April 18, 2024, 9:57 am

Tiếng vọng thân phận con người

 

Tiếng nhà ấm áp vọng từ ngàn năm. Ấy là một trong những câu thơ của Ngô Kim Đỉnh (bài Đời người - Hạt nước) viết về quê hương mình - đất tổ Hùng Vương. Đối với Ngô Kim Đỉnh, thôn làng không nhìn theo hướng trực quan mà suy niệm về hiện tại, có liên hệ đến quá khứ ít nhiều. Như bài Nét quê: Từng năm tháng cau cao xanh lộng gió/ xỏa tán vươn ấm khói lam chiều/ cau duyên dáng gợi nét quê lam lũ/ giờ nằm đây khẽ động tong teo.

Cả đời ở quê làng, khi Tạm biệt những phố đường bàn cờ Hà Nội để trở về với rơm rạ đường dài, nhà thơ hối hả, rộn rã vui mừng: Thôi chia tay, chia tay, có vầng trăng níu biển cuồng gấp gáp/ có phía Nhà quê gọi ta ấm áp/ trập trùng sông - rừng núi đồi Việt Bắc/ những ngả đường rơm rạ khói bay… Bài Đời người - hạt nước có những câu, đoạn trong trẻo: Một dải sông đầy đầy mùa lũ/ băng băng mép nước trận bóng trẻ làng (…). Lại bữa cơm quê, tiếng va bát đũa/ tiếng nhà ấm áp vọng từ ngàn năm/ tiếng của mạch nguồn dòng sông Thầy - Mẹ/ dòng sông con trẻ nhận đầy phù sa/ Nào, người cùng ta chân trần trên cỏ/ dung dăng bờ bãi ngợp hương gió đồng. Trong trẻo, nhưng không nhiều, đấy thuộc về quá khứ.

Sinh trưởng tại vùng đất thiêng, nhưng Ngô Kim Đỉnh lại có ít bài viết về địa danh một cách tập trung, cụ thể. Có thể đó là cố ý, anh dành cho suy niệm khái quát. Bài kiểu như Làng Cổ Tích là hiếm hoi. Khổ đầu thật buồn: Tôi về làng sau bơ phờ biền biệt/ đã bao đời người thành đạt trở về làng?/ Làng chầm chậm mới trên miền đất Tổ/ Cổ tích xa xưa, cổ tích của mai này. Phải chăng cổ tích hôm nay là … không còn gì?

Như vậy, Ngô Kim Đỉnh không viết về bề ngoài mà viết về bên trong, phía sau làng quê, anh viết về làng quê hiện tại với nhiều suy ngẫm xót buồn và hy vọng. Thơ anh không nói về làng đồi quê hương đơn thuần mà nói đến tiếng vọng của làng đồi. Ấy là tiếng nói nghệ thuật ẩn ức, ám dụ của một làng quê, một vùng đất Tổ quốc mà nhà thơ như một đại diện.

Trên muôn nẻo đường đời trắc trở

Xét cho cùng, tiếng vọng làng đồi chính là tiếng vọng thân phận con người. Ngay từ bài thứ ba Nhớ núi nhớ người của tập thơ, đã có bốn lần nói đến nỗi niềm lạc lõng của cái tôi: Lạc lõng khi ta không biết làm giàu/ lơ ngơ lơ ngơ bỏ rơi nhiều thứ (…) Lạc lõng khi ta bỏ lơi áo Lính, đâu rồi một thời, thương khó một thời (…) Lạc lõng khi ta giữ mình giữa phố/ bao nhiêu nhăng nhố, chữ nghĩa giả vờ (…) Lạc lõng khi ta nhớ núi nhớ người/ tất bật dòng đời, vọng ngày trai trẻ… Đây là sự chệch choạc giữa con người với thời cuộc, hoàn cảnh. Cũng thế, ở bài Đôi khi... con người, tinh thần ám dụ về thân phận (thân phận nghịch cảnh - đối đầu giữa cái lương thiện và cái ác) được nâng lên mức cao hơn, dữ dằn và quyết liệt: Bạn bảo, mình sinh không hợp thời/ tôi lại thấy mình sống chẳng hợp thời/ Bạn bảo, đôi khi có người sống khổ hơn chết/ sự khốn đốn của con người làm kinh khiếp con người/ Cơm thừa canh cặn nhà người/ đem về nhâng nháo bữa tươi bếp mình// Tôi đã thấy trong đau khổ đọa đày/ con người hành hạ con người thật ghê gớm/ Bạn bảo đôi khi/ nếu thả thú hoang sống chung với người con thú sẽ chết trước/ Tôi lại nghĩ, sự giác ngộ trong thúc bách/ là khả năng sinh tồn kì diệu trên đời/ đến được với một số người/ bởi họ thèm sống và nhận ra “ánh sáng cuối đường hầm”/ Bạn bảo đôi khi.../ tôi lại nghĩ, ôi con người, lạy con người… Ngô Kim Đỉnh nói thay những người Đi chùa đầy tâm sự và nỗi ngang trái, bất công, phi lí: Đài Sen Phật có nắng mưa/ mà sao bùn đất mãi đùa phận dân/ Ngôi cao có lấm bụi trần/ để bao nhiêu kẻ hái dần cánh Sen… Đối với Ngô Kim Đỉnh, đời sống đã giải thiêng rồi. Hiện thực nghiệt ngã và tệ hại tiếp tục chồng lên tệ hại: Sinh trong kiếp người nhưng sống phận người đâu dễ/ lẫn muông thú, ma mãnh mang mặt nạ người (Những toa tàu cũ). Hoặc: nhân gian bất hạnh/ không chia đều no đói rủi may (…) kẻ lắm tiền nhiều khi cũng trắng tay/ kẻ học đòi rồi u mê mù quáng (Ánh sáng Khải huyền). Hoặc: Mỗi khi có người ăn đâu ở đâu/ là đồng loại vờn nhau như muông thú/ khi sông suối vỡ òa thác lũ/ phút thiên nhiên trút giận con người. (Những ngày đã sống). Tiếp nữa, trong bài Qua tuổi năm mươi, nhà thơ thấy con người luôn lừa dối/ công cuộc cạnh tranh con người đạp lên nhau. Trong cơn Cuồng phong (nhan đề bài thơ), lộ ra đói no quay quật tả tơi lá thuyền (…) Cuồng phong Nhân định thác ghềnh/ mấy ai gan góc lênh đênh kiếp người. Những câu, cụm câu thơ chối bỏ, đau buồn, căm giận như trên có ở nhiều nơi trong tập thơ. Có lúc tác giả gần như bất lực, buông tay trước cái xấu, cái ác. Nhưng không, cái đẹp, cái thiện vẫn là đích làm át đi cơn tuyệt vọng.

Niềm tin, ước mơ, hy vọng có trong tập thơ thật quý giá, nhưng tác giả tìm ra đầy chật vật. Trong bài Cầu nguyện giấc mơ, nhà thơ viết: Giấc mơ một đời làm Người thật khó/ trong lòng bão tố mặt ngời sắc hoa/ cứ tươi như hoa ứa dòng nhựa đắng/ (…) ta xin làm người đốt đèn biển vắng/ hải đăng đêm lạnh sáng một tầm nhìn/ Bao nhiêu đức tin dành về lửa ấm. Và đây, bài Những ngày đã sống: Cuộc sống xanh lên từ những niềm đau/ những sự khổ đau chìm trong thân xác/ Khi đóa hoa tỏa hương ngan ngát/ là lúc bên trong quặn thắt dần phai/ ta muốn gọi lên một tiếng Người ơi…

Thơ Ngô Kim Đỉnh đặt ra vấn đề con người, theo đó là nhân cách, thân phận. Cuộc đối mặt chát chúa diễn ra giữa người với người với tư cách chủ thể là đáng nói nhất, còn mối quan hệ giữa con người với hoàn cảnh (khách thể) chỉ là phụ. Hoàn cảnh của chủ thể có vai trò bồi đắp thêm ý nghĩa cho chủ thể trong hoàn cảnh. Cảm hứng sáng tạo của tác giả là suy niệm về con người - con người phổ quát và con người cụ thể nơi tác giả đang cư trú hoặc tiếp xúc.

Tứ thơ níu giữ người đọc

Một số bài thơ được thiết lập trên cơ sở tứ lạ và mới.

Sự liêm sỉ của con tằm đề cao một loài sâu (có đạo đức?) do người nuôi dưỡng chỉ chăm chăm nhả tơ, lao xao chuyện trò và xin lỗi lá dâu.

Những hình nộm đuổi chim, có thể chính là người thật, đang giơ một cánh tay vẫy ai đó đã lâu đợi gặp.

Với các tượng “Tam Đa” thoát thai từ gỗ vụn, tại phố nhỏ lầm lụi trong chen lấn lụp xụp nhếch nhác/ các ngài vẫn “nhập thế”/ bảnh bao và đứng đấy như không…

Những mắt chim đang nhìn vào mắt trẻ thơ. Lồng chim được choàng nhiều mảnh vải đẹp, rực rỡ sắc màu, được đưa đến chính những nơi rừng núi nghèo túng, nơi quê hương chúng, nơi trẻ em chân đất thiếu ăn, thiếu mặc, vẫn trong sáng ánh nhìn như mắt những con chim.

Vẻ đẹp hóa sành, đâu phải cái đẹp bị tử nạn. Hai câu kết hay, đủ nói lên tư tưởng nghệ thuật của bài thơ: Gốm chỉ khóc một lần khi nứt vỡ/ sự rạn vỡ rền vang vẻ đẹp hóa sành.

Thơ Ngô Kim Đỉnh không thuộc loại xuôi lành, êm phẳng, lộ phô mà trắc trở, lật xới, phản biện xã hội - con người một cách rốt ráo, nhằm vượt đến một thái độ, quan niệm sống, một tư tưởng nhất định. Thơ anh không khó hiểu nhưng có thể độc giả cũng không dễ hiểu trúng một cách triệt để thông điệp mà tác giả gửi gắm.

Nguồn Văn nghệ số 50/2020


Có thể bạn quan tâm