April 20, 2024, 10:06 am

Tìm tác giả bài thơ Gửi Từ Đạm trên núi Non Nước, Ninh Bình

Đây là bản gốc bài thơ Gửi Từ Đạm khắc trên núi Non Nước, Ninh Bình:

 “Năm ngoái năm kia đục mấy vần

Năm nay quan lại đục hai chân

Khen cho đá cũng bền gan thực

Đứng mãi cho quan đục mấy lần!”

Từ Đạm, hiệu Cúc nhân (1862-1936), quê xã Khê Hồi, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Ông đỗ Cử nhân khoa Nhâm Tuất (1884), đời vua Thành Thái; năm sau, 1885, thi đỗ Tiến sĩ. Năm 1896, Từ Đạm được bổ nhiệm làm tri phủ Đa Phúc, Phúc Yên. Năm 1899, ông được bổ nhiệm làm tri phủ Xuân Trường, Nam Định. Từ Đạm là bạn đồng song với Tú Xương, khi về trị nhậm tại Xuân Trường, ông vẫn giữ mối giao tình này. Nhà thơ Tú Xương viết bài thơ Đùa ông Phủ, chính là viết về Từ Đạm:

“Tri phủ Xuân Trường được mấy niên,

Nhờ trời, hạt ấy cũng bình yên.

Chữ y, chữ chiểu không phê đến

Ông chỉ quen phê một chữ tiền!”

Núi Non Nước nổi tiếng với hơn 40 bài thơ khắc trên vách núi của các danh nhân lịch sử. 

Rồi Từ Đạm được thăng đến chức Tuần phủ Ninh Bình, hàm Hiệp tá Đại học sĩ. Khi làm quan, Từ Đạm là một cộng sự đắc lực cho người Pháp thực dân nên bị nhiều người oán giận, ngay cả trong “thơ vịnh Kiều” của một hàn sĩ ở thành Nam ngày ấy:

“Nợ trước thề bồi con đĩ Đạm,

Duyên sau lăn lóc bố cu Từ”…

Vào khoảng năm 1918, Từ Đạm sửa sang cảnh trí Dục Thuý sơn (tức núi Non Nước ở Ninh Bình). Ông ta cho sửa một bậc đá tự nhiên làm ghế ngồi, bên trên khắc bốn chữ “Cúc nhân đoàn tọa”. Năm 1919, lại khắc bốn câu thơ chữ Hán lên vách đá:

Phong nguyệt dữ câu thích,

Đồ thán thùy khổng ai.

Sở lạc tại sơn thủy,

Tọa cửu duy phúc giai”.

       “Cúc nhân Từ Đạm, 1919

Và tự dịch thơ:

 “Trăng gió vui cùng hắn,

Lầm than bận kệ ai!

Vui chơi non với nước,

Có phúc được ngồi dai”.

Năm 1920, Từ Đạm lại cho “khắc cốt” hai bàn chân mình lên đá trước ghế ngồi. Cũng vì chuyện tạc ghế trên núi để “ngồi dai”, để “Cúc nhân đoàn tọa”, lại khắc đá đề thơ, đục hai bàn chân mình lên mặt đá là những việc làm kém văn hóa, Từ Đạm bị nhiều người chê bai, đả kích, dẫn đến việc bài thơ Gửi Từ Đạm ra đời. Bài thơ này là sáng tác kịp thời của nhà thơ Phạm Ứng Thuần (1885-1955), một bài tứ tuyệt được chép tay, được truyền tụng. Sau ngày Từ Đạm đã đổi đi nơi khác, bài thơ này được khắc lên núi, cạnh bài thơ của Từ Đạm.

Xin trích đôi lời về nhà thơ Phạm Ứng Thuần (1885-1955) một người bạn của Tản Đà tại Nam Định: “Phạm Ứng Thuần quê làng Vị Xuyên (nay là phố Hàng Cót, thành phố Nam Định), tên hiệu là Hiếu Khanh, tục gọi Cả Thuần, thường gọi ấm Thiệu. Ông học chữ Hán, có đi thi trường Nam một lần nhưng không đỗ. Ông tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Cũng như nhà thơ Tú Xương, thơ văn chữ Hán, chữ Nôm của Phạm Ứng Thuần thường nhằm đả kích, chế giễu bọn bán nước, quan lại tham nhũng, bạo tàn, những hạng người kệch cỡm, bọn lưu manh thời ấy. Ông ca ngợi những người có lòng yêu nước thương dân, các bậc trí nhân quân tử. Ông làm thơ, một số bài của ông bị chép lẫn vào thơ Tú Xương như Cô Tây đi tu… Phạm Ứng Thuần cùng dịch Liêu trai chí dị, có lần mời Tản Đà về nhà chơi, uống rượu và đọc bản dịch đó, Tản Đà rất phục (hiện bản dịch này chưa tìm lại được)”. (Trích Tuyển tập Thơ Nam Định thế kỷ XX, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin – Công ty Văn hóa Trí tuệ Việt, Hà Nội, 2005, trang 533, 534. Thơ Phạm Ứng Thuần được chọn in trong Tuyển tập này có các bài: Gửi Từ Đạm khắc cốt chân trên núi Non Nước, Vô đề, Viếng cụ Phan Chu Trinh).

Trở lại với bài thơ Gửi Từ Đạm trên núi Non Nước. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Đỗ Huy Vinh (1924-2006), Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, một người quê gốc xã Ninh Thành, Hoa Lư, Ninh Bình, trên tạp chí Văn nhân, Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định, số 22, 1998, cho biết: bài thơ này khi khắc lên núi không có tên tác giả. Rồi phiến đá khắc bài thơ này bị vỡ (do bị đập phá?), sau năm 1945, mới được “phục chế”, ai đó đã khắc thêm chữ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu vào cuối bài thơ, mặc nhiên xem đó là bài thơ của thi sĩ núi Tản sông Đà.

Tuy nhiên, trong cuốn Thơ Tản Đà (Xuân Diệu giới thiệu, Nguyễn Nghiệp sưu tầm, tuyển chọn, Nhà xuất bản Văn học – Hà Nôi, 1982), không có bài thơ này. Phần Mục lục (trang 213), Thơ Yết hậu và Tứ tuyệt chỉ có những bài: Tự thuật, Thuật bút, Đề “Khối tình con” thứ nhất, Đề “Khối tình con” thứ hai, Khai bút, Tết tự thuật, Gió thu, Tương tư, Lưu tìnhĐi đêm day bóng, Nghe cá, Cái đòn cáng cùng người phu xe.

Hiện tại, trên trang Wikipedia Tiếng Việt, “mục Từ Đạm” ghi rõ: “Vì chuyện đục bàn chân, khắc đá đề thơ như trên nên ông càng bị sĩ phu chê trách. Cho nên khi đến thăm núi Dục Thúy, biết việc làm này, thi sĩ Tản Đà cũng đã thuê thợ đá khắc bốn câu thơ đặt cạnh bài thơ của Từ Đạm”. Cũng trên Wikipedia Tiếng Việt, phần chú thích bài thơ trên ghi “Trích lại theo Tản Đà toàn tập (Tập I), Nhà xuất bản Văn học”. Một sự “thêm vào” sau hai mươi năm.

Người đọc những dòng trên băn khoăn, không rõ Tiên sinh Tản Đà làm việc này vào lúc nào? Nếu ông thuê thợ đá khắc chữ vào thời điểm Từ Đạm vừa hoàn thành công việc “sửa sang cảnh trí núi Dục Thúy”, (trong đó có bài thơ chữ Hán khắc lên vách núi năm 1919), liệu quan Tuần phủ Ninh Bình đương nhiệm có để cho thi sĩ tự tung tự tác trên địa bàn trị nhậm của mình?

Bài thơ Gửi Từ Đạm được khắc trên núi, như trên đã nêu, khi ông Tuần phủ họ Từ đã đổi đi nơi khác mà lại viết: “Năm ngoái năm kia đục mấy vần/ Năm nay quan lại đục hai chân” thật không ổn! Đây là “thơ tức sự” một trăm phầm trăm! Bài thơ xuất hiện lần đầu cạnh bài thơ Từ Đạm, không đề tên tác giả ở cuối bài, xem như một việc làm khuất tất. Điều này quyết không phải là cách hành xử của Tiên sinh Tản Đà. Một người trong lòng đầy ắp thiện lương, từng mang thơ lên hầu Trời; một dịch giả ngược thời gian nghìn năm, vượt không gian văn học trùng trùng cách trở, về Trường An kinh đô nhà Đường, cùng Bạch Cư Dị chia sẻ Trường hận ca thương tiếc Dương Quý phi. Lại rẽ lối Đường thi lên lầu Hoàng Hạc cùng Thôi Hiệu đọc lại kiệt tác Hoàng Hạc lâu, trông theo cánh hạc vàng vô định, trao về phương Nam một sắc bạch vân Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay làm ta bâng khuâng. Hậu thế hôm nay mấy lần biết ơn nhà thơ - dịch giả xuất chúng Tản Đà! Xin đừng gán ghép cho thi nhân lối hành xử thông tục để có một bài “thơ tức sự” khắc trên danh thắng Dục Thúy Sơn.

Qua những phân tích trên, thiết nghĩ, chúng ta có thể khẳng định tác giả bài thơ “Gửi Từ Đạm khắc cốt chân trên núi Non Nước” là ai.      

Phạm Trọng Thanh

Nguồn Văn nghệ số 51/2022

 

Có thể bạn quan tâm