March 28, 2024, 10:02 pm

Tính chất hai mặt của hư cấu lịch sử

Trao đổi với Nguyễn Hoài Nam, qua bài Viết lịch sử, trường hợp Đinh Phương.
Báo Văn nghệ số 3, ra ngày 15 tháng 1 năm 2022

Nhà văn trẻ Đinh Phương vừa được nhận giải thưởng tác giả trẻ năm 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết Nắng Thổ Tang; ngay trong số báo công bố giải thưởng đã đăng kèm bài của nhà lý luận văn học Hoài Nam, viết về tác phẩm này. Vì Hoài Nam trùng với tên tôi nên trong bài tôi viết xin phép được ghi đầy đủ cả họ và tên của ông (trong một số bài đăng báo ông cũng ký họ tên đầy đủ như thế) để độc giả dễ phân biệt.

Vào đầu bài viết, Nguyễn Hoài Nam phi lộ: “Nắng Thổ Tang, mặc dù tác giả chỉ gọi nó là “tiểu thuyết” chứ không dùng cụm từ “tiểu thuyết lịch sử”. Có thể đây là cách người viết cố tình đánh lạc hướng những người đọc ngây thơ chăng?”. Tại sao tác giả lại phải đánh lạc hướng những người đọc ngây thơ? Có gì khuất tất nhỉ? Tôi đã đọc cuốn sách này, nhận thấy tác giả gọi “tiểu thuyết” mà không gọi “tiểu thuyết lịch sử” là hoàn toàn nghiêm túc và chín chắn chứ không phải để đánh lạc hướng bạn đọc nào cả. Chỉ có Nguyễn Hoài Nam cho Nắng Thổ Tang là “tiểu thuyết lịch sử” nhằm ca ngợi một lối viết tiểu thuyết lịch sử “hư cấu hoàn toàn”. Nguyễn Hoài Nam viết: “Anh (tức Đinh Phương) chỉ kể những câu chuyện của mình bằng cách neo bám, vờn quanh những lịch sử mà-ai-cũng-biết, để tạo cho tác phẩm một vi khí quyển văn hóa “giả lịch sử” đậm đặc. Nói cách khác, Đinh Phương phát huy tận độ cái quyền năng riêng có của người viết văn, là hư cấu hàn toàn. Mà hư cấu trong cuốn tiểu thuyết này là hư cấu dưới hình thức nhại – nhại, chứ không phải giễu – chính lịch sử mà ai cũng biết kia…”. Lạ thật… Cuốn Nắng Thổ Tang của Đinh Phương có liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Quốc dân Đảng mà đứng đầu là người thủ lĩnh Nguyễn Thái Học, với câu khẩu hiệu hành động nổi tiếng trước khi hy sinh “Không thành công cũng thành nhân” trong một thời buổi chưa xa; những gì Nguyễn Thái Học và đội quân của ông làm rất xứng đáng cho mai hậu chiêm ngưỡng, kính trọng, vậy vì lẽ gì tác giả Đinh Phương lại “hư cấu hoàn toàn”? Và vì sao lai còn “nhại”?...

Tiểu thuyết lịch sử đã xuất hiện trong văn chương nhân loại từ rất lâu. Càng đi sâu vào nghề, các nhà văn càng nhận ra viết tiểu thuyết lịch sử không phải dễ, không phải ai muốn là có thể viết. Tiểu thuyết lịch sử chỉ là đất dụng võ của những nhà văn có một bề dầy từng trải, một chiều sâu văn hóa đến độ, bởi chỉ cần viết sai một chi tiết nhỏ, như mô tả sai sắc phục của một viên quan đại thần của triều đại mà mình đang viết thì tính thuyết phục của tác phẩm cũng có thể bị thuyên giảm. Các nhà văn lớn của thế giới cũng như những nhà văn nổi tiếng trong nước khi chọn thể loại tiểu thuyết lịch sử để viết đều mang một mục đích lớn bao trùm: Bằng hình thức tiểu thuyết, tái hiện lại một giai đoạn, một sự kiện, một nhân vật lịch sử của một thời đã qua, làm cho lịch sử trở nên sống động, dễ hiểu, lấp lánh, hấp dẫn hơn. Chính vì thế mà đại văn hào M.Gorki đã nói, “Lịch sử đích thực của con người phải do nhà văn viết chứ không phải do nhà sử hoc viết”… Vì không sống cùng thời với giai đoạn, sự kiện, nhân vật lịch sử ấy, nhà văn phải dùng trí tưởng tượng để hư cấu. Tuy nhiên nhà văn chỉ được phép hư cấu những gì hợp với logic của sự kiện, nhân vật, làm cho tác phẩm có giá trị thuyết phục hơn. Hay nói theo cách văn học hơn: nhà văn hư cấu để cho hiện thực trong tác phẩm thực hơn cả hiện thực lịch sử. Nếu “hư cấu hoàn toàn”, như phương pháp mà Nguyễn Hoài Nam đang ca ngợi, cũng là môt lối viết, cứ cho là mới mẻ cấp tiến đi, không sao cả, miễn là tác phẩm ấy không làm sai lệch, xuyên tạc lịch sử, miễn sao tác phẩm ấy đặt ra một vấn đề, một ý tưởng mang thông điệp nhân văn, nâng giấc tính người trong tâm hồn người đọc.

Nhưng người viết theo cách hư cấu lịch sử rất cần phải cảnh giác với tính hai mặt của nó, nói cách khác, nó giống như con dao hai lưỡi vậy. Bằng chứng là từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, văn học được “cởi trói”, thì một vài nhà văn vay mượn cái lý thuyết hư cấu theo kiểu “hiện thực nằm bên ngoài hiện thực” của văn học hậu hiện đại để bóp méo sự kiện và nhân vật lịch sử: Một danh nhân văn hóa mà biết bao thế hệ người Việt ngưỡng mộ khi xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết của nhà văn nọ hóa thành một kẻ tiểu nhận, dụi dọ, ngô ngọng. Một tên tướng giặc võ biền, tàn bạo, thô bỉ hóa thành một “kẻ sĩ” đại nhân đại nghĩa. Một đại anh hùng dân tộc chữ Hán, chữ Nôm đầy mình lại được mô tả như kẻ ít học, thô lỗ, mông muội. Một cuộc kháng chiến mà đồng bào và chiến sĩ ta phải đổ biết bao xương máu, hy sinh để xua đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi thì dưới ngòi bút của nhà văn kia trở thành cuộc chiến tranh phi nghĩa mà nguyên nhân có từ hai phía, cho nên người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam ra trận như là bị “bắt lính” chứ không phải tự nguyện, vì thế anh ta luôn tỏ thái độ mất mãn, để rồi khi sự bất mãn lên đến đỉnh cao, anh ta chém giết tù binh một cách rất dã man…

Việc Nguyễn Hoài Nam ngưỡng mộ, ca ngợi cách viết tiểu thuyết lịch sử theo kiểu “hư cấu hoàn toàn” trong tường hợp tiểu thuyết Nắng Thổ Tang khiến tôi đã cảm thấy ngờ ngợ; đằng này ông lại còn “hạ bệ” những cách viết tiểu thuyết lịch sử khác với Nắng Thổ Tang, những cách viết mà các nhà văn Việt Nam từ xưa đến nay vẫn dùng, thì quả thật đã khiến tôi giật mình. Ông viết: “… Tuy nhiên Đinh Phương là một nhà văn chứ không phải một nhà nghiên cứu lịch sử, và anh đã viết tác phẩm tiểu thuyết lịch sử của mình theo cái cách xứng đáng nhất đối với một nhà văn: không diễn giải lịch sử - dù là minh họa hay phản biện, chất vấn, nghịch đảo – không “tái phát hiện” những gì đã từng xảy ra trong quá khứ; không bổ sung những dữ kiện sử liệu có thực mà chưa ai biết đến; không đánh giá nhận định những sự kiện, những nhân vật lịch sử theo quan điểm này hay quan điểm kia. (Đến giờ này vẫn có rất nhiều nhà văn “viết lịch sử” theo lối ấy)…”. Qua đoạn văn trên, ta nhận ra ngay Nguyễn Hoài Nam tuyệt đối hóa, thần tượng hóa lối viết “hư cấu hoàn toàn” lịch sử của Đinh Phương. Đồng thời ông coi một loạt cách viết khác với Đinh Phương là cũ kĩ, lạc hậu…

Trong bài viết, để làm chỗ dựa cho quan điểm của mình, Nguyễn Hoài Nam có trích dẫn những câu nói của ba nhà văn thuộc dòng văn học hậu hiện đại phương tây. Tôi đặc biệt chú ý đến câu trích trong đoạn văn kết thúc bài viết của Nguyễn Hoài Nam: “Với tôi, bằng tiểu thuyết Nắng Thổ Tang, Đinh Phương ít nhất đã làm được một việc: nhấn sâu hơn nữa niềm tin xác quyết rằng tiểu thuyết lịch sử không phải là kể chuyện lịch sử, rằng sự thật lịch sử hay không sự thật lịch sử ở đây chẳng có ý nghĩa gì lớn. Vì tiểu thuyết lịch sử, tạm mượn cách nói của nhà mĩ học người Anh Ch.Caudwll, cần phải là một ảo ảnh về lịch sử”.

Xã hội Việt Nam đã có một thời kỳ, vì rất nhiều lý do mà chúng ta chỉ công nhận một dòng văn học, gọi là “hiện thực xã hội chủ nghĩa”, còn các dòng văn học khác không được chấp nhận. Từ ngày đất nước đổi mới, mở cửa tiếp cận các nền văn chương lớn của thế giới, chúng ta đã “bật đèn xanh” cho nhiều dòng văn học khác xuất hiện ở Việt Nam như: văn học hiện sinh, phi lý, dòng ý thức, văn học hậu hiện đại... Cho đến nay, có thể nói các dòng văn học ấy phát triển khá bình đẳng, dân chủ, với khát vọng hòa nhập với văn chương thế giới. Tiểu thuyết lịch sử cũng nở rộ với nhiều cách viết, phong phú, đa dạng, đa giọng điệu. Một nhà phê bình văn học cần phải nhìn vào sự đa dạng ấy theo cách của người thưởng hoa: một vườn hoa có đa dạng về loài, mỗi loài mang một màu sắc, một hương thơm khác nhau mới làm nên cái tổng thể đặc sắc của vườn hoa. Có loài hoa mới xuất hiện thì mang một vẻ đẹp mới lạ, nhưng lại không ít loài hoa xuất hiện đã hàng ngàn năm như hoa hồng, hoa cúc, hoa thược dược, hoa huệ, hoa trà, hoa đào, hoa mai, các loài lan… nhưng vẫn chưa bao giờ là những thứ cần loại bỏ đi trong mĩ cảm của loài người nói chung, người Việt nói riêng… Tôn vinh tuyệt đối một cách viết, loại bỏ đi những cách viết khác, không chấp nhận những cách viết khác mình, rõ ràng không phải là điều nên làm.

Nguồn Văn nghệ số 7/2022


Có thể bạn quan tâm