ riêng bản Xám Ngả tạo được vùng chuyên canh chè đặc sản, trên 10 ha cho thu nhập ổn định rồi. Giống chè quý Shan Tuyết đã được đầu tư trồng nhiều ở làng Thanh niên lập nghiệp Tam Hợp, diện tích khá lớn trên 300ha. Ít năm nữa, đấy sẽ là nơi có sản lượng chè đặc sản lớn nhất miền Tây này. Ngoài ra còn các loại đầu tư rẻ và rộng khắp nữa như bí xanh, gừng, nghệ, khoai sọ trồng khắp nơi, nhất là ở Lưu Kiền. Các loại rau sạch như cải ngọt, cà chua múi to, súp lơ xanh, đã nức tiếng vang xa, không chỉ trong tỉnh mà đã ra đến thủ đô, đã len chân vào trong các siêu thị lớn ở thành phố Vinh, Hà Nội… 

*

Đêm ấy, nằm trong lều cỏ của khu du lịch sinh thái Văng Phột, bản Xóong Còn của Tương Dương, định hỏi Hiền xem vì sao vùng này nhiều gái đẹp nhưng lại thôi. Trên sàn nứa, tôi mặc cho gió núi và hương hoa rừng tràn qua, thấy vương vương mùi thơm mơn man của lá cây măc mật rất gần, tiếng gõ bập bùng của sào tre trộn lẫn tiếng gió ngàn, tiếng róc rách của suối tràn qua vách đá. Và nhìn trời xanh mấy trắng lọc qua tán lá cổ thụ mà cứ nghĩ rằng ta đâu hiện diện ở Vằng Phột của mảnh đất giầu hào khí Trà Lân cũ. Mà tôi đã là Từ Thức rồi, một chàng Từ Thức mấy trăm tuổi, tôi lạc vào chốn nào, xa, xa lắm những bộn bề lo toan và tranh đấu, để ngồi bên gốc cây ngàn tuổi, gió bay, mây bay, nước chảy và lá rụng, chỉ có tôi và ngọn Xóong Còn, lặng nhìn nhau.

Nguồn Văn nghệ số 09/2020


Có thể bạn quan tâm