March 28, 2024, 4:16 pm

Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của Văn học Việt Nam đương đại

“Tại diễn đàn này, chúng ta chứng kiến sự cọ sát của các cách đọc, bởi ta không tôn vinh cá nhân Nguyễn Bình Phương, mà bàn về vấn đề của toàn bộ nền văn học, và quan điểm của Viện Văn học là chỉ nói về những tác phẩm có vấn đề, nghĩa là tác phẩm ấy phải thúc đẩy sự phát triển của dòng chảy văn học nước nhà”- Đó là ý kiến chủ trì của PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học, nơi diễn ra buổi tọa đàm khoa học “Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của văn học Việt Nam đương đại” do Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức trong buổi sáng ngày 18/7/2022.

Nguyễn Bình Phương được xem là một trong số ít nhà văn thành công nhất hiện nay ở Việt Nam, hội tụ ba yếu tố quan trọng của một tài năng văn chương đích thực: tạo được cái nhìn, giọng nói và ngôn ngữ của riêng mình.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, người đồng chủ trì buổi tọa đàm nhận định: “Chúng ta thường nói tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương khó đọc, thậm chí có nhiều người nói ông không hiện thực, nhưng Nguyễn Bình Phương là người công bằng nhất với hiện thực xã hội và con người Việt Nam. Bởi ông không phán xét đúng sai, không có ý đồ dẫn bạn đọc đi vào lối nào đó trong mê dụ của mình. Và bạn đọc, với từng khả năng riêng, sẽ tìm được lối đến với từng tầng hiện thực của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương”.

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam:  Nguyễn Bình Phương không giống ai, mà Nguyễn Bình Phương là như thế. Và việc so sánh tác phẩm này hay tác phẩm khác của ông là không công bằng. Không nên đòi hỏi nhà văn phải viết cuốn sau hay hơn cuốn trước, cái mà ta cần đòi hỏi là cuốn này phải khác cuốn kia, khác với mọi người và khác với chính mình nữa.

Và tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương có thể đã làm được điều đó?

Để trả lời câu hỏi trên, cùng với ý kiến của các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học hàng đầu cả nước như PGS. TS Trần Đình Sử, Lê Thị Dục Tú, Phạm Xuân Thạch, Trương Đăng Dung, Phạm Xuân Nguyên… trong buổi tọa đàm khoa học đáng được quan tâm bậc nhất của dòng chuyển động văn học nước nhà này, Văn nghệ  xin giới thiệu trích một số tham luận nghiên cứu, kiến giải về tư duy nghệ thuật làm nên sự độc đáo của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong cái nhìn bao quát về văn học Việt Nam đương đại.

Toàn cảnh tọa đàm khoa học “Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của văn học Việt Nam đương đại

Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương - vài ví dụ xoàng

Hoàng Đăng Khoa

1.

Tính chất phi truyền thống nơi tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương rõ thấy nhất trước hết là ở chiến thuật tự sự phi tuyến tính. Đi vào tiểu thuyết của nhà văn này là đi vào những mê lộ/ ma trận trần thuật.

Đọc Nguyễn Bình Phương, tôi cứ liên hệ đến chia sẻ của nhà văn người Anh gốc Ấn Salman Rushdie, tác giả của tiểu thuyết trứ danh Những đứa trẻ lúc nửa đêm. Theo đó, ngày trước, những người kể chuyện miệng cho công chúng ở Ấn Độ, đặc biệt ở Nam Ấn, rất được ưa thích. Họ không kể chuyện theo trình tự tuyến tính: không có đầu, giữa, cuối. Họ nhảy múa loạn xạ, liên tục thêm thắt, kể chuyện tiếu lâm, hát, pha những chuyện vui chính trị... trong khi kể chuyện.

Nguyễn Bình Phương kể chuyện bằng tiểu thuyết cũng gần như thế. Ngay tác phẩm được cho là dễ đọc nhất của ông - Một ví dụ xoàng - thì chí ít về mặt cốt truyện, buộc người đọc phải tự lần gỡ chắp nối những manh mối chi tiết sự việc mới có thể xâu chuỗi được thành một câu chuyện mạch lạc sáng rõ theo cách của mình.

Tính chất phi truyền thống nơi tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương còn thể hiện ở khả năng gây lung lay bất an cho cái gọi là chức năng của văn học (đang được giảng dạy ở nhà trường chẳng hạn). Tiểu thuyết của ông là những tiểu tự sự, những vi mạch khuất ẩn, là bức tranh ngược sáng về thế giới, cho nên chức năng nhận thức ở đây nếu có thì đó là dẫn dụ người đọc cùng tham dự vào cuộc dò tìm hiện sinh, để rồi khơi vẫy những đối thoại tư tưởng cùng họ. Rằng bản chất của đời là vô nghĩa phù du, bản chất của người là vô minh phù phiếm. Rằng thế giới này là thế giới của “bả giời”, của “những đứa trẻ chết già”, của “trí nhớ suy tàn”, của “người đi vắng”, nơi chỉ tồn hiện những cái bóng vật vờ lay lắt, man dại như tiền sử, như “thoạt kỳ thủy”.

Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương một khi kiến dệt mỹ học của tính dục, mỹ học của bạo lực, mỹ học của cái ác… thì cái gọi là chức năng thẩm mỹ cũng bị chất vấn, và theo đó cái gọi là chức năng giáo dục cũng bị giễu nhại hoài nghi. Người kể chuyện trong đây cứ “kể xong rồi đi”, anh ta chẳng đủ thẩm quyền và cũng chẳng đủ khôn ngoan thông thái sở đắc chân lý để có thể giáo dục ai cả. Thiết nghĩ, việc của văn chương, văn chương đích thực, là cứ bày ra những khảo tra về khoảng mờ điểm tối của cuộc đời. “Nhà văn thì chỉ giỏi thắc mắc thôi, ngoài ra không biết gì nữa đâu” - một nhân vật trong Một ví dụ xoàng đã nói như thế. Mà, những câu hỏi do nhà văn đặt ra luôn luôn rộng hơn bất kỳ một câu trả lời cặn kẽ nào - nhà văn người Ý Claudio Magris đã nói như thế. Và, sự không biết trở thành sự hiền minh - nhà văn người Pháp gốc Tiệp Milan Kundera đã nói như thế.

Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, như đã đề cập, là những văn bản khó đọc/ kén người đọc, do vậy cũng không thực hành cái gọi là chức năng giải trí mua vui phục vụ số đông.

2.

Nguyễn Bình Phương là nhà văn dày công suy tư trăn trở thiết tạo và phát huy công hiệu ma thuật của truyện kể. Và ông rất chịu khó thay đổi chiến lược/ chiến thuật tự sự. Thay đổi về ngôi kể, về vai kể, về cự ly kể. Thay đổi về giọng kể. Chối từ làm tù nhân cho một thi pháp duy nhất, mỗi cuốn tiểu thuyết của ông là một cách kiểu văn chương mới mẻ độc đáo không lặp lại. Việc Nguyễn Bình Phương ra sách mới luôn là sự hồi hộp tò mò phấp phỏng của cộng đồng những người yêu thích tiểu thuyết nhà văn này.

Phong cách tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đa dạng mà nhất quán. Kể từ buổi dấn nhập “vào cõi” văn bút cho đến nay, ông luôn “ngồi” riêng một cõi. Xuyên suốt cả chục cuốn tiểu thuyết của ông là một cái tôi chủ thể tài hoa, kiêu bạc, khinh khoái, tinh tế đến tinh quái; là không gian nghệ thuật định vị nơi khởi sinh và trì bồi văn hứng Nguyễn Bình Phương: ngôi làng Linh Sơn; là màn sương liêu trai ma quái kỳ dị kỳ ảo vô thức chiêm mộng bàng bạc trong từng trang văn…

Văn Nguyễn Bình Phương phi truyền thống nhưng không đứt lìa khỏi văn mạch dân tộc. Chất liêu quái dị ảo trong văn ông được gợi hứng tiếp sức từ kho tàng thần thoại truyền thuyết, từ Lĩnh Nam trích quái, Việt Điện u linh, Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục… Nghĩa là, ông đến hiện đại/ hậu hiện đại từ truyền thống.

3.

Công bằng mà nói thì tiểu thuyết của bất cứ nhà văn Việt nào cũng đều ít nhiều có chất điện ảnh và chất thơ, vì ngôn từ nghệ thuật tiếng Việt vốn rất giàu tính hình tượng, và mỗi âm tiết tiếng Việt lại sở hữu một thanh điệu riêng trong hệ thống sáu thanh điệu chung. Tuy nhiên và tất nhiên, chất điện ảnh và chất thơ hiển lộ trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương với sắc âm riêng khác.

Đi vào Thoạt kỳ thủy, người đọc như mục sở thị một thế giới hoang sơ man dã ma quái trống trơ tình người, với tiếng đập đá, tiếng nổ mìn phá đá gầm rung núi Hột, bãi Nghiền Sàng: “Không khí mù mịt, cuồn cuộn. Tiếng đập tràn lan khắp nơi. Khô khốc, lanh lảnh, triền miên bất tận”; “Quả núi bị khoét vẹt một nửa, trông như cơ thể mất thịt, lộ ra màu trắng pha chút đỏ của máu”; “Mỗi hòn đá bị vỡ là máu túa ra”; “Gió thổi. Tảng đá nâu nổi gân hồng. Máu lênh láng tràn từ núi xuống dìm ngập đất”... Rồi như chứng kiến cảnh đốt trại tù binh “lửa cao như cái lưỡi, liếm từ bẹn đổ lên” qua lời kể của Hưng, hay cảnh Tây thu từng đống người chúng tàn sát “đem ra rừng lấp hờ, tối hổ xuống bới lên ăn bằng hết, chừa độc cái đầu” qua lời kể của ông Thụy… Sang Mình và họ, gặp những đại cảnh xe lên xe xuống trập trùng theo những cung đường rừng man dại. Đến Một ví dụ xoàng, gặp cảnh Sang bị tổ công tác lưu động liên ngành truy đuổi vì mang theo người những bốn cân chè; và anh ta đã rút khẩu súng thể thao bắn về phía sau để tẩu thoát; phát súng vẩy bừa ấy, khốn thay, lại trúng thùy trán một kiểm soát viên quân sự. Rồi về sau là cảnh xử bắn tử tù Sang…

Những trang văn của Nguyễn Bình Phương vừa kịch tính như những thước phim hành động, vừa đẹp như những bài thơ buồn, mặc dù đó là những trang văn gắn sâu trong tính văn xuôi của cái tầm thường thường nhật cuộc thế cuộc người. Nhà phê bình Thụy Khuê gọi Thoạt kỳ thủy là một bài thơ dài đẫm máu và nước mắt, đẫm tang thương và huyễn mộng. Và hẳn nhiều người bị ám bởi những câu văn tựa hồ câu thơ kiểu như “Mắt chó vàng như trăng”.

Chất thơ trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương còn được gia bồi thêm bởi những văn bản thơ xen chêm vào giữa văn bản tiểu thuyết. Cách làm này không phải là mới, không phải là cách làm riêng của Nguyễn Bình Phương, nhưng phải nói là những tệp thơ được đính kèm vào các tiểu thuyết của nhà văn đã tạo được hiệu ứng thẩm mỹ đặc biệt. Những lời thơ không báo trước, cứ đột vang lên, như vọng ra từ vô thức, từ ẩn ức, từ giấc mơ, như vọng về từ tiền kiếp, từ hồng hoang, cứ u u minh minh…, tạo nên độ dư dôi dư ba đa bội ám gợi cho tác phẩm.

4.

Một ví dụ xoàng không vượt được tác phẩm đỉnh cao của Nguyễn Bình Phương là Mình và họ, cũng không vượt được những tác phẩm đầy đặn dày dặn tinh nhuyễn của ông như là Người đi vắng. Tuy nhiên, đây vẫn là tác phẩm rất đáng đọc, thể hiện phẩm chất chuyên nghiệp của tác giả, ở sự nỗ lực kích gọi và duy trì văn hứng, và đặc biệt là ở sự công phu tu từ. Đáng nói là, tất thảy những nỗ lực dụng công của một “phu chữ” đã được phi tang; hiển thị sinh động nơi hơn hai trăm trang sách là những đường bút điềm tĩnh tự nhiên như không của một nghệ sĩ ngôn từ.  

Hấp lực của Một ví dụ xoàng nằm ở giọng kể bạo liệt mà tinh tế, ở bầu không khí quấn quyện mê dụ của truyện kể, ở khả năng liên thông xuyên thấm giữa ngôn ngữ và đời sống, ở những chi tiết, những nhận xét, những quan sát ngắn gọn bất ngờ, ở những hình ảnh so sánh đắt, ở những triết lý vụn nhưng độc, ở năng lực vén màn phơi lộ bản diện khác/ cuộc đời khác của các nhân vật để từ đó phơi lộ những lát cắt khác của cuộc sống… Và ở cốt truyện. Nhà văn duy trì sự lôi cuốn hấp dẫn và giữ chặt người đọc vào câu chuyện. Gần đây, nhiều người cho rằng với tiểu thuyết thì nội dung kể không quan trọng bằng cách kể. Nhưng với Một ví dụ xoàng, Nguyễn Bình Phương thêm lần nữa củng cố xác tín, rằng nhất thiết cần một câu chuyện hấp dẫn xuyên suốt cuốn tiểu thuyết. Đến đây tôi lại nhớ tác giả của Những đứa trẻ lúc nửa đêm có lần nói, rằng nếu muốn viết một cuốn sách dài thì phải có một cốt truyện làm động cơ. Cũng như muốn có một ô tô khỏe thì cần có một chiếc động cơ lớn. Nếu chiếc xe to mà động cơ nhỏ, thì anh chẳng đi được bao xa. Hay nói cách khác là, muốn kể chuyện hay thì trước hết tiểu thuyết gia phải có câu chuyện hay để kể.

 

Nguyễn Bình Phương Những trích đoạn

(Trích)

Phạm Xuân Nguyên

Năm 2000 trong bài Văn xuôi dài một chặng đường tôi nói về Phương như một dẫn chứng cho một lối đi mới của tiểu thuyết Việt Nam. Đoạn viết đó như sau: “Lặng lẽ một cuốn sách của Nguyễn Bình Phương Người đi vắng. Trong danh mục tác phẩm của người viết trẻ này, đây là cuốn tiểu thuyết thứ tư (sau Bả giời, Vào cõi, Những đứa trẻ chết già) và là tập sách thứ bảy (kể thêm ba tập thơ Lam chướng, Xa thân, Khách của trần gian). Phương viết tiểu thuyết theo đúng như ý của Ortega-y-Gassez (dù có thể anh chưa đọc nhà triết học, mỹ học Tây Ban Nha này bao giờ hoặc gần đây mới đọc): tiểu thuyết là một thực tại cắt đứt, biệt lập với thực tại có thật, nhưng chính vì thế nó giúp ta trăn trở hơn với cái thực tại thứ nhất. Cái gọi là tiểu thuyết của ta giản đơn, rõ ràng, rành mạch quá, nó thiếu cái rối rắm, phức tạp của cuộc đời và con người. Người đi vắng đan xen nhiều tầng, nhiều lớp, thực và mộng, quá khứ và hiện tại, xưa và nay, tâm linh và trần thế, đọc không dễ, không liên tục chút nào. Người đọc đã quen cách đọc tuyến tính, tuần tự sau trước thì đọc cuốn sách của Nguyễn Bình Phương sẽ rất mệt, sẽ thoạt đầu không lần ra manh mối nào để hiểu. Nhưng chịu cởi bỏ thói quen mỹ cảm một chút đọc sẽ thấy thú vị, sẽ ngấm dần cái hay của tác phẩm.

Văn Nguyễn Bình Phương viết kỹ, câu chữ có những kết hợp khác lạ, đọc thấy rất mới và sướng. Đối với những người đọc chưa quen tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương thì đây là nội dung cuốn sách qua lời tóm tắt của tác giả: cuốn tiểu thuyết xoay quanh gia đình nhân vật có tên là Thắng, một người lính đánh Mỹ. Vợ Thắng là diễn viên kịch, bị tai nạn xe máy nằm mê man và sống cuộc sống của ký ức. Đó là người đàn bà ngoại tình. Bản thân Thắng luôn có cảm giác bị một tiếng nói thù hận nào đó gọi đi. Tiếng nói đó của một lính ngụy đã bị Thắng bắn chết ở thành cổ Quảng Trị. Thắng đưa hai em dưới quê lên giúp đỡ mình. Sau một thời gian ngắn, cô em gái trở nên bệnh hoạn, nghiện không khí bệnh viện, nghiện những cuốn sách rẻ tiền. Cậu em trai bị chết do đột nhập từ nhà Thắng sang nhà hàng xóm để xem bộ dàn compac như thế nào. Người em chết mang theo ẩn ức chưa nhìn thấy điều mình muốn tìm hiểu. Trước khi những điều này xẩy ra, ở quê Thắng, gia đình anh đã dỡ bỏ ngôi nhà gỗ cổ kính để xây lên hai tầng. Trong khi đào móng, thợ đã phạm phải Thái Tuế. Tiểu thuyết kết thúc bằng hai hình ảnh: Ở quê, mặt trăng đi thẳng vào bộ khung nhà mọt ruỗng và tỏa ra thứ ánh sáng khác lạ. Ở thành phố, vợ Thắng trong giây phút cuối cùng đã mơ lại đám cưới của mình, đám cưới diễn ra lộn xộn, im lặng, mọi người mê mải ăn uống, không ai để ý có một gã đàn ông đang cuốc tung đám cưới lên bằng chiếc cuốc người ta hay dùng để thổ mộ. Truyện nếu kể lại chỉ là thế. Xen giữa trục chính của truyện là nhiều câu chuyện khác có hoặc không liên quan đến tuyến chính, chúng được thể hiện bằng độc thoại, đối thoại, kể chuyện. Xâu chuỗi tất cả các câu chuyện này là hình ảnh một ông thiến lợn với tiếng rao khàn khàn ủ ê. Theo tác giả: “So với các cuốn khác của tôi, Người đi vắng là một sự rối loạn có chủ ý, sự rối loạn này lại chính do người đi vắng gây nên”.

Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đầy ám ảnh, tượng trưng. Đọc nó anh phải chuẩn bị tâm thế tự hỏi và tự đáp cái gì, vì sao. Đầu năm con Rồng này tôi lại được niềm vui: Nguyễn Bình Phương vừa đưa tặng một tác phẩm mới, cuốn tiểu thuyết thứ năm của anh, nhan đề Trí nhớ suy tàn với lời đề tặng không chút khiêm tốn giả tạo: “Cuốn sách mỏng viết về Hà thành dầy và tác phẩm lớn viết về thủ đô nhỏ”. Tôi là người ưa cái câu nói của ông Marquez: trong nghề văn, khiêm tốn là một đức tính thừa. Và tôi tin ở những người cầm bút trẻ và kỳ vọng ở “sự điên cuồng của những người dũng cảm”, như M. Gorki từng ngợi ca. Trong tác phẩm mới này của mình, Nguyễn Bình Phương nói về một Hà Nội “sôi động, khuất tất, một tổ mối ven sông với cơ cấu tổ chức hỗn loạn không mảy may tự do”. Nhân vật chính là một cô gái hai mươi sáu tuổi từ bỏ thành phố ra đi. Ngày trước hôm đi, trở trời, sương mù từ sông Hồng dâng vào đầy phố, bước chân lang thang đưa cô gái đến nhà người tình. Họ làm tình với nhau. Chia tay chàng trai nói: - Anh cứ hẹn trước, dù thế nào đi nữa thì đúng vào đêm một nghìn năm Thăng Long chúng mình sẽ tìm nhau để cùng nhau dạo chơi nhá. Cô gái sững lại: -Có diệu vợi quá không anh. Chàng trai lắc đầu: -Không. Và ba từ khép lại đoạn đối thoại này: “Thật xa xôi”. Cô gái ra ga một mình. Tàu chạy, “qua cửa sổ, Hà Thành như một giấc mộng càng lúc càng rời xa”.

Năm 2003 trong bài Văn trẻ Việt Nam hôm nay tôi lại đưa Phương làm dẫn chứng: “Trẻ của hôm nay khát khao được làm mới văn thơ. Ba mươi sáu tuổi đời, Nguyễn Bình Phương đã có sau lưng mình bốn tập thơ (Lam chướng, Khách của trần gian, Xa thân, Từ chết sang trời biếc), năm tập tiểu thuyết (Bả giời, Vào cõi, Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn). Anh vừa hoàn thành cuốn tiểu thuyết mới nhan đề Mộng. Số lượng đã đáng nói, nhưng cách viết của Phương còn đáng nói hơn. Anh chọn một lối đi riêng và lầm lũi đi theo lối đã chọn, không màng nổi danh, không chạy theo thời thượng văn chương, không nao núng trước sự im lặng đang có đối với tác phẩm của mình. Anh kiên trì thử nghiệm, làm mới, và tin vào sự thành công của việc mình làm. Thơ Phương chối bỏ lối luận lý, giãi bày, anh nhấn sâu vào vùng cảm liên tưởng, để những hình ảnh tự cho người đọc nắm bắt. Tiểu thuyết của Phương xáo trộn các hiện thực, đưa nhiều cái ảo vào, buộc người đọc phải theo mình vào một mê cung như cuộc đời. Tác phẩm của Nguyễn Bình Phương, vì thế, đang kén người đọc, đang mời gọi độc giả cùng tác giả đi vào một mỹ cảm mới. Tuy chưa rộng ra, nhưng ai đã đọc Phương đều thấy có cái khác, đều thấy có một hướng đi như vậy. Giới trẻ nhiều người thích văn Phương. Tôi nghĩ đó là một xu thế.”

Nguyễn Bình Phương là tác giả duy nhất cho đến nay được nhận hai giải thưởng hàng năm của Hội Nhà Văn Hà Nội trao tặng, một cho thơ và một cho văn. Cả hai giải thưởng này đều trong nhiệm kỳ tôi làm Chủ tịch Hội.

Năm 2015 Phương được giải cho cuốn tiểu thuyết Mình và họ. Trong báo cáo tổng kết giải, tôi viết: “Mình và họ là tác phẩm xuất sắc của nhà văn Nguyễn Bình Phương, nó vừa tiếp tục khai triển lối viết phức tạp đa tuyến đa chiều của anh, vừa đẩy nghệ thuật viết tiểu thuyết mang đặc hiệu của tác giả lên một mức độ cao. Cuốn tiểu thuyết viết về một vùng biên giới của hôm qua và hôm nay, nơi đã diễn ra một cuộc chiến tranh khốc liệt và đau thương, nơi đang diễn ra những giành giật đầy mưu mô và toan tính. Tác giả đã tái hiện lại cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 như một sự kiện lịch sử bi tráng thông qua ký ức một người lính. Nhưng không chỉ có vậy. Cuộc chiến đó được nhà văn đặt trong khung cảnh con người hôm nay đang tìm về và tìm đi, đang trong những chuyến xe lên và xe xuống, nhằm thông qua đó đi tìm câu trả lời cho câu hỏi Mình và Họ ai là ai.

Mình và Họ không chỉ là bên này bên kia biên giới mà còn trong mỗi con người, như một vấn đề triết học của Hiện hữu và Tha nhân. Tác phẩm này đan xen nhiều thế giới, nhiều nhân vật, song trùng cả quá khứ và hiện tại, thực và ảo, chiến tranh và hòa bình. Nguyễn Bình Phương bắt người đọc đi vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm với sức mạnh của một nhà văn có tài kết cấu và sử dụng ngôn ngữ. Mình và họ của Nguyễn Bình Phương, như vậy, là một tác phẩm buộc con người đối diện với vực sâu của đời sống và hố thẳm của chính mình trên những con đường quanh co của thực tại trong một thế giới của Mình và của Họ. Đây là một trong những tác phẩm văn học đáng đọc nhất hiện nay. Trao giải cho tác phẩm này, HNVHN đánh giá cao lao động sáng tạo của nhà văn, ghi nhận một thành tựu của văn xuôi đương đại nước nhà. Nguyễn Bình Phương là một nhà văn đầy nội lực. Đây là lần thứ hai anh nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội (lần thứ nhất với tập thơ Buổi câu hờ hững năm 2012). Điều này cho thấy sức sáng tạo của tác giả, cũng như sự xét chọn giải thưởng hàng năm của HNVHN là căn cứ vào chất lượng tác phẩm.”

Gần đây nhất (8/2021) tôi có bài đọc sách cuốn tiểu thuyết Một ví dụ xoàng của Phương nhận giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam 2021. “Thì đó là một ví dụ xoàng. Người chết đã chết, chuyện qua đã lâu, còn bới ra làm gì. Thường tình là thế. Nhưng nhà văn thì không thế. Nhà văn là người “chỉ giỏi thắc mắc” trước các chuyện đời chứ không phải là người đưa ra câu trả lời cho các vấn đề cuộc sống. Cho nên một con người chết đi oan uổng không thể là một ví dụ xoàng được. […] Vậy là Nguyễn Bình Phương viết tiểu thuyết từ một vụ án. Từ chứ không phải về. Từ vụ án anh viết về người bị án. Từ người bị án anh nói về một con người. […] Mà muốn biết tác giả viết thế nào thì bạn phải đọc sách để xem vụ án là thế đấy, nhưng nhà văn đã khai thác và viết ra sao. Nguyễn Bình Phương không viết truyện hình sự mà viết tiểu thuyết về thân phận con người. Bởi thế nếu đọc truyện cốt để biết truyện thì không cần đọc chỉ cần nghe kể thế là xong. Cái chính đọc văn chương là đọc cái viết của tác giả.”

Trên đây là những nhận xét chưa hệ thống của tôi về sáng tác của Nguyễn Bình Phương trong hơn hai chục năm qua, kể từ những sáng tác đầu của anh. Cho đến nay Nguyễn Bình Phương đã là một nhà văn bề thế ở số lượng và chất lượng các tác phẩm. Anh đã có thể trở thành đối tượng nghiên cứu của học thuật hàn lâm. Còn tôi, đọc lại những cái đã viết rải rác về Phương, thấy vui vì đã nhận ra ở Phương từ sớm một ý thức sống lặng lẽ và viết rối rắm. Rối rắm như một phương thức tự sự. Đó là ý thức làm một nhà văn, của một nhà văn – ý thức tìm con đường văn chương của mình. Theo tôi đó là một ưu điểm văn chương lớn của Nguyễn Bình Phương. Và tôi muốn tin Phương sẽ còn viết được một tác phẩm xuất sắc..

Nguồn Văn nghệ số 31/2022


Có thể bạn quan tâm