March 29, 2024, 4:02 pm

Tiếng kêu giữa miền bão chết

 

Như dự báo, bão số 10  có sức gió cấp 10 đến cấp 11, vùng tâm bão cấp 12-13 giật cấp 15 có thời gian đổ bộ dài nhất, có mức độ rủi ro cấp 4 (cấp rủi ro cao nhất trong nhiều năm nay) sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Tĩnh, Quảng Bình. Nên Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn Hà Tĩnh đã chủ động kêu gọi 6.102 phương tiện tàu thuyền/ 17.676 lao động tham gia đánh bắt ngoài khơi về trú ẩn an toàn; tổ chức di dời, sơ tán 28.827 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ gió giật mạnh, triều cường và lũ quyét; huy động các tổ chức, cá nhân chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây xanh… và ít nhất mỗi hộ gia đình cũng đều ý thức được việc chủ động lương thực, thực phẩm, thuốc men… đảm bảo sinh hoạt trong những ngày bão lũ xảy ra. Vậy nhưng, mọi so sánh cũng hoàn khập khiễng so với những gì mà hậu quả của cơn bão đã để lại.

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát và động viên người dân bị ảnh hưởng của báo số 10 tại thị xã Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh

Ngay từ sáng sớm ngày 15 tháng 9, trời bắt đầu đổ mưa như trút trên diện rộng, mực nước tại các sông ngòi và các đập thủy lợi, thủy điện lên rất nhanh. Mưa mỗi lúc một to, gió mỗi lúc một lớn. Dĩ nhiên là không ai dám chủ quan, nhưng với máu nghề nghiệp tới khoảng 8h30khi xe của chúng tôi từ thành phố Hà Tĩnh vượt qua đất Cẩm Xuyên, vừa chạm tới địa phận huyện Kỳ Anh thì đất trời nơi đây bỗng lặng ngắt như tờ.  Thay vào đó, là những ráng mỡ gà vạch lên giữa bầu trời với những đường cong tuyệt đẹp như tranh lụa. Linh tính mách bảo chúng tôi rằng, vậy là bão bắt đầu đổ bộ vào huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh rồi.

Trước tình hình đó, tôi vội lấy điện thoại di động gọi cho nhà thơ Nguyễn Minh Đức ở Cảng vụ Hà Tĩnh tại Vũng Áng báo tin, đoàn trên đường vào thị xã Kỳ Anh đón bão để tác nghiệp, nhằm đề phòng những bất trắc có thể xảy ra còn nhờ được trợ giúp của bạn bè. Đầu máy bên kia, nhà thơ Nguyễn Minh Đức rất vui trả lời, mời đoàn vào cùng uống rượu, ăn cơm trưa với anh em trong đơn vị hiện đang trực hệ thống VTS theo dõi diễn biến của bão tại cảng Sơn Dương.

Thị xã Kỳ Anh thiệt hại nặng nề sau bão số 10

Đến khoảng 9 giờ thì trời đã trở gió, mưa mỗi lúc một to, nhiều cây cối và cột điện 2 bên đường đã bị gãy đỗ.  Chúng tôi cũng đã nghi lại được một số hình ảnh thực tế rất sống động, nhưng muốn tranh thủ chạy tuốt vào khu vực có nhiều nhà dân ở Kỳ Nam dưới chân đèo Ngang cùng “chia bão” với họmột lúc, rồi tính chạy ngược trở ra cảng Sơn Dương tham gia “trực chiến” với anh em Cảng vụ Hà Tĩnh. Vậy nhưng, khi xe của chúng tôi vừa chạy tới đoạn cổng chính Fomosa Hà Tĩnh vào khoảng 9 giờ30 phút, không ngờ bão số 10 đã ập đến vây bủa khắp nơi.

Đúng vào thời điểm đó, trên đường bặt không còn có bất cứ một phương tiện giao thông và một bóng người nào qua lại.  Một đoàn xe xe container bật đèn pha chống mưa đang chạy từ hướng Nam- Bắc cách chúng tôi khoảng trên 30m cũng nhanh chóng tạt vào bên lề đường dừng lại tránh bão. Trong lúc đang loay hoay chưa biết xử lý ra sao thì chuông điện thoại bỗng rung lên, tôi vội cầm máy áp vào tai đã nghe nhà thơ Nguyễn  Minh Đức thét rất to như ra lệnh: “Anh chạy tới đâu rồi thì phải tấp xe vào bên đường tìm nơi an toàn mà tránh trú ngay, tuyệt đối không được chạy gắng thêm bất kỳ một giây phút nào trên đường nữa, nếu không sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Hiện, tại cảng Sơn Dương anh em trực theo dõi hệ thống đo gió VTS đã thấy báokịch kim, bão đã giật trên cấp 15 – 16, lượng mưa đo được đã 874ml, ngoài biển những cột sóng dựng lên cao hàng chục mét đang quất tới tấp vào đất liền. Kinh hoàng lắm! Kinh hoàng lắm”!..

Đức vừa “ra lệnh” xong, chúng tôi chợt phát hiện có một ngôi nhà dân bên đường vội lao xe vào để trú ẩn. Không ngờ, trong lúc chưa kịp cua vòng lái bão thốc đến quá mạnh làm chiếc xe KIA 2 chỗ của chúng tôi chao đảo sắp bị lật. Lúc này gió giật càng mạnh, những mái tôn, tấm lợp bê rô xi măng và biển quảng cáo bay vù vù khắp tứ phía; cây xoài trước sân nhà dân chỗ chúng tôi đậu xe trong chốc lát bị gãy cành đập xuống thân xe, làm cho chúng tôi một phen hú vía. Chúng tôi vội mở cửa xe tính chạy vào nhà xin gia chủ được lánh nạn. Nhưng ai hay, ngôi nhà đã bị khóa kín từ cánh cửa ngoài, người trong nhà đã đi sơ tán đâu hết cả rồi!

Không còn cách nào khác, chúng tôi quyết định liều mạng cho xe chạy ra phía UBND thị xã Kỳ Anh để nhờ sự can thiệp giúp đỡ của đội ngũ trực chống bão của chính quyền địa phương. Tuy vậy, vừa chạy được khoảng 30 mét thì bão cứ thốc ngược lên không tài nào giữ vững được tay lái. Rất may, vừa lúc đó chúng tôi phát hiện thấy có một nhà nghỉ bên đường.  Tuy nhà nghỉ này đã đóng cửa, tắt hết điện, nhưng không còn cách nào hơn cứ cho xe lao thẳng vào sát mét cửa ngoài. Phát hiện chúng tôi qua cửa kính, chủ nhà nghỉ là một người  từng nhiều năm công tác tại lực lượng hải quân tỏ ra hết sức nhiệt tình, nhanh chóng kéo cánh cửa nách dẫn chúng tôi vào trong phòng nghỉ an toàn. Biết chúng tôi đang tác nghiệp nên anh còn bật máy phát điện tạo điều kiện cho làm việc, nhưng tiếc rằng, mạng Wi-Fi bị sập hẳn, trong lúc đó mạng kết nối 4G cũng đành bó tay.

Không thể ngồi yên hơn được nữa, đến khoảng 13 giờ chiều cơn bão bắt đầu có xu hướng giảm cường độ, chúng tôi vội tiếp tục kéo nhau trở lại chạy vào đèo Ngang định chui qua hầm đường bộ  ghi thêm một số hình ảnh ở Quảng Trạch ( Quảng Bình). Tuy vậy, dọc đường hàng loạt cây cối, cột điện bị gãy đổ và vô số mái lợp, biển quảng cáo… cứ bay vèo vèo trước cửa kính. Tới đoạn phường Kỳ Phương, cách xe chúng tôi khoảng chưa đầy 100 mét bất ngờ thấy gió mưa mù mịt, trong tích tắc bão hất cả một chiếc xe tải loại vừa lật nghiêng ra bên mép đường. Sau này chúng tôi mới được biết trong bão vẫn có những cơn bão xoáy, mới thấy như vậy là mình vẫn còn quá may mắn.

Tới hầm đường bộ qua đèo Ngang, chúng tôi lại chứng kiến một chiếc xe container nặng hàng chục tấn bị bão đánh lật xuống ngay giữa đường, chiếm hết cả lòng đường. Bởi vậy chúng tôi không tài nào lách xe qua được sang bên kia. Trong lúc đó, đường đèo, dốc cao lại nằm ngay trên miệng sóng, miệng bão nên chúng tôi đành quay đầu xe quay lại chạy xuống thôn Minh Huệ, xã Kỳ Nam. Không ngờ, ở thôn Minh Huệ do nằm sát cửa biển nên bà con đã kéo nhau đi sơ tán hết.

Vừa lúc quay xe lên đường Quôc lộ 1A, chúng tôi phát hiện có một bóng người đang đội áo mưa đi giật lùi từng bước.  Cảm giác của chúng tôi lúc đó là đã có sự sống, bởi hàng nhiều giờ liền chúng tôi không hề thấy bất cứ một phương tiện giao thông, một bóng người nào ngoài đường, thậm chí một câu hỏi trong điện thoại cũng không. Người đem lại cảm giác xua đi tất cả nỗi sợ hãi đầu tiên cho chúng tôi đó chính là ông Mai Văn Vẹm (45 tuổi ở thôn Minh Huệ xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh) trong lúc ông trên đường trở về từ nơi sơ tán tránh bão. Theo ông Vẹm dù không được phép của chính quyền, nhưng vì quá nóng ruột nên ông quyết định bỏ trốn khỏi nơi sơ tán về nhà. Trên đường do bão thốc từ phía biển lên quá mạnh nên bằng kinh nghiệm ông chọn cách đi thụt lùi  nhích dần  từng bước. Gặp chúng tôi, ông Vẹm tỏ ra rất vui mừng nhưng không dấu được mệt mỏi nói rằng,  từ nhỏ tới nay mặc dù thôn Minh Huệ được coi là rốn bão nhưng chưa bao giờ ông thấy sợ. Vậy mà cơn bão này đã làm ông sợ  nên dù chết ông cũng quay về được chết trong căn nhà của mình.

Chia tay ông Vẹm, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh chạy ngược ra thị xã Kỳ Anh ghi lại hình ảnh cột ăng ten thu phát sóng của Đài truyền hình thị xã Kỳ Anh nặng hàng trăm tấn bị gãy đổ. Hú hồn! Dường như có sự can thiệp của thế lực siêu phàm nào đó, nên khi bị đỗ gãy cột ăn ten cũng tránh cả dãy nhà ở và làm việc Đài truyền hình thị xã Kỳ Anh; Ban quản lý các công trình xây dựng thị xã Kỳ Anh và Phòng Giáo dục thị xã Kỳ Anh. Vào thời điểm đó, tại các đơn vị này còn có hàng chục người túc trực chống bão.

Giữa lúc thị xã Kỳ Anh đang chìm trong bão tố thì tại huyện Hương Khê và Vũ Quang cũng không thoát khỏi vòng khương tỏa của cơn bão. Bão ở đây không những mạnh mà còn quẫn lại nhiều giờ liền, trong lúc đó mưa to, khiến cho hàng chục ngàn người dân vừa đặt cược số phận của mình trước bàn tay của bão tố, vừa phải thắc thỏm nghe ngóng tình hình liệu Nhà máy Thủy điện Hố Hô có xả lũ hay không? Phớt lờ lên tất cả nỗi âu lo của người dân, trước tiên cơn bão vẫn lỳ lợm đánh sập cột ăng ten thu phát sóng của Đài truyền hình Hương Khê như muốn bưng bít hết tất cả tội ác của nó.

Tiếp đến, cơn bão cứ như điên như dại càn quét khắp Hương Khê sang Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ. quay về Hồng Lĩnh, Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà, Thạch Hà, thành phố Hà Tinh, Cẩm Xuyên và tiếp tục quần nát huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh! Cho tới khi kết thúc, dường như nó vẫn dơ nanh vuốt đe dọa một ngày nào đó sẽ  quay lại, mà không hề tỏ ra ân hận bất cứ một chút nào!

Cơn bão số 10 chỉ xuất hiện cao điểm trong vòng khoảng 8 giờ đồng hồ, từ 9 giờ 30 đến khoảng 16 giờ 30 phút ngày 15/9,  nhưng mức độ tàn phá của nó thì quá khủng khiếp! Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Ban chỉ huy  phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Tĩnh: Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 92.521 nhà dân bị sập đổ và tốc mái; 322 ha lúa, 1.600hoa màu bị mất trắng. Hàng trăm trường học, trạm y tế, cơ quan công sở và một số đơn vị, cơ quan bị hư hỏng; Hàng chục ngàn diện tích ha rừng và vườn đồi bị xóa sổ; hầu hết toàn bộ hệ thống điện thắp sáng, mạng truyền thông ở huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh và một số địa phương khác bị hư hỏng, đổ gãy và tê liệt hoàn toàn. Rất may, tỷ lệ người bị tương vong trong bão lũ được giảm thiểu tối đa.

Bước ra từ tâm bão, chúng tôi không thể không đến với xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, nơi được coi bị cơn bão số 10 dày xéo mạnh nhất. Bởi, Kỳ Thượng có địa hình ba phía tựa vào Trường Sơn với những ngọn núi cao trùng trùng, điệp điệp... vô hình dung vùng đất này đã mở cửa mặt  tiền  tiếp tay cho bão. Vì thế bão từ phía Sơn Dương, Vũng Áng và cửa Hải Khẩu với mức độ tàn sát không thể nào tưởng tượng ở cấp độ 13-14, giật cấp 15-16 mặc sức xông thẳng lên theo đường chim bay chỉ cách khoảng chưa đầy 18 km, rồi quẩn lại nhiều giờ liền ở đó, quần nát tất cả những gì có thể quần nát được trước khi sang đất Lào.

Những khối đá nặng hàng chục tấn sừng sững dám thách đố với thời gian qua hàng ngàn, hàng vạn năm nay trước bao biến thiên vũ trụ cũng bị bão số 10 đánh bật ra khỏi vị trí của nó, bay ào ào khắp rừng núi. Vậy thì hàng ngàn ha diện tích rừng keo lá tràm, gió trầm, cao su, cam, bưởi, chanh, quýt... và những căn nhà gỗ lợp ngói cao rộng đến mấy cũng có nghĩa lý gì trước sự hủy diệt của cơn bão điên khùng.

Trong lúc mưa gào, gió hú, núi rừng ầm ầm rung chuyển, nước lũ từ khe suối cuồn cuộn thi nhau càn quyét, đánh sập toàn bộ hệ thống điện, biến cột thu phát sóng viễn thông mạng Vina - Mobi cao cả trăm mét được đầu tư xây dựng kiên cố đổ gãy ngay trong chốc lát. Vậy là Kỳ Thượng, một mảnh đất vùng rừng núi nghèo khó vốn cách trở lại hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài.

Không còn cách nào khác, lúc này người Kỳ Thượng chỉ biết tự cứu lấy mình. Họ cầu trời, khấn phật làm thế nào cho bão đi qua thật nhanh! Nhưng đáp lại lời thỉnh cầu của họ, cơn bão càng dai dẳng hơn, hung hãn hơn như muốn cố vơ vét thêm những gì có thể vơ vét được trước khi kết thúc cơn khùng điên của nó.

Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù cơn bão đã đi qua được vài hôm, nhưng đến nay hệ thống điện và viễn thông vẫn bị tê liệt hoàn toàn, ngoại trời mạng di động Viettel đã khắc phục được sự cố nhưng vẫn hết sức phập phù; các các tuyến đường giao thông lên xã tạm thời đi lại được, nhưng rất khó khăn do bị sạt lở nhiều đoạn và cây cối 2 bên đường đổ gãy chưa thể thu dọn hết.

Xe chạy tới đâu, chúng ta có thể nhận thấy thảm cảnh tiêu điều xơ xác tới đó. Chỉ loay hoay trong một khu vực nhỏ tại thôn Bắc Tiến đã có hàng chục ngôi nhà bị đánh sập hoàn toàn, bao nhiêu người dân đang phải vật vờ trong cảnh màn trời, chiếu đất! 

Tại đây, chúng tôi bắt gặp hình ảnh bà Trần Thị Thuể (68 tuổi), thương binh hạng 4/4. Bà là cựu TNXP thời kỳ chống Mỹ nhưng dù can đảm mấy cũng không cầm nổi nước mắt, bởi từ trong đống đổ nát của nhà mình, bà cố lấy hết sức bình sinh lôi ra được mấy cái xoong nồi đã méo mó, mà không tìm đâu ra lấy được một chiếc vung nào để úp lại cho vừa.

Không giấu chuyện đời tư của mình, Bà Thuể tâm sự: Sau khi chiến tranh kết thúc, bà trở về quê hương và "liều" sinh được 2 người con gái ngoài hôn thú, giờ 2 cháu đã lấy chồng ở riêng. Nay bà đã già cả, sống độc thân trong căn nhà gỗ lợp ngói tưởng chừng yên phận cho đến cuối đời. Ngờ đâu, cơn bão đã cướp đi tất cả nên bà cũng đành bất lực trước phận số hẩm hiu của mình.

Tương tự bà Thuể, cụ Dương Văn Tuân (76 tuổi) sống độc thân trong một căn nhà gỗ rộng khoảng 40m2. Khi cơn bão đổ bộ đến Kỳ Thượng cụ cũng nhận được cảnh báo nên cố thủ trong nhà. Vậy mà, không nghĩ bão quá khủng khiếp, trong chốc lát nó đánh sập hoàn toàn căn nhà của cụ xuống giữa nền đất. Giữa lúc mưa bão gầm rú, không còn cách nào khác cụ phải nằm nấp dưới cỗ quan tài đóng sẵn của mình chờ tới 2 ngày sau mới dám chui ra. Mặc dù cụ ở gần nhà con trai của mình là anh Dương Văn Thành, nhưng do hoàn cảnh khó khăn anh Thành phải vào Sài Gòn làm thuê, trong lúc mưa bão vợ con anh Thành buộc phải đi sơ tán. Sau khi trở về thấy bố chồng đang ngồi gục bên cỗ quan tài, người con dâu mới vội đỡ cụ dậy mang cơm cho cụ ăn.

Cũng tại thôn Bắc Tiến, chúng tôi lại gặp cảnh tượng vợ chồng cụ Trương Văn Huân (88 tuổi) đang lụi hụi kéo ra từ trong đống đổ nát nhà họ được một chiếc bừa và một chiếc võng lưới. Theo cụ, dưới đó còn có 2 cỗ quan tài được đóng sẵn mấy năm trước, phòng lúc có mệnh hệ gì khỏi làm phiền con cháu; còn một sập lúa với 2 tạ lúa dự trữ và một số xoong nồi… chưa biết làm cách nào để đưa ra ngoài.

Khác với trường hợp của những người già cả, neo đơn trên. Trường hợp của cặp vợ chồng trẻ anh Nguyễn Tất Chiến (30 tuổi) và chị Hồ Thị Hiền (28 tuổi) thuộc diện hộ nghèo. Họ cưới nhau được gần 6 năm nay và đã có 3 mặt con, vay mượn tiền làm được một căn nhà gỗ vừa đủ ở. Tuy nghèo, nhưng cuộc sống của họ thất hạnh phúc, ngờ đâu chỉ trong chốc lát cơn bão số 10 đã cướp đi tất cả. Trong lúc hoảng loạn, anh Chiến chỉ kịp dắt 3 đứa con nhỏ của mình lánh nạn, còn chị Hiền kịp giằng lấy bức ảnh cưới mà vợ chồng chị chụp từ ngày đính hôn mà thôi. Hiện vợ chồng chị đã che tạm được một tấm bạt để đưa con cái vào ở và nấu nướng tạm thời. 

Trong khuôn khổ chuyến tác nghiệp trong bão, chúng tôi kịp thời nghi lại được một số hình ảnh vô cùng tan thương ở Kỳ Thượng. Đặc biệt, là những ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn cùng với đó hình ảnh những người dân đang phải sống trong cảnh màn trời, chiếu đất. Với họ, lúc này có lẽ không còn gì để mất nữa!

Theo số liệu thống kê tạm thời của UBND xã Kỳ Thượng, tính đến hiện tại toàn xã có 65 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn; 1.800 ngôi nhà dân và 12 hội quán thôn bị hư hỏng, tốc mái; 300 tấn xi măng làm đường giao thông chưa kịp thi công bị ngập ướt; 292 ha rừng tự nhiên và trên 1.000 ha diện tích cây keo lá tràm, gió trầm và các loại cây ăn quả khác của người dân bị xóa sổ hoàn toàn; 600 ha sắn và 30 ha lúa bị mất trắng… ước tính thiệt hại chung trong toàn xã lên tới trên 172 tỷ đồng.

May mắn trong cơn nguy biến đó, tại Kỳ Thượng chỉ có  5 người bị thương nhẹ, không có người tử vong. Nếu so sánh một cây gió trầm từ lúc trồng cho đến lúc thu hoạch phải mất ít nhất 20 năm, ta có thể nhẩm ước rằng, phải 20 năm sau người Kỳ Thượng mới có thể tạm quyên đi những đau thương mất mát trên.

Tuy vậy, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ của cộng đồng, các nhà hảo tâm và tinh thần vượt lên khó khăn của từng người dân nơi này. Hy vọng, một ngày gần nhất mọi sinh hoạt của bà con nhân dân xã Kỳ Thượng và của tất cả người dân vùng tâm bão Hà Tĩnh sẽ được đi vào ổn định.

Nguồn Báo Văn nghệ số 38/2017


Có thể bạn quan tâm