March 29, 2024, 4:22 am

Tiếng mõ cầu trong gió

 

Tôi đứng lặng trước Bến Bạ. Bước dừng chân trên con đường tôi đi suốt bốn mươi năm. Đi hết thời sung sức tuổi trẻ. Đến nay mới trở về bến quê.

Nắng chiều vàng lấp lóa. Mặt sông không sóng mà lòng tôi lênh đênh, mơ hồ nghe tiếng vọng xa xăm… Hoài niệm soi tỏ bóng hoàng hôn hay hoàng hôn soi xoáy vào hoài niệm…?

Trong ký ức tôi, lúc bấy giờ vào mùa khô.

Đơn vị tôi vừa qua một trận đánh tả tơi. Số sống sót chạy về đơn vị. Cánh thương binh chúng tôi bị bầm giập, gom về ngôi chùa bên sông trú tạm. Cả bọn kẹt cứng ở đây. Trở vô mắc quân giải phóng. Trở ra mắc sông. Mấy chục lính bể đầu, xẻ tai, gãy giò... chỉ có một y sĩ bất đắc dĩ với túi thuốc dã chiến ít ỏi. Cứ bảo trang thiết bị vũ khí thuốc men của quân Việt Nam cộng hòa dư giả lắm. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, thiếu từ viên thuốc giảm đau chớ nói gì đến phương tiện chữa trị khác.

Lính tráng nằm ngổn ngang trong dãy nhà ngang ngôi chùa. Có thằng rên ư ử như mèo hen. Thằng la ó thảm thiết, chửi thề ầm ĩ, mặt mày hốc hác, tóc tai bù xù. Vậy mà luận bàn thế sự ra vẻ kẻ cả lắm:

“Mẹ kiếp, Mỹ đã thực hiện được Việt Nam hóa chiến tranh. Họ tiết kiệm xương máu Mỹ, xúi mình đánh nhau để họ rút lui có danh dự. Bọn mình hóa ra nồi da nấu thịt cho bữa tiệc thiên hạ”.

“Cái miền Nam tí xíu này mà đòi đại diện cho thế giới đương đầu với Việt cộng chớ bộ…”

“Hổng có Mỹ, hổng có chiến tranh. Bằng cách này hay cách khác, đáng lẽ đã có hòa bình sau năm 1956 rồi”.

“Nè, hầu hết bọn mình, đứa nào cũng có người nhà hay bè bạn ở phía bên kia. Ra trận, bắn vào máu mủ, thân thiết của mình…Thiệt kỳ cục!”

Từng giờ từng phút chúng tôi mong ngóng, ước ao có một phép màu bốc được cả đám về bệnh viện lớn thành phố.

Chiều hôm ấy, bỗng toán lính thám báo dẫn về một nam, một nữ quân giải phóng. Lính giải phóng nam khoác trên vai bao thực phẩm, thuốc men căng phồng. Nữ chiến sĩ giải phóng đeo túi thuốc bên mình. Lính thám báo cho hay: “Hai tên này đi lấy thuốc với thực phẩm về, bọn này tóm được”.

Trung úy chỉ huy chúng tôi khám xét một hồi, giọng điệu giễu nhại:           

“Quân giải phóng tiếp viện cho mình toàn hàng xịn...”.

Y sĩ trạm dã chiến mừng hú, hào hứng reo lên:

“Buồn ngủ vớ được chiếu manh nè!” Hắn ngắm nghía nữ chiến sĩ giải phóng, hỏi: “Là y tá phải hông? Tướng mạo nè là y tá có hạng rồi, ngon ha!”. Hắn nói với trung úy:

“Thuốc men đem phục vụ lính ta, đã đành... Cả cô y tá cũng... giao luôn nhiệm vụ cứu thương”.

Trung úy chỉ tay vào lính giải phóng nam, ra lệnh:

“Đưa tên này vô góc nhà, trói chặt lại. Còn cô này phục vụ thương binh theo lệnh của ta. Làm trái với chuyên môn ta xử luôn. Chuyên môn là chuyên môn... nghe chưa?”. Hắn quát lớn.

Nữ giải phóng vẫn bình thản. Cô đưa mắt nhìn người đồng đội của mình, đôi mắt đen láy, sáng lấp lóa. Ánh mắt linh lợi như biết nói ra những điều đang suy nghĩ.

“Làm được không?”- Trung úy dõng dạc hỏi.

Cô gái không nói gì, nhưng dáng vẻ cam phận, chỉ liếc nhanh người đồng đội, ý chừng tìm sự đồng điệu.

Trung úy kéo y sĩ và một số lính của mình bàn bạc riêng: “Chúng ta có cách giám sát”.

Y sĩ có vẻ tự tin và linh hoạt hẳn. Vừa có thêm thuốc, vừa có người giúp việc. Hắn dẫn cô đến bên một thương binh nằm kế bên tôi đang rên ư ử:

“Cô rửa vết thương cho người này. Anh ta mất nhiều máu. Vết thương khá nặng”.

Cô y tá làm theo lệnh của y sĩ. Tôi nhìn rõ đôi bàn tay cô mềm mại, uyển chuyển, rất thành thục. Từ cách kẹp cuộn bông vô cái panh đến việc đưa bông thấm từng vết máu... tất cả đều khéo léo, nhẹ nhàng.

Cô thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh. Hầu như mọi con mắt đều đổ dồn về phía cô.

Vẻ đẹp rắn rỏi trong bộ đồ quân giải phóng gọn gàng được thay bằng bộ đồ màu lam nhà chùa. Trông cô càng nền nã, dịu dàng. Sức xuân thì toát ra từ vóc dáng, cử chỉ.

Tiếng xì xào xung quanh cô:

“Việt cộng mà đẹp dữ vậy ta?”

“Cộng sản thế này đây à...?”

Cô lặng lẽ làm việc theo sự chỉ dẫn của y sĩ, coi như không nghe thấy gì. Mọi động tác chuyên môn của cô rất tự tin và điêu luyện. Anh chàng y sĩ ưng ý lắm. Sự khéo léo của cô làm dịu bớt đau đớn cho thương binh. Từ lúc cô giúp y sĩ, thương binh bớt la ó, bớt tục tằn. Họ tự chỉnh đốn lại mình.

Lúc chập tối, đến lượt Phú bạn tôi được rửa vết thương. Cậu ta có vẻ hài lòng lắm. Như người được gãi đúng chỗ ngứa, Phú rướn người lên, nói nhỏ: “Cảm ơn em! Anh bớt đau hẳn”. Ngưng một lát, Phú nói: “Em là Việt cộng thiệt à? Nhưng phải nói vì có Bắc cộng mà em chân yếu tay mềm thế này cũng phải vất vả quá. Tội quá, thương quá!”. Cô nhíu mày vẻ không hài lòng. Đôi mắt cô như muốn nói: “Công việc của tôi là vậy thôi...”

Cô làm việc với vẻ cẩn trọng, thành thạo, mềm mỏng. Mọi ứng xử rất tinh tế, gây được thiện cảm với mọi người.

Anh lính giải phóng bị trói ngồi thu lu ở bên cột chùa theo dõi từng cử chỉ của cô y tá. Vẻ mặt anh không hài lòng với việc cô đang làm hay đang chờ mong điều gì rất khó đoán.

Tôi bị nhẹ hơn. Nhưng cũng cứ nằm im thin thít. Mọi cử chỉ của cô, tôi không bỏ sót. Đôi mắt như biết nói của cô đáp lại cái nhìn của tôi bằng ánh mắt dịu dàng, thân thiện dần. Hình như có tín hiệu riêng.

Thằng Bản nằm trên cái võng mắc ở cột hàng ba. Nó bị rất nặng. Lúc mê lúc tỉnh. Nhưng từ lúc ban chiều, nó tỉnh táo hẳn. Thấy cô đi qua, nó ngoắc lại gần. Giọng nó chùng hẳn xuống, rất chân thành: “...Hầu như chúng tôi ai cũng có người ở phía bên kia. Đã có lần tôi giương súng lên định bắn. Thấy một người vận bộ đồ quân giải phóng đang bò. Tôi hạ súng xuống. Biết đâu lại là người thân của mình....”. Nó thở giấc. Giọng run run vẻ cầu khẩn: “Tôi cũng có em gái bằng chạc tuổi cô... Xin cho tôi được nắm tay em”. Nó ngập ngừng đưa tay ra. Cô y tá cũng xòe bàn tay y như lúc cô đưa thuốc cho nó. Nó nắm tay cô thân thiện: “Thế... thế... Được rồi. Anh cảm ơn! Như anh vừa nắm tay đứa em gái mình ở nhà... Chúng ta đều có một lựa chọn duy nhất: Tìm con đường tốt cho cả dân tộc...”. Tiếng nó nhỏ dần, rồi lịm đi.

Sáng ra, cả đám thương binh nặng, nhẹ chúng tôi lặng phắc nhìn về phía Bản, tiễn đưa nó. Tôi thấy cô y tá khẽ vuốt mắt cho Bản. Trong bộ đồ màu lam nhà chùa, cô đứng lặng bên Bản như người đang cầu xin sự siêu thoát cho một linh hồn…

*

Có thể nói, tôi đã phải đi trên một con đường suốt bốn mươi năm... Nay mới về đến bến quê.

Đưa cha con tôi về đây lần này là một cô gái trẻ.

Tôi gặp cô trong cuộc hội thảo ở thành phố San Jose, nước Mỹ. Từ lúc nhìn thấy cô trên hàng ghế khách tham dự, tôi đã ngờ ngợ. Giờ nghỉ, tôi đến bên chủ động làm quen:

“Hình như tôi đã gặp cô ở đâu?”. Tôi ngập ngừng hỏi. Rồi tự khẳng định. “Hẳn cô không phải sinh viên của tôi.”

“Thưa bác, cháu là nghiên cứu sinh Nguyễn Thùy An, từ Việt Nam sang, đang làm luận văn tốt nghiệp. Nghe bác nói tiếng Việt, cháu thấy bác phát âm một số từ đặc sệt miền Tây Nam bộ”. Cô chân thành nhận xét.

“Tôi là người quê công tử Bạc Liêu nè”. Tôi cười cười, xởi lởi công nhận.

Thế là hồ hởi, cởi mở chuyện trò thân mật như quen biết từ lâu. Tiếng cười nói của những người đồng hương nghe đồng thanh, đồng điệu kỳ lạ. Khi tôi nhắc đến cù lao quê mình, cô ngước cặp mắt đen láy nhìn tôi thân thiện. Ánh mắt như biết nói điều đang nghĩ. Giọng cô trong trẻo, đằm đượm vị ngọt của cây trái miền nắng ngọt xứ Cồn quê tôi. Mùi vị ấy đã thấm trong máu thịt mình, nhưng tôi vẫn day dứt tìm kiếm suốt bấy nay.

Lần sau Thùy An đến nhà tôi. Câu chuyện đã trở nên thân mật và gần gũi. Tôi nhận xét một cách thành thật:

“Bác đã đọc luận văn tốt nghiệp của cháu. Khá lắm! Tuổi trẻ các cháu sẽ bay cao, bay xa… Như con trai bác cũng vậy. Bác rất mừng. Người ta nói, con hơn cha là nhà có phước. Thế hệ sau hơn thế hệ trước là cả nước có phước…”. Nhìn cháu, bác nhớ đến một cô y tá thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam. Nói thiệt, cháu rất giống cô y tá đó.”

“Bác gặp cô y tá trong trường hợp nào?”. Cô ngập ngừng hỏi.

“Cô y tá tên Tâm, bị bắt đưa vô địa điểm tập kết thương binh đơn vị bác đang kẹt lại ở ngôi chùa ven sông...”. Tôi thoáng thấy Thùy An cố nén cái rùng mình, vai hơi rung lên, nói bâng quơ:

“Rồi người y tá ấy băng bó rửa vết thương cho các bác?”

“Mà cổ là Việt cộng chánh cống... mới ngộ chớ!”

“Bác có được cô y tá rửa vết thương không?”

“Bác bị nhẹ nhất, nhưng cũng được cổ rửa, băng bó một lần”

“Các bác hổng sợ cổ đầu độc sao?”

“Có sự giám sát chặt chẽ mà. Cổ còn một đồng đội bị bắt cùng. Bác xem cổ làm việc rất chuyên nghiệp. Đặc biệt là thể hiện lòng nhân ái và lương tâm nghề nghiệp rất rõ”.

“Rồi sau đó ra sao ha bác?”

“Bác bị nhẹ nhất, nên đêm ấy được phân trực thay mấy lính khác. Bác thực hiện kế đã dự định... Mười hai giờ khuya, bác dẫn cổ ra bến sông đi trốn. Thiệt tình đến lúc ấy chúng tôi đã đồng cảm với nhau rồi. Chắc chắn tín hiệu ấy phát ra từ phía tôi.”

Kể đến đây tôi như tắc nghẹn họng lại. Không sao mở được lời nào nữa. Mặc dù hình ảnh chia xa đêm đó in đậm trong ký ức tôi. Lúc đó chúng tôi dừng lại bên bờ sông. Tôi ghé sát vào tai Tâm nói nhỏ: “Chúng mình đi đâu bây giờ?”. Tâm nắm chặt tay tôi. Hơi thở gấp gáp: “Đi với em”. Tiếng “em” thoảng nhẹ trong gió… Người tôi nóng bừng, như có một luồng điện chạy dọc sống lưng. Tôi níu tay em đứng lặng một hồi… chạm nhẹ má mình vào má em. Thình thịch hưng phấn… Tôi ôm vai Tâm. Đôi mắt đen láy của em nhìn tôi lặng phắc như muốn nói: “Đừng vội anh…”. Tâm nắm tay tôi kéo nhẹ: “Đi với em”. Bỗng một loạt đạn AK nổ chói tai. Tôi hốt hoảng: “Quân giải phóng!”. Em lại kéo mạnh tay tôi: “Theo em!”. Tôi run bắn người lên, cố gỡ tay em ra: “Không được, quân giải phóng sẽ giết anh!”. Tôi giựt mạnh khỏi tay em. Chạy thục mạng…

Một lúc sau tôi mới kể tiếp với Thùy An một cách rời rạc:

“... Lúc đó bác hai mươi tuổi. Nói thế chắc cháu hiểu trái tim yêu gõ nhịp thế nào. Bác đã quên nhiều thứ, nhưng từ dáng hình đến ứng xử và cách làm việc của cổ không thể quên. Đặc biệt là tấm lòng nhân ái. Mấy ngày nằm nhìn, theo dõi cách cổ rửa vết thương, băng bó cho thương binh – những người trước đó và cả ngay lúc ấy là kẻ thù, là đối phương mình chống trả. Nhưng cổ làm việc với tấm lòng của người thầy thuốc. Không hề thấy biểu hiện của sự tắc trách, lấy lệ. Lòng nhân ái ấy ở đâu mà có?

Cũng may, ngay sáng hôm sau toán thương binh ấy được giải cứu. Tất cả thương binh được đưa về bệnh viện trong thành phố. Việc cô y tá mất tích coi như... bị Việt cộng giải cứu, chả ai nhắc đến nữa. Chỉ riêng bác cứ tự hỏi mình suốt bao năm nay, chưa có câu trả lời thỏa đáng... Và những ý nghĩ về sự yếu hèn của mình suốt một đời không nói ra được. Nói với ai ha cháu?”

Đến đây thì An bưng mặt khóc:

“Thưa bác... cháu cũng nghe má kể chuyện tương tự...”. Cô cố nén, nhưng tiếng khóc cứ bật ra, rấm rứt nghẹn ngào.

Tôi thảng thốt, bàng hoàng. Dù tôi đã linh cảm có sợi dây liên hệ nào đó. Nhưng chả lẽ cô y tá Tâm lại là mẹ Thùy An? Cuộc đời có những hạnh ngộ bất ngờ!

Tôi rót ly nước mát, đưa tận tay cô một cách ân cần, trìu mến:

“Uống đi cháu. Vậy đúng là mẹ cháu rồi! Nào ngờ… thật khó tin nổi”. An gật đầu thầm khẳng định, đưa tay quệt nước mắt… Tôi ngồi lặng đi. Bên tai vẳng lại câu nói: “Đi với em!”. “Theo em!”. Tiếng gọi trong gió thoảng ấy giục giã thành nỗi buồn thương níu tôi đến giờ khôn nguôi.

Vừa lúc đó, con trai tôi về. Tôi quay sang nói với An: “Đây là Đỗ Hoài Nam, con trai bác”. Hẳn thấy nét mặt Thùy An còn vương nét xúc động, hơi buồn, con trai tôi ngỡ ngàng, sững lại. Nét mặt nó thoáng băn khoăn, định đi lên lầu. Nó là đứa có tư duy rất nhanh nhạy. Một nhà khoa học tương lai. Tư duy luôn chính xác. Xử lý mọi tình huống rất hợp lý. Tôi gọi nó: “Nam à, đây là con cô y tá ngày xưa, ba đã kể. Cổ là người đồng hương với mình đó”. Nam hơi ngỡ ngàng quay lại, gật đầu chào An vẻ thân thiện như quen biết từ trước.

Khi tôi hỏi, bây giờ má cháu sống ra sao? Nét mặt An thoáng buồn, giọng chùng hẳn xuống:

“Thưa bác, má cháu hiện là sư thầy Thiện Tâm, trụ trì ở chùa Bến Bạ, cơ sở cấp thuốc Nam từ thiện. Chùa Bến Bạ này theo như lời má kể, là nơi đã từng tập kết thương binh Việt Nam cộng hòa ngày ấy.”

Tôi bật ngửa người ra ghế sofa, bất giác đưa tay lên ngực mình. “Cháu kể tiếp đi”.

“Thưa bác, chuyện xưa, nói đâu bỏ đó, cho qua... Sau chuyến trốn thoát ấy, má cháu tìm về đơn vị. Một thời gian sau tin y tá Tâm đã từng cứu chữa cho lính Việt Nam cộng hòa đến tai tổ chức. Bị nghi kỵ, không được giao việc. Sống trong buồn tủi, mất phương hướng... Má cháu bỏ về quê. Lâu sau má mới gặp một đồng đội cũ. Hai người thương yêu nhau. Má sanh cháu được ba tháng thì ba cháu bệnh nặng qua đời. Một mình má nuôi con. Hành nghề thuốc Nam tại quê. Khi cháu tốt nghiệp Đại học thì má vô ở hẳn trong chùa.”

Tôi ngồi lặng đi. Có cảm giác như chính mình gây ra bất hạnh cho Tâm. Bấy lâu nay tôi cứ nghĩ, mình là người bất hạnh, thua thiệt. Tôi từng nói với con trai, ba là người thua cuộc. Chiến tranh, thời cuộc, truyền thông nhiễu loạn đã tạo ra biên giới tình người. Nào ngờ, người con gái đầu tiên làm rung động, gây cảm giác được yêu cho tôi lại bị đứt gánh giữa đường. Sau lần đưa Tâm trốn thoát, tôi cũng có ý định liên lạc với cổ nhưng chần chừ, lo sợ quẩn quanh... “Cô ta ở phía bên kia”... Tiếp sau đó là những ngày Tháng Tư lịch sử. Ba má tôi hốt hoảng: “Cộng sản sẽ tàn sát hết. Phải tìm đường trốn khỏi nơi này”.

Tôi nhớ mãi lần chia xa sâu đậm với Tâm. Đó không phải là cảm giác giới đơn thuần, mà là tình yêu đích thực. Điều đó chỉ xảy ra một lần trong đời… Giá như nó đừng xảy ra… Để rồi mãi tiếc nuối! Giá như tôi can đảm hơn. Sự hèn nhát đã đánh mất tình yêu. Lúc đó không nghĩ, đi/ở cái nào làm đời sống tươi đẹp hơn? Nếu là quyết định tốt đẹp hơn, chắc bây giờ không còn day dứt thế này… Phải chăng đó là nguồn cơn dẫn đến cuộc sống gia đình không mấy êm ấm của tôi.

Con đường lênh đênh trên biển… Con đường gập ghềnh trên đất khách quê người… dài mãi ra.

Bao lo toan trong cuộc sống, công việc bộn bề kéo giãn mãi khoảng cách giữa nhiều mối quan hệ... Có cả sự mặc cảm. “Bao giờ trở lại ngày xưa?” Câu nói ấy với tôi là một ước muốn thực sự. Không phải là để sống lại với quá khứ mà là để hiểu nó đầy đủ hơn, tìm ra cách ứng xử sao cho phù hợp. Điều suy nghĩ này, tôi không hề nói ra với ai. Cũng định sẽ nói với thằng con trai khôn ngoan của mình: “Phải có một sự giác ngộ. Đại giác ngộ. Đại phẫu thuật hay bùng nổ gì đó… Thế hệ ba chưa làm được việc ấy”.

Cũng may, những tiến bộ, thành đạt của thằng con trai đã kéo tôi qua những suy nghĩ ngoài công việc và sinh hoạt hàng ngày. Ngăn nhớ xưa chỉ khi nào có dịp mới kéo ra nhâm nhi đôi chút. Phải nói sự thành đạt của con tôi thật đáng mừng. Nó là học sinh giỏi toán, được học bổng ở các trường danh giá từ trung học đến cao học. Việc say mê học tập và nghiên cứu của nó kéo theo sự hứng thú trong giảng dạy của tôi. Làm khoa học nên tư duy nó chính xác và sâu sắc. Khi nó đến tuổi “băm”, tôi băn khoăn một điều: Nó nghiên cứu những điều cao siêu. Nó luôn muốn tìm con đường đi riêng và tự khẳng định mình. Nhưng hình như nó chưa ngẫm nghĩ thấu đáo những điều gần gũi thiết thực trong con người nó; bản thân nó muốn gì, cần gì trên hết? Nó vùi đầu vào khoa học, nghiên cứu cái quan sát được một cách cụ thể, nhưng nhiều cái không nhìn được bằng mắt mà cao siêu, ý nghĩa hơn khoa học! Bản thân khoa học không chứa đựng giá trị đạo đức. Khoa học không gắn với tình yêu thương, với lòng nhân ái. Những suy nghĩ của tôi, cả những băn khoăn lo lắng về đời sống riêng tư của nó đã làm khoảng cách cha, con xa dần. Đã nhiều đêm tôi mất ngủ.

... Cuộc trò chuyện giữa Hoài Nam với Thùy An trong lần gặp sau có vẻ ăn ý. Sự đồng điệu của tuổi trẻ gợi ra những luận bàn sôi nổi. Tôi thoáng thấy gương mặt Nam con tôi có vẻ thay đổi, cử chỉ hơi lúng túng. Ánh mắt e ngại hay ngạc nhiên, rất khác với vẻ tự tin thường ngày. Chả lẽ anh chàng bắt được tín hiệu đặc biệt, bị sự đằm thắm của cô gái bắn trúng trái tim vốn yên ả lặng lẽ bấy nay?

*

Một thời gian sau, tôi nhận được thư điện tử con trai gởi từ Việt Nam.

Ba kính mến! 

            Sau một thời gian làm việc ở Hà Nội và Sài Gòn, con đã về Bến Bạ, quê Thùy An.

            Ba hết phải lo cho con cứ nghĩ những điều viển vông, triết lý cao siêu, nghiên cứu khoa học hiện đại... gỉ gi.

            Giờ con đang dành thời gian đáng kể, nghĩ việc cụ thể của đời sống.

            Khi con về đây, làm việc rồi có dịp gặp gỡ Thùy An và cô y tá xưa của ba, con đã phát minh ra điều sâu sắc nhất về lòng nhân ái - cốt lõi tình yêu của con người. Và tình yêu có phép màu kỳ lạ, ba à. Vẻ đẹp của lòng nhân ái sẽ át hết mọi vẻ đẹp khác!

            Những tưởng con đã hiểu nhiều điều, nhưng đây mới là điều con tâm đắc nhất: Lòng dũng cảm sẽ chiến thắng, sẽ có tình yêu và hạnh phúc. Con sẽ chọn nơi này để làm việc. Con phải có mặt ở đây.

            Ba con mình là người Mỹ gốc Việt. Giờ con là người có tâm hồn Việt như ba mong muốn.

            Chúng con sẽ đón ba về bên này một ngày gần đây.

            Con trai của ba.

Nam Hoai Do.”

Từ lâu, tôi đã có ý định gặp lại Tâm để nghe em nói một lời… Dù là trách cứ. Nhìn nhau một thoáng thôi. Vậy mà đến nay mới thực hiện được.

Thùy An đón cha con tôi từ ngoài Bến Bạ. Cô niềm nở: “Má con đang ở trong chùa”.

            Trước mặt tôi, tháp chùa cao sừng sững như cây viết ghi vào trời xanh những dòng ký ức. Mái ngói rêu phong đượm màu thời gian. Tôi mơ hồ nghe tiếng vọng xa xăm. Bước chân tôi từng chui lủi nơi này. Dấu chân nào đã điểm chỉ vào đất?

Khoảng sân rộng bên chùa phơi đầy các nong thuốc. Hàng cột hiên nối nhau thẳng tắp. Trong hàng ba, những chiếc bàn kê theo hàng lối. Từng vị trí ổn định vững chãi. Người nào việc nấy. Tất cả đều nề nếp, yên ả.

Chợt nhớ lại cảnh nhốn nháo của chúng tôi ngày nào trong ngôi chùa này…

            Đây rồi, chỗ này tôi nằm trên cái chõng tre… Chỗ kia, thằng Bản trút hơi thở cuối cùng bên cây cột hàng ba…

Giờ đây, phòng khám của sư Tâm ở dãy nhà ngang. Bà vừa khám xong cho một bệnh nhân. Vừa lúc chúng tôi bước vô. Bà quay ra nhìn, cử chỉ, thần thái như Phật Bà Quan Âm.

Ánh mắt bà dừng lại phía tôi. Đôi mắt nhuộm màu thời gian vẫn sáng long lanh. Ánh mắt ấy như muốn nói: “Anh đã về!” Nhưng miệng lại cất thành lời: “A di đà Phật!”. Tôi bủn rủn chân tay. Toàn thân như muốn khuỵu xuống. Thùy An và Hoài Nam dìu tôi ngồi vào ghế.

Mắt tôi nhòa đi. Bên tai vẳng tiếng mõ cầu kinh nhà Phật thoảng trong tiếng gió: “Nam mô... cứu khổ cứu nạn!...”

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2019


Có thể bạn quan tâm