April 24, 2024, 2:22 pm

Tiếp nối những dòng thơ đấu tranh yêu nước của ngôi trường mang tên Nhà ái quốc Phan Châu Trinh

 

“Nhân sinh thất thập cổ lai hi”, người xưa quan niệm người sống đến tuổi bảy mươi xưa nay hiếm. Đời người sống qua 69 đã quý. Đời một ngôi trường trung học phổ thông mang tên nhà ái quốc cách mạng Phan Châu Trinh ở thành phố “ đầu sóng ngọn gió”, “ đầu biển cuối sông” Đà Nẵng cũng quý không kém cho nhiều thế hệ thầy, trò vang danh xứ Quảng.

70 năm Trường Trung học Phổ thông Phan Châu Trinh có bề dày truyền thống hiếu học, yêu nước, từng là “ ngòi nổ” của cuộc đấu tranh chống Mỹ và tay sai trong phong trào học sinh đô thị miền Nam, là chiếc nôi đào tạo ra nhiều lớp chiến sĩ cách mạng, các văn nghệ sĩ, trí thức, nhà báo, doanh nhân thành đạt có tên tuổi trong cả nước.

 

Một góc Ngày hội 70 năm ngày thành lập Trường THPT Phan Châu Trình

Thật là vui như trẩy hội, trong không khí hội trường 70 năm, theo chân cựu học sinh khóa 2002- 2005 dự Hội khóa 20 năm ký ức và kỷ niệm tại sân trường, chúng tôi chứng kiến những hình ảnh thiêng liêng, cảm động ân tình, khi hơn 30 lớp, hơn 700 cựu học sinh làm lễ tưởng nhớ các thầy cô và bạn bè đã mất; ủng hộ kinh phí cho nhà trường, cho hội cựu giáo chức và tặng quà cho 120 thầy cô, tặng học bổng cho 20 học sinh nghèo học xuất sắc của trường. Cựu học sinh Lê Nguyễn Minh Phương, dẫn chương trình là người Việt Nam đầu tiên trở thành công dân danh dự Thủ đô Seoul, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Đại học danh giá tốp đầu Hàn Quốc, Đại học Yon sei bộc bạch: “ Em rất tự hào được học, được góp một phần nhỏ cho trường mang tên chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, một trong tam kiệt xứ Quảng, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp. Các vị từ bỏ lối học thi cử từ chương, mở đầu cho tinh thần : khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Theo tinh thần “ Chi cho bằng học” ( chữ của Phan Châu Trinh) bao thế hệ của trường đã góp phần học lòng ái quốc, thương dân của bao chí sĩ yêu nước, đấu tranh đánh đuổi các thế lực xâm lược và tay sai trong kháng chiến và thực học, thực hành để làm rạng rỡ học sinh xứ Quảng. Em cũng tự hào trong những năm tháng trước năm 1975, ở trường Phan Châu Trinh có nhiều thầy trò làm thơ, làm báo, sáng tác nhạc, vẽ tranh áp phích xuống đường đấu tranh trực diện với kẻ thù làm nên trang sử hào hùng của thầy và trò tiên sinh Tây Hồ.”

Mang tâm sự này kể với nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Minh Hùng, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố Đà Nẵng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà Văn Đà Nẵng, thành viên Ban biên tập Đặc san Trường Trung học Phổ thông Phan Châu Trinh 70 năm  thành lập, ông kể hàng loạt các tên tuổi nổi tiếng là cựu giáo viên học sinh của trường như: các nhà sư phạm khả kính, năng động Trần Thông, Trần Đại Tăng, Lê Phú Lộc, Lê Phú Kỳ; các thầy giáo nhà thơ: Đông Trình, Trần Hoàng Trinh, Nguyễn Hoàng Thọ; các thầy giáo nhạc sĩ:  Trần Đình Quân, Tôn Thất Lan, Vĩnh Khôi; nhà điêu khắc Đỗ Toàn; các cựu học sinh nhà văn, nhà thơ Huỳnh Văn Hoa,  Nguyễn Nho Sa Mạc, Phạm Sỹ Sáu, Lê Đình Bích, Lê Minh Quốc, Đinh Thị Như Thúy, Nguyễn Hữu Hồng Minh; các cựu học sinh nhà báo: Nguyễn Công Khế, Đặng Ngọc Khoa, Nguyễn Hữu Hương, Trần Trung Sáng, Hồ Tâm, Trần Ngọc; các họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, La Thanh Hiền, Tôn Thất Bằng...

 

Sinh họat tại phòng truyền thống Trường THPT Phan Châu Trinh

Trong số những tên tuổi làm thơ kể trên, tôi đã đọc và mê dòng thơ yêu nước, xuống đường của nhà thơ Đông Trình vào những năm 70 của thế kỷ 20: Bạn bè ta những thằng nuôi chí lớn. Luyện văn chương thành một lưỡi gươm thần. Đứng với ngu phu làm người hảo hớn. Sống giữa đời hèn mà rất triết nhân. ( Hành ca cho một tương lai chưa hề rõ mặt). Sáng tác của thầy có tác động rất lớn đến lòng yêu nước gắn với cách mạng của các thế hệ học sinh đương thời. Qua bài Hạo khí ca, nhà thơ đã truyền dòng máu nóng hào khí cha ông: Trong không khí hàng ngày ta vẫn thở. Có bao giờ nghe máu chảy về tim? Trong bước chân người tiếp truyền lịch sử. Cổ nhân qua rồi mà hào khí còn nguyên”.

Là cựu học sinh Phan Châu Trinh, cựu sinh viên văn khoa Huế ở trong dòng chảy đấu tranh đô thị miền Nam, nhà thơ Nguyễn Hoàng Thọ với bài Đã thấy trong tim hồng lên dòng lịch sử là sự day dứt nỗi niềm cho mảnh đất, con người nông thôn: Cha mở đất làm mùa. Sấm giật gọi người đi. Nhớ chủ quanh năm “ hò tắc”, “hò rì”. Con trâu húc đầu vào cây đa cổ tích. Chiếc sừng gãy nửa vầng trăng. Lắt lay giữa đôi bờ hư ảo. Mẹ thay cha chống chèo giữa tháng ngày mưa bão. Thay trâu xẻ đất gieo trồng. Mẹ cấy mùa đông nỗi đau chồng hóa thạch. Mẹ cấy mùa thu. Heo may úa mầm áo rách. Mẹ cấy mùa xuân. Khoảng trắng lặng trên đồng. Chấp chới mùa hè. Tím mặt. Tôi lớn lên giữa cánh đồng mây chiều rách tươm bạc phếch. Nghe cây lúa trở mình. Trổ trắng hạt mồ côi”, Sống giữa thời ly loạn, trong cuộc chiến tranh phi lý, phi nghĩa của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, cựu học sinh, nhà thơ Nguyễn Nho Sa Mạc chán chường: Tôi gọi tên mình sa nước mt. Sống trên đời vừa đúng hai mươi năm. Máu sẽ khô xin tim này đừng rụng ( Sinh nhật), Ngỡ là đồng dao nghêu ngao, mà thơ anh lấy máu xương viết dòng sử chiến cuộc: Ta hát và ca giữa cuộc đời. Nhìn xương với máu chiến trường phơi. Những người đi trước về trong đất. Lịch sử đầy sao chiếu rạng ngời..

Thế hệ cựu học sinh sau nữa, đồng đội tôi - những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở chiến trường giúp bạn Campuchia viết tiếp hào khí mới qua Bài hành tráng sĩ mới của nhà thơ Phạm Sỹ Sáu: “ Tráng không bơi qua sông. Tráng sĩ đi bằng đường không. Tráng sĩ đi bằng xe khách. Tráng sĩ lên đường lòng hề mênh mông mênh mông. Không là Kinh Kha ngày xưa qua sông Dịch. Không là thở than của khúc “Tống biệt hành”. Tráng sĩ chừ qua song, qua sông. Sóng vỗ mạn phà hề sóng vỗ. Trận tiền chừ là nơi súng nổ. Cung kiếm chừ là khẩu AK. ..Tráng sĩ qua sông tráng sĩ làm cầu. Tráng sĩ xuống đồng bằng và vào rừng sâu. Tráng sĩ đi trong bài ca tình nguyện. Tráng sĩ lên đường hề không có vó câu”.

Cũng ở chiến trường “giúp bạn là tự giúp mình” ấy, bạn tôi, cựu học sinh nhà thơ chiến sĩ quân tình nguyện Lê Minh Quốc có thơ lấm láp chiến hào: “Chúng tôi đi và sống. Thanh xuân mỗi một thời. Những người lính hào phóng. Đạp mìn chân cụt rồi. Nhưng trên vai vẫn cõng.  Giọt lệ lẫn nụ cười. Cho tôi được sống lại. Ngày đầu tuổi hai mươi. Kỷ niệm tan trong máu. Nuôi dưỡng tôi thành người”. Và nhà thơ áo lính lạc quan: “Đã từng đi bốn mùa ngang dọc. Áo toạc vai vác súng lội qua rừng. Bên cạnh võng có lần nghe cỏ hát. Mường tượng về đôi mắt người thương”.

Theo tấm gương yêu nước rất trí tuệ, tâm huyết bằng thực học, thực hành của nhà thơ, nhà cách mạng tiền bối Phan Châu Trinh, tôi rất đồng tình với  ý kiến của nghiên cứu sinh tiến sĩ Lê Nguyễn Minh Phương: “ Chúng em ở Hàn Quốc nhưng lòng luôn hướng về Việt Nam, về trường, chúng em phải học hỏi cái hay của xứ người để đóng góp cho quê hương. Yêu nước của em là tự hào mình là người Việt Nam, phải học giỏi, nắm bắt kỹ thuật hiện đại, thành thạo kỹ năng cho bằng người, chống nghèo nàn, tụt hậu, phải vươn lên, vượt lên chính mình, sớm hòa nhập với người !”


Có thể bạn quan tâm