April 26, 2024, 2:37 am

Tiếng lòng đối với người tri âm tri kỷ

12 truyện ký, bút ký, tản văn của Nguyễn Thành chúng tôi không khỏi bâng khuâng, trăn trở và ngẫm ngợi. Vẫn là ở đó, một Nguyễn Thành quyết liệt, đớn đau, chiêm nghiệm và từng chặng tiếp nhận, chứng kiến, nhìn lại thế thái nhân tình đang diễn ra hàng ngày xung quanh chúng ta. Với con mắt nhà thơ, Nguyễn Thành đã tỏ ra tinh tế, khơi dẫn và cảm thông không chỉ từng sự việc, con người cụ thể mà còn là những thao thức, trăn trở với những công cuộc rộng dài, những phản biện với tâm thế của người có lương tri.

Những bút ký, tản văn với Nguyễn Thành không chỉ là công cụ mà còn là tiếng lòng đối với người tri âm tri kỷ. Trong bài Người thủ quỹ của Chính phủ kháng chiến; Kỷ niệm về Bác Hồ ở ATK đều là những câu chuyện người thực việc thực song đã có sức khái quát lớn, ghi lại sâu sắc những đóng góp, cống hiến thiết thực của mỗi người với sự nghiệp cách mạng, với Đảng, với Bác Hồ. Những câu chuyện tưởng chừng rất bình dị mà thấm thía, nói lên những bài học lớn ở đạo làm người. Nguyễn Thành là như vậy. Thế mạnh của ông không phải ở chỗ cầu kỳ câu chữ hay li kỳ sự kiện mà là ở những sự thật tới tận cùng, ở sự cười ra nước mắt những câu chuyện đời thường. Có thể tìm thấy ở Nguyễn Thành trong tập Mộc Miên những sự thật đến buốt lòng, những quyết liệt đeo bám của ngòi bút một lực điền luôn hiểu thấu chân tơ kẽ tóc con người ở xung quanh mà không hề có ở đỏ sự hằn học, trách mắng hay cáu giận với những gì còn thiếu khuyết của xã hội, của con người.

Nguyễn Thành cũng là người luôn sớm nhập cuộc. Trong bút ký Cảm xúc Corona, đã thấy một Nguyễn Thành không chỉ biết trăn trở về những thân phận riêng tư mà đã biết nhìn nhận, lo lắng, đánh giá và phản biện những vấn đề lớn mà con người toàn cầu đang đối diện. Từ những thống kê mang tính số liệu tưởng như khô khan ấy đã chỉ ra đằng sau đó là biểu hiện căn tính của các tộc người. Đó là vấn đề lớn mà những người cầm bút có lương tâm luôn thẳng thắn xông vào vùng đất khó.

Các bút ký Sáu mươi năm một vận hội; Sức sống mới từ âm thanh cũ lại cho thấy một vẻ đẹp khác của sức bút Nguyễn Thành. Tác giả không chỉ khơi lên những luồng việc của quốc gia, dân tộc mà còn lý giải thấu đáo ngọn nguồn sức mạnh chính là từ sức vóc của nhân dân. Trách nhiệm công dân trong ngòi bút Nguyễn Thành vừa căn cơ vừa uyển chuyển đã khẳng định những đóng góp của người cầm bút, của các nhà văn tuy không là vật chất cụ thể nhưng lợi ích mà nó mang lại cũng không hề nhỏ.

Nguyễn Thành có tài nắm bắt và viết về những gì mình thuộc xung quanh khá mềm mại, tinh tế. Đó là các bút ký Mộc Miên; Chuyện một anh hùng hụt; Thăm đồng chiều cuối năm… đã thể hiện những tình cảm về nhân vật lịch sử, nhân vật văn học, bè bạn văn chương và nhất là thế hệ đi trước ông đã có những đóng góp lớn lao mà vì những vấn đề khác nhau ta dường như đã lãng quên. Chạm vào những góc khuất này, ngòi bút Nguyễn Thành khá thăng hoa nhưng anh vẫn đủ bình tĩnh để đưa ra những sự thực đã từng chìm khuất. Ngòi bút của nhà văn khi đó đã có thoáng sững sờ, phân vân và rồi lập tức đồng cảm với những trớ trêu, thua thiệt ở đời. Văn chương có ích phải chăng cũng là như thế.

Ở một tập sách khá đa dạng đề tài như Mộc Miên, thật khó khăn nếu phải gói gọn trong một bài viết ngắn, nhưng nếu phải nói thật ngắn gọn, tôi xin phép chỉ dùng một chữ “đầy”. Đó là nguồn tư liệu, cảm xúc đầy đặn. Đó là đầy khó khăn đã được vượt thoát trong những vấn đề nhói buốt khi đề cập đến. Đó là đầy nghĩa tình sâu nặng, thảo thơm, đùm đậu. Đó là đầy dũng khí khi cầm bút. Đó là đầy cảm thông với mỗi phận người…

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm