March 29, 2024, 1:27 pm

Tiếng hát Khau Co

Chú giải về tư liệu

Hồi đang đảm trách nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Hoàng Liên Sơn (khoảng năm 1983-1985, tôi vinh dự được đón Thiếu tướng Nguyễn Chuông đến thăm và làm việc tại cơ quan Hội và trao một bài viết. Sau khi sửa sang chút ít về câu chữ trên bản thảo, tôi liên hệ xin ý kiến tác giả để đăng nhưng không liên hệ lại được với Thiếu tướng Nguyễn Chuông. Sau này về Lào Cai, sắm được máy vi tính, tôi đã chép lại tác phẩm, nhưng vẫn không liên hệ được với tác giả, với điều băn khoăn nhất, là địa chỉ và thời gian viết ghi ở cuối bài.

Song, cho đến bây giờ, có thể điều băn khoăn ấy không cần cần thiết, mà quan trọng hơn, là bài phải đăng để trả ân nghĩa đối với Thiếu tướng, với đơn vị bộ đội đã chiến đấu trên đèo Khau Co, đồng thời đóng góp thêm tư liệu lịch sử của huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, nên tôi xin được công bố bài viết dưới đây của Thiếu tướng Nguyễn Chuông mà mình vẫn gìn giữ bấy lâu nay.

Mã A Lềnh, 29/07/2020

Minh họa của ĐÀO QUỐC HUY

Một đời lính ngót 50 năm chinh chiến trên khắp các chiến tr­ường trong hai thời kỳ kháng chiến đánh thực dân Pháp, rồi đánh Mỹ xâm lược. Từ một chiến sĩ, tôi đã trở thành người chỉ huy của sư đoàn Chiến Thắng, cùng Quân đoàn 1 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đến toàn thắng. Sư đoàn Chiến Thắng (312) của tôi đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bây giờ tôi đã là một cựu chiến binh trở về với đời thường ở tuổi 70. Nhưng 50 năm của đời binh nghiệp với bao vui buồn vẫn sống động trong tôi và mỗi khi nhớ đến những kỷ niệm, trong lòng lại rạo rực như chính cái thời còn đầu xanh tuổi trẻ.

Tiếng hát Khau Co”, đây không chỉ là đầu đề bài viết, mà là tiếng hát của người trung đội trưởng Thiết Cương cùng đồng đội đã vang lên trên đỉnh Khau Co từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nó hằn sâu vào ký ức và đi theo tôi suốt cuộc đời và vẫn vang vọng đến tận bây giờ.

Ngày đó, vào đầu năm 1947, tôi là chiến sĩ của trung đội 1, đại đội 27, tiểu đoàn Giang Hà được lệnh hành quân lên đỉnh Khau Co. Phải mất trọn một ngày chúng tôi mới leo lên được tới đỉnh núi. Trên đỉnh núi có một con đường mòn độc đạo, bề ngang chỉ đủ cho người và ngựa đi lại. Đó là con đường của nhân dân hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu qua thăm hỏi nhau mà hình thành. Khau Co là một dãy núi trùng điệp rất hùng vĩ, sương phủ kín bốn mùa, sương dày đến nỗi chúng tôi có cảm giác như đang bồng bềnh trên mây. Quần áo ẩm ướt suốt ngày. Có khi hàng tuần không có ánh mặt trời. Nhưng có những lúc nắng ấm thì phong cảnh tươi đẹp nên thơ. Bầu trời xanh cao vời vợi hòa với màu xanh của những thảm rừng trải dài xa thẳm cùng với tiếng vượn kêu, chim hót, làm tâm hồn chiến sĩ lâng lâng, thanh thản. Thế nhưng những ngày oi ả thì không khí khô khan, con người, cây cỏ như bị hút hết nước, có cảm giác chỉ cần một mồi lửa là tất cả biến thành tro bụi. Không những thế, còn cái nạn ruồi vàng, từng đàn kéo đến bâu vào da thịt đốt đến nhức xương. Cái đáng sợ nhất đối với chúng tôi vẫn là gió và rét. Cái rét chỉ muốn làm con người co tròn lại. Những cơn gió thi nhau thổi làm cỏ dạt cây nghiêng. Thỉnh thoảng chúng lại biến thành một cơn lốc xoáy tít như muốn hút chúng tôi lên không trung, hay như đẩy chúng tôi xuống vực thẳm. Chẳng thế mà người dân ở đây truyền nhau câu “ruồi vàng bọ chó không bằng gió Khau Co”. Chúng tôi không cách nào khác là phải đục đá, đào hầm ngủ ngay trên đỉnh núi.

Trung đội chúng tôi nhận nhiệm vụ phải chốt giữ hai ngọn núi cao nhất để chắn hướng tấn công của địch theo đường mòn lên Khau Co. Những ngày chuẩn bị trận địa, chúng tôi mới nhận thức được ý nghĩa lớn lao của trận đánh này.

Năm 1945, quân Pháp bị quân Nhật đánh, chúng thua trận, phải chạy sang trú quân bên Trung Quốc. Nhờ sự giúp đỡ của quân Tàu Tưởng, chúng thu gom lại đám tàn quân và các loại tay sai phìa tạo ở địa phương cùng bọn thổ phỉ tổ chức thành ngụy quyền Thái và các đội quân hỗn hợp quay trở lại đánh chiếm Lai Châu, Phong Thổ, Than Uyên, thực hiện âm mưu tái chiếm Tây Bắc trên ba hướng: Hướng thứ nhất từ Lai Châu đánh chiếm Sơn La, Nghĩa Lộ. Hướng thứ hai, từ Phong Thổ đánh chiếm Sa Pa, Lao Cai, Bắc Hà, Phố Lu. Hướng thứ ba, từ Than Uyên đánh chiếm dãy núi Khau Co để làm bàn đạp tiến công Văn Bàn và tiến ra Bảo Hà rồi đánh xuống Yên Bái. Chúng đang ráo riết chuẩn bị để thực hiện âm mưu này.

Nắm được ý đồ của địch, Bộ chỉ huy mới điều tiểu đoàn Giang Hà chúng tôi để thành lập mặt trận Khau Co nhằm đánh bại hướng tiến công của địch, bảo vệ chính quyền và cơ sở kháng chiến của ta, có đủ thời gian củng cố hậu phương vững mạnh, làm hậu thuẫn cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Biết rõ tính chất của cuộc chiến đấu này, anh em trong trung đội rất hăng hái, quyết tâm. Nhưng trong thâm tâm mỗi người không phải không băn khoăn. Đây là trận đầu tiên trực tiếp đánh quân Pháp, mặc dù chúng đã bị quân Nhật đánh bại và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời, nhân dân đã giành lại đ­ược chính quyền, song, đã phải bước ngay vào cuộc kháng chiến với muôn vàn khó khăn thiếu thốn. Cuộc chiến đấu không cân sức. Chúng đông quân hơn, nhiều loại súng hơn, lại có cả đại bác, máy bay yểm trợ. Biết được nỗi băn khoăn này, chính trị viên trung đội Nguyễn Thịnh hàng ngày vẫn tổ chức cho anh em trao đổi: Làm thế nào để giữ được lực lượng, diệt được nhiều giặc để giành thắng lợi? Có lẽ đây cũng là niềm băn khoăn của anh mà chả có lời giải đáp thích đáng.

Nguyễn Thịnh sinh ra ở một làng quê trung du. Cuộc đời anh cũng đã nếm đủ mùi cay đắng của một thời đi làm thuê ở đợ… Trung đội trư­ởng Thiết Cương lại khác hẳn. Anh có phong thái thư­ sinh với hàng ria con kiến gọn nhẹ trên khuôn mặt đầy đặn rất dễ cảm tình. Thiết Cương có biệt tài hát hay, và mỗi khi nói chuyện, anh thu hút được sự chú ý của ng­ười nghe. Trong một buổi họp trung đội, sau khi nghe anh em bàn luận xong, Thiết Cương với giọng sôi nổi:

- Chúng ta bàn bạc dân chủ là rất cần thiết. Ta quyết định đánh Pháp theo lời Cụ Hồ hiệu triệu. Cuộc kháng chiến của ta là chính nghĩa có sức mạnh của cả dân tộc. Ta lại có tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Dù khó khăn gian khổ, dẫu có phải hy sinh tính mạng, chúng ta cũng quyết đánh giặc Pháp, giành độc lập, tự do, không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Tôi yêu cầu các đồng chí chiến đấu dũng cảm, tin tưởng đoàn kết, tìm cách đánh giặc…

Lời nói của anh tuy rất chung chung, mang tính hô hào, nhưng mọi người nghe cảm thấy yên tâm, tin t­ưởng, phấn khởi bên cạnh người chỉ huy của mình.

Tháng 2 năm 1947, quân Pháp thực sự mở đợt tấn công lên Khau Co. Ngày đầu, từng toán trinh sát vũ trang bò lên bám sát trận địa chúng tôi. Chúng dùng các cỡ súng bắn xối xả vào các điểm tựa phòng ngự. Theo kế hoạch, chúng tôi vẫn án binh bất động. Ngày thứ hai, chúng dồn quân lên, bắn phá mạnh hơn, rồi cho máy bay quần đảo, thả bom xuống các điểm tựa. Chung quanh chúng tôi đất đỏ tung xối, bụi đỏ bốc lên mù mịt, cây cối ào ào đổ xuống nằm ngổn ngang. Chúng tôi vẫn nằm im bất động. Khoảng một tiếng sau đó, bộ binh chúng từ các nơi ẩn náu bắt đầu nhất loạt xông lên. Chúng la hét a-la-xô (xung phong) vừa tiến lên vừa bắn như vãi đạn về phía trận địa. Chúng tôi đã bò lên chiếm lĩnh từ các vị trí cao điểm, quan sát được cả đội hình và lực lượng tiến quân của chúng. Trung đội trưởng Thiết Cương, đôi môi luôn mấp máy nhắc nhở chúng tôi:

- Để giặc đến tầm gần mới đ­ược nổ súng. Khi bắn phải bắn chết, hoặc ít nhất phải bị thương thì chúng mới sợ!

Riêng tôi, đây là lần đầu tiên được cầm súng trực tiếp chiến đấu, nên không khỏi lo âu, hồi hộp. Ngay từ giây phút địch bắn phá vào trận địa, lòng dạ tôi cứ nao nao nhỡ mình bị thương thì sẽ không được chiến đấu nữa, không được cùng anh em thực hiện quyết tâm của trung đội là bẻ gẫy mũi tiến công chủ yếu của địch, giữ vững trận địa. Bây giờ tôi đã trực tiếp nhìn rõ kẻ thù, thấy thằng nào cũng cao to, đầu đội mũ ca lô, mặt đỏ gay như gà chọi, nghênh ngang lơ láo. Tôi chỉ muốn độp cho chúng một phát đạn, nhưng nhớ lời trung đội trưởng, đành phải nằm im. Toán địch đi đầu đã bò đến rất gần tiểu đội 1. Bỗng các chiến sĩ tiểu đội 1 nổ súng. Mấy tên gục ngã tại chỗ. Thế là mệnh lệnh chiến đấu bắt đầu. Tôi nhổm người bắn thẳng vào tên cao to nhất. Nó ngã nhào ngay trước mũi súng. Tôi bắn tiếp luôn hai thằng phia sau. Chúng bị thương, kêu la thảm thiết. Lúc này mặt trận của cả tiểu đoàn cùng phát hỏa. Súng ta, súng địch cùng vang vọng cả núi rừng. Tiếng súng các loại át cả tiếng truyền lệnh, chúng tôi phải nhìn chỉ huy ra hiệu lệnh bằng tay. Những đụn khói đạn, khói bụi bốc lên mù mịt. Những viên đạn lửa xé không khí qua đầu sáng lóe. Trận chiến mỗi lúc một ác liệt. Chúng tôi luồn lách qua các khe núi bám sát địch diệt gọn từng tốp. Đội hình tiến quân của chúng rối loạn. Tuy mồm vẫn la hét a-la-xô, nhưng nhiều thằng đã quay lưng chạy. Còn phần lớn thì vừa lùi vừa bắn, hoặc nằm bắn cầm chừng chờ rút. Chúng không dám tiến. Còn chúng tôi thì phải bảo toàn lực lượng giữ vững trận địa phòng ngự, do đó trận đánh kéo dài cho đến khi trời xế chiều, sương đã bắt đầu buông xuống. Và không còn cách nào khác, chúng đành phải rút về tụ dưới chân núi Khau Co.

Trận ra quân đầu tiên đơn vị đã giành đư­ợc thắng lợi. Đã đánh thắng quân Pháp, chúng tôi ôm lấy nhau reo mừng, nước mắt ứa ra vì vui sướng. Nhưng nhìn nhau mặt mày lem luốc thì lại không nín được cười. Hàng râu con kiến đen láy của trung đội trưởng Thiết Cương bị bụi đá bám đầy trắng xóa nom như­ ông già. Chúng tôi nhìn anh với ánh mắt thầm cảm ơn, tin tưởng ở người chỉ huy có công đầu trong trận này. Thiết Cương hiểu ý, anh cười xòa và nói:

- Ta mới đánh thắng trận đầu. Phải tiếp tục chuẩn bị thật khẩn trương cả tinh thần, vũ khí, lương thực và cách đánh. Các trận sau sẽ còn ác liệt hơn, gian khổ hơn và dai dẳng hơn trên đỉnh Khau Co đầy sương mù gió chướng này. Còn bây giờ hãy hát mừng chiến thắng! - Nói xong, Thiết Cương hát luôn: Bao chiến sĩ anh hùng…

Cả trung đội hòa vào tiếng hát của anh: Lạnh lùng vung gươm ra sa trường, quân xung phong, nước Nam đang chờ mong tay người, hồn sống núi thiêng ghi muôn đời…

Tiếng hát chúng tôi vang vọng trong không trung làm núi rừng Khau Co cũng vui lây. Ngay đêm đó chúng tôi tiếp tục củng cố trận địa. Nhân dân Yên Bái quanh vùng nhận được tin chiến thắng rất phấn khởi đó kịp thời gửi thư và quà động viên làm chúng tôi càng phấn chấn.

*

Bị đánh phủ mặt trận đầu, quân Pháp phải dừng lại. Ý đồ đánh chiếm Khau Co trong một trận đã thất bại. Chúng đành phải chuyển sang phòng ngự ở các mỏm đồi thấp, trực tiếp đối diện với ta. Trong suốt tháng 3 ta với địch chỉ đánh nhau lẻ tẻ, chủ yếu bằng hỏa lực để thăm dò lực lượng của nhau. Nhưng đôi khi chúng tôi cũng xuất kích cả trung đội đánh vào trận địa phòng ngự của địch vừa có tính chất trinh sát, vừa nhằm tiêu hao sinh lực địch và đẩy chúng lui xa, không để chúng bám gần trận địa. Thời gian này cả ta và địch đều tranh thủ gấp rút củng cố lực lượng, tăng cường quân số và trang bị vũ khí, dự trữ lương thực… Nhưng riêng với chúng tôi, bám trụ trên đỉnh Khau Co này thì mọi sự tăng c­ường cũng chỉ mới giải quyết được một phần những khó khăn chủ yếu. Đã hai tháng ở đây, nhất là sau trận đánh không cân sức vừa qua, sức khỏe anh em giảm sút do ăn uống thiếu thốn, các loại bệnh nhanh chóng phát triển. Bệnh tê phù, sốt rét, ghẻ lở, mụn nhọt tràn lan. Rồi cái nạn chấy rận, ruồi vàng thi nhau hành hạ chiến sĩ ta. Quần áo, chăn màn rách nát. Số lượng những tay súng giỏi giảm nhanh. Những anh em ốm nặng đành phải đưa về tuyến sau điều trị. Nhưng nhiều anh em không chịu đi, xin được ở lại chiến đấu, sống chết cùng đồng đội. Chính tình thương yêu đó đã giúp chúng tôi, những người ở lại càng nhận thức rõ hơn ý thức trách nhiệm của mình, đồng thời qua trận chiến đấu đầu tiên đã giúp chúng tôi nhiều bài học bổ ích, nhìn rõ địch hơn và tin vào cách đánh của mình nhất định sẽ chiến thắng.

Đầu tháng tư, địch mở đợt tấn công lần thứ hai. Chúng đã rút kinh nghiệm, không ồ ạt đánh như lần trước, mà do được tăng cường lực lượng mạnh hơn, chúng tỏa ra bao vây ta trước. Ngày đầu chúng cho từng tốp máy bay thả bom, bắn phá sâu vào hậu phương của ta ở xã Minh Lương, huyện Văn Bàn và ra cả phía ngoài làng Cúc, Bảo Hà nhằm chặn đường tiếp tế chi viện của ta, cũng để khủng bố tinh thần chiến sĩ ta, đồng thời dùng pháo cối bắn rất mạnh vào trận địa phòng ngự của ta. Mặt khác, cho bộ binh vây sát các điểm tựa, hòng chia cắt thế liên hoàn. Ngày thứ hai, tất cả các hỏa lực của địch phối hợp với máy bay bắn phá các điểm tựa hàng tiếng đồng hồ. Trận đánh của địch lần thứ hai này đúng như nhận định của chúng tôi, ngay từ phút đầu đã ác liệt hơn trước gấp nhiều lần. Một số điểm tựa đã trúng hỏa lực của địch. Nhưng do chuẩn bị kỹ, chúng tôi vẫn bảo toàn lực lượng. Sau đợt bắn phá dữ dội, bộ binh địch bắt đầu tiến công. Chúng chia làm 3 phía, vừa tiến vừa bắn. Đội hình chúng dày đặc lố nhố khắp nơi. Chúng phải dùng kèn để phát lệnh. Đến gần trận địa, chúng lại la hét a-la-xô om sòm. Dựa vào kinh nghiệm trận đánh trước, chúng tôi vẫn để chúng đến thật gần. Và lần này chúng tôi nhằm thằng đi đầu, tên chỉ huy và đứa vác súng máy bắn trước. Quả nhiên khi những mục tiêu ấy gục xuống, bọn chúng co cụm ngay lại, không dám tiến nữa. Nhưng cũng có một tốp liều chết xông lên chiếm được ụ súng và đoạn hào của tiểu đội 3. Trung đội trưởng Thiết Cương điều một tổ cùng anh xông đến bắn chết một tên ngay trong chiến hào. Ba tên còn lại hoảng sợ tháo chạy. Ta và địch quần đảo nhau, giành giật từng thước đất, từng mỏm núi. Lực lượng chúng quá đông. Chúng bâu chung quanh la ó như ruồi và bắn như đổ đạn. Trận chiến ngày càng quyết liệt. Chúng tôi đó có mấy đồng chí hy sinh và bị thương. Chính trị viên Nguyễn Thịnh bị thương nặng. Nhưng anh vẫn bám sát động viên anh em chiến đấu. Các đồng chí bị thương nhẹ băng bó xong lại tiếp tục xông ra chiến hào, vừa đánh vừa củng cố trận địa. Khoảng 12 giờ trưa, bộ binh địch tạm ngừng, nhưng chúng dùng hỏa lực pháo cối trút xuống trận địa liên hồi. Đạn nổ réo ầm ầm đinh tai nhức óc. Khói lửa, bụi đất trùm lên trận địa. Công sự của chúng tôi sức chịu đựng có hạn. Một số bị cày xới trở thành bình địa. Nửa tiếng sau, pháo cối của chúng chuyển làn và một đợt tấn công mới của bộ binh địch lại bắt đầu. Chúng đồng loạt xung phong ngay trước mũi súng của chúng tôi. Chúng tôi vừa bắn vừa ném lựu đạn. Chúng chết và bị thương rất nhiều. Nhiều tốp phải lui xuống nằm bắn không dám lên. Nhưng vì địch quá đông, chúng không thể cứ nằm chờ chết. Hàng chục tên vẫn liều lĩnh xông lên làm chúng tôi bắn không xuể, và một số lớn điểm tựa của ta bị chúng chiếm được. Cuối cùng cả tiểu đoàn được lệnh tạt xuống sườn núi cầm cự và bảo toàn lực lượng, tính toán kế sách mới.

Tôi nhìn trung đội trưởng Thiết Cương lòng nao nao xúc động. Anh gầy rộc đi. Bộ râu con kiến đẹp là thế, bây giờ đâm ra tua tủa, chỉ có cặp mắt vẫn sáng trong đầy suy tư. Anh đến gần tôi nửa như tâm sự:

- Làm thế nào để có thêm đạn đây? Nhớ bảo anh em bắn thật trúng để tiết kiệm đạn…! Rồi như để xua đi nỗi lo lắng chung, giọng anh sôi nổi: - Hát! Hát đi các cậu! Vừa đánh vừa hát mới anh hùng!

Anh cất tiếng hát trước. Chúng tôi đồng thanh hòa theo: Bao chiến sĩ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường. Quân xung phong… Tiếng hát mỗi lúc càng to, vang trên trận địa. Lòng chúng tôi thật sôi động. Giặc Pháp nằm nghe ta hát, chúng chỉ bắn bâng quơ không dám tiến lên vì tưởng ta còn đông quân. Thực sự cả trung đội lúc này chỉ còn 15 đồng chí. Hai ngọn Khau Co cao nhất chúng vẫn chưa chiếm được. Trời về chiều, sương mù lại bắt đầu giăng tỏa. Giặc Pháp lại phải ngừng tấn công. Chúng co cụm lại. Chúng tôi cũng tranh thủ tổ chức chôn cất những anh em đã hy sinh. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ rõ khuôn mặt từng anh: Anh Thịnh, anh Phương ng­ười Phú Thọ; anh Trung người Yên Bái… Trong đêm tối mênh mông, chúng tôi đặt các anh nằm dưới chiến hào điểm tựa. Không vải liệm, cũng chẳng áo quan. Chỉ có những dòng nước mắt nóng hổi của đồng đội vĩnh biệt các anh cùng những tiếng thổn thức nghẹn ngào, và âm vang của bài ca “Chiến sĩ Việt Nam”.

Mặt trận Khau Co đó kìm giữ và tiêu hao sinh lực địch được 4 tháng. Đã chặn đứng mưu đồ tiến công chớp nhoáng chiếm đóng miền Tây Bắc của địch. Đã giúp cho vùng căn cứ có cơ sở để củng cố lực lượng phát huy chiến tích trong cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc. Và lúc này chúng tôi cũng nhận đ­ược lệnh rút quân…

Sớm nay, nghe những bài ca truyền thống của 50 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2 tháng 9, tôi lại thấy văng vẳng đâu đây tiếng hát của trung đội trưởng Thiết Cương cùng đồng đội trên đỉnh núi Khau Co ngày ấy và hình dung lại dáng hình mảnh khảnh của mình đang hòa chung tiếng hát đó một thời vang vọng và sống mãi với Khau Co (*).

________

(*) Khau Co nay đã mở quốc lộ 279 nối huyện Văn Bàn thuộc tỉnh Lào Cai với huyện Than Uyên thuộc tỉnh Lai Châu

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2020


Có thể bạn quan tâm