April 20, 2024, 1:40 pm

TIẾNG LOA PHÒNG DỊCH TRÊN BIÊN GIỚI

Giữa mênh mông núi rừng biên ải, chúng tôi bất chợt vẳng nghe giọng đọc phổ biến các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid19 và tác hại của việc xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới bằng tiếng Việt còn chưa sõi vang vang trên những đảo mây của đỉnh Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Nhiều năm nay, các chương trình truyền thanh bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc bản địa đã luôn vang lên từ các cụm loa truyền thanh Biên phòng tại 44 tỉnh, thành biên giới nhằm giúp nhân hiểu biết hơn về các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Và các chiến sĩ Biên phòng cùng cán bộ văn hóa xã chính là những “nhà báo” vùng biên, kiêm nhiệm công việc biên tập, biên dịch và cả phát thanh viên.

 Khi đại dịch bùng phát, tiếng loa ấy lại càng trở nên thân thương hơn bao giờ hết với những bản tin về phòng, chống dịch bệnh với những cách làm rất “cây đồn lá bản”. Chúng tôi vội vàng hạ sơn, nương theo tiếng loa truyền thanh có giọng đọc mộc mạc để trôi theo dòng sắc màu tươi tắn của phiên chợ treo lơ lửng giữa mây xanh biên ải. Theo thông lệ trước đây, chợ Dào San chỉ mở vào ngày “những con có sừng” trong 12 con giáp là ngày sửu và ngày mùi nên còn được gọi là “chợ sừng”. Với cách tính này, thì cứ 6 ngày chợ sẽ họp một lần. Về sau, để tiện cho việc quản lý cũng như thông thương hàng hóa, chợ được quy hoạch lại và định ngày họp chợ vào Chủ nhật hằng tuần. Chính vì thế, cứ sáng sớm Chủ nhật, các “nhà báo” của đồn, của xã lại công kênh thiết bị nghiệp vụ cùng xuống chợ để “làm báo” trong 60 phút. Và cũng vào giờ này, ngày này, các “nhà báo” Biên phòng ở 10 cụm loa truyền thanh các xã biên giới khác của Lai Châu cũng sẵn sàng lên sóng với các thứ tiếng: Việt, Thái, Mông, Dao, Hà Nhì, La Hủ, Mảng...

 

Trong một căn nhà nhỏ giữa chợ, là “đại bản doanh” của Đài truyền thanh Dào San với trang thiết bị “làm báo” nhỏ gọn gồm một cặp tăng âm, đầu đĩa và 4 chiếc mic. Đây có thể coi là cụm loa truyền thanh Biên phòng có tuổi đời lâu nhất trên toàn tuyến biên giới vì đã miệt mài hoạt động hơn 10 năm có lẻ. Những tin tức cập nhật về chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, những phương pháp chăm sóc sức khỏe, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi... qua giọng đọc của những người lính Biên phòng và cán bộ văn hóa xã Dào San đã được tuyên tuyền tới những người dân nơi đây một cách hết sức hiệu quả.

Anh Mà A Lủ, phát thanh viên của Đài truyền thanh xã Dào San cho biết: “Chúng tôi bố trí 15 phút là bài hát ca ngợi quê hương, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, sau đó tuyên truyền về tác hại của dịch bệnh và cách phòng tránh đồng thời động viên bà con tham gia ngăn chặn, tố giác các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép để bảo vệ bản làng trước dịch bệnh. Những ngày đầu còn chưa hiểu, sau bà con ý thức rất tốt, mỗi lần đến chợ đều mang khẩu trang và tuyệt đối không vượt biên sang nước bạn làm thuê”. 

Ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, Trung tá Trịnh Văn Kiên, Chính trị viên đồn Biên phòng Bát Mọt có thêm hai chức danh mới là “ông mõ bản” và “phát thanh viên bất đắc dĩ”. Phòng bá âm của “đài phát thanh chỉ mình tôi” được đặt trong một hốc đá nhỏ trong sườn vách núi đá dựng đứng, công cụ “chuyên ngành” chính là chiếc điện thoại đã cũ được cài đặt phần mềm thu âm tiêu chuẩn. Các tài liệu, công văn được Trung tá Kiên sắp xếp, chỉnh sửa rồi tự thu âm giọng đọc của mình, chuyển sang USB để phát qua những chiếc loa di động của đồn do 6 đồng chí chở trên xe máy, vượt đèo dốc, suối khe mà đến với người dân.

 Cái sự vất vả này không phải là không rành công nghệ hay thiếu bài của phát thanh viên chuyên nghiệp, mà bởi các xóm bản ở Bát Mọt rất xa xôi, nhà nọ cách nhà kia hàng trăm mét nên hình thức tuyên truyền bằng loa lưu động là hiệu quả nhất. Mà lại nghe giọng của bộ đội quen quen, bộ đội nói tiếng Mông theo ngữ điệu của dân bản địa nên nhân dân rất thích vì hiểu được loa nói gì. “Để bản tin tuyên truyền tới người dân vừa đúng, vừa chuẩn, vừa thời sự, đêm nào anh cũng phải chờ cho các chiến sĩ ở đồn đi ngủ, một mình anh đóng kín cửa phòng đọc thu âm những bài tuyên truyền cho ngày hôm sau. Nhưng ở trong đồn không thể tránh được tạp âm trong lúc thu, cộng với việc đọc chưa quen, thường xuyên vấp, lỗi… phải đọc lại từ đầu, có nhiều lần làm đến tang tảng sáng mới hoàn thành” - Trung tá Kiên chia sẻ.

Rồi để giữ giấc ngủ cho đồng đội, người “ông mõ bản” lại ra khu hầm hào, công sự để đọc, nhưng xung quanh lại kèm thêm tiếng dế, tiếng côn trùng rỉ rả. Và anh bất ngờ phát hiện ra vách đá trên sườn núi là một địa điểm lý tưởng, thu âm ở đây vừa tránh được tạp âm, giọng đọc lại vang vọng, khi phát qua loa rất truyền cảm. Những bản tin phòng chống dịch bệnh ở Bát Mọt dài 15 phút đã được sản xuất theo quy trình “độc lạ” như thế suốt gần 2 năm qua. Nghĩa là gần 600 ngày bất kể nắng mưa, đội tuyên truyền của đồn biên phòng Bát Mọt đã rong ruổi khắp nẻo biên cương miền Tây Thanh Hóa, để tiếng loa phòng dịch vang xa.

Trên tuyến biên giới của tỉnh Đăk Nông, với tinh thần "đi từng ngõ, gõ từng nhà, ra tận rẫy", BĐBP tỉnh phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền cho người dân để xây dựng “mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch”. Lịch phát thanh của cụm loa là ngày 2 buổi, từ 5 giờ đến 6 giờ 30 phút và từ 17 giờ đến 8 giờ, vừa tiếp phát chương trình của đài tỉnh, đài huyện, vừa thông tin chung về các vấn đề của xã, trong đó chú trọng những bản tin phòng chống dịch được phát cùng với những chương trình tuyên truyền, phổ biến Luật Biên giới quốc gia và các quy định bảo vệ đường biên, cột mốc để bà con nắm và thực hiện. Và cũng như các cụm loa truyền thanh Biên phòng khác, biên tập kiêm phát thanh viên ở tuyên biên giới này cũng chính là những “nhà báo không chuyên” áo lính.

Bà con người M’nông ở xã Thuận An bảo, các chú Biên phòng nhanh thật, vừa thấy chú đi tuần tra ngang qua ruộng nhà mình, nhoáng cái đã nghe tiếng chú trên loa truyền thanh. Cánh lính nhà ta thì cười vụng, bởi bản tin về dịch bệnh với biến thể mới họ đã thu âm từ đêm hôm trước để phát đi phát lại nhiều lần. Cho nên, dù “phát thanh viên” bận tuần tra thì “kỹ thuật viên” vẫn ung dung ngồi nhà điều hành đài phát thanh đúng giờ. Theo Thiếu tá Doãn Văn Tiến, Chính trị viên Đồn biên phòng Cửa khẩu Thuận An, nội dung tuyên truyền được biên dịch, thu âm bằng tiếng dân tộc thiểu số. Mỗi ngày, đơn vị tuyên truyền khoảng hai giờ (sáng từ 5 giờ 45 phút đến khoảng 6 giờ 45 phút; chiều từ 17 giờ 15 phút đến 18 giờ 15 phút) ở các thôn, làng. Tại các khu vực trung tâm, cán bộ phụ trách sẽ chạy xe chậm và phát nhiều lần các nội dung tuyên truyền để người dân nghe, hiểu và tự giác chấp hành.

Với đặc thù là hình thức truyền tin nhanh, kịp thời, gần gũi với người dân ở cơ sở và có khả năng tác động tới nhiều đối tượng trong cùng một thời gian mà không cần tập trung đông người nên mô hình “Tiếng loa Biên phòng” khá đơn giản và tiết kiệm, song lại phát huy tối đa hiệu quả đối với nơi có địa bàn rộng, đường đi lại khó khăn, hệ thống loa truyền thanh xã, phường không đáp ứng được nhu cầu. Vậy là những người lính biên phòng Đăk Nông lại có thêm nhiệm vụ tuyên truyền lưu động bằng những chiếc loa thùng, hay còn được gọi là loa kẹo kéo được cấp. Chỉ với một chiếc loa gọn nhẹ, chiếc USB có sẵn các nội dung tuyên truyền và xe mô tô 2 bánh là đã có thể đi đến được mọi ngõ xóm, ruộng rẫy để truyền đạt những thông tin cơ bản nhất về phòng, chống dịch.

Trên những cánh đồng cò bay thẳng cánh biên giới Tây Nam, cũng có ngày ngày vang lên tiếng loa bằng tiếng Việt và tiếng Khmer của các cụm loa biên phòng được đặt tại các Đồn Biên phòng Bình Hòa Tây, Đồn Biên phòng Long Khốt và Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây thuộc BĐBP tỉnh Long An. Những chiến sĩ trẻ của các đơn vị và đoàn thanh niên xã, cán bộ văn hóa xã đã nối dài những cánh sóng phát thanh, truyền thanh, mang thông tin đến với đồng bào Việt Nam và Campuchia hai bên biên giới theo một cách hết sức đáng yêu và hiệu quả.

 

Ông Chay Khót, ở ấp Ba Thu, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An chia sẻ: "Ở thành phố, loa kẹo kéo là nỗi ám ảnh vì ô nhiễm âm thanh, nhưng xứ đồng rừng như chúng tôi, tiếng loa quý lắm. Gia đình có ruộng rẫy sát đường biên giới, cả nhà thường xuyên ở lại đây để chăm sóc, bảo vệ nên nhờ tiếng loa biên phòng mà biết được nhiều thông tin hữu ích. Khi phát hiện trường hợp nào lạ trên địa bàn tôi nhanh chóng báo ngay cho các chú biên phòng và cán bộ xã để có biện pháp xử lý. Trong đợt dịch Covid-19, thấy ai có ý định vượt biên sang bên Campuchia hái măng, săn bắn trái phép tôi đều nhắc nhở, ngăn cản".

Có một điều đang lưu tâm là, không phải ngẫu nhiên khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mô hình “Tiếng loa Biên phòng” ở biển giới Tây Nam mới trở nên hữu hiệu và đáng yêu đến thế. Tiếng loa gắn bó với bà con hàng chục năm nay nhờ sự cần mẫn, kiên trì của người lính và người cán bộ văn hóa cơ sở, trở thành phương tiện truyền thông chính thống, tin cậy được người dân tin tưởng và làm theo. Thuật ngữ vui “tuyên truyền qua loa” được nhắc nhiều trong câu chuyện của người vùng biên với nhiều sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền. Đôi khi, sự sáng tạo, linh hoạt để tìm ra biện pháp tuyên truyền hiệu quả ấy của họ còn vượt qua sự tưởng tượng của chúng tôi.

Cứ lặng lẽ với những phòng làm việc đơn sơ, với trang bị giản tiện, giá thành hợp lý, những cụm loa truyền thanh Biên phòng, những tiếng loa tuyên truyền lưu động và những “nhà báo” vùng biên chưa từng được hưởng nhuận bút hay phụ cấp thường xuyên từ công việc của mình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Theo thời gian, những người lính đến rồi đi theo quy định luân chuyển cán bộ của lực lượng, phát thanh viên tiếng dân tộc bản địa từ những thiếu nữ trẻ trung, xinh đẹp giờ đã thành thiếu phụ và đội ngũ cán bộ cơ sở cũng sắp thành già bản. Vậy nhưng, 117 cụm loa biên phòng trên các tuyến biên giới, biển đảo chưa ngày nào ngừng phát sóng. Còn gần 1000 chiếc loa lưu động vẫn theo người lính ra rẫy, lên nương và vào từng xóm ấp, thôm bản

Tiếng loa biên phòng giờ đây có thêm tên gọi mới là tiếng loa phòng dịch, tiếng loa “quân hàm xanh”… Nhưng dù tên gọi là gì chăng nữa, thì mô hình độc đáo này đã góp phần thực hiện thắng lợi "nhiệm vụ kép", là vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, vừa phòng, chống có hiệu quả dịch covid-19, hỗ trợ người dân nâng cao ý thức phát triển kinh tế gia đình, cải thiện mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào, tăng cường đoàn kết các dân tộc và tạo nội lực cho các thôn bản, buôn làng, phum sóc cùng vươn lên vì một biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ


Có thể bạn quan tâm