April 19, 2024, 10:02 am

Tiếp cận lại một giai đoạn văn học quan trọng của đất nước

(Về cuốn Tiểu thuyết Việt Nam thời kì 1965-1975 – Nhìn từ góc độ thể loại của PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh)

Chỉ 10 năm ngắn ngủi, nhưng từ 1965 đến 1975 là cả một giai đoạn quan trọng của văn học thời chiến nói riêng, của văn học Việt Nam nói chung. Đây là lúc xuất hiện hàng loạt những tiểu thuyết đạt đến độ tầm cỡ nhất, có cấu trúc hoàn kết nhất, làm nên sự trưởng thành và góp tạo vào quá trình hoàn thiện của thể loại này. Đồng thời, đây cũng là thời đoạn mang tính bản lề, khép lại mô hình sử thi đặc thù của hoàn cảnh lịch sử thời đại, chuẩn bị cho bước chuyển để đi tới mô hình phi sử thi của hoàn cảnh lịch sử mới. Lí giải được những đặc trưng văn học thời kì này sẽ giúp chúng ta nhận diện rõ hơn về sự chuyển đổi hệ hình tư duy nghệ thuật của văn học đất nước, đặt trong tính lịch sử và hệ thống của nó.Sự lựa chọn đối tượng và thời kì trong công trình Tiểu thuyết Việt Nam thời kì 1965-1975 – Nhìn từ góc độ thể loại của PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh đã cho thấy một sự thận trọng và quan tâm cần thiết đối với một giai đoạn đặc biệt và quan trọng của văn học nước nhà.

 

Độ lùi của lịch sử cũng như những bước tiến của lí thuyết tự sự trong tình hình nghiên cứu phê bình văn học đã giúp Nguyễn Đức Hạnh có điều kiện để tiến hành một cách tiếp cận khả thủ hơn về 10 năm văn học quan trọng này. Tránh được lối đánh giá mang nặng tính xã hội học, Nguyễn Đức Hạnh đặt tiểu thuyết 1965 - 1975 trở lại đúng tính loại hình của nó, tức nghiên cứu cấu trúc thể loại của tiểu thuyết thời kì này chứ không phải nghiên cứu nội dung tư tưởng của nó. Hướng thao tác này rõ ràng đem đến cơ hội cho những nhận định và nhận diện khách quan, hệ thống và thấu triệt hơn.Phân tích cấu trúc thể loại theo yêu cầu loại hình, tác giả khảo sát ba bình diện cơ bản là loại hình cảm hứng, loại hình nhân vật, loại hình kết cấu - xung đột. Hướng tiếp cận của công trình nhận diện không chỉkĩ thuật trần thuật của thể loại, mà còn phác họa cả cảnh huống lịch sử và truyền thống văn hóa bên trong nó.

Ở bình diện loại hình cảm hứng, công trình đánh giá loại hình cảm hứng sử thi như một phức hợp cảm hứng tư tưởng đóng vai trò chủ đạo. Từ cơ sở lịch sử, cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn đời sống văn học,tác giả chỉ ra sự quy định và chi phối của cảm hứng sử thi đến quan niệm nghệ thuật về con người, đến kết cấu, đến không gian - thời gian nghệ thuật, đến giọng điệu và ngôn ngữ của tiểu thuyết thời kì này. Đặc trưng này một lần nữa khẳng địnhcảm quan thời đại luôn luôn có sức phủ thực sự sâu rộng đến tâm thế sáng tạo của văn học nghệ thuật đương kì. Luận điểm này có thể coi là một khẳng định mới mẻ của tác giả, là điều mà các công trình nghiên cứu lí luận văn học trước đó chưa khẳng định.

Ở bình diện loại hình nhân vật, công trình đã chứng minh cấu trúc hình tượng nhân vật trong tiểu thuyết thời kì này đã tạo ra những điển hình văn học đặc thù của loại hình tiểu thuyết sử thi hiện đại. Đó là những điển hình văn học kiểu mới, có tính kế thừa nhưng nâng cao so với những điển hình văn học của chủ nghĩa hiện thực. Tác giả cũng khách quan chỉ ra hạn chế của hình tượng nhân vật ở đây khi nó nặng về tính quy phạm mà nhẹ về tính cá nhân. Đó là một hạn chế đặc thù mang tính lịch sử. Đáng chú ý, cách phân chia loại hình nhân vật của tiểu thuyết Việt Nam 1965 - 1975 của tác giả trong công trình này vào thời điểm ấy là mới mẻ. Khác với sự phân loại thường gặp của các nghiên cứu trước đó dựa trên tiêu chí vị trí vai trò trong tác phẩm (nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm) ý thức hệ (nhân vật chính diện, nhân vật phản diện), trong công trình này, tác giả tiến hành phân chia theo tiêu chí cấu trúc hình tượng nhân vật (nhân vật chức năng, nhân vật tư tưởng, nhân vật loại hình, nhân vật tính cách). Một điều thú vị là Nguyễn Đức Hạnh đã chỉ ra có sự kết hợp, giao thoa giữa các kiểu loại nhân vật ấy với nhau. Phát hiện này là một gợi mở cho thấy tiểu thuyết Việt Nam 1965 – 1975 còn nhiều vấn đề vẫn để ngỏ mời gọi và chờ đợi khám phá, nghiên cứu, luận giải.

Một đóng góp khoa học nữa cần khẳng định ở công trình này, đó là phần nghiên cứu về nghệ thuật xây dựng nhân vật của tiểu thuyết Việt Nam 1965 – 1975. Qua việc khảo sát công phu với một khối lượng tác phẩm đồ sộ lên đến hàng trăm tiểu thuyết, tác giả đã đi đến rút ra được những kết luận rất đáng chú ý: với nhân vật chính diện, các nhà văn đã xây dựng nhân vật theo nguyên tắc “thử thách”, nguyên tắc “tượng đài hóa”, nguyên tắc “quy phạm hóa”; với nhân vật phản diện, đó là nguyên tắc “biếm họa”. Việc định danh và lí giải các nguyên tắc nghệ thuật nói trên đã góp phần quan trọng và rất có ý nghĩa trong việc xác lập cơ sở khoa học để giúp lí thuyết văn học có thể soi rọi các tác phẩm một cách sáng tỏ hơn.

Ở bình diện loại hình kết cấu và xung đột, công trình chỉ ra, về cơ bản hầu hết các tiểu thuyết thời kì này đều tổ chức theo cấu trúc lịch sử - sự kiện, với ba thành tố chính: cấu trúc của hệ thống hình tượng nhân vật, cấu trúc của hệ thống sự kiện (tức cốt truyện), cấu trúc của văn bản nghệ thuật (tổ chức thời gian trần thuật và thời gian cốt truyện, tổ chức nhịp điệu trần thuật, tổ chức điểm nhìn trần thuật). Tương ứng với cách tổ chức theo cấu trúc lịch sử - sự kiện là loại hình xung đột mang tính sử thi, với xung đột chiến tranh và xung đột xã hội. Hai xung đột vừa cục bộ vừa phổ biến này gắn bó và tương tác với trường nhìn tác giả, với sự luân chuyển mà vẫn thống nhất trong quan điểm đánh giá - cảm thụ.

Qua những khảo sát và soi chiếu trên, tác giả đi đến một đề xuất đáng chú ý về khái niệm loại hình tiểu thuyết sử thi hiện đại: “một loại hình tiểu thuyết đã kết hợp tư duy tiểu thuyết hiện đại (kinh nghiệm cá nhân và hư cấu tự do) với tư duy nghệ thuật của sử thi cổ điển (kinh nghiệm cộng đồng và hư cấu có định hướng) nhằm thể hiện nội dung lịch sử dân tộc bằng các phương thức nghệ thuật tương hợp”. Cách hiểu này vừa giúp tác giả xác định được mô hình đặc thù với những thành tựu cũng như hạn chế của loại hình đặt trong hoàn cảnh lịch sử, vừa tránh được những cái nhìn cực đoan và chủ quan phiến diện về thời kì văn học đặc thù này.

Mỗi thời kì đều có thể tài văn học nổi trội với hệ hình tư duy nghệ thuật đặc thù của nó. Vấn đề không phải ở chỗ so sánh hơn kém, đánh giá yếu mạnh, mà cốt lõi vấn đề là cần lí giải để nhận diện nó trong tính hệ thống, quy luật.Những khảo sát của Nguyễn Đức Hạnh ở công trình này bám sáttuân thủ quan điểm và tinh thần nghiên cứu đó, và kết quả là nhữngtiếp cận khách quan trước một giai đoạn văn học dễ bị nhìn nhận phiến diện, văn học 1965 - 1975. Thậm chí, với những tình cảm yêu quý trân trọng với văn hóa - văn học - lịch sử dân tộc, tác giả còn đưa ra những nhận định mang tính dự báo: “Loại hình tiểu thuyết sử thi hiện đại Việt Nam 1965 - 1975 đã bị thay thế bằng loại hình thiểu thuyết phi sử thi xuất hiện sau 1986. Nhưng nếu lịch sử trong chu chuyển bất tận của nó lại có lúc xuất hiện những thời đại mang đặc điểm tương đồng với thời đại chiến tranh cách mạng vừa qua, chúng tôi nghĩ loại hình tiểu thuyết sử thi sẽ hồi sinh trở lại trong những dáng vẻ mới”. Nhận định đóđã một lần nữa thể hiện sự tâm huyếtđặc biệt của tác giả dành cho loại hình văn học mang tính đặc thù lịch sử này.

Công trình nghiên cứu Tiểu thuyết Việt Nam thời kì 1965-1975 – Nhìn từ góc độ thể loạiđược Nguyễn Đức Hạnh hoàn thành vào năm 2004, cho xuất bản vào năm 2008. Đặt cuốn sách này vào thời điểm đó, ít nhiều nó đã làm một công việc mang tính tổng kết một chặng đường văn học quan trọng và là đỉnh cao của loại hình tiểu thuyết sử thi Việt Nam. Sự đánh giá thành tựu và hạn chế, đóng góp và xu thế vận động của loại hình tiểu thuyết này được tác giả thực hiện dưới sự soi rọi của lí thuyết tự sự học, vì vậy các kết luận đều có cơ sở khoa học và có sức thuyết phục.Tâm sức cùng sự công phu của tác giả và những đóng góp khoa học của công trình là những điều thật đáng trân trọng.

Chỉ có điều, chưa thấy tác giả đặt ra vấn đề vai trò, giá trị và ý nghĩa của tiểu thuyết thời kì 1965 - 1975 đối với sự định hình diện mạo và sự đổi mới - phát triển mô hình của tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 nói riêng, văn xuôi Việt Nam hậu chiến nói chung.Nếu giải quyết vấn đề này, công trình sẽ còn mang thêm những giá trị quan thiết hơn nữa.Bởi lẽ, dù nói gì chăng nữa, mốc dấu 1975 hoàn toàn không mang nghĩa sự kết thúc của một giai đoạn văn học, mà hôm nay và ngày mai, văn học viết về chiến tranh với bao vấn đề ẩn mật khuất khúc cần khám phá sẽ vẫn tiếp tục là câu chuyện trọng yếu, tiếp tục đặt ra những vẫy gọi và thử thách của hành trình chưa hoàn kết.

           

 


Có thể bạn quan tâm