April 19, 2024, 12:45 pm

Tiểu thuyết sử thi sau năm 1975: Những đổi mới trong cảm hứng sáng tác*

 

Những năm 1975-1985 là thời kỳ văn học đổi thay ở chiều sâu với những trăn trở tìm tòi thì từ năm 1986 đến 1992 là thời kỳ đổi mới cách viết về những vấn đề mới trong nhiều tác phẩm gây xôn xao dư luận. Nằm trong mạch vận động chung ấy, nhưng do đặc trưng thể loại mà tiểu thuyết sử thi có những cách tân mang sắc thái riêng.

Cảm hứng sử thi vẫn là chủ đạo nhưng không còn địa vị độc tôn mà xen vào đó là những “tạp âm”, rõ hơn cả là cảm hứng bi kịch. Độ lùi thời gian cho phép nhà tiểu thuyết nhìn về chiến tranh bằng nhiều góc độ khác nhau, không né tránh những tổn thất, mất mát hy sinh, đầu hàng, phản bội... vốn là những điều thường có trong chiến tranh.

Vấn đề là viết với thái độ nào, tâm thế nào? Với cảm hứng bi kịch về một hiện thực dữ dội khốc liệt, Đất trắng (Nguyễn Trọng Oánh) miêu tả một hiện thực như nó vốn có, hết sức trung thực, hầu như không tô vẽ, thêm bớt, giúp bạn đọc có cái nhìn sâu hơn, thật hơn về chiến tranh như sự hy sinh mất mát quá lớn hay sự phản bội, đầu hàng không thể ngờ (Tám Hàn là một chỉ huy cấp cao mà vẫn ra “chiêu hồi” địch). Nhưng người đọc không thấy sự bi quan, phủ nhận chiến tranh từ phía tác giả, chỉ thấy một sự thật nghiệt ngã về chiến tranh để rồi thêm kính trọng những người đã hy sinh, nhờ họ mới có những ngày hòa bình hôm nay.

Cùng với khuynh hướng tái hiện sự khốc liệt của hiện thực, tiểu thuyết bắt đầu chú ý đến những mối quan hệ phức tạp giằng xé giữa con người với con người, con người với đời sống. Vượt qua cái đơn giản một chiều, tác phẩm đã miêu tả kẻ thù như những con người. Trước đó, kẻ thù được miêu tả như thú vật toàn những nét xấu, tính xấu thì nay được đưa về đúng với cấu trúc hiện thực. Đọc Ông cố vấn-Hồ sơ một điệp viên (Hữu Mai) càng thấy loại nhân vật ngụy quân cao cấp rất thông minh, giảo hoạt. Đọc Tư Thiên (Xuân Thiều) càng thấy kẻ thù quá nham hiểm... Sự đổi mới này làm nổi bật sự thật tàn bạo về chiến tranh, chân dung người lính cách mạng cũng rạng ngời hơn với những phẩm chất đặc biệt: Thông minh, dũng cảm, một lòng yêu nước vô bờ... Bạn đọc trẻ hôm nay hiểu thêm cái giá phải trả không chỉ bằng máu mà còn là trí tuệ, sự thông minh xuất chúng của cha ông để giành độc lập, tự do.

Những tác phẩm đi theo cảm hứng bi kịch nhân văn thường có khuynh hướng dựng lại một hình tượng nhân vật trong trục thời gian từ quá khứ tới hiện tại. Nhân vật như cái gạch nối giữa hai chiều không gian: Quá khứ là chiến tranh, hiện tại là những trăn trở trong thời bình. Chim én bay (Nguyễn Trí Huân) dựng lại một nhân vật Quy luôn đi về giữa hai miền quá khứ và hiện tại. Quá khứ là cảnh trừng trị kẻ ác ôn. Hiện tại là những cảnh trả thù rất tầm thường như cảnh bà con rượt đuổi tên xã trưởng có nợ máu với dân, cảnh đám trẻ con truy bức một đứa trẻ khác vì bố nó ngày trước là ác ôn... Tiểu thuyết vươn tới một tầm ý nghĩa nhân văn mới mẻ, sâu sắc và mang tính phổ quát: Phải trừng phạt cái ác để cứu lấy con người, nhưng con người không thể sống trong cái vòng luẩn quẩn của sự thù hận mà phải biết rũ bỏ và hóa giải hận thù, cùng nhau “sống để yêu thương”.

Các tiểu thuyết sử thi ở khoảng giao thời giữa hai thế kỷ, ngoài cảm hứng sử thi là chủ đạo còn kết hợp với cảm hứng hiện thực tỉnh táo và cảm hứng nhân văn. Tiểu thuyết 1945-1975 miêu tả nhân vật sử thi đẹp một cách lý tưởng với những phẩm chất cao cả nên đã tạo ra một “khoảng cách sử thi” giữa nhân vật với đời thường, với cả bạn đọc. Phải nhìn vấn đề một cách biện chứng: Do yêu cầu của nhiệm vụ chính trị mà nhà tiểu thuyết xây dựng nhân vật như vậy để đáp ứng đòi hỏi của thời đại. Trong tiểu thuyết sử thi hôm nay, cấu trúc hình tượng nhân vật được nhận thức lại, trả về với vị thế đúng như nó vốn có, phức tạp, đa dạng, đa diện hơn. Quan niệm đã là tập thể cách mạng, con người cách mạng thì không có ai xấu, cái xấu thì nay được miêu tả khác, tập thể anh hùng cũng không thiếu những kẻ đào ngũ, cơ hội, cũng có những sai lầm nghiêm trọng do suy nghĩ ấu trĩ, giản đơn, nhân vật người anh hùng có khi lại có một lý lịch không trong sạch, cũng có tính cách không mấy tốt đẹp, cũng bồng bột, chủ quan khinh địch, cũng đố kỵ, háo danh rất đời thường...

Trước năm 1975, các nhà văn có xu hướng đẩy nhân vật vào miền “không khí vô trùng” nên nhân vật đẹp quá, lý tưởng quá, gần với "người trời" mà xa với người đời. Rất không nên phê phán đây là “căn bệnh minh họa”, ở thời ấy thì phải có những nhân vật ấy. Cái thời con người sống với nhau trong vắt thì có những nhân vật như Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu là đúng thời. Nhưng hôm nay thì phải khác. Người lính trong tiểu thuyết đã được giải phóng ra khỏi công thức “người trời” hôm qua để trở về với đúng nghĩa con người bình thường-người đời, nhờ vậy mà nhân vật thật hơn, sinh động hơn.

Nguồn QĐND

* Tên bài viết do VanNghe đặt

 
 

Có thể bạn quan tâm