March 29, 2024, 1:09 am

Tìm trong Truyện Kiều đôi điều tâm đắc

 

Đọc Truyện Kiều, mỗi người ở một góc độ nghề nghiệp khác nhau, đều tìm thấy những điều tâm đắc. Họa sĩ thì cho rằng Truyện Kiều là “những bức tranh đẹp”; nhà triết học thì “Đây là một tác phẩm triết học viết bằng thơ”… Những người làm công tác âm nhạc cũng tìm thấy trong Truyện Kiều có nhiều điều tâm đắc; có lẽ, ngoài cái hay, cái đẹp về văn chương, tư tưởng, triết lý… , Truyện Kiều sở dĩ dễ học thuộc, chóng phổ biến còn do một yếu tố quan trọng nữa: nhạc điệu trong thơ. Nhân dân ta có truyền thống “lẩy Kiều” chính vì thơ của Nguyễn Du rất uyển chuyển, giàu tính nhạc giúp người đọc muốn ngâm ngợi.

Từ đầu, nhân vật Kiều đã được giới thiệu:

Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung, thương lầu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.

Với kiến thức cao về âm nhạc, Nguyễn Du đã có nhiều câu thơ diễn tả Kiều gẩy đàn với những tình huống và tâm trạng khác nhau. Trong câu thơ dưới đây, Nguyễn Du đã giới thiệu được đầy đủ khả năng sử dụng nhạc cụ của Kiều:

Cung, thương lầu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.

Nguyễn Du tả Kiều độc tấu đàn (nhạc không lời) mà diễn tả được nội dung cần thiết, làm cho các đối tượng nghe hiểu được tác phẩm và tâm trạng của Kiều, như Kim Trọng nghe phải vò chín khúc, tựa gối, cúi đầu, chau mày; Thúc Sinh thì tan nát lòng; và cả con người “mặt sắt” như Hồ Tôn Hiến cũng phải ngây vì tình… Tiếng đàn ấy chinh phục được cả Hoạn Thư, khiến con người ghen tuông gian xảo, nham hiểm kiểu quý tộc phong kiến ấy cũng phải thương tài và khuôn uy dưỡng cũng bớt vài bốn phân…

So-529--Anh-minh-hoa---Tim-trong-Truyen-Kieu-doi-dieu-tam-dac---Anh-1Qua Truyện Kiều, chúng ta thấy nhân dân đã biết thưởng thức âm nhạc dân tộc không lời từ lâu, cho nên những ý kiến nói rằng: “Nhạc không lời xa lạ với nhân dân ta, cần để cho nhân dân có thời gian làm quen dần”, đó là ý kiến vội vàng, hoặc chỉ phù hợp khi nói riêng về loại nhạc không lời của các nước châu Âu. Có lẽ chúng ta cũng nên tìm hiểu xem trong âm nhạc truyền thống của dân tộc ta, “âm nhạc không lời” ra đời trước hay “âm nhạc có lời” ra đời trước? Trước hay sau, ta sẽ tìm hiểu nhưng cần khẳng định rằng: nhân dân ta có đầy đủ trí tuệ và thông minh để thưởng thức âm nhạc không lời (tất nhiên ở từng người cụ thể có thể có trình độ tiếp thu khác nhau), vì chỉ có bắt nguồn từ khả năng thưởng thức âm nhạc của nhân dân ta, nên Nguyễn Du mới phản ánh được hiện thực đó trong Truyện Kiều.

Kim Trọng đến gặp Kiều cũng bắt đầu bằng âm nhạc:

Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần.

Đây là tiếng nhạc ngựa, với tiết tấu thong dong “nghe gần gần”, nhịp điệu rất ung dung – một tư thái đẹp của người phong lưu “lỏng buông tay khấu” đi chơi xuân thời đó. Mẫu người này còn được đặc tả Kim Trọng:

Xăm xăm dè nẻo Lam kiều lần sang.

để tìm cách gặp Kiều. Có thể nói: đàn, nhạc ở đây đã được Nguyễn Du sử dụng triệt để, như một đạo diễn sân khấu có tài, đã sử dụng đạo cụ biểu diễn khiến diễn viên hành động được rõ nét hơn:

Túi đàn, cặp sách đề huề dọn sang.

Sau một hồi lâu tâm tình, thề thốt, làm thân với nhau, những điều định nói đã nói được:

Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.

Nhưng chàng Kim vẫn chưa muốn ra về, muốn nán lại, nên phải rào đón:

Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?

Dưới ngòi bút sinh động của mình, Nguyễn Du đã khéo “giúp” Kim Trọng biết khơi gợi tài năng âm nhạc của Kiều, để có cớ cho chàng Kim nán lại với người yêu được tự do hơn, đẹp và đậm đà, có duyên hơn.

Rằng: “Nghe nổi tiếng cầm đài
Và không đợi ý kiến của Kiều, chàng Kim đã bày tỏ ước mong:
Hiện sau theo rõi cầm trăng
Vội vàng Sinh đã tay nâng ngang mày.

Hình ảnh trân trọng của chàng Kim đối với Kiều phản ánh thái độ yêu quý của nhân dân ta đối với lao động của người nghệ sĩ, mà truyền thống đó đến nay đã được kế thừa và phát triển. “Nâng” đến “ngang mày” thì thật hết sức trân trọng. Đã là người nghệ sĩ thì đâu nỡ từ chối biểu diễn để đáp lễ người mình yêu quý, nhất là người yêu đó lại có tâm hồn đồng cảm âm nhạc với mình, nên Kiều khiêm tốn:

… Rằng: “nghề mọn riêng tay,
Làm chi cho bận lòng này lắm thân!”

Tuy miệng nói nhưng tay nàng vẫn:

So lần dây vũ, dây văn
Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương.

Với nhịp độ nhanh và hứng khởi, ngay từ phút đầu tiên đã đạt được sức mô tả lớn:

Khúc đâu Hán Sở chiến trường
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau.

Mà cũng rất trữ tình:

Khúc đâu Tương Mã Phượng Cầu

Và cũng có nhiều sâu lắng, tâm sự:

Quá quan này khúc Chiêu Quân.

Phải có nhận xét tinh vi nên nhà thơ mới viết “lời khen” Kiều khi nàng biểu diễn những âm cao:

Trong như tiếng hạc bay qua.

Ở đây, như hiện ra trước mắt ta nàng Kiều với những ngón tay làm chủ trên phím đàn đang gẩy trên âm vực cao, còn khi xuống thấp thì:

Đục như nước suối mới sa nửa vời.

Tiếng trầm này không phải tiếng trầm “nổi” như tiếng đàn côngt’rơbát ngày nay và cũng không phải là tiếng trầm của đàn tam đại; đây có lẽ là tiếng trầm của đàn đáy, thì mới có âm sắc “Đục như nước suối mới sa nửa vời”. Ôi! Thưởng thức âm nhạc mà hiểu cặn kẽ được từng tính năng, từng âm sắc của nhạc cụ thì thật là tuyệt diệu! Ở đây cũng còn ngụ ý ca ngợi đôi trai gái có đồng điệu tâm hồn như “Bá Nha – Tử Kỳ” vậy, tình cảm của họ mới đẹp làm sao!

Nếu như ngôn ngữ, nhân vật trong Truyện Kiều được Việt hóa thì các âm thanh Nguyễn Du cũng “lấy ra” từ các âm sắc của nhạc cụ dân tộc. Ta trở lại câu:

Trong như tiếng hạc bay qua.

Hạc đã được Phật giáo thần thoại hóa, dùng vào việc thờ cúng; tiếng hạc gợi cho ta một cái gì đó tinh khiết, nếu chuyển hình tượng đó sang nhìn bằng mắt, thì như là ta được nhìn khối nước trong vắt đựng trong một bình pha lê. Có lẽ ý thơ này ông đã chắt lọc ra từ thực tế những ngày về thăm quê mẹ, được nghe các cô gái vừa cấy vừa hát, với các giọng nữ cao vút lên trong trẻo giữa không gian trong lành của đồng quê. Tiếng “trong” đó nhập vào thính giác, khiến sức cảm thụ nhạy bén hơn, gợi nên cảm giác nhẹ nhàng, lâng lâng, “bay qua” thoải mái. Nghe nhạc cảnh này như thấy đang được đứng giữa không gian rộng lớn trong làng nơi đồng nội. Nghĩ đến nhạc cụ có sức biểu hiện câu “Trong như tiếng hạc bay qua” có lẽ Nguyễn Du đã được tận tai nghe thấy tiếng đàn khánh (lithophone), loại nhạc của dân tộc ta gồm 12 chiếc, hình thước thợ, treo thành từng hàng 6 cái, được xếp hạng thứ 6 ở lễ Nam Giao trong triều đình phong kiến trước đây.

Để có được “Tiếng khoan như gió thoảng ngoài” ta nghĩ ngay đến cây đàn bầu hoặc một cây đàn tương tự không phím, dây mắc xa cần đàn, chiều cao ấy “mặc sức” cho người nghệ sĩ biểu diễn nhấn vuốt, tạo những âm bồi (són harmoniques) theo ý muốn. Còn câu:

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.

phải là một loại đàn gẩy có phím, mà không phải chỉ có một dây, và phải dùng miếng gẩy vê giòn giã một lúc với các nốt hợp âm và sắc thái mạnh dần mới nổi rõ “tiếng mau sầm sập”. Một cây đàn có nhiều khả năng diễn tấu như vậy là cây đàn gì? Có lẽ ta nên tìm hiểu – ở các bản Truyện Kiều in trước đây thường vẽ Kiều gẩy đàn tỳ bà – vậy “có thực” Kiều gẩy đàn tỳ bà không? Ở đây có cả tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau, mà tỳ bà cho đến nay cũng chưa thấy dùng dây kim khí. Vậy thì Kiều sử dụng loại đàn gì?
Có dịp, người viết bài này sẽ mạnh dạn nói thêm những suy nghĩ của mình, qua những câu thơ trong Truyện Kiều nói về âm nhạc. Rất mong được các bạn có cao kiến chỉ dẫn thêm cho, để cùng góp sức làm sáng tỏ vấn đề: “Nàng Kiều gẩy đàn gì?”.

Ngọc Thanh

Nguồn VNTPHCM


Có thể bạn quan tâm