April 20, 2024, 2:57 am

Tiếng hát của dòng sông

Với tôi, Cà Mau, gắn bó một thời tuổi trẻ. Những ngày đuổi đàn Thòi Lòi, dầm mình trong bùn đất vét đìa, làm nhà ven sông, bơi lội giữa đám lục bình, ngồi trên vỏ lãi đi rước dâu giữa trăng buông... và yêu. Tất cả ùa về khi gặp thơ Huỳnh Thúy Kiều. Đọc thơ Huỳnh Thúy Kiều, tất nhiên không riêng tôi, một vùng châu thổ hiện ra mồn một. “Em viết để trả ơn quê hương, em thấy mình thuộc về quê hương, về Cà Mau...”, Huỳnh Thúy Kiều nói với tôi, khi tôi thắc mắc rặt sông nước... trong thơ.

Bìm bịp kêu nước lớn nước ròng/ Trái bần xanh giữa gió cồn/ Rơi thẳm/ Ăn bông bí mắt thương vàng mật đậm/ Cho anh theo về vùng cổ tích, em ơi!”, Huỳnh Thúy Kiều nâng niu quê hương trong thơ và gọi đó là “Miền cổ tích”. “Quê hương/ Nơi gieo tiếng khóc đầu tiên/ Bên luống cày mồ hôi cha rớt hạt/ Lấm láp mầm xanh/ Nhọc nhằn bùn đất”, (Quê hương). Rất đỗi máu thịt.

Đúng là, quê hương luôn bất tận trong văn học nghệ thuật. Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, các nhà văn, nhà thơ trong các áng thơ văn của mình, quê hương luôn được viết bằng cả trái tim. Với Huỳnh Thúy Kiều, “miền cổ tích” của chị là cây đước, cây mắm, con cá, con tôm, nắm đất vừa vỡ ối nhoài ra biển.... Tự nó cất lên tiếng nói trong thơ chị.

Sực nức cánh đồng mùi khói rạ rơm

Mùa đìa cạn cá tung lên hứng khởi

Tôi được sinh ra nơi đất rừng huyền thoại

Đêm Phương Nam buồn

Phím nhạc cũng chùn rơi.

(Hơi thở tôi mang mùi bùn đất)

Hoặc:

Chín nhánh Cửu Long! Châu thổ không của riêng tôi

Mùa nước nổi mời bạn đến dầm trong bữa canh chua cá linh bông điên điển

Xới chén ân tình cơm rơi vàng lời hẹn

Kênh rạch buồn đuổi ngọn sóng lắng bể dâu

(Châu thổ)

Huỳnh Thúy Kiều là người e ấp, kín đáo. Chị bảo: “Chốn thị thành, đô hội, chốn phù du lao xao Út không thích. Về với đồng đất quê nhà thật tuyệt, chạy trên đồng lúa dẫm cả vào cá mà thành dấu yêu”. Huỳnh Thúy Kiều là út ít trong một gia đình, được ba má, anh hai, anh ba...và chính đồng đất huyện Trần Văn Thời cưng chiều quá đỗi.

Không ngạc nhiên, tâm hồn chị như được “tắm” giữa quê nhà. Yêu quê đến mức nhận ra trong hơi thở của mình cũng có mùi bùn đất thì chỉ có Huỳnh Thúy Kiều. “Có những giấc mơ đêm đêm tạc vào phía con người vết hằn ký ức/ Thời gian rơi tự do theo phương thẳng đứng/ Chiếc đèn dầu như bước ra sáng loà từ cổ tích/ Trẻ hát đồng dao vung vãi lời ươm bóng nắng vàng quê”, (Những giấc mơ màu đất). Đến giấc mơ cũng sậm màu đất, chỉ có Huỳnh Thúy Kiều.

Hơi thở tôi mang mùi bùn đất” và “Những giấc mơ màu đất” chỉ thêm sự xác tín. Viết về vẻ đẹp chân quê, những mảnh hồn quê nhưng ngôn ngữ thơ, hình tượng thơ của chị hiện đại và mới lạ, làm cho thơ Kiều “hổng giống ai”, như chị vẫn nói. Tâm hồn của Huỳnh Thúy Kiều chất chứa vẻ đẹp hồn hậu và dân dã, đặc “phong cách Nam Bộ”. Theo dõi Huỳnh Thúy Kiều, ngay trên trang cá nhân, bạn đọc dễ nhận thấy, thơ chị bộc lộ một cách tự nhiên, tinh tế, thi ảnh mới lạ, dẫu viết về điều không mới: “Đồng ngửa cổ/ Ào ào cơn ngực sấm/ Dẫm cuồng phong/ Vác cuốc bửa màu chiều/ Con dế nhủi khóc đêm thanh vắng/ Lẻ bạn tình nước mắt chảy trăng non”, (Nói với quê hương)

Những bài thơ của Huỳnh Thúy Kiều viết về vẻ đẹp dẫu của hồn người, hồn đất, hồn cây...luôn sinh sôi trong tận cùng hồn vía và bất tận của khát vọng. Nhịp thơ cuồn cuộn như nhịp sóng nước nhưng vẫn lắng đọng như những hạt phù sa giữa lòng sông:

Ngẫu hứng chín dòng sông tiếng gà rải giọng tha phương

Máu Cửu Long đỏ quặn lòng chảy mềm dấu chân chim mắt mẹ

Những mái nhà thức giấc

Bóng dừa cỗi cằn sau cơn sấm vụt bừng xanh…

(Ngẫu hứng chín dòng sông)

Đăm đắm với tuổi thơ, cuộc đời, số phận và giải mã thân phận, cảm xúc tinh khiết của “hồn quê” như tên một bài thơ của chị, đó là điều dễ cảm nhận.

Tác giả Huỳnh Thúy Kiều

*

Làm thơ từ bé, nhưng chục năm trở lại đây Huỳnh Thúy Kiều bước vào giai đoạn của sung mãn. Người ta thường nói, gừng càng già càng cay, rượu ủ càng lâu càng dễ say và người đàn bà ở độ bốn mươi như Kiều cũng vậy. Họ có những điểm hấp dẫn chết người mà không một độ tuổi nào khác có được, điều này thể hiện trong thơ tình Huỳnh Thúy Kiều.

Đọc thơ tình của Huỳnh Thúy Kiều, dễ cảm nhận, trái tim và và tâm hồn chị nhạy cảm, đa mang. Thơ tình của Huỳnh Thúy Kiều dung hòa, phối hợp, đan xen nhiều đối cực tạo nên sự tương phản mạnh mẽ về cảm xúc: đau khổ và hạnh phúc, bóng tối và ánh sáng, cô đơn và sự vùng lên để giải thoát. Những câu thơ chị nhiều khi như tiếng nấc nghẹn của nỗi đau, thoát thai từ thẳm sâu bản ngã, tuôn trào thành câu chữ: “Hạnh phúc dài. Hơi thở hắt kín hun hút ngủ yên/ Điệu đàn đáy sinh nụ môi bí ẩn đời khát vọng/ Dắt díu màu em/ Anh ngắt đứt khúc ưu phiền ươm ngọc bích nhớ thương trên ngực/ Vương quốc bình minh thức dậy rụng tiếng cười”, (Dắt díu màu em)

Giam nhốt phút giây ngà ngọc

Trong chốn địa đàng vô biên…

(Cơn khát địa đàng)

Ngôn ngữ trong những thơ tình Huỳnh Thúy Kiều đẹp lung linh, giàu chất tạo hình, quyến rũ. Nhịp điệu trong thơ chị luôn được thả lỏng tự nhiên nhưng khỏe khoắn, co duỗi linh hoạt tạo nên sự bất ngờ, làm bung vỡ liên tưởng trong tâm hồn người đọc. Câu thơ của Huỳnh Thúy Kiều thường kết cấu từ ngữ khác biệt về nghĩa “hôn phối” với nhau tạo ra những lớp nghĩa mới, mơ hồ, xa xăm và gợi cảm. Cái tôi trữ tình trong thơ Huỳnh Thúy Kiều thường mạnh mẽ về cảm xúc, chiếu rọi và hòa nhập vào tận cùng cái hồn của sự vật: “chiếc lá rùng mình giũ sạch thuở xa xưa/ trằn trọc đêm/ anh hiện ra khêu nỗi nhớ/ bỏng rát trái tim/ em đánh cược với đời/ xao xuyến cài hư thực nhân đôi/ sầm sập. Nhói đau. Thêm một lần đóng chốt sao vô cớ gùi vai mây hong áo?/ sao tưng bừng vũ điệu?/ anh giẫm gót lên phía ấy, câu thề…”, (Không đề)

*

Sẽ có người thích hoặc không thích thơ Huỳnh Thúy Kiều, đơn giản như mỗi người có một quan niệm riêng về cái đẹp, nhưng phải thừa nhận rằng chị đã rất thành công khi tạo ra dấu ấn riêng. Thơ của chị xuất hiện rộng rãi trên nhiều tạp chí, báo của cả nước với tất cả “dấu ấn Nam bộ”, không lẫn.

Đến nay Huỳnh Thúy Kiều đã trình làng Kiều Mây, NXB Văn học năm 2008 - Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam dành cho tác giả trẻ; Giấu anh vào cỏ xanh, NXB Văn học năm 2010 - Giải C Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Ru giấc phù sa, NXB Phương Đông năm 2017; và chuẩn bị in Sông Hồng (NXB Văn học). Ngoài ra chị còn được Giải C Cuộc thi thơ 2008-2009 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ngoài thơ, Huỳnh Thúy Kiều còn là cây viết tản văn uy tín của các báo, tạp chí như Sài gòn Giải phóng, Quân đội Nhân dân, Sức khỏe và Đời sống.... Trên sông đầy gióGió tháng Chạp là những tản văn gần đây Kiều mới ra mắt bạn đọc. “Tản văn Những triền sông, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đặt hàng, đang in để sách phát hành dịp Hội sách Mùa xuân, tháng 3/2020”, Huỳnh Thúy Kiều báo tin vui cùng tôi. Giống thơ, tản văn chị tiếp nối yêu thương, xa xót quê hương, ân cần với quê hương. Tản văn của chị đầy ắp văn hóa bản địa, nhất là vùng cực Nam Tổ quốc, nơi chị sinh ra và lớn lên.

 

 Huỳnh Thúy Kiều chân chất đến nồng nàn, tinh khiết đến thánh thiện, tinh tế, khác lạ, rất “Kiều”. Đọc thơ chị dễ “vướng” bất ngờ ở những câu thơ dài, ngắn; những nghịch âm, nghịch vần cuối dòng, cuối câu... đa dạng, gói gém nỗi niềm riêng, chung. Thơ Kiều là tất cả sự mong manh, yếu mềm của một trái tim yêu hình như đang trong mùa phiền lụy, đói khát giấc mơ địa đàng. Có lẽ vì thế mà dễ đi vào lòng bạn đọc.

Huỳnh Thúy Kiều, cứ thế đã và đang cất tiếng hát của dòng sông./.


Có thể bạn quan tâm