April 25, 2024, 3:26 pm

Tiếng đàn bầu

      Cơn mưa đuổi theo đoàn tàu như thú dữ săn mồi. Càng lên cao, con tàu càng trở nên chậm chạp, ì ạch. Mưa đón đầu hành trình và cảnh cáo bằng những cú tạt sắc lạnh vào những ô cửa kính mờ mịt. Khách vón vào nhau vì lạnh. Cuối thu mà trời còn dư nước đến vậy.

     Chị mỗi lúc lại nép sát vào tôi, chỉ tôi nhìn ra ngoài cửa kính. Tôi không thấy gì ngoài một mái nhà phủ đầy hoa tigôn mà hình như mưa làm màu hoa loãng ra. Tôi rất ngại hỏi chuyện người mới quen nhưng lại hay lén để ý. Vì thế, dù dán mắt vào cuốn Trăng Non dầy khộp thì tôi vẫn biết chị đang rất muốn bắt đầu câu chuyện. Gấp sách lại, tôi nhìn chị chờ đợi. Và câu chuyện bắt đầu…

           Mười lăm tuổi chị đã bỏ nhà đi theo tiếng đàn bầu của một người đàn ông trung niên làm nghề đan lưới. Cứ mỗi lần giai điệu Bèo dạt mây trôi cất lên là chị thấy mình khao khát điều gì đó khó có thể gọi tên. Nhưng khốn khổ thân chị, khi bụng mang dạ chửa một mình, người đàn ông kia đã dời đi vùng biển khác. Và cả vùng ấy, có bao nhiêu cô gái cả tin như chị. Sắp đến ngày sinh, chị trốn nhà, lên tàu, ngược đến một khu rừng vắng vẻ sinh con rồi trở về mà không một ai hay biết. Khi ấy chị mới tròn mười lăm tuổi. Chị bỏ nhà, ra thành phố, đi làm, rồi gặp một người đàn ông si mê chị. Sau đám cưới, dù đã cố gắng nhưng chị không thể nào sinh con cho người ấy và tình cảm cũng phai nhạt. Và như có một thứ bùa ngải nào đó, chị lại tìm đến một tiếng đàn khác. Và cứ thế, chị trượt dài trong thứ âm thanh chơi vơi, hư ảo nhưng có thật.

     Chị bảo, có lẽ thằng bé đã bị thú rừng tha đi và ông trời trừng phạt bằng cách tước đi quyền làm mẹ của chị, bắt chị cả đời phải gánh kiếp bèo dạt mây trôi. Tôi hỏi chị, nếu giờ gặp lại đứa con ấy chị có nhận ra nó không? Chị lắc đầu. Vì nó không có gì đặc biệt, nó còn quá nhỏ, chị chưa từng ôm ấp nó, chưa từng mong muốn sinh nó. Thế chị tìm nó để làm gì? Chị chua chát. Để sám hối. Chị nói khu rừng ấy gần ga, chị đặt nó trên một thảm hoa ti gôn bò sát đất. Tôi nhìn chị, một khuôn mặt thanh tú duyên dáng. Mớ tóc quăn lòa xòa, luộm thuộm trước trán, đôi mắt một mí ướt át hay nhìn xuống. Làn môi nhàn nhạt, chớm cong đầy vẻ đa đoan. Tôi không hứa gì với chị. Tôi chỉ nói, nhà tôi ở gần cái ga ấy. Nếu có điều kiện, tôi sẽ hỏi dò xem sao. Tàu vào ga, tôi và chị cùng xuống. Chị lên taxi, còn tôi đã có bố đón.

       Khu rừng mà chị nhắc đến, giờ đã là một khu phố. Tôi đã hỏi bao nhiêu người định cư lâu năm ở đó nhưng không ai biết gì về đứa trẻ ấy cả. Người ta bảo, thủa ấy nhiều người bỏ con lắm. Tôi dù không còn chút hi vọng mong manh nào nhưng vẫn cứ nghĩ, biết đâu đấy, sự nhiệt tình của tuổi mới lớn sẽ được đền đáp. Nhất là, đứa trẻ trong câu chuyện của chị ấy trạc tuổi tôi.

     Sinh nhật tôi vào mùa tựu trường. Bố không gửi quà cho tôi, cũng không gọi điện chúc mừng gì cả. Dù hơi tủi thân nhưng tôi không dám trách bố. Có đứa bạn gái cùng lớp hái về tặng tôi một bó hoa ti gôn. Tôi chạnh lòng nghĩ đến chị. Chẳng biết giờ này chị đang đi tìm đứa con thất lạc hay đi tìm tiếng đàn bầu? Lôi tôi ra khỏi những suy nghĩ viển vông là thằng bạn thân nhất. Nó hí hửng khoe tôi một cặp vé mời xem biểu diễn nhạc dân tộc ngay trong thành phố, không quá xa chỗ chúng tôi ở trọ.

     Khách đến xem buổi biểu diễn quá ít so với nỗi náo nức mong đợi trong tôi. Nhưng sự xúc động đã khiến tôi không còn nhìn sang xung quanh nữa. Người nghệ sỹ trẻ sau khi chơi xong một bản nhạc nổi tiếng đang đứng dậy nhận hoa. Và tôi nhận ra chị rạng rỡ ôm bó hoa hồng rất lớn chạy lên sân khấu. Chị đã hôn lên bàn tay người nghệ sỹ và thầm thì điều gì đó. Anh ta cười bẽn lẽn và lại ngồi xuống bên cạnh chiếc đàn bầu. Lần đầu tiên tôi nghe trọn vẹn giai điệu Bèo dạt mây trôi trong sự cổ vũ nức nở của con tim. Tôi không đến gần chị, vì lần này trông chị trẻ trung, sang trọng và đằm thắm, khác hẳn lần gặp nhau trên chuyến tàu ngược hôm nào.

    Tôi ra về như kẻ mộng du. Đêm ấy, trong giấc mơ, tôi thấy mình là nghệ sỹ chơi đàn bầu. Quanh tôi toàn hoa tươi và những lời chúc tụng. Chị đã hôn lên tay tôi và cả trán tôi. Thằng bạn tôi càu nhàu và bảo nếu không nể là sinh nhật tôi, nó sẽ thụi cho tôi một quả cho chừa mộng mị. Tôi nằm nghĩ miên man một lúc rồi lại thiếp đi. Lần này, thằng bạn đã đấm tôi thật. Nó hỏi tôi mơ gì? Tôi khai như bị nó thôi miên, rằng tôi là đứa trẻ mới chào đời, trần như nhộng trên thảm hoa ti gôn. Thằng kia cười phá lên. Nó giựt bó hoa dại trên cửa sổ lùi xuống gầm giường và giảng đạo. Chơi hoa ti gôn là điên, hay ho gì cái loài hoa thất tình dang dở ấy, con quỷ ấy chơi xỏ nên mới tặng mày đấy, nó thích mà mày cứ làm thinh, chả chết. Ngủ đi. Tôi không ngủ tiếp được, cứ mân mê cái điện thoại. Tôi thèm được gọi chị, thèm nghe giọng nói của chị. Cuối cùng không cưỡng lại được, tôi hé cửa, đi ra ngoài.

     Một giọng đàn ông còn  ngái ngủ nghe máy. Tôi bẽ bàng, thế ra chị không một mình  như tôi nghĩ. Cảm giác ghen tuông chợt đến làm tôi nóng bừng mặt. Đã thế tôi mặc kệ, tôi sẽ không hơi sức đâu mà tìm con cho chị nữa. Chị tìm nó để thoát khỏi cảm giác ân hận giày vò, chứ chị đâu có thương yêu nó. Chị thật đáng thương nhưng cũng đáng giận vô cùng.

      Trên chuyến tàu về nhà. Tôi không ngồi yên một chỗ mà cứ đi dọc con tàu và để mắt tìm chị. Tôi đã không thấy chị và thầm nghĩ đến những cuộc vui không dừng của người phụ nữ kì lạ.  

      Đêm, tôi trằn trọc khó ngủ. Bố tôi hỏi tôi có người yêu chưa? Tôi im lặng. Bố lại hỏi. Trông cô ấy thế nào? Tôi tả qua loa. Bố rỉ rả. Cao thế là được rồi, da nâu càng khỏe, thế mặt mũi nó nom thế nào? Tôi đơ người ra. Lạ thật, sao tôi lại không nhớ mặt con bé ấy chứ, con bé ngồi cùng bàn với tôi suốt cả năm học ấy. Thôi tả đại một đứa nào chả được. Nhưng trong đầu tôi chỉ còn duy nhất một khuôn mặt. Bố  trầm trồ khen tôi có phúc yêu được người như thế. Đó là mẫu người đa sầu đa cảm, đã yêu ai là hết lòng, yêu như ghi như tạc không bao giờ phai. Chỉ tội mắt ướt đa đoan, như con thuyền không bao giờ cập bến.

   Tôi lảng sang chuyện khác. Loanh quanh vẫn chuyện tiếng đàn. Bố cốt để ru tôi ngủ như việc ông vẫn làm thế thay mẹ tôi suốt tuổi thơ tôi, bố hát. Tôi thăm dò, bố biết chơi ghita phải không? Mãi bố mới ậm ừ. Thời của bố mấy người lại không biết đàn sáo. Thế có mấy cô mê tiếng sáo của bố rồi? Có mấy cô thì đã không phải nuôi anh một mình. Tôi gạ. Hôm nào bố dạy con chơi đàn bầu nhé. Hả, ngủ đi, chỉ được cái… Tôi băn khoăn không hiểu bố định nói gì mà đột ngột dừng lại. Bố thở đều như thể ngủ say lắm khiến tôi phải nằm im. Tôi ngẫu hứng nghêu ngao khe khẽ. Một mảnh trăng treo suốt năm canh, em ơi, anh vẫn đợi…Thôi đi. Bố gắt khẽ rồi nhổm dậy ra ngoài đốt thuốc.

        Cả ngày hôm sau bố không nói với tôi lời nào, như thể ông sợ bắt chuyện với tôi. Tôi buồn lơ lửng. Tôi gọi cho chị, khoe là vừa về nhà. Chị cũng kể là chị vừa về quê. Chị bảo về quê buồn lắm, không về thì nhớ, mà về rồi thấy  lạc lõng thế nào ấy. Sao mà cảm nhận của chị giống tôi đến thế. Tôi khoe là bố mình hát ru cực hay. Chị reo lên. Ôi thế sao? Rồi chị bảo sẽ lên thăm gia đình tôi trên chuyến tàu đêm và tôi ra ga đón chị vào sáng hôm sau.

      Tôi run rẩy chờ cơn thịnh nộ của bố, người vừa làm cha, vừa làm mẹ đã quá vất vả, nhọc nhằn vì tôi. Nhưng bố không chửi mắng, chỉ nói tôi đã lớn có quyền kết bạn, dù người ấy là ai, bố cũng không phản đối. Tôi giật mình, thanh minh, không phải là tôi yêu chị, vì chị lớn tuổi hơn tôi rất nhiều. Cũng không phải tôi cố ý gán ghép chị với bố, vì bố vừa già, vừa xấu, lại quê mùa cũng không hợp với chị. Thế thì vì điều gì? Tại sao tôi không từ chối chị?Tôi không trả lời được. Tôi chỉ biết, tôi có cảm giác ấm lòng mỗi khi nói chuyện với chị, nghĩ về chị. Chẳng nhẽ tôi lại nói với bố là tôi giống chị, cũng mê mẩn tiếng đàn bầu, có lẽ một ngày nào đó tiếng đàn sẽ mang tôi đi, dù bố không muốn dạy tôi. Cái ngành học xây dựng mà bố hướng cho tôi có vẻ như chỉ hợp với những đứa bạn cùng lớp của tôi.

       Xướng ca vô loài. Bố chưa bao giờ nói câu ấy, nhưng thái độ bố chuẩn bị đón tiếp chị rất lạnh nhạt, đầy vẻ khinh thường. Tôi dắt xe ra sân, bố bảo tôi mua luôn mấy quả cam. Bố biết tôi thích ăn cam.

       Chị trẻ và đẹp đến ngỡ ngàng, đẹp hơn lúc tôi tả cho bố nghe rất nhiều. Ngồi sau xe, chị trầm trồ khen thành phố biên cương sầm uất, khen tôi may mắn khi được sinh ra, lớn lên ở đây. Xe dừng trước sân nhà, nhìn thấy bố đứng ở cửa, tôi bối rối, chết thật, mải chuyện tôi quên mua mấy quả cam. Chị tái mặt khi nhìn thấy bố, còn bố thì chôn chân tại cửa. Sau một phút, chị òa lên nức nở và lao vào vòng tay bố tôi. Bố tôi cũng khóc. Lần đầu tiên tôi thấy bố khóc. Thì ra hai người biết nhau, đã là gì của nhau. Tôi vội vàng chạy đi sau khi nói với lại. Con đi mua cam!

      Tôi băn khoăn không biết xưng hô thế nào cho phải, cứ ấp úng trống không. Suốt bữa ăn, hai người thi nhau gắp thức ăn đầy bát của tôi. Chừng như suy nghĩ lâu lắm, chị quay sang tôi, nét mặt rất nghiêm túc. Cô là cô của cháu, cô ruột đấy. Tôi chỉ chờ có thế là bật lại tấm tức, nhấm nhẳng. Thôi, không cần phải dối tôi làm gì, mẹ tôi chết từ lúc tôi mới lọt lòng. Bố với tôi là tất cả. Nếu để bố vui lòng, tôi có thể gọi chị là mẹ, ngay bây giờ cũng được. Nhưng nói để cô biết, bố tôi chỉ biết hát chứ không biết đàn sáo như những người đàn ông cô say mê đâu.

       Cuối bữa, cô vừa gọt cam vừa cười với bố rất thân thiết. Như thể cô còn thân thiết với bố hơn cả tôi. Cô kể với bố, ngày trước, lúc mang thai thằng bé, em thèm của chua, trèo lên bàn thờ ngày tết lôi mấy quả cam xuống ăn bị anh tạt tai cho mấy cái nói là hỗn, cúng ông bà ông vải chưa hóa vàng đã ăn trước. Em tủi lắm. Bố cười buồn. Thì bây giờ cô ăn bù đi cho đã. Sau này biết cô vì có mang mới làm như vậy anh hận mình lắm. Cô đưa miếng cam vàng mọng lên tận miệng tôi làm tôi ngượng. Thi thoảng cô lại nhìn tôi bằng ánh mắt tha thiết trìu mến. Cô ngậm ngùi. Nếu thằng bé còn sống sót, nó cũng trạc tuổi cháu. Tự nhiên tôi thấy ghét cô, ghét sự hèn hạ, nhẫn tâm của cô. Tôi đưa tay gạt miếng cam thứ hai cô đưa cho và hằn học. Cháu đủ rồi. Có phải khi con người ta đã biết là máu mủ của nhau thì lại càng dễ hờn giận? Tôi mà lại có người cô ruột như cô sao?

      Đêm ấy, bố và cô thức gần như tới sáng để trò truyện. Anh em gì mà mấy chục năm mới gặp nhau. Bố hỏi cô về người đàn ông đan lưới. Cô kể cô vừa về đám giỗ người ấy. Bố hỏi về người đàn ông đã theo đuổi cô. Cô nói, đời cô theo đuổi bao mối tình phù du, chỉ có một người yêu và thật lòng với cô thì cô lại không giữ được. Bố khuyên cô nên ở lại thành phố này làm ăn, biết đâu có cơ hội tìm thấy thằng bé. Cô thở dài. Cứ đi qua cái ga ấy là em không chịu được dù rừng đã thành phố xá rồi. Mà có gặp được chắc gì nó tha thứ. Lần này tôi không kiềm chế được, chêm vào luôn. Nếu là cháu, cháu cũng không tha thứ, cháu còn hận ấy chứ, đẻ ra mà đem con bỏ là ác nhất. Cô hơi bất ngờ. Cả nhà yên ắng. Tôi chợt thấy mình quá lời. Vẫn là cô, vẫn câu chuyện ấy, sao lúc trên tàu tôi thương cô trào nước mắt.  Bao lâu nay tôi giúp cô củng cố niềm tin rằng con trai cô còn sống và nó sẽ tha thứ. Sao bây giờ tôi lại thay đổi nhanh đến vậy. Câu chuyện của cô ám vào tôi đến nỗi tôi từng mơ mình chính là đứa trẻ bị bỏ rơi trên thảm hoa ti gôn.

      Bố nghiêng người vòng tay ôm tôi như hồi tôi bé tí. Giường bên kia có tiếng cô sụt sịt, chắc là cô khóc. Bố hắng giọng một cách gia trưởng khiến tiếng sụt sịt nhỏ dần và dừng hẳn. Tôi cũng đỡ áy náy. Thực lòng, tôi cũng mong cô ở lại với bố con tôi, chấm dứt cái cảnh mây trôi bèo dạt. Tôi tin, hai người gặp nhau là do ông trời đã định thế, máu mủ không lìa, dù ở đâu cũng hướng về nhau. Nhưng tôi không tin là rồi cô sẽ hạnh phúc. Vì cô tham lam quá, cô muốn nhiều thứ quá. Cô vừa muốn làm mẹ, làm vợ như bao người đàn bà khác, lại muốn đắm mình trong không gian chất đầy những phong ba của kiếp cầm ca. Nơi không phải để cho cô làm chủ cuộc đời mình. Cô bị tiếng đàn dắt đi suốt mấy mươi năm mà vẫn chưa mệt mỏi sao? Vậy mà bố bảo mẫu người như cô đã yêu là chung thủy, yêu mãi không thôi. Có lẽ, cô chỉ yêu tiếng đàn, yêu điên cuồng tiếng đàn chứ không yêu một người đàn ông nào cả. Vì thế, trăm cay ngàn đắng, cô vẫn chẳng tỉnh ra.

    Tôi đã ngủ trong chập chờn mê mệt. Chợt có cái gì đó âm ấm, ướt át trên trán tôi. Tôi không biết đó có phải là nụ hôn của cô hay chỉ là tôi mơ ngủ. Nhưng tôi thấy lòng buồn vô hạn vì không định nghĩa được cảm giác ấy. Nó rất lạ, đi sâu vào tôi, dịu ngọt và nghẹn ngào. Cảm giác ấy chưa bao giờ bố mang đến cho tôi.

      Bố xin nghỉ hai ngày để đưa cô đi tìm tung tích đứa con trai. Bố làm bảo vệ ở công ti khoáng sản nên không nghỉ lâu được. Tôi chỉ được ở nhà thêm một ngày là phải xuống trường. Tôi hăng hái xin bố đi cùng. Tự nhiên trước giờ xuất phát, cô lại đổi ý không đi nữa. Bố tôi quắc mắt ra lệnh. Đi tìm, phải đi tìm chứ, cô định bỏ nó sao? Cô bướng bỉnh lắc đầu. Cứ để nó yên phận với cuộc sống này, nó đang đầy đủ, hạnh phúc. Sao cô biết, cô tin nó hạnh phúc? Em linh cảm thấy. Bố cười nhạt. Tùy cô. Em về đây, ngày kia em vào Miền Trung cho kịp buổi diễn. Diễn gì cô, diễn viên quèn. Cô cười trong nước mắt. Anh lúc nào cũng coi thường em..

    Tôi nhận lệnh của bố đưa cô ra ga, lòng rưng rưng. Còn hai chục phút nữa tầu mới chạy. Tôi lên tầu, ngồi cạnh cô. Hai người không nói gì. Tàu sắp chạy, bất chợt cô vòng tay ôm chặt tôi, nói như người mơ ngủ. Con ơi, xin con tha lỗi cho mẹ. Tôi giằng ra khỏi vòng tay cô, chạy ra cửa, mặc cho bao con mắt nhìn cô như kẻ bệnh hoạn. Cô trẻ thế sao có thể là mẹ tôi? Cũng mặc cô khóc. Tôi lao xuống đường, chạy ra cửa ga. Tôi dắt xe máy về tận nhà. Lòng tôi như có bão vừa đổ xuống. Bố đứng đợi tôi ở cửa, dìu tôi vào nhà. Bố thở dài, tôi không biết bố đã cân nhắc điều này từ bao giờ mà ông nói luôn một mạch:

    - Con không phải là đứa trẻ bất hạnh ấy, nhưng con có thể là nó, để cô không phải mang mặc cảm tội lỗi và oán trách người đàn ông đã nằm dưới nấm mồ, và mãi đuổi theo ảo ảnh của tình yêu. Con hãy gọi cô ấy là mẹ, một lần thôi cũng được, và nói là con đã tha thứ. Con hãy vì bố, vì cô của con. Được không?

     Tôi đã ngang ngạnh lắc đầu. Tôi không muốn vai diễn đầu đời của mình lại thuộc về một bi kịch. Thằng bé bị bỏ rơi kia không thể là tôi. Tôi không thể là nó, dù một lần là nó. Cô càng không thể là mẹ tôi. Tôi ngàn lần sợ điều đó. Tôi rất sợ cái cảm giác cô đơn khi bị bỏ rơi mà tôi đã từng trải nghiệm bằng những cơn ác mộng.

     Tôi về trường trong nỗi lòng trĩu nặng. Trút tâm sự sang thằng bạn thân. Sau một hồi suy nghĩ, nó đã hỏi tôi rằng. Mày thực sự không muốn có mẹ hay sao? Tôi không thể trả lời câu hỏi khôn ngoan của nó.  Nó luôn biết tôi cần gì. Tôi nghĩ đến bố. Tôi nhắn tin. Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe nhé. Cô nhắn lại. Con làm theo nguyện vọng của bố phải không? Tôi bế tắc vì cái kịch bản vụng về của bố con tôi không thể qua mắt người đàn bà từng trải.
    Tuy nhiên, sau sự vụng về đầu tiên ấy, tôi đã đối xử với mẹ bằng tất cả lòng chân thành, yêu thương. Sau khi tốt nghiệp, mẹ xin cho tôi làm trong công ti của một người bạn thân. Tôi dọn về ở cùng mẹ trong một căn hộ nhỏ gọn gàng tại thành phố. Mẹ đã vì tôi mà dần bỏ lại sau lưng tiếng đàn bầu và sự gọi mời của những cuộc biểu diễn. Tôi biết mẹ vẫn luôn dò hỏi tung tích đứa con thất lạc. Sự có mặt của tôi trong cuộc đời mẹ càng thôi thúc mẹ tìm kiếm.

     Cho đến một ngày, khi nhận được tin thằng bé ấy đã chết thì mẹ gục ngã. Tôi xót xa cầu cứu bố. Bố đến, lặng lẽ gỡ cái bàn thờ xuống.

    -  Cô bậy bạ vừa thôi, ai bảo cô thờ nó.

     Mẹ đưa đôi mắt sưng húp nhìn bố, tìm một nơi bấu víu. Bố chỉ cái đàn bầu treo trên tường, ngay phía đầu giường của tôi. Đấy cô xem, nó không giống cô thì giống ai? Tôi biết bố khôi hài cho em gái mình đỡ buồn, đỡ tủi thôi. Nhưng mẹ vẫn không nguôi. Bố nặng nhọc cất lời. Thế cô không có cảm giác gì sao? Sao trên đời lại có người mẹ như cô? Cô mụ mị mất rồi. Con của cô còn sống. Mắt mẹ lại ánh lên niềm hi vọng rối ren. Thế sao người ta nói tận mắt nhìn thấy người đưa nó vào nhà xác. Cứ vào nhà xác là chết à? Y tá bế nó vào, tôi lại bế ra. Tôi đã theo chân cô, may mà kịp, suýt nữa nó đã không được làm người….

     Tôi đứng dậy, lững thững bước đi. Cảm giác chơi vơi như khi nghe tiếng đàn của người nghệ sĩ hôm nào lại về đầy trong tôi. Người tôi cứ bồng bềnh như có một thảm hoa đang nâng tôi lên, thật êm ái. Và tôi biết, bên dưới thảm hoa ti gôn tím hồng ấy, có đôi bàn tay vững vàng của bố tôi.

Nguồn Văn nghệ số 42/2018

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm