April 19, 2024, 9:07 am

Tiếng hát yêu đời

Tháng 4 về, lại nhớ Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ tài hoa của nền tân nhạc Việt Nam,  người du ca rong ruổi  trên khắp các nẻo đường của nước Việt, cất lên những lời ca trong trẻo, lay động trái tim của muôn vạn con người. Đã 20 năm Trịnh Công Sơn rời cõi tạm, 20 năm “về làm cát bụi”, “về nơi cuối trời làm mây trôi”.

Thế nhưng, trong 20 năm ấy và có lẽ mãi mãi sau này, tên tuổi ông sẽ sống mãi trong lòng người yêu nhạc. Khắp nơi, từ Đà Lạt mộng mơ đến Sài Gòn hoa lệ; từ Hà Thành lịch lãm, hào hoa đến Huế linh thiêng, trầm mặc; từ những bản làng heo hút, xa xôi cho đến Paris, Luân Đôn, Tôkyô….- bất cứ nơi nào có người Việt Nam ở đó - nhạc của ông được cất lên trong một niềm náo nức, say mê đến lạ kì. Nhạc của Trịnh Công Sơn lại có một sức sống, một sức lan tỏa mãnh liệt mà hiếm có nhạc sĩ nào có được. Những bài hát của ông mộc mạc, đơn sơ mà có sức hút kì diệu, có khả năng khơi gợi những đồng cảm sâu xa. Vượt qua tất cả mọi giới hạn, định kiến; người nghe tìm thấy trong những bài hát của ông điệu hồn của chính mình để nức nở,  đắm đuối, say mê theo từng câu hát. Nhớ đến Trịnh Công Sơn là nhớ đến một nghệ sĩ thánh thiện đem yêu thương tưới tắm khắp mọi miền, hóa giải mọi hận thù, đau khổ. Nhớ đến Trịnh Công Sơn là nhớ đến những khúc ca chan chứa tình yêu cuộc sống, gieo vào lòng người bao nhiêu hy vọng để tiếp tục sống, tiếp tục vươn lên trong nhầu nhĩ kiếp người. 

Trịnh Công Sơn là người thuộc thế hệ của những con người bị ném vào lò lửa của chiến tranh khốc liệt, trở nên  lầm lì, hoang hoải, bơ vơ. Trái tim nhạy cảm của người nghệ sĩ va đập dữ dội với hiện thực tàn khốc đã khiến Trịnh Công Sơn mang trong tâm hồn một nỗi tổn thương sâu sắc. Không ít lần trong những bài hát của ông, ta nghe thấy những tiếng thở dài tuyệt vọng; ta cảm nhận được một nỗi cô đơn, trống trải đến tái tê. Đó là khi con người một mình nằm trên căn gác vắng, nghe trong hồn ngập tràn một cảm giác lưu đày “Người nằm co như loài thú khi mùa đông về/ Người nằm yên không kêu than buốt xương da mình/ Từng tiếng người, từng tiếng người gọi hoài giữa đêm” (Phúc âm buồn). Đó là lúc con người tỉnh giấc sau một giấc ngủ vùi, đối diện với một không gian vắng vẻ, đìu hiu, chợt thấy lòng mình bơ vơ, trống trải, không còn chỗ tựa nương, không còn nơi bấu víu “Hôm nay thức dậy/ Không còn thấy mặt trời/ Không còn thấy loài người / Vây phủ quanh đời/ Nói tiếng yêu thương” (Xa dấu mặt trời). Đó là khi người ngồi “ôm lòng đêm” mà cảm thấy “không còn ai/ Đường về ôi quá dài/ Những đêm xa người” (Phôi Pha).

Thế nhưng, đi sâu vào cõi nhạc Trịnh Công Sơn, dễ dàng nhận ra rằng dù mang nặng trong tâm hồn bao nhiêu buồn thương, tuyệt vọng nhưng người nghệ sĩ ấy vẫn giữ nguyên vẹn cho mình  một tình yêu đời, yêu người tha thiết; một tấm lòng luôn đau đáu hướng đến cuộc đời. Trong cõi đau thương, ông tự nhắc mình “Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng” (Tôi ơi đừng tuyệt vọng), ông nhắn nhủ mọi người “Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người” (Để gió cuốn đi). Sự tinh tế của trái tim nghệ sĩ khiến Trịnh Công Sơn nhận thức sâu sắc về sự chảy trôi của thời gian; về sự ngắn ngủi, chóng vánh của kiếp người “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai tôi về làm cát bụi” (Cát bụi), “Sông chết mong manh như thân cỏ hèn mọc đầy núi non” (Giọt lệ thiên thu). Dù không tránh khỏi nỗi buồn “quán trọ trần gian”, nhưng Trịnh Công Sơn vẫn tha thiết sống, sống cho trọn vẹn trong từng phút giây của đời người “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” (Mưa hồng). Ông tự tìm cho mình những niềm vui bình dị, đơn sơ “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui? Chọn những bông hoa và những nụ cười”,  để lắng nghe cái an yên lan tỏa trong tâm trạng “Và như thế tôi sống vui từng ngày/ Và như thế tôi đến trong cuộc đời/ Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi” (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui).

Niềm yêu đời ấy, Trịnh Công Sơn đâu chỉ dành cho riêng mình mà còn nhắn nhủ đến tất cả mọi người. Ông muốn nhìn thấy tiếng cười luôn nở trên môi mỗi người “Trong gian nan, nên cất tiếng cười” (Có điều gì gần như niềm tuyệt vọng); mong đau khổ sẽ qua; hạnh phúc, bình yên  sẽ đến “Xin cho bốn mùa/ Đất trời lặng gió/ Đường trần em đi/ Hoa vàng mấy độ” (Hoa vàng mấy độ). Khát vọng cháy bỏng trong lòng ông là “em” dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ vẹn nguyên tình yêu cuộc sống “Vì tôi cần thấy em yêu đời/ Vì tôi cần thấy em yêu hoài/ Yêu phố phường thức dậy/ Người đi xây cất những ngày mai” (Vì tôi cần thấy em yêu đời), “Em đứng bên trời tự do, yêu đời thiết tha” (Tuổi đời mênh mông).

Tôi gọi Trịnh Công Sơn là tiếng hát yêu đời. Với những ca khúc chứa chan niềm tin yêu cuộc sống của mình, ông đã xoa dịu vết thương lòng của bao nhiêu người trong đắng cay, ngang trái; đã thắp lên trong lòng người bao nhiêu hy vọng ở tương lai. Để mai đây trên muôn nẻo đường đời, có những lúc lòng nặng trĩu những buồn thương, tuyệt vọng; ta lại nhớ đến những ca khúc của Trịnh Công Sơn và lòng lại dặn lòng “Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người” (Để gió cuốn đi).

Nguồn Văn nghệ số 14/2021


Có thể bạn quan tâm