April 26, 2024, 2:57 am

Tím một miền sim

 

Bây giờ đang là tháng 5. Dọc tuyến quốc lộ 15, chạm chân vào cầu Tùng Cốc, hai bên đường đã lấp ló sim. Đến núi Bào, động khe Thờ, eo Truông Kén, động Trăn, Nhõn Chát đã bạt ngàn sim, mua hoang dại bung hoa tím ngát. Sim chen chúc nhau dưới chân đồi, len lỏi vào eo Truông Kén, sinh sôi nẩy nở Động Trăn bất chấp sỏi đá bạc màu, bất chấp mưa nắng, giông bão thất thường…

 

SIM LẤP HỐ BOM

Thời chiến tranh, Đồng Lộc không chỉ là “chảo lửa túi mưa” mà còn là “chảo lửa túi bom”. Đồng Lộc nắng tóe lửa. Đồng Lộc mưa thối đất. Bom đạn thời chiến tranh cày nát Đồng Lộc. Sử sách đã ghi lại: “Từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1968 , Mỹ ném xuống Ngã Ba Đồng Lộc 43.600 quả bom, có 6.000 quả nổ chậm”. Trên mảnh đất mưa bom, bão đạn,  chết chóc rình rập tưởng không thể có gì sống được, ấy vậy mà những người dân bám đường, bám đất với sim, mua hoang dại  không hề bị hủy diệt.

Ông Đinh Yến (90 tuổi, nguyên là xã đội trưởng); chứng nhân của lịch sử nhớ lại, cách đây 50 năm, vùng Truông Kén, Động Vành vô cùng âm u, hoang dại. Cây cối um tùm. Sim, mua tốt quá đầu người. “Các đơn vị pháo cao xạ trên trận địa Động Cổ Khuyên, Bãi Đồn (thuộc xã Mỹ Lộc) phải ngụy trang bằng cây sim. Chúng tôi đào nguyên cả gốc sim trồng lên chiến hào, quanh ụ pháo để che mắt máy bay địch. Cây sim kiên cường, chịu nắng gió, nên có thể nói là không có cây xanh nào làm ngụy trang tốt hơn sim. Sau này, sim còn được dùng ngụy trang cho xe pháo qua Ngã Ba huyền thoại này vào Nam”. Ông Yến chậm rãi kể : -Hàng chục năm làm xã đội trưởng gắn liền với tuyến đường 15, với Ngã Ba huyết mạch giao thông,ông Đinh Yến cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương  lãnh đạo dân quân tự vệ, lãnh đạo nhân dân tay cày, tay súng, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, phối kết hợp với lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong đảm bảo đường thông tuyến trong bất cứ tình huống nào, bất cứ thời điểm nào. Để đảm bảo xe thông tuyến nhanh nhất trong điều kiện có thể, dân quân các xã lân cận: Đồng Lộc, Mỹ Lộc, Sơn Lộc đã cùng với thanh niên xung phong có mặt ngay trên tuyến chở đất, chở đá, lấp hố bom. Nhưng có những tình thế không thể chờ lấp hố bom, nhân dân đã tháo nhà lót đường cho xe chạy. Có những thời điểm cần thông tuyến tức khắc, tức thì, nhân dân Đồng Lộc đã nẩy sinh ra sáng kiến dùng cây sim, cây mua bó lại lấp hố bom để cho xe lăn bánh.

- “Cho đến bây giờ, tôi cũng không nhớ, ai là người đầu tiên đưa ra sáng kiến này. Nhưng sáng kiến đó được lan rộng. Cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương thấy sáng kiến hay, áp dụng ngay, giao chỉ tiêu cho mỗi gia đình trữ sẵn trong nhà năm gánh bổi, lúc nào cần huy động là đưa ngay lên hiện trường. Nhờ cách làm đó, mà tuyến đường 15 ác liệt này, địch đánh ngày, đánh đêm, huyết mạch giao thông chưa bao giờ tắc nghẽn. B52, F105, bom tấn, bom tạ, rốc két, pháo sáng cùng với các phương tiện chiến tranh tối tân, hiện đại của đế quốc Mỹ ngày đêm thi nhau trút xuống mấy cây số vuông này nhưng thua cây sim hoang dại, vô danh mỏng manh Đồng Lộc chúng tôi…”. Kể xong, ông Đinh Yến cười, nheo mắt rồi nhìn ra bãi sim Truông Kén.

Ở tuổi 90, ơn trời ông vẫn ăn ngon ngủ  khỏe, chỉ có đôi tai là hơi nghễng ngãng. Muốn trao đổi với ông phải nói to lên. Ông nói đời ông đã nếm trải nhiều truân chuyên. Năm 1949, trở thành anh vệ quốc quân tham gia chiến dịch biên giới. Năm 1953, vợ mất, chia tay đơn vị về quê. Tiếc là không được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Bù lại, những năm ở quê, được tín nhiệm giữ chức xã đội trưởng không chỉ sống chết với anh em dân quân địa phương trên trận địa pháo mà còn sát cánh với bộ đội, thanh niên xung phong giữ gìn huyết mạch giao thông quan trọng trên tuyến đường 15 và cửa tử Ngã Ba Đồng Lộc này.

Người cựu chiến binh già lặng lẽ chỉ vào đầu gối phải. Bốn vết sẹo nhăn nheo: “Vẫn còn 2 viên bi ở đây. Giấy tờ vào viện mất hết. Một số đồng đội cũ khuyên tôi làm hồ sơ thương binh. Nhưng, tôi không buồn làm. Ngay cả mảnh vườn tôi đang ở cũng chưa làm sổ đỏ. Năm 1980, chấp hành chủ trương di dân, tôi lên dựng nhà, cắm chân ở mảnh đất này. Qua cuộc chiến tranh máu lửa, đến nay mình còn sống là may mắn rồi! Thân phận mình cũng như sim mua, ở đâu cũng mọc được, sống được!”

Tôi hỏi ông: “Thời ở cương vị xã đội trưởng, ông có kỷ niệm gì với Đại đội TNXP 552, Tổng đội 55, đơn vị của 10 cô gái đã hy sinh anh dũng ngày 24/7/1968 không?” - “Có ! Có chứ! Tất cả các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong trên địa bàn đều phối kết hợp với chúng tôi để triển khai nhiệm vụ và hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Chiều ngày 24/7/1968, sau khi nhận được tin dữ, chúng tôi đã tổ chức kết hợp với các đơn vị cứu thương, bới tìm thi hài các cô đã anh dũng hy sinh, khâm liệm, mai táng tiếp tục công việc của các cô để lại…”

 

HOA SIM VÀ KÝ ỨC VỀ 10 TRINH NỮ

              Về Đồng Lộc, may mắn cho tôi là được gặp gỡ  ông Nguyễn Thế Linh, Nguyên Đại đội trưởng Đại đội TNXP 552 đến thắp hương cho đồng đội. Cắm hương trên mộ 10 cô gái, măt rưng rưng lệ. Nửa thế kỷ kể từ ngày các cô hy sinh đã trôi qua. “Tôi không thể nào quên được những gương mặt chị em Tiểu đội 4. Tất cả thanh nữ mười tám đôi mươi, hồn nhiên, vô tư, giản dị, lạc quan, chăm học, chăm làm. Tôi còn nhớ vào mùa hoa sim nở, lên tuyến giữa bom đạn ác liệt, đối mặt với chết chóc, ấy vậy mà vẫn không quên ngắt hoa sim cài trên mái tóc, vẫn vội vàng hái những trái sim bo bo còn khét lẹt khói bom, dính bụi đỏ, chà lên tà áo, nhấm nháp. Cô Hồ Thị Cúc (quê Sơn Bằng) ao ước hòa bình trở lại, về quê chăn trâu cắt cỏ, mùa hè lên núi Nầm hái sim, bắt cào cào đá cho thỏa thích…”. Ông Linh nhớ lại.

              Tôi đã về quê chị Hồ Thị Cúc. Nhà chị nằm bên dòng sông Ngàn Phố. Bên kia là núi Nầm. Dãy Mồng Gà, tít tắp sim. Những người thân của chị Cúc kể thuở nhỏ, nhà nghèo, tháng 8, mùa sim chín, Cúc cùng bạn bè lên đồi hái sim rồi mang đến chợ Rạp bán để góp tiền mua sách vở. Tôi cũng đã đến Đức Hòa quê của chị Hà Thị Xanh. Nhà chị Xanh cách dòng sông Ngàn Sâu chưa đầy một cây số và cách núi Phượng Thành trên dưới một cây số. Phượng Thành mùa này đang sim. Đâu là dấu  chân của cô bé Xanh ngày xưa lên núi hái hoa sim? Hai chị em  Võ Thị Tần, Võ Thị Hợi cùng quê Thiên Lộc đã có tuổi thơ gắn bó với 99 ngọn núi Hồng Lĩnh. Hồng Lĩnh không chỉ bạt ngàn thông mà còn bạt ngàn sim. Cho nên với 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc, sim không chỉ là tuổi thơ, là quê hương mà còn là thân phận. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Thị Cúc đã khóc khi cả đồi sim đang mùa nở hoa, sau trận bom Mỹ chỉ còn hố sâu và đất đỏ như máu. Nhặt những cánh hoa nhàu nát, Cúc đã ấp iu vào lòng, khóc tức tưởi. Nhà thơ Yến Thanh, cán bộ kỹ thuật Tổng đội TNXP 55 đã kể về những cuộc gặp gỡ, chia tay thời chiến tranh giữa những người lính lái xe và các cô TNXP. “Vội vàng, rất vội vàng. Cảm động. Vô cùng cảm động! Gặp nhau trên đường. Không kịp chào. Không kịp nói. Một bông hoa mua, hoa sim, hái vội nói thay lời tiễn biệt…”

              Cho nên, lần này trở về Đồng Lộc, nhà thơ Yến Thanh nói với tôi phải chụp ảnh kỷ niệm bên hoa sim, bới nhà thơ cho biết rằng mới trưa nay thôi, trong chập chờn thức ngủ, ông đã nhìn thấy hoa sim xòe cánh mỏng. Xanh, Xuân, Rạng, Hợi, Hường, Hà, Nhỏ, Tần, Cúc lần lượt bước ra… vai cuốc, tay xẻng, xe cút kít ẩn hiện trong dày đặc khói bom bay lên tuyến…

              Nhà thơ Yến Thanh nhớ lại: Trưa ngày 24/7/1968, máy bay Mỹ tập trung trút bom xuống “tọa độ lửa” Trường Thành, cách Ngã Ba khoảng ba cây số. Khoảng 16 giờ chiều, ba chiếc máy bay tiêm kích rút ra biển, bất ngờ một chiếc nhào trở lại trút bom xuống đúng vào vị trí tiểu đội 4 đang ẩn nấp… Linh cảm được điều chẳng lành, cả Văn phòng Tổng đội, cán bộ Ty giao thông, toàn bộ chiến sĩ C552, C557 đổ dồn về Trọ Voi tìm đến căn hầm mười cô gái TNXP ẩn nấp. Đất đá, mảnh bom, nón mũ, cuốc xẻng ngổn ngang bên miệng hố bom. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã khẩn trương đào bới, tìm kiếm. Sau hai tiếng đồng hồ, đồng đội đã tìm kiếm được chín thi hài của Tần, Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Xanh, Xuân, Rạng. Thi hài của chín cô được đưa lên băng cáng thương khiêng về xếp thành hàng ngang sau eo núi Bãi Địa (xã Xuân Lộc, cách Trọ Voi khoảng hai cây số). Anh em Tổng đội túa đi tìm Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc. Chạy lên núi, xuống chân đồi, đào bới không thấy Cúc đâu cả. Nhiều người khóc. Tiếng gọi “Cúc ơi!” vọng khắp Trọ Voi. Trắng đêm 24/7 và suốt ngày 25/7 cuộc bới tìm vô vọng. Ty giao thông Hà Tĩnh lệnh cho Uông Xuân Lý lái máy ủi ra tìm kiếm. Trong khi máy ủi anh Lý đang trên đường đến, thì chi bộ 552 họp dưới sự chủ trì của Bí thư Nguyễn Hải Đường. Nghị quyết của Chi bộ là không sử dụng máy móc, vất vả đến mấy cũng tiếp tục đào bới bằng tay để đảm bảo sự nguyên vẹn thi thể của Cúc.

        Tại Ban chỉ huy 552, mười hậu sự bằng gỗ đã khiêng đi chín, còn cái thứ mười dành cho Cúc phải khiêng ra ngoài vườn.

            - Tôi từ nhà Ban chỉ huy, ra ngoài vườn, ngồi bên hậu sự dành cho Cúc, không ngăn nổi những giọt nước mắt thương xót, đặt bút viết một mạch. Những câu thơ rứt ra từ gan ruột:

Tiểu đội đã xếp một hàng ngang

Cúc ơi ! Em ở đâu không về tập hợp

Chín bạn đã quây quần đủ mặt

Nhỏ- Xuân- Hà- Hường- Hợi- Rạng- Xuân- Xanh

A trưởng Võ Thị Tần điểm danh…

(Chín bỏ làm mười răng được)

            Mãi đến trưa 26/7, đồng đội tìm thấy Cúc đang ngồi trong hầm tròn, đầu đội nón bẹp dí vai còn dựng cái cuốc, bên cạnh là một bụi sim trộn lẫn với đất.

            - Thế bài thơ  “Cúc ơi!” được hoàn thành sau bao nhiêu thơi gian?. Tôi hỏi.

            Yên Thanh chậm rãi: “Bài thơ hoàn thành ngay buổi chiều 25/7 ngay bên cạnh hậu sự dành cho Cúc. Lúc đầu tôi có ý định đặt tên bài thơ là  “Hồn trinh nữ ở đâu” nhưng thấy sáo mòn, nên tôi đã đổi tên bài thơ là “Cúc ơi!”. “Cúc ơi” không chỉ là tiếng khóc của tôi và đồng đội với Cúc mà còn là với mười  liệt nữ, mười đồng đội mà tôi đã có thời gian sáu năm gắn bó. Tôi đã từng bày (dạy) thêm  toán, văn, viết hoạt cảnh cho các cô biểu diễn. Riêng Cúc tôi quá hiểu hoàn cảnh. Mồ côi cha lúc một tuổi. Mẹ con Cúc ở với ông nội và o Loan. Ông nội mất, mẹ sang sông lúc Cúc tròn bốn tuổi. Cúc ở với ông nội và o Loan cho đến ngày đi thanh niên xung phong. Trong lòng tôi,  Cúc là bông hoa sim, mười trinh nữ là mười bông hoa sim đẹp nhất. mãi mãi thắm sắc ngát hương, không tàn phai…”.

            Sim Đồng Lộc là cây mọc lên từ máu lửa, từ bom đạn chết chóc nên cánh hoa không phơn phớt hồng mà thắm hồng; không mơ tím mà tím bầm, tím thẫm. Nhụy hoa không nhợt nhạt vàng, mà vàng cháy lửa… Nhà thơ Yến Thanh đã nhíu mày, không bằng lòng khi trông thấy một số cô gái trẻ bẻ hoa, nô đùa làm hoa sim rơi lả tả. Xót xa, nhà thơ dằn giọng, nhưng cũng chỉ đủ cho mình nghe: “Xin các cháu hãy nhẹ nhàng, đừng khuấy động hồn hoa. Hãy trông vào gương hoa để thấy gương người…”. Đoạn, nhà thơ quay về phía tôi: “Kìa,  hãy xem những con ong, con bướm khẽ khàng, rất khẽ khàng vỗ cánh khi đến bên hoa…”.

            Có thể, nhà thơ Yến Thanh từng là người trong cuộc, gắn bó với mảnh đất máu lửa này nên thấy điều gì đó thiêng liêng trong sắc tím hoa sim Đồng Lộc?...

            Cách đây ba năm tôi đã đến Khu du lịch sinh thái Măng đen (huyện KonPlong, Kon Tum) mải mê ngắm nhìn thiếu nữ Kadong duyên dáng với hoa sim bên hồ nước Đăn ke. Tôi mải mê cùng khách du lịch đến Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) thả hồn với hoa sim. Tôi đã ra đảo Soi Sim (vịnh Hạ Long) mà hoang dại với sim và thảm giàng giàng. Tôi đã nếm rượu sim, mật sim Phú Quốc và bất cứ ở đâu cũng không thể nào dứt được với hoa sim Đồng Lộc. Có điều gì đó cứ ám ảnh tôi  không chỉ trong suốt thời gian trở lại Đồng Lộc mà cả khi rời Đồng Lộc, năm cánh hoa tơ lụa mỏng mảnh ấy vẫn bám riết lấy tâm hồn và ý nghĩ  tôi. Tôi nghĩ về một ngày không xa sẽ có lễ hội hoa sim Đồng Lộc để mọi người hiểu hơn, yêu hơn loài hoa bất tử này.

   Nguồn Văn nghệ số 29/2018

 


Có thể bạn quan tâm