April 20, 2024, 3:10 pm

Tìm thơ từ những tâm trạng

Vũ Hùng làm thơ từ kháng chiến chống Mỹ. Ông nhập ngũ năm 1966, năm ấy 22 tuổi. Năm 1972 vào chiến trường khu Năm. Năm 1973 dự trại sáng tác văn nghệ Trung Bộ. Bắt đầu mê mải làm thơ từ đấy. Say mê thơ nhưng vẫn làm các nghề ngoài nghiệp văn chương: cơ khí, cán bộ ngành kiểm sát, cán bộ chính trị trong ngành y... Tập thơ đầu xuất bản năm 1993. Đến nay, Vũ Hùng đã làm chủ một bút pháp khá vững chãi và nhất là một cách nhìn việc đời nhiều trải nghiệm.

Tập thơ này, ông Vũ Hùng đưa tôi xem ở dạng bản thảo, không biết ông viết vào những năm nào, vì phần lớn các bài không ghi năm tháng. Những bài có ghi thì thường là 2022, 2021, nghĩa là mới đây thôi. Tôi ngờ ngợ. Hình như ông Hùng, ở những bài viết gần đây, đang thể nghiệm một cách viết khác với nếp quen của ông. Ông ít quan tâm đến đề tài, ngay cả chủ đề cũng thành thứ yếu. Điều ông muốn là lưu giữ trong thơ những tâm trạng, khi tỏ khi mờ của chính ôngTỏ, ấy là khi người đọc tự mình ang áng ra được xuất xứ của tâm trạng ấy. Còn mờ là khi bạn đọc  không lần ra bối cảnh câu chuyện, tự nhiên thấy mình rơi vào một niềm tiếc nuối hay một nỗi nhớ xa thương gần nào đó. Mà biết thế thôi chứ mờ hay tỏ hình như cũng không là tiêu chí định giá phẩm chất bài thơ.

Tỏ, như cái tâm trạng “bâng khuâng lá vàng”, của cả một chùm thơ tình của cụ tuổi hưu. Đúng ra phải gọi là ký ức một miền tình lỡ dở. Chắc đã khá nhiều nước chảy qua cái bờ lau đợi đò năm ấy. Nước vẫn trôi nhưng người không trở lại. Trong thơ không còn cái đau rát bỏng, nhức buốt nữa. Nhưng nỗi buồn lặng và thấm như tiếng tơ tiếng trúc cố nhân thuở ấy lại có sức ngân xa. Bài Bâng khuâng lá vàng thu trong hình ảnh có sự cộng hưởng của cảm xúc năm tháng lẫn dâu bể đời người, trong ngôn ngữ có sức gợi bất ngờ, kỳ ảo. Tác giả tìm vào lòng mình mà lại như lạc vào cổ tích. Một hơi thơ lạ - lạ bởi chất liệu tạo nên thơ lại thuộc một dĩ vãng còn xa hơn chính nó trong đời thật - chạy liền mạch, rất “nhất khí quán hạ” suốt sáu khổ thơ. Tôi trích ba khổ ngẫu nhiên để bạn đọc nhận diện:

Làm sao em biết ta không còn đau

gió đã bay qua con sóng bạc đầu

thuyền cũ không về nơi bến cũ

làm sao ta biết em về đâu

(...)

Bài thơ ta viết trên nền đ ất

cỏ ướt sương đêm gió nhạt nhòa

lời thơ đêm ấy trăng còn khóc

bạc đổ vàng ngân trên xứ xa

 

Em nhé thôi đành quên để nhớ

một khúc phù sa lạc nhịp đàn

tiếng tơ tiếng trúc ngàn xưa ấy

bờ lau đợi mãi chuyến đò ngang

Còn chỗ mờ, tất nhiên là có. Đọc (và cả viết) vào tâm trạng vốn khó rõ và không dễ như đọc vào hiện thực. Cũng có cái mờ của dụng ý nghệ thuật lại có cái mờ do nghệ thuật chưa đến được chỗ nó phải đến. Vũ Hùng có cả hai thứ mờ ấy. Và cái thứ hai là chỗ ông nên tính đến mà nhuận sắc.

Đọc Vũ Hùng ở các tập trước thấy ông khá cẩn trọng mọi công đoạn tạo dựng một bài thơ. Từ lập ý cho câu đến cấu tứ cho bài. Ông cũng để tâm tạo tình tạo cảnh và lao động ngôn ngữ, từ nghĩa chữ cho đến thanh điệu, tiết điệu. Làm thơ tài tử mấy chục năm, năm 2017 mới vào Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng kỹ thuật viết lại luôn hướng tới yếu tố chuyên nghiệp. Đó là một ưu điểm. Và là cần thiết nữa khi mà loại thơ “dễ tính” đang được xuất bản rất sầm uất nhưng hơi thưa bạn đọc. Ở tập thơ này, ông có ý tìm tới một bút pháp phóng khoáng, hồn nhiên, tự nhiên, không “hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng” mà ưa hơn cái đẹp “lôi thôi bờ liễu…” trễ nải một cách cố ý những kỹ xảo tăng thẩm mỹ cho thơ. Đọc bản thảo tập Phố mưa này tôi như chứng kiến ông bạn thơ mình đang phá tung giàn và tháo hàm thiếc cho đàn ngựa hình tượng ông đang  thuần hóa, cho chúng thả cửa tung hoành trên đồng hoang. Cái đích đến của thơ, của từng bài thơ, được nới rộng. Không chỉ là phản ánh, là suy ngẫm hiện thực xã hội hay ca ngợi, biểu dương vẻ đẹp của thiên nhiên, của con người... mà tác giả muốn bạn đọc cùng mình nhập vào những tâm trạng. 

Lấy tâm trạng con người làm biên bản ghi nhận và bình giá cuộc sống chính là một sáng kiến, một bước tiến của thơ. Chỗ này tôi xin được nói thêm. Đã có thời, cái thời “hai phe bốn mâu thuẫn” ấy, người ta ngại viết tâm trạng lắm mà thiên về tả thật, ca ngợi đời sống bằng bút pháp hiện thực. Nhà thơ nổi tiếng về thơ lãng mạn trong phong trào Thơ Mới, Xuân Diệu còn chủ trương “chân chân chânthật thật thật” để thơ được rõ ràng, trực tiếp nói đời sống. Nhưng cũng có thể vì thế mà nhiều người lại kêu gọi thơ cần mê hơn. Muốn mê thì phải bưng tâm hồn tâm trạng mà đặt lên trang viết. Nhưng cái món “tâm hồn” là chúa gây rắc rối, dễ bị hiểu lầm, bị nghi ngờ biểu tượng hai mặt. Chính Xuân Diệu từng bị một nhà lý luận văn chương có chức vụ phê là “cơ hội chủ nghĩa” chỉ vì câu thơ trong bài Gió, viết năm 1957: 

Hồn ta cánh rộng mở 

Đôi bên gió thổi vào

Sao lại mở tâm hồn ra đón gió của cả đôi bên? Khổ nỗi là đón gió một bên cánh thì chim không bay được. Xuân Diệu tranh luận lại. Cũng đáo để lắm! Ông kia im. Nhưng nhà thơ của chúng ta cũng rút kinh nghiệm. Tránh voi... cho nó đỡ bực mình…

Những nhà quản lý văn chương hồi ấy lại hay nói tổng quát, nhiều khi không rõ nghĩa. Các vị chê: đọc thơ lãng mạn trước cách mạng không thấy hiện thực xã hội mà chỉ cho thấy những tâm trạng và coi đó là một biểu hiện trốn đời, là chui vào tháp ngà cá nhân. Giá các vị nói rõ hơn, vì  những tâm trạng chật hẹp, bé nhỏ, tủn mủn mới là biểu hiện trốn đời (giấc mơ con đè nát cuộc đời con) chứ những tâm trạng có tầm vóc hoặc sâu sắc lại giúp ta thấy vào tận bản chất thời đại. Khi các nhà thơ chạy giạt ra khỏi cái món tâm trạng tâm hồn kia thì người đọc rồi cũng đọc thơ như đọc... báo. Tôi nhớ hồi mới giải phóng thủ đô, một tờ báo hàng ngày đăng bài thơ ca ngợi một anh bộ đội lao vào đẩy được một cháu bé khỏi tai nạn xe điện nhưng anh lại hi sinh, vì anh là một thương binh mang chân giả. Sau đó công ty xe điện lại thông cáo cả trên báo và trên đài phát thanh Hà Nội rằng các tuyến đường của toàn công ty đã nghiêm túc kiểm điểm thì không có tuyến nào gây ra tai nạn đó cả. Bà con ta quên rằng đây là thơ, thơ dùng tưởng tượng, hư cấu để ca ngợi phẩm chất hy sinh của anh bộ đội Cụ Hồ. Còn tôi kể lại câu chuyện này để thấy rằng bạn đọc thân yêu của chúng ta đã coi bút pháp hiện thực là phương tiện thể hiện độc tôn của thơ hôm nay và chất liệu hiện thực là nội dung duy nhất của nó…

Ngày ấy, tháng ấy, bối cảnh ấy, nỗi lòng ta đã vậy. Hiện thực tâm trạng là một kênh lưu giữ, dẫn truyền hiện thực ngoài đời sâu sắc vì nó tinh tế, rộng xa vì nó khái quát. Chưa kể còn bao nhiêu vui buồn thầm lắng ở bên trong.

Chuyển hướng cách tìm thơ của Vũ Hùng ở thời điểm này là bản lĩnh trong tuổi tác, là có lý trong lộ trình tiến hóa thẩm mỹ của thơ. Nhưng còn sự thành công? Tôi chắc cũng là một quá trình. Tùy thuộc vào cảm hứng, vào tài năng... người cao tuổi. Cũng nhờ trời nữa chứ! Nó cần một quá trình. Trước đây dù không định, ông cũng đã có bài thiên về tâm trạng, có điều tự phát thôi. Bây giờ là ý định. Nhưng không phải đã chín đều, đã nhuyễn cả. Chỉ nói riêng chùm thơ mà tôi tạm gọi là “ký ức cuộc hôn nhân lỡ dở”, có bài tác giả mạnh dạn và chân thành bộc lộ, thấy còn nguyên sự bối rối của lòng ông khi ấy. Nhưng đã thật thơ chưa: 

Rồi đến lúc phải cảm ơn em đã ra đi

sự ra đi của giải thoát những ước mơ. Sự cất cánh những ước mơ và tảng băng trong anh vỡ vụn

đó có phải là số phận không hỡi trời cao?

nếu vậy thì hãy bằng lòng và cầm lòng cầu phúc

nhưng liệu có thiên đường ở phía em mơ?

liệu trái tim chúng ta đã tan thành địa ngục?

Trên đây là đoạn cuối bài Giải thoát, chắc tác giả quên năm sáng tác nên ghi “Một mùa đông nào đó sau chiến tranh”. Tôi không biết là cuộc chiến tranh nào nhưng chắc cũng từ ba bốn mươi năm nay, nghĩa là ở chặng viết trước. Tôi trích ra đây chỉ để bạn đọc thấy tạng cảm xúc Vũ Hùng. Cái ý muốn bưng chính lòng mình đặt lên trang giấy đã manh nha từ rất sớm, dù còn vụng về, ở Vũ Hùng. Và từ nó đến bài Bâng khuâng lá thu vàng mà tôi nhắc đến ở đầu bài giới thiệu này là khoảng thời gian ba bốn mươi năm đó. Để tìm ra mình đâu có nhanh. Điều đáng mừng là ông đã tìm và đã thấy. Hy vọng nhà thơ Vũ Hùng đủ tự tin và đủ cần mẫn để tạo dựng mùa thu hoạch mới xum xuê hơn, khẳng định hơn.

Vũ Quần Phương

Nguồn Văn nghệ số 49/2022


Có thể bạn quan tâm