March 29, 2024, 3:20 pm

“Tin ở hoa hồng”- Khát vọng, niềm tin của những người trẻ

 

Tin ở hoa hồng - vở diễn được cố tác giả Lưu Quang Vũ viết vào năm 1982 sẽ được “làm mới” trên sân khấu kịch của Nhà hát Tuổi trẻ và dự kiến ra mắt khán giả vào ngay dịp đầu năm 2019. Đây là một trong những hoạt động nỗ lực làm mới sân khấu và cũng là chuỗi sự kiện kỷ niệm 40 năm thành lập Nhà hát, 30 năm cố tác giả Lưu Quang Vũ, người được coi là nhà viết kịch hàng đầu trong lĩnh vực sân khấu, người đã làm nên một giai đoạn sân khấu sôi động với những thông điệp vẫn còn đầy ắp những hơi thở cuộc sống phải ngừng bút khi đang ở tuổi 40 đầy sung sức sáng tạo nghệ thuật. Nhưng chưa bao giờ tên tuổi và ký ức về ông ngừng hiện hữu trên sân khấu, cũng như trong tâm trí khán giả hiện nay.

Cảnh trong vở " Tin ở hoa hồng". Ảnh internet

Đánh thức những giá trị nhân văn

Trước thông điệp sẽ làm mới và ra mắt Hãy tin ở hoa hồng Nhà hát tuổi trẻ đã trình làng khá nhiều vở diễn của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Gần đây nhất trong Liên hoan kịch nói toàn quốc năm 2018, vở diễn Hoa cúc xanh trên đầm lầy đã đoạt Huy chương Vàng. Cùng với vở diễn , nhà hát đã tổ chức 20 xuất diễn phục vụ khán giả thủ đô với những vở diễn; Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Mùa hạ cuối cùng, Lời nói dối cuối cùng, Ai là thủ phạm… đây hầu hết là những vở diễn mang đậm dấu ấn nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nhưng đã được các đạo diễn “mạnh tay” loại bỏ những khung “truyền thống” của sân khấu cũ để chinh phục những khán giả đương đại. Bằng những thủ thuật dàn dựng, đạo diễn đã khéo kéo đan xen những yếu tố mang dấu ấn lịch sử với sân khấu với đời thực khiến khán giả không thể lãnh đạm với sân khấu. Và sự “mạnh tay” này sẽ được lặp lại trong vở Tin ở hoa hồng do NSƯT Chí Trung làm đạo diễn. Tại buổi họp báo thông tin về những hoạt động Nhà hát trung tuần tháng 11 vừa qua, Chí Trung cho biết, vở diễn được chăm chút kỹ lưỡng về mặt nghệ thuật cũng như hình thức thể hiện với phần âm nhạc của Tiến Minh, thiết kế mỹ thuật của NSƯT Doãn Bằng.

Kịch bản Tin ở hoa hồng được cố tác giả Lưu Quang Vũ viết năm 1982. Nội dung vở kịch nói về những người trẻ mới ra trường ôm ấp nhiều hoài bão, khát vọng và niềm tin về một xã hội tốt đẹp. Sau bao va chạm thực tế, niềm tin của họ có lúc bị lung lay chao đảo nhưng cuối cùng họ vẫn tin giữ vững niềm tin ấy như tin rằng trên đời này còn có hoa hồng. Xoay quanh câu chuyện của 2 bạn trẻ Hưng và Phát. Trong sáng, bồng bột và đầy nhiệt huyết, họ tình cờ gặp chuyện ngang trái giữa đường rồi lao vào cuộc chiến đấu chống lại những chuyện bất công, vô lý với tinh thần “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha”. Vượt qua những khúc mắc, chớ trêu, điều giữ hai thanh niên trẻ ấy theo đuổi công việc của mình chính là niềm “tin ở hoa hồng”, tin ở những điều tốt đẹp vốn có trong mỗi người và trong cuộc sống. Năm 1985, vở kịch Tin ở hoa hồng đã được NSND Lê Hùng dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, và Chí Trung cũng đã đảm nhận một vai diễn trong vở kịch này.

Chia sẻ về quá trình phục dựng vở diễn nổi tiếng của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, đạo diễn Chí Trung cho biết, đây là vở diễn về đề tài tham nhũng, nhưng không phải tham nhũng thông thường mà tham nhũng về niềm tin. Và “ Nếu như tham nhũng về vật chất chúng ta có thể xử lý được và xử lý rất dễ nhưng tham nhũng về niềm tin thì không thể xử lý được mà chỉ còn cách là mỗi người tự lập một toà án để xem mình mắc tới đâu và tự xử tới đó”.

 

Mạnh tay loại bỏ những khung hình truyền thống

Sẽ thay đổi đến 50% nội dung, giảm thời lượng vở diễn từ 3 giờ đồng hồ xuống còn 1 tiếng 30 phút. “Tin ở hoa hồng” là thông điệp đầu tiên được gửi đến công chúng yêu nghệ thuật. Điều này thực sự đã gây ngạc nhiên không ít đối với những ai đã hoặc chưa một lần xem vở diễn Tin ở hoa hồng trước đó. Nhiều câu hỏi đã đặt ra ngay tại buổi họp báo nói trên trong phần công bố thông tin vở diễn, rằng liệu thay đổi đó có mạo hiểm, và liệu những thông điệp mới xuất hiện có phù hợp với ý nghĩa nguyên bản của Tin ở hoa hồng, NSƯT Chí Trung cho biết, đã mời thân nhân cố tác giả Lưu Quang Vũ tới xem vở diễn và kết quả gia đình đã rất thích và hiểu với một vở kịch theo như bản gốc thời lượng là 3 tiếng khán giả sẽ không thể ngồi tới cuối. Và sự thay đổi chỉ còn 1 tiếng 30 phút là phù hợp.

Làm mới những điều đã cũ vốn đã khó, nhưng làm mới với cả những cái cũ đã ăn sâu trong ký ức của biết bao khán giả đam mê sân khấu với Tin ở hoa hồng lại càng khó khăn hơn cả. Nhất lại là sự lựa chọn đối tượng tiếp cận ở góc độ trẻ hơn, từ 13 - 18 tuổi. Và làm sao để có thể khiến họ hào hứng theo dõi. Vở kịch được cắt từ 17 cảnh xuống 9 cảnh để tập trung truyền tải thông điệp chính với tiếu tấu nhanh hơn. Bên cạnh đó, sân khấu được thiết kế có màn hình led và đồ họa hoạt hình 3D hỗ trợ trực tiếp bản diễn, tạo khung cảnh thơ mộng phù hợp với tâm lý giới trẻ, giúp họ không chỉ thấy gần gũi hơn, mà còn kiền nhân đi đến cũng vở diễn. Sự sáng tạo trong sân khấu, trong nội dung kịch bản cũng như diễn xuất là những cố gắng mà ê kíp thực hiện làm mới những điều đã cũ. Và cùng với những ánh đèn sân khấu, những tiếng cười sẽ vang lên, nhưng đó chỉ là điều thoáng qua, điều đọng lại  chính là nỗi đau mà người lớn, nhưng người vốn đã trải qua hầu hết những hỉ, nộ, ái ố của cuộc đời phải rơi nước mắt. Khi người ta tham nhũng của cải vật chất, cố thoả mãn nhu cầu hưởng thụ của bản thân khi đã có những vị trí khiến bao người mơ ước, thì đổi lại những dằn vặt tâm can, những đổ vỡ trong những mối quan hệ vốn được cân đong đo đếm bằng tiền sẽ khiến họ mệt nhoài trên con đường vinh hoa phù phiếm. Để rồi những đứa trẻ sẽ là những sứ giả giải quyết chuyện người lớn. Và Chí Trung đã chọn giải pháp khiến người lớn phạt giật mình: trẻ con có thể làm được nhiều thứ, và trong đó có chuyện trẻ con đi đòi lại bất công, muốn giúp người này người kia. Trò trẻ con đôi khi còn rất mafia để tìm ra công lý. Và luật đã được giải quyết thông qua trò trẻ con. Đấy là giá trị cốt lõi của vở diễn mà Chí Trung và e kíp muốn gửi tới khán giả.

Được biết, ngoài những nghệ sĩ đã khẳng định được tên tuổi như Thanh Sơn, Lý Chí Huy, Hương Tươi, Vân Dung, Tuấn Anh..., hầu hết diễn viên tham gia vở kịch đều là những diễn viên trẻ đang thực tập tại nhà hát và vừa ra trường. Đây cũng được xem là cơ hội để các diễn viên trẻ cọ xát và rèn luyện, giúp họ có thêm kinh nghiệm sớm trở thành lứa diễn viên kế cận lớp đàn anh, đàn chị đi trước.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã hơn bốn mươi năm sau khi kịch bản đầu tay của Lưu Quang Vũ Sống mãi tuổi 17 được dàn dựng tại sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, đến nay các tác phẩm của ông vẫn chứng tỏ được sức sống mạnh mẽ trong thời đại mới. Không chỉ bởi những tiên lượng của một con người có tầm nhìn xa, và sức cảm thụ mãnh mẽ về cuộc sống, mà còn bởi những giá trị nhân văn lấp lánh trong con người, tác phẩm của ông mang lại. Và không có gì là quá khi khẳng định vở diễn Tin ở hoa hồng và những vở diễn tiếp sau sẽ được ra mắt của Nhà hát Tuổi trẻ chắc chắn là món quà tri ân dành cho cố tác giả tài hoa Lưu Quang Vũ cũng như dành tặng cho công chúng yêu sân khấu vẫn luôn nhớ đến ông.

Dẫu biết rằng con đường nào đúng cũng dẫn tới chân lý. Và các giá trị tốt đẹp đều có liên quan đến nhau, dù đó là sự bình yên, yêu thương, hạnh phúc, trí tuệ, khiêm tốn, kiên nhẫn, khoan dung, hay đó chỉ là trách nhiệm. Khi chúng ta tái khám phá một giá trị tiềm ẩn, các giá trị khác cũng sẽ dần được khơi dậy, nên hãy bắt đầu hành trình khám phá chân lý bằng một giá trị, phẩm chất nào đó mà mỗi chúng ta mong muốn rèn luyện. Và cái chúng ta nhận được chính là những giá trị khác nhau khiến chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn. Dù xuất phát của mỗi con người khác nhau, nhưng trên bất kỳ con đường nào thì những giá trị nhân văn, vốn được coi là tốt đẹp nhất trong cuộc sống này vẫn luôn đồng hành cùng bạn. Khi sống đúng với các giá trị cao quý, tâm hồn mỗi chúng ta sẽ luôn được tưới tắm trong suối nguồn yêu thương ngọt ngào của nhwngx giá trị tốt đẹp làm nên cốt cách và tâm hồn mỗi con người Việt Nam. Đó chính là những thông điệp mà kịch của Lưu Quang Vũ gửi gắm đến mỗi chúng ta, không chỉ hôm nay mà còn là mãi về sau.

Nguồn Văn nghệ số 49/2018

 

 

 


Có thể bạn quan tâm