March 28, 2024, 3:34 pm

Tiếng của dòng sông

 

Trong ký ức, Tần còn nhớ như in, nhà anh ở cuối làng, cuối xóm nếu tính từ đình. Đình làng ở bổng quả đồi này, từ đây đường về nămxóm toả ra năm phía như một bàn tay xòe. Một lần trèo lên cây thị bên nách đình, Tần mới thấy cái đẹp của làng – Làng Đồi, xóm nào cũng san sát nhà chạy thoai thoải xuống, tất cả cứ chan chan vàng trong cái nắng tháng tám. Song có lẽ đẹp nhất là xóm Sải nhà Tần.

Cho đến tận bây giờ chẳng thấy ai bỏ công truy nguyên cái tên xóm Sải.Xóm có mấy chục nếp nhà, nhà nào cũng năm gian ngói ri cổ kính. Cũng tại cái thổ đất nên từ xa nhìn lại những ngôi nhà vạch lên triền đồi như những bậc thang đều đặn rất ấn tượng.Chẳng hiểu sao các cụ nhà Tần lại chọn chỗ ở bây giờ.Đó là bậc thấp nhất xóm, trước mặt nhà là dòng sông Tích. Bên kia sông là đồng làng, cánh đồng hơn trăm mẫu Bắc Bộ không biết đã bao nhiêu đời dân làng bỏ mồ hôi, công sức ra khai phá giờ đã trở thành “bờ xôi ruộng mật” làm nên làng quê trùphú này… Một năm hai vụ bốn mùa, ngồi trước sân nhà mình, nhìn hoa màu trên cánh đồng Tần biết nhịp của thời gian.

Sông Tích là một con sông nhỏ nhưng có đầu có cuối. Sông Tích khởi nguồn từ một phía của triền núi Tản rồi kết thúc sau mấy chục cây số hành trình trước khi nhập vào sông Bùi chảy về phía bên kia núi. Có lẽ chính vì lý do này mà người dân nơi đây gọi là sông Con, bên cạnh dòng sông Hồng là sông Cái. Những thế hệ trước thì không biết songđến thế hệ này, Tần giống cha mình, dòng sông với anh như là máu thịt!

Hôm nay cũng như bao nhiêu ngày khác, hễ có chuyện gì phải suy nghĩ là Tần lại ra ngồi ở thềm bến.Chẳng hiểu sao ngồi đây đầu óc Tần cảm thấy thanh thảnh và minh mẫn. Dòng sông thao thiết chảy về xuôi như trở đi những nỗi niềm và thật kỳ lạ lần nào Tần cũng có những ý nghĩ mới mẻ đem lại hướng đi mới cho đời mình…

Thoảng chốc mà đã mấy chục năm.Đó là khoảng những năm bảy mươi của thế kỷ trước, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Trong làng không còn một thanh niên nào ngoài mấy người ở độ tuổi nghĩa vụ quân sự nhưng do tàng tật nên ở lại. Tần không nằm trong số những thanh niên đó, vậy mà anh cứ trơ ra. Tần buồn lắm… Một hôm trên đường từ trường về làng, Tần cúi đầu lủi thủi cuốc bộ. Con đường này ba năm qua từ ngày Tần học hết cấp II, anh đã cùng mấy bạn trong làng đi bộ lên thị trấn để học cấp III. Mới hết học kỳ một, mấy bạn trai đã nhận bằng tốt nghiệp “đặc cách” để lên đường nhập ngũ. Còn lại mỗi Tần, buồn thế! Anh càng cố gắng học hành những mong không được nhập ngũ thì cũng được vào đại học. Vào đại học để đi khỏi cái làng Đồi này. Cái làng đã để lại cho thế hệ cha mẹ anh nhiều nỗi ê chề…

Năm ấy Tần còn nhỏ nhưng chẳng hiểu sao những hình ảnh ấy in vào trí não của một đứa trẻ mạnh mẽ đến như vậy.Đó là khi cha mẹ anh bị đuổi ra khỏi nhà với hai từ địa chủ trong “cải cách ruộng đất”.Sau đó là đấu tố, họ mang cha anh ra cái bãi đầu làng, bắt ông quỳ xuống.Cha Tần khiên quyết không quỳ.Một thanh niên trong làng đã dùng một cái gậy tre đực, bất ngờ đánh vào hai khoeo chân khiến ông khuỵu xuống.Sau này mỗi lần trở trời vết đau tái phát không ngủ được. Hai mẹ con Tần phải lấy lá ngải cứu hơ nóng rồi nắn bóp cho cha mình. Một lần ông bảo: Cũng may hôm ấy nó vụt vào phía sau, nếu vào phía trước có khi vỡ xương bánh chè thì què cả đời…

Đang mãi nghĩ bỗng có tiếng nói ở một mảnh ruộng ven đường vang lên: “Ơ, anh Tần làng mình chúng mày ạ”! Tần ngẩng nhìn, thì ra mấy cô gái làng đang làm cỏ lúa. Tần giơ tay vẫy thì tiếng một cô khác: “Anh Tần… bị thế nào nên mới không được đi bộ đội chúng mày nhỉ”. “Nom khỏe mạnh thế kia lại có trình độ nữa, chắc là có bệnh gì”. Nhắc đến đấy Tần cắm cúi bước nhanh nhưng vẫn nghe rõ tiếng: “Có khi không có… chim cũng nên”! sau đó là tiếng cười ré lên.

Nhiều đêm sau đó Tần không sao ngủ được, đã không đi bộ đội như đám bạn trai làng thì được vào đại học cũng còn đỡ. Tần mỏi mắt chờ, cái giấy gọi nhập học của một trường nào đó nhưng nó không bao giờ đến.Đang tuổi tráng niên mà ngày mỗi ngày Tần như thấy mình thừa ra.Là một người bình thường nhưng cứ sống như thế này có khi vài năm nữa, anh trở thành kẻ tàng tật. Tàng tật trong tư tưởng, tình cảm cũng nên… Thành phần gia đình khi dính vào hai chữ “địa chủ” đã tách anh ra khỏi cái làng này, cái làng mà tổ tiên nhà Tần cùng dân làng Đồi đã từng khai phá và xây dựng.

Mãi cho đến sau này, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, đêm đêm nghĩ lại Tần vẫn cứ thon thót giật mình.Ngày ấy nếu không có Hiền thì cuộc đời của Tần sẽ đi về đâu.Hiền là cô gái duy nhất của làng Đồi được cha mẹ cho ra thị trấn học cấp III, cô học sau Tần một lớp. Nhà Hiền ở xóm Đình, bố Hiền là du kích hoạt động tại địa phương trong những kháng chiến chống Pháp. “Hòa bình lập lại” ông được cử làm bí thư chi bộ. Trong số ít ỏi những người học cấp III, nhà Hiền có điều kiện hơn cả, nhưng cô cũng như mọi người, hôm nào cũng cung cúc quốc bộ ra thị trấn.Trong số những người đi học, hình như Hiền không hợp với ai ngoài Tần. Thỉnh thoảng gặp những bài khó Hiền thường trao đổi với Tần trên đường đến lớp.Mấy năm trời như thế, nắng ráo còn đỡ, mưa gió thì vô cùng vất vả đối với đám học trò.

Một hôm do phải học một chương trình ngoại khóa nên mãi đến chiều lớp học mới tan. Ra khỏi thị trấn thì trời đã xâm xẩm tối.Thấy Hiền lẽo đẽo mãi phía sau trong khi đám bạn trai đã nhanh chân rảo bước.Tần đi chậm lại có ý đợi Hiền. Gần về đến làng thì một cơn mưa ngộ trút xuống. Trong chốc lát con đường về làng bị nước của dòng sông Tích nhấn chìm.Trong đêm tối chỉ có Tần và Hiền dò dẫm tìm đường trong mênh mông nước. Hiền vô cùng hoảng sợ, khóc thút thít. Chằng hiểu sao lúc bấy giờ Tần lại bật ra một câu: “Đừng sợ, có anh đây”!

Vốn là đứa trẻ được tiếng bơi lội giỏi nhất làng nên đối với Tần việc đêm hôm mưa gió không hề hấn gì. Hai người về đến đầu làng thì thấy bố Hiền với một bó đuốc đang cháy đùng đùng trên tay. Ông cất tiếng: “Bố đi đón con đây, lần sau con cứ ở lại trường rồi bố đón”! Nói rồi ông gườm gướm nhìn Tần và nắm tay con gái kéo đi…

Tuổi trẻ như có một bàn tay thần kỳ mà Tạo Hóa đã sắp đặt, Tần cũng không thể ý thức được một cách rõ rệt lúc nào thì tình yêu giữa họ bắt đầu. Một tình yêu ngọt ngào nhưng cũng đầy nghiệt ngã!

*

Thế hệ cha Tần có ba anh em trai, hai người anh sau khi học xong Sec-ti-phi-ca (tiểu học Pháp - Việt) đều bỏ ra phố lập nghiệp. Cha Tần cũng được các cụ cho ăn học, những tưởng sẽ theo chân những người anh, không ngờ ông lại chọn con đường làm ruộng cho cuộc đời mình. Làng Đồi thấy vậy ái ngại cho là cái sự… gàn dở của cha Tần. Khuyên bảo mãi không được cả nhà đành phải chiều theo sở thích của ông. Sản nghiệp ông nội Tần để lại có một nếp nhà và vài mẫu ruộng, có lẽ thương em, hai người anh không lấy một thước nào… Gần nửa đời người “chân lấm tay bùn” cha Tần vẫn hoàn toàn tay trắng. Nhân một ngày giỗ, hai người anh bảo: Mấy chục năm lăn lộn mà thấy chú chẳng đâu vào đâu, xót lắm! Chẳng lẽ chúng tôi cứ phải chứng kiến cuộc đời chú bần hàn, nheo nhóc. Ra phố với chúng tôi đi, may còn kịp…

Cha Tần nhất định không đi khỏi làng, ông bảo: Nếu chỉ có số ruộng đất như tổ tiên để lại thì em làm ruộng làm gì cho nó… phí đời! Kycóp vài năm nữa, có dấn có vốn nhất định ông sẽ thực hiện được ý định của mình. Sau khi nghe cha Tần giãi bày, hai người anh quyết định dồn cho em một số tiền lớn. Có tiền trong tay, cha Tần bắt đầu thực hiện ý định của mình.

Làng Đồi vốn là một làng nhiều ruộng đất nhất vùng nhưng do đông dân nên bình quân ruộng đất trên đầu người chẳng đáng là bao. Mỗi nhà vài mảnh ở rải rác khắp cánh đồng, nhà Tần cũng vậy. Có tiền trong tay việc đầu tiên cha Tần bắt đầu một cuộc đổi đất, không đổi được thì mua. Biết ông có tiền làng Đồi không ai chịu đổi hòa. Cha Tần mang tiền ra đổi các… Những thửa đất cuối cùng được đổi đắt như mang tiền ra mà mua bán vậy. Cả làng Đồi xót xa, bấm bụng ngồi xem ý định tiếp theo của cha Tần.

Sau khi đã có một khoảnh đất vài chục mẫu liền lạc, cha Tần đột ngột về Hà Nội lấy vé tàu hỏa đi vào Miền Trung.Đó cũng là những đồng tiền cuối cùng trong số vốn liếng những người anh của cha Tần dồn cho ông.Nghe tin, hai người anh tức tốc về làng. Mẹ Tần bảo: Đêm qua ông ấy ngồi gần như suốt đêm dưới thềm bến, mãi gần sáng mới về nhà, chỉ nói gỏn lọn một câu: Mình ở nhà nuôi con cho cần thận nhé! Nói rồi nước mắt người đàn bà chan chứa trong bước chân vô định của chồng mình.

Hai người anh ngán ngẩm lắc đầu quay đi, bên kia sông cánh đồng làng lúa đang vào thì con gái xanh mướt mát. Giữa đó là một khoảng trống không cấy gặt gì.Đó là ruộng nhà Tần, khoảnh ruộng vừa được đổi, nham nhở một nỗi đau trong lòng những người dân sống trên mảnh đất này. Chưa bao giờ người ta thấy cách đối xử với đất đai như thế ở làng Đồi.

Gần một tháng sau cha Tần về làng, mẹ Tần bảo: Ông ấy đi đằng đẵngmà khi về nhà, đến trẻ con cũng không được cái… keọ mút làm quà! Bố Tần mủm mỉm cười mở một cái gói được chằng buộc rất cẩn thận.Chẳng có gì ngoài những cái mắt mía nhú lên trên từng đốt đã được chặt ngắn ngủn.Mang ra cánh ruộng đã đánh luống, ông cẩn thận vùi xuống rồi hồi hộp chờ đợi.

Sang xuân, trên mặt ruộng bạc trắng đã le lói vài cái mầm xanh.Mấy tháng sau dân làng Đồi đã nhìn thấy những thân mía mập mạp. Cha Tần cả ngày quanh quẩn với đám ruộng… Vài năm như thế, ông đã có vài chục mẫu mía.Lúc bấy giờ cả làng Đồi mới vỡ nhẽ, chuyến đi Miền Trung của cha Tần là vào Phan Thiết.Ông đã mang giống mía từ mảnh đất xa xôi ấy về làng Đồi.Chẳng biết cha Tần có nghiên cứu gì không mà mía Phan Thiết rất hợp thủy thổ làng Đồi. Khắp cả một vùng không đâu có giống mía cho năng xuất cao như thế và đặc biệt là đường mật, ngon ngọt nổi tiếng một vùng!

Năm sau, những lò nấu mật hộn đường của nhà Tần được xây dựng ngay mé sông. Chiều chiều, khói lò âm thầm tỏa mang mùi thơm mật mía bay khắp làng. Hương mật mía theo dòng sông trôi xuôi, xuôi mãi… Cha Tần đã có cơ hội chạm tay vào những đồng tiền đầu tiên nhờ một ý nghĩ táo bạo chưa bao giờ thấy trong vùng.

Không bao giờ có ngày ấy cả. Cuộc “cải cách ruộng đất” long trời lở đất làm cho cha Tần hoàn toàn suy sụp! Gia đình Tần bị đuổi ra khỏi nhà, cha Tần xuống mép sông tạo dựng ngôi nhà lợp lá gồi ở tạm.Chiều chiều dân làng Đồi thấy một người đàn ông tiều tụy ngồi ở thềm bến, nhìn vợi vợi ra cánh đồng nơi có những mảnh ruộng của mình nay đã thành của hợp tác xã. Tần lớn lên trong sự ghẻ lạnh của dân làng! Mãi cho đến khi trai làng hầu như không còn người trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự, địa phương mới cho Tần nhập ngũ kèm theo một lá đơn đầy tâm huyết.

Hôm Tần đi, không có ai đưa tiễn anh ngoài vợ mình. Trước Thềm bến sông, Tần nắm tay Hiền: “Không có anh bên cạnh anh chắc là cuộc sống sẽ rất nhiều khó khăn, cố gắng lên em nhé”… Nói đến đây giọng Tần nghẹn lại, anh cúi đầu sải bước.Tần cảm thấy anh rất có lỗi với vợ mình. Từ nhỏ đến giờ Tần phải sống trong sự ghẻ lạnh của xóm làng, của xã hội với hai từ “thành phần bóc lột”… Với Hiền cô không đáng phải chịu như thế.Song, thực tế phũ phàng đã giáng xuống đầu Hiền khi cô quyết định lấy Tần. Học hết cấp III vào thời điểm ấy ở làng không phải là nhiều.Hiền lại là phụ nữ, rất dễ dàng để Hiền có một công việc gì đó khả dĩ nhẹ nhàng hơn cuộc đời là một xã viên hợp tác xã nông nghiệp.Cả gia đình không ai cản được Hiền. Trước hôm về nhà chồng, bố Hiền gầm lên: Tao đã chọn cho mày một con đường thênh thang mày không nghe. Mày đâm đầu vào bụi rậm… Xã hội này với cái thành phần ấy, bao giờ mày mới ngóc đầu lên được!

Ra đến cây đa đầu làng Tần mới ngoái đầu nhìn lại, hình ảnh Hiền với cái bụng lùm lùm dưới áo nâng bước chân Tần mạnh mẽ hơn với chặng đường trước mặt.

*

Tần đi một thôi gần năm năm đến khi giải phóng Sài Gòn mới bước chân về làng.Về làng vị thế của Tần đã hoàn toàn khác trước, anh trở thành đảng viên đảng Cộng sản. Ai đó bảo: Đây mới là lứa đảng viên gang thép, họ đã được tôi luyện qua chiến tranh. Trước cái sống và chết, con người bộc lộ bản chất của mình rõ rệt nhất! Đôi lúc Tần cũng thấy hãnh diện với nhật xét này: Họ là những đảng viên trưởng thành trong bom đạn khói lửa, chứ không phải là đảng viên “bèo hoa dâu”. Tần được sinh hoạt cùng chi bộ với bố của Hiền!

Song, tất cả vui trong niềm vui chiến thắng ấy cũng chẳng kéo dài.Cuộc sống với muôn mặt đời thường ngày mỗi ngày làm cho vợ chồng Tần nặng nề hơn. Nào là con cái với sức ép ăn mặc, rồi lại sách vở học hành. Nhiều lúc Tần ngồi thẫn thờ ở bờ sông cả tiếng đồng hồ.Cánh đồng làng trước mặt mấy chục năm vẫn thế. Người thì đông lên nhưng đất đai đâu có đẻ ra. Hoa lợi trên cánh đồng chẳng hơn gì ngày trước.Có khi đến mùa còn thảm hại hơn. Sâu keo và thói tắc trách của xã viên và cách quản lý “cha chung không ai khóc” mang cái đói, cái nghèo rình rập trước cổng mỗi ngôi nhà.

Cho đến một năm thì Tần không thể nào chịu đựng được nữa. Chi bộ đảng triền khai nghị quyết của huyện về việc thâm canh tăng vụ và tiến lên hợp tác xã lớn. Làng Đồi được quy hoạch là nơi trồng thuốc lá, một loại cây chưa bao giờ có mặt ở đây từ thủa lập làng.Tần là người kiên quyết phản đối.Anh nói: Chúng ta chưa chết đói nhưng đói triền miên thì nhà nào trong làng cũng đang phải chịu. Tốt hơn hết là nên trồng những cây lương thực đã quen với thủy thổ vùng này. Nay, nếu trồng cây thuốc lá nguy cơ chết đói là cái chắc!

Sau mấy phiên họp bất thành, đến phiên họp này có sự tham gia của một đồng chí cán bộ Huyện Ủy. Vẫn giữ quan điểm của mình, Tần đưa ra rất nhiều lý lẽ để thuyết phục huyện, cuộc họp kéo dài đến gần hết giờ chiều mà vẫn chưa ngã ngũ. Cuối cùng thì đồng chí cán bộ của huyện phải lên tiếng; Tôi đã lắng nghe và đã hiểu tâm tư nguyện vọng của các đồng chí.Cảm ơn nhiệt huyết của đồng chí Tần nhưng đồng chí hình như hơi quá lo lắng về vấn đề này. “Trên” đã nghiên cứu kỹ rồi mới triển khai, các đồng chí cứ làm theo nghị quyết để sản xuất, sản phẩm huyện lo. Không sợ thiếu lương thực, sản xuất ra bao nhiêu thuốclá, huyện sẽ cân đối lại cho địa phương số lượng lương thực tương đương…

Mấy ngày sau theo sự chỉ đạo của Huyện Ủy, Tần bị đưa ra kiểm điểm trước chi bộ với lý do: Vì đồng chí Tần mà làm chậm thời vụ gieo trồng của cả một hợp tác xã! Cũng may còn chút tình với con gái là vợ Tần nên ông bí thư đã làm cho việc kiểm điểm Tần nhẹ đi. Anh chỉ phải nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo!

Thật hú vía cho Tần, với sự chỉ đạo của “trên” như thế nếu đào sâu thêm, nâng quan điểm lên có khi Tần là kẻ phá hoại hợp tác xã, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng không chừng… Tất nhiên việc triển khai trồng thuốc lá với quy mô hợp tác xã lớn là sự báo hiệu cho sự tan rã một nền kinh tế hết sức chủ quan.

*

Đêm nay cũng như rất nhiều đêm Tần lại lặng lẽ ra ngồi ở thêm bến, dòng sông vẫn trôi xuôi như bao nhiêu đời nay vẫn bình thản chảy bên làng. Song, mấy chục năm trở lại đây làng quê cứ sôi lên sùng sục. Hợp tác xã nhỏ, rồi hợp tác xã lớn, rồi tan giã…“Trên” lại chỉ đạo chia ruộng đến tận các nông hộ. Kể từ sau “cải cách ruộng đất”, người nông dân nhìn đất đai như người ốm… nhìn cơm, điều mà trong lịch sử làng quê chưa bao giờ thấy như thế. Một thời bao nhiêu người đã phải chịu tủi nhục trên đất đai của mình. Nay, lại giao cho từng gia đình… Kẻ bảo cứ nhận đi, nhà nông không có đất thì còn nói làm gì nữa.Kẻ bảo đừng nhận, nỗi khổ vì đất chẳng đã là nhãn tiền đó sao.Chi bộ lại tiến hành họp để triển khai nghị quyết của “trên”.Quyết tâm hoàn thành, không thể để một tấc đất nào hoang phí.Tất cả phải được giao đến từng nông hộ.

Tần bàn với vợ ai không nhận thì nhà mình nhận tất. Vợ Tần bảo: Ông ôm vào lấy sức đâu mà làm. Hẵng cứ biết thế! Đúng là Tần cũng chưa hình dung ra công việc “khoán hộ” này sẽ đi đến đâu, về đâu. Nhưng câu nói hồi chiều của một tay lão nông trong làng thổi bùng lên trong Tần một nỗi thèm khát. Lão kia nói: Thời buổi đến lạ, đánh có một hồi kẻng mà nhà nào cũng có trên mẫu đất. Ngày xưa ở làng này, đất đai phải bỏ tiền ra mới có…

Riêng đối với Tần, bài học về đất đai với anh là quá thấm thía. Nếu như thời buổi không thay đổi một vài năm nữa thôi, có khi cha anh đã là một điền chủ với những cánh đồng mía thẳng cánh cò bay và mấy lò luyện đường mật cũng nên. Đất đai có thể đem đến sung sướng và cũng có khi bại hoại danh phận vì đất.Mặc kệ, Tần coi như có một thời cơ mở ra trước mắt mình.

Vật vã hơn tháng trời làng Đồi cũng chia xong đất, không có ai bỏ, ruộng đất cứ bình quân trên đầu người hiện có mà chia ra.Số đất Tần được nhận cũng không hơn ai ở làng này.Thôi cũng được, từ hôm nay, không biết mọi người như thế nào, riêng Tần, anh có quyền quyết định trên số ruộng đất của mình.Bẵng đi có vài năm mà làng Đồi thoát khỏi nạn thiếu đói kinh niên…  Không dừng lại, nếu như trước đây ruộng đất của hợp tác xã nghĩa là không phải của mình, nay là của mình, thế là một cuộc “cách mạng” âm thầm nhưng quyết liệt diễn ra ngay trong từng nông hộ. Khoa học kỹ thuật mang lại sự đột phá đến không ngờ.

Mới đó mà đã hơn chục năm kể từ ngày “khoán hộ”, hôm nay làng Đồi lại rộ lên với một chủ trương mới: Giao ruộng đất lâu dài cho nông dân để họ có quyền chủ động canh tác. Là người nhanh nhậy và trải nghiệm với đất đai Tần nhận ra ngay. Nếu mỗi gia đình chỉ có số đất ít ỏi trong sở hữu thì bất quá cũng chỉ thoát khỏi đói.Thực tế là làng Đồi hiện nay chỉ còn lại vài người già ở lại quê làm ruộng.Còn thanh niên bỏ ra phố hết.Bởi có ở lại làng cũng không đủ việc cho họ làm.

Hôm đó Tần đi lang thang khắp làng mãi đến khuya mới về đến nhà. Tần lại ra thềm bến ngồi.Dòng sông vẫn lặng lẽ trôi nhưng trong lòng Tần bùng lên một dự định.Mấy hôm sau anh đi đến từng nhà, nhất là những nhà bỏ ruộng hoang vài năm nay không cày cấy.Số ruộng này cho những nhà khác “mượn” muốn làm gì thì làm, miễn là trả đủ nghĩa vụ đất cho nhà nước.Một hình thức “phát canh” nhưng không thèm “thu tô”. Mà nếu có thu thì mỗi gia đình cũng chẳng được là bao. Vụ đầu tiên Tần “mượn” được gần hai chục mẫu đất.Vợ Tần lo rên lên vì lấy đâu công sức mà làm.Tần chỉ lặng lẽ cười.

Làng Đồi không ai ngờ được phép tính quá giản đơn trên cánh đồng làng mà chưa ai kịp nghĩ ra. Khi tiếng mày cày xình xịch rền vang lên thì người ta mới biết Tần đã thuê một tay cày máy chuyên nghiệp trên thị trấn. Tay này trước kia là công nhân nông trường. Nay nông trường giải thể hắn mua được mấy cái máy rẻ như mua sắt vụn.Thế là hắn đi cày thuê cho cả vùng. Rồi công cấy, công làm cỏ, cho đến khi gặt… Tất cả đa phần nhờ vào việc thuê máy móc nên không tốn nhiều công sức.Chưa bao giờ Tần có nhiều thóc đến như thế. Năm ấy bán hết được cũng là may, nếu không bán kịp, sản phầm kém chất lượng không ai mua thì lấy đâu ra tiền mà trả cho công cấy, công cày… Một phép tính hình thành trong Tần, anh âm thầm triển khai. Nếu thành công có lẽ khát vọng ngày xưa của cha anh có cơ trở thành hiện thực!

*

Không bao giờ cái ước vọng đó đến được với Tần! “Trên” lại chỉ đạo cho cán bộ làng Đồi một nghị quyết mới: Giao phần lớn số đất đai của làng cho một doanh nghiệp, doanh nghiệp này sẽ kinh doanh hiệu quả hơn khi dân làng Đồi mỗi người một kiểu, sản xuất rất manh mún. Số ruộng đất trên sẽ được nhà nước đền bù thỏa đáng theo những chính sách hiện hành.

Tần chạy bổ lên xã, ông chủ tịch xã tươi cười bảo: “Vẫn còn có “cửa” cho dân làng mình đây”. Vừa nói ông ta vừa mở tập tài liệu đọc: Ưu tiên hàng đầu cho những cá nhân hoặc doanh nghiệp nào là người địa phương!Nhìn Tần ông giễu cợt: “Hàng trăm tỷ đồng đền bù hoa lợi và quyền sở hữu đất đai của 50 năm với điều kiện không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nghĩa là chỉ có thể canh tác nông nghiệp. Nếu ông Tần có khả năng, địa phương tạo điều kiện tối đa”… Thấy Tần bùi ngùi, ông tiếp: Chúng ta không làm được thì để cho người ta làm. Lợi nhuận người ta nộp cho nhà nước gấp trăm, gấp nghìn lần chúng ta ấy chứ…

Đào đâu ra số tiền đó bây giờ, mấy ngày liền Tần vò nẫu mình bằng rất nhiều cách. Cách để có số tiền lớn nhất anh có thể là cầm cố toàn bộ đất đai nhà cửa… Có như thế cũng chỉ được vài tỷ đồng. Nếu có đủ vốn liếng để có quyền sở hữu số đất đai trên, vài năm sau anh có thể là một doanh nghiệp phát đạt. Nhìn thấy đấy nhưng “lực bất tòng tâm”!

Một lần nữa hai cha con Tần lại để tuột mất một cơ hội, nhìn thấy được nhưng không thể thực hành. Cha anh có thể có oan ức khi “cải cách ruộng đất” diễn ra. Còn anh, anh lại thua một cách song phẳng ngay trên đồng đất nhà mình!

Cuối năm đó một doanh nghiệp nước ngoài đến triển khai sản xuất trên cánh đồng làng Đồi.Xung quanh cánh đồng hàng trăm mẫu có hàng rào bao bọc không ai có thế vào bên trong được. Suốt ngày chỉ thấy máy móc hoạt động từ khâu cày cấy, gieo trồng đến chăm bón hầu như đều được tự động hóa.Ngay phía bờ sông một số nhà máy đang được khởi công xây dựng.Tần đoán ngay ra ý định của họ.Cuối năm đó, cây trồng trên đồng không có gì khác mà chỉ toàn là mía. Mía được chuyển xuống nhà máy vừa hoàn thành để sản xuất đường và các sản phẩm có nguồn gốc từ đường mật… Tần nhớ cha mình da diết!

Làng Đồi đâu còn là cái làng của một năm trước. Hàng trăm tỷ đồng đã được đổ vào đây với danh nghĩa đền bù hoa lợi và quyền xử dụng đất nhà nước đã giao cho các hộ gia đình có thời hạn là 50 năm. Có tiền, hàng loạt nhà nhiều tầng với đủ các kiểu kiến trúc được dịp thể hiện. Nếu có ai đi xa khi về đến làng họ cũng không thể tưởng tượng đến sự thay đổi chóng mặt này.

Hôm nhận tiền đền bù đến Tần cũng ngẩn ngơ, cuộc đời người làm ruộng có khi cày đầu cắm mặt cả đời không có được một góc số tiền này. Có tiền rồi người dân làng Đồi không biết làm gì, ai cũng nghĩ: Làm ngôi nhà cho khang trang để ở. Nhà cửa cứ đua nhau mọc lên, nhà nào cũng “kín cổng, cao tường”. Nếu có ai vào làng vào lúc nửa buổi cứ ngỡ là cái làng bỏ không. Riêng Tần nhiều lúc có cảm giác nó như là cái làng… ma! Ở một góc độ nào cũng đúng, bởi có ai ở lại làng đâu ngoài mấy người già hết tuổi lao động.

Mới chỉ có vài năm trở lại đây thôi mà làng quê biến đổi khủng khiếp. Như thế chẳng biết nên buồn hay vui. Rồi đây một mai vài năm nữa sẽ như thế nào… Tần nhận ra rằng: Mấy chục năm qua dân làng Đồi đã đi được một chặng đường, chặng đường ấy như cái vòng tròn. Sự đổi thay này là rất cần thiết cho sự phát triển. Chỉ có điều biết bao số phận đã phải trả giá cho bài học hết sức chủ quan ấy!

Tần đi xuống bến, chỉ có tiếng của dòng song là bao nhiêu năm qua không đổi, cứ lặng lẽ chảy qua làng như một chứng nhân thầm lặng...

Nguồn Văn nghệ 35+36/2019


Có thể bạn quan tâm