April 19, 2024, 8:06 pm

Tiếng ve trưa ở Vị Xuyên

Một buổi sáng sớm đầu tháng 5-2020. Mấy chiếc xe con xuất phát từ khu nhà nghỉ Hồ Tây ở Hà Nội vào lúc 5 giờ sáng, khi trời còn tối đen. Hôm nay, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, anh em quen gọi là ông Tư, đi Hà Giang dự lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đưa hài cốt các liệt sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng
Ảnh: Yên Ba

 

Đang giai đoạn dịch Covid-19 tạm lắng, tình trạng giãn cách xã hội ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chấm dứt, việc đi lại tương đối thoải mái, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ngay lập tức bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội rồi lên Vị Xuyên. Đây không biết đã lần thứ bao nhiêu, ông Tư lên Vị Xuyên, lên với anh em đã nằm lại ở nơi một thời từng là mặt trận khốc liệt ở miền phên dậu Tổ quốc. Sắp đến ngày giỗ trận Vị Xuyên 12-7 rồi. Như đã thành thông lệ, cứ vào dịp này, ông Tư lại lên Hà Giang, vừa để thực hiện một đợt công tác thiện nguyện nào đó, vừa thắp những nén nhang cho anh em ấm áp ngày giỗ trận.

Mấy chiếc xe trong đoàn chở nguyên Chủ tịch nước cứ mải miết ngược theo con đường men sông Lô hướng lên phía Bắc. Dọc đường, thi thoảng, những bông hoa đỏ chói lại hiện ra như những cọc tiêu dẫn đoàn xe ngược lên phía biên giới. Nơi ấy, nhiều năm trước đã diễn ra những trận đánh đẫm máu bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Nhiều chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trên vùng biên ải, nơi nhiều năm sau chiến tranh vẫn còn đầy rẫy những quả mìn chưa được tháo gỡ. Nhiều bà mẹ vẫn ngày đêm mong ngóng đón những mảnh xương thịt của con em về lại quê nhà.

Vượt 300 cây số đường, 9 giờ sáng, chiếc xe chở nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, cách thành phố Hà Giang chừng 17 cây số. Tại đây đã có đại diện Tỉnh ủy, đoàn đại biểu quốc hội, Ủy ban nhân dân, Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang cùng các cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên. Nhiều người trong số họ, mặt sạm đen khắc khổ, tóc đã bạc phơ, ngực đeo huân chương, có mặt tại đây để cùng ông Tư đưa những người đồng đội năm xưa về với đất mẹ.

Hôm nay, có bảy bộ hài cốt của các chiến sĩ hy sinh trong những trận đánh bảo vệ biên giới phía Bắc được quy tập về nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên. Đây là số hài cốt do các đội quy tập tìm được trong đợt tìm kiếm từ 20-4 đến 5-5-2020 tại địa bàn xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, giáp biên với Trung Quốc. Cả bảy bộ hài cốt đều không tìm được thông tin về tên tuổi, ngày sinh, quê quán nên được quy tập vào khu mộ Liệt sĩ chưa xác định được thông tin.

Xuống xe, sau khi chào Bí thư tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh, ông Tư đi thẳng vào gian thờ chính Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, nơi đã đặt bảy chiếc quách đựng bảy bộ hài cốt. Tại đây, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ quốc phòng, báo cáo với Nguyên Chủ tịch nước về quá trình tìm kiếm hài cốt của bảy chiến sĩ. Năm bộ hài cốt được tìm thấy trong một hố chôn chung, hai bộ còn lại riêng rẽ, tất cả đều không có thông tin cá nhân.

Mâm cỗ cúng được đưa ra, có sẵn thịt, xôi, nem, vài chai rượu. Ông Tư cầm đũa gắp từng miếng thịt, từng cái nem chia vào bảy cái đĩa nhỏ; vừa chia, ông vừa thì thầm như nói với những người con, người cháu: “Chia đều cho anh em, không thiên vị ai nhé! Nhớ đừng có uống (rượu) nhiều nhé!”. Rồi ông thành kính thắp hương, cúi đầu. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng dài dằng dặc với không biết bao chông gai hiểm nguy của mình, ông chưa bao giờ cúi đầu trước bất cứ một ai, bất cứ cái gì. Ông chỉ duy nhất cúi đầu trước anh linh của các liệt sĩ đã vị quốc vong thân. Trong gian điện thờ, khói hương bay lên nhè nhẹ…

Bảy bộ quách phủ cờ đỏ sao vàng được đưa ra trước sân điện thờ, xếp thành một hàng dọc, hai bên hai hàng chiến sĩ nghiêm trang làm tiêu binh. Ông Tư cùng Bí thư tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh đứng hai bên ở hàng đầu tiên. Theo một hiệu lệnh, đoàn người cùng cúi xuống, nâng 7 chiếc quách phủ cờ lên, tiến về khu tượng đài chính của nghĩa trang. Ông Tư vẫn đi đầu, tay nắm vào đòn khênh chiếc quách đầu tiên. Hôm nay ông sẽ cùng các đồng đội đưa anh em đến địa điểm cuối cùng.

Dưới cái nắng gắt tháng 5 đầu hè, đoàn người chầm chậm đi. Bất chợt, tiếng ve trong những vòm cây cao vút trong Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên rộ lên như một dàn đồng ca inh ỏi, nhức nhối, cùng đoàn người đưa các liệt sĩ về khu tượng đài. Năm xưa, nếu không có chiến tranh, hẳn là các anh đã có thể vui cùng cha mẹ anh em, xây dựng gia đình đầm ấm, sống trọn tuổi trời. Vậy mà giờ đây, sau bao năm nằm lại nơi rừng xanh núi thẳm, các anh mới quay trở về nằm bên đồng đội trong tiếng ve kêu ran…

Ở khu tượng đài, sau khi thắp hương và dự lễ truy điệu, một lần nữa ông Tư lại cùng đoàn người khiêng những chiếc quách đến địa điểm hạ quách. Khu hạ quách nằm ở một góc xa bên phải nghĩa trang Vị Xuyên nên đoàn người khiêng quách phải đi theo những bậc đá lên cao rồi xuyên qua những hàng mộ trong nghĩa trang. Dưới cái nắng trưa Vị Xuyên gay gắt, ông Tư vẫn đi ở hàng đầu, tay không rời đòn khênh. Một chiếc loa di động do một cựu chiến binh mang theo đặt ở bên lối đi trong nghĩa trang cất lên một bài hát nào đó trong tiếng nhạc trầm buồn, lời ca cứ láy đi láy lại, day dứt: “Đồng đội ơi, về đây!”

Ở một góc nghĩa trang Vị Xuyên nơi đặt quách, bảy ô gạch vuông vắn đào sâu xuống lòng đất đã sẵn sàng. Từng chiếc quách được nhẹ nhàng hạ xuống. Ông Tư, hai tay hai bó hoa vàng, chậm rãi rắc xuống từng nấm mộ. Vẫn tiếng loa từ xa vẳng lại: “Đồng đội ơi, về đây!”. Trong tiếng ve trưa, các anh về nằm ấm áp bên đồng đội, kết thúc trọn vẹn một vòng quay tử sinh.

Trong số rất nhiều người tiễn các anh về nơi an nghỉ cuối cùng hôm nay ở đất Vị Xuyên, có ông Tư, một cựu chiến binh chống Mỹ trên chiến trường Đức Hòa, Long An ngày xưa. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, đối mặt với bom đạn bời bời, ông Tư cũng đã không ít lần phải chia tay với những người đồng đội của mình. Nhưng sau bao nhiêu năm, những tưởng đất nước đã có hòa bình, ông sẽ không còn phải tham dự những buổi lễ như vậy nữa. Vậy mà…

 *

Đây không phải là lần đầu tiên ông Tư lên Vị Xuyên với anh em chiến sĩ, cả người đang sống lẫn người đã khuất. Còn nhớ ngày “giỗ trận” Vị Xuyên 12-7-2019, tròn 35 năm thời điểm diễn ra trận đánh bi hùng của Sư đoàn 356 ở mặt trận Vị Xuyên năm 1984, tôi cũng có dịp đi cùng ông Tư cũng lên viếng các liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên.

Ngày giỗ trận, con đường chính chạy qua huyện Vị Xuyên lên Hà Giang nườm nượp các cựu chiến binh đổ về đây theo để dự lễ. Trên những bộ quân phục cũ kỹ của người nào cũng lấp lánh các huân huy chương. Cùng hàng ngàn cựu chiến binh Vị Xuyên, ông Tư đội mưa viếng những liệt sĩ đã hy sinh nằm ở Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên. Đứng trước nấm mộ chung trong nghĩa trang Vị Xuyên, ông tháo chiếc kính bị nhòe không rõ là do mưa hay nước mắt, nghiêng người nghẹn ngào tiễn biệt vong linh những liệt sĩ đã bỏ mình vì nước theo làn khói hương mỏng mảnh bay lên.

Rồi ông đi thăm Đài hương tưởng niệm 468 ở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Ngày 12-7-1984, tại đây đã diễn ra những trận đánh vô cùng khốc liệt bảo vệ biên cương Tổ quốc. Gần 600 cán bộ chiến sĩ thuộc sư đoàn 356 đã hy sinh trong những trận đánh hôm ấy. Nhiều người trong số họ vẫn còn nằm lại rải rác đây đó ở những mỏm cao vây quanh đài hương tưởng niệm. Kể từ đó, ngày 12-7 hàng năm được coi là ngày giỗ trận của các chiến sĩ trên mặt trận Vị Xuyên.

Đài hương được xây trên điểm cao 468, núi rừng trùng điệp bao quanh. Từ đây nhìn lên những rặng núi lởm chờm cao vút như tường thành vây quanh, có thể hình dung ra những trận đánh năm xưa ác liệt đến nhường nào. Đứng trên Đài hương, ông Tư tỉ mỉ hỏi cán bộ địa phương về những địa danh khét tiếng xung quanh như “Đồi Thịt Băm”, “Lò Vôi Thế Kỷ” hay “Thung Lũng Gọi Hồn”. Ông thoáng đăm chiêu khi biết rằng trong những khe núi quanh Đài hương 468 vẫn còn rải rác nhiều bãi mìn khiến cho việc tìm kiếm, quy tập hài cốt của các liệt sĩ gặp vô vàn khó khăn. Dường như cố gắng của những người đang sống vẫn chưa bao giờ là đủ để đền đáp lại sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã đưa vồng ngực mình ra che chắn cho Tổ quốc trước những viên đạn phản trắc năm xưa.

Trong không khí linh thiêng, sau khi thắp hương ở khu tưởng niệm, ông Tư lên gác chuông, gióng tiếng chuông tưởng niệm anh linh những chiến sĩ đã bỏ mình vì nước trong những trận đánh ác liệt một thời. Trong không gian thoáng đãng, tiếng chuông lan dài trong thung lũng, vọng lại từ những vách núi đá bao quanh cứ ngân mãi, ngân mãi...

*

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nghe báo cáo về việc quy tập hài cốt liệt sĩ
Ảnh: Yên Ba

 

Nhiều người vẫn thắc mắc không hiểu vì sao ông Tư lại nặng lòng với Hà Giang đến vậy. Nếu so với các tỉnh khác mà ông Tư đã tham gia vào các hoạt động thiện nguyện thì có vẻ như Hà Giang được ưu ái hơn cả. Có năm, ông Tư lên Hà Giang tới năm sáu lần.

Lý do đầu tiên thì ai cũng rõ: Hà Giang là một trong những tỉnh nghèo nhất nước.

Nhiều năm sau chiến tranh, trên mảnh đất biên cương này còn tới 10.000 ha đất chưa được rà soát hết bom mìn, khiến cho quỹ đất để bà con tăng gia sản xuất vẫn bị hạn chế đáng kể. Địa hình đá núi chập chùng có thể mang lại dư vị thích thú cho những chuyến du lịch đến với vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, nhưng với công cuộc làm ăn, “trồng cây gì, nuôi con gì” là một câu hỏi lớn.

Tỉnh có một cửa khẩu quốc tế là Thanh Thủy giao thương với Trung Quốc nhưng nếu so với những cửa khẩu ở các tỉnh bạn như Lào Cai, Lạng Sơn hay Quảng Ninh thì mức độ xuất nhập khẩu hàng hóa và người qua lại kém xa. Lý do là cả hai vùng kinh tế của hai bên đều chưa phát triển.

Tất cả những những nhân tố đó khiến cho điều kiện kinh tế xã hội của Hà Giang gặp vô vàn khó khăn. Nhiều năm sau chiến tranh, số hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn Hà Giang vẫn ở mức cao…

Nhưng còn một lý do khác nữa khiến ông Tư luôn đau đáu về mảnh đất Hà Giang, nơi địa đầu của Tổ quốc: đây là vùng đất mà số chiến sĩ thương vong trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm xưa và cả những năm sau đó, nhiều nhất trong số các tỉnh biên giới. Trong suốt 10 năm kể từ 1979, đặc biệt ác liệt là trong 5 năm từ 1984 đến 1989, chỉ riêng ở mặt trận Hà Giang đã có hơn 4000 anh em đã nằm lại nơi trập trùng biên cương này. “Sống bám đá - chết hóa đá - hóa thành bất tử” là tinh thần của những người con đất nước bám trụ ở Hà Giang trong những năm tháng khói lửa chưa xa.

Nhiều người là thương binh, là cựu chiến binh vẫn ở lại bám trụ ở mảnh đất địa đầu của Tổ quốc sau khi chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế xã hội còn chưa phát triển nên gặp khó khăn trong đời sống.

Vốn có tình cảm đặc biệt với những người chiến sĩ nên nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát động một Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Thoạt đầu, mục tiêu của chương trình là vận động quyên góp kinh phí đủ để hỗ trợ xây 1000 căn nhà cho các đối tượng chính sách, cựu chiến binh trên địa bàn Hà Giang.

Nhưng với sự kêu gọi của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, số lượng các nhà hảo tâm, lượng tiền đóng góp cứ tăng dần lên và số nhà cũng nở rộng ra, hướng đến mục tiêu 3000 căn cho 3000 hộ vào tháng 9-2020. Đến tháng 5-2020, có 2.303 hộ gia đình triển khai xây dựng nhà ở dựa trên nguồn vốn kêu gọi của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong đó có 195 hộ gia đình chính sách người có công, 462 hộ cựu chiến binh nghèo... Rồi đến đầu năm 2021, chương trình này hoàn thành với số lượng nhà xây dựng cho các hộ nghèo, hộ khó khăn vượt mức kế hoạch.

Có đi theo ông Tư trong những chuyến đi khánh thành nhà cho các cựu chiến binh theo chương trình hỗ trợ nhà ở mới thấy tấm lòng của ông đối với cựu chiến binh và ngược lại, tình cảm của các cựu chiến binh đối với ông thắm thiết nhường nào. Nhiều người đứng trong ngôi nhà mới, khi gặp ông Tư không biết nói gì, chỉ đứng khóc, cán bộ địa phương “hướng dẫn” nói lời cảm ơn cách nào cũng không nói được.

Trước Tết Nguyên đán Canh Tý, ông Nguyễn Văn Bằng, cựu chiến binh ở thôn Ba Luồng, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, gặp cứ nắm lấy tay ông Tư lắp bắp: “Nhà năm nay ăn Tết vui rồi!”.

Ông Sầm Văn Dương, người dân tộc Dáy, cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên ở thôn Pắc Ngàn, xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, cứ ôm lấy ông Tư không nói nên lời. Còn ông Thào Chín Sèng, dân tộc H’Mông, cựu chiến binh ở thôn Khuổi Phạt, Vĩnh Hảo, Bắc Quang, khi ông Tư đến dự lễ khánh thành ngôi nhà của ông, nằng nặc đòi giữ ông Tư ở lại ăn cơm với gia đình vì “nhà của tôi cũng là nhà của bác!”…

*

Sau cả một buổi sáng đưa các liệt sĩ về nơi an nghỉ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc giaVị Xuyên, đến chiều muộn ngày 9-5-2020, ông Tư tiếp tục đến thăm Đội tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Ở đây, một lần nữa, ông lại bày tỏ sự băn khoăn khi nghe báo cáo về tiến độ tìm kiếm hài cốt của các chiến sĩ đã hy sinh trên chiến trường xưa. 45 năm đã qua đi, đến sắt thép cũng han rỉ và mủn ra, hòa chung với đất, huống hồ xương cốt của anh em. Trong 10.000 ha đất chưa được dọn sạch mìn ở Hà Giang, có 1700 ha vùng lõi, nơi anh em ngã xuống với mật độ dày đặc, nếu không nhanh lên sẽ không kịp nữa.

Trong buổi chiều muộn, ngồi dưới mái che gió lùa thông thống của Ban chỉ huy Đội tìm kiếm quy tập ở Thanh Thủy, ông Tư trầm giọng kể cho tất cả anh em trong Đội quy tập câu chuyện ông gặp trong một lần đi công tác biên giới phía Bắc. Khi ấy, ông Tư ghé qua nhà bà cụ người Tày đã ngoài 80 tuổi ở Bắc Kạn, có duy nhất một người con hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong câu chuyện, ông kể với bà cụ việc mình đang cố gắng thúc đẩy công việc tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang hoặc đưa về gia đình. Bà cụ nắm tay ông, nói: “Tôi tưởng các ông trung ương đã quên con tôi rồi chớ!”.

Câu nói của bà cụ khi ấy cứ như một vết cứa vào tâm can của ông Tư. Ông nói với anh em Đội tìm kiếm quy tập ngồi vây xung quanh: “Phải nhanh lên các đồng chí ạ. Để cho bà cụ ấy còn kịp đón con về!”.

Tất cả ngồi lặng đi khi nghe câu chuyện của ông Tư. Dường như trong ông chưa bao giờ nguôi ngoai lòng thương cảm với những chiến sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc. Chứng kiến nỗi lòng đau đáu ấy của ông Tư, có bao cựu chiến binh cùng bà con vùng biên ải Hà Giang. Và cả tiếng ve kêu ran một trưa nắng Vị Xuyên.

(Vị Xuyên, những ngày chuẩn bị giỗ trận - 2021)

Nguồn Văn nghệ số 27/2021


Có thể bạn quan tâm