April 25, 2024, 10:42 pm

Tiên Lục mùa Dã hương rụng hạt

Xe chúng tôi lên Tiên Lục, như ngược về lịch sử, theo con đường hành binh cách đây 600 năm của nghĩa quân Lam Sơn xuống đánh đồn Xương Giang (nay là Tp. Bắc Giang) sau những trận thắng lớn ở Chi Lăng và Lạng Giang. Chiến thắng Cầu Trạm vang dội đã trực tiếp mở đường cho chiến thắng Xương Giang để sau đó thừa thắng nghĩa quân tiến về Đông Đô quét sạch quân Minh giải phóng đất nước mở ra một kỷ nguyên mới cho Đại Việt.

Bình Ngô Đại Cáo còn ghi “Lạng Giang Lạng Sơn thây (giăc) chết đầy đồng”. Nay hai bên đường là không khí hòa bình yên tĩnh với những hàng cây làng xóm và các cánh đồng mưa bụi xa xa. Nhưng cảnh quan như đã có chút gì bận rộn cuối năm. Lạng Giang đang chuẩn bị đón nhận Danh hiệu Nông thôn mới toàn huyện năm 2019.

Năm ngoái lên Yên Thế tôi có gặp một bà cụ Cao Lan từ Bắc Kạn sang thăm con gái làm dâu ở Bản Ven. Người Cao Lan sang Việt Nam cách đây hơn 300 năm. Họ chính là chủ nhân cây chè Bản Ven đang là thương hiệu chè nổi tiếng của Bắc Giang. Giữa những chuyện lan man của người già, bà cụ bảo: Ở bên Tàu nhiều vùng đất nổi tiếng nhờ các mỹ nhân và danh tướng, còn Bắc Giang nổi tiếng nhờ Anh hùng và Cổ thụ. Anh hùng là Cụ Đề Thám với 30 năm làm bạt vía kinh hồn quân Pháp, còn cổ thụ là cây Dã hương nghìn tuổi bên Tiên Lục Lạng Giang…

Xa xưa đất chưa có tên riêng. Cả nghìn năm Bắc thuộc vùng này thuộc đất Kê Từ, lộ Vũ Ninh cho mãi đến thế kỷ 11 mới được đổi là châu Lạng, thuộc lộ Bắc Giang. Lại qua mấy trăm năm nữa… Lạng Giang chỉ chính thức thành tên huyện từ tháng 3 năn 1948, khi Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra sắc lệnh bãi bỏ các danh từ phủ, châu, quận để thống nhất gọi là huyện.   

Xem ra lịch sử đầy truân chuyên vất vả.

Trước khi lên Tiên Lục, tôi có gọi điện cho người bạn hỏi bà cụ Cao Lan năm nay có về Yên Thế không. Anh nói con gái cụ bảo năm nay bà lên rừng hái thuốc. Những loài thuốc quý rừng núi Đông Bắc còn nhiều lắm. Người và Cây, hai tuyệt phẩm, hai biểu tượng tuyệt vời của thiên nhiên của thời gian và nhân loại… Nhắc tới Lạng Giang, những người già nhớ tới sông Thương thơ mộng nước chảy đôi dòng. Lớp tuổi tôi nhớ tới Nông trường cam Bố Hạ thời bao cấp, sân bay Kép thời chiến tranh chống Mỹ. Vốn là huyện thuần nông nhưng nhiều năm gần đây Lạng Giang có thêm cây vải thiều, một loai quả nổi tiếng, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Trong xe, trước ghế tôi ngồi có cuốn sách khổ lớn dầy phải gần nghìn trang, bìa vàng in dòng chữ “Hồ sơ đề nghị xét công nhận huyện đạt Nông thôn mới năm 2019 của huyện Lạng Giang”. Lạng Giang có 21 xã thì cả 21 xã đã đạt Nông thôn mới với 19/19 tiêu chí theo tiêu chuẩn quốc gia. Tiên Lục là xã cán đích sớm nhất trong 5 xã đăng ký đạt Nông thôn mới năm 2018…

Trụ sở UBND Tiên Lục đã trước mặt. Tôi vừa mở cửa xe đã gặp ngay một luồng gió mát mẻ ùa vào. Ngoài cửa xe đầy nắng… Phó Chủ tịch Hoàng Việt Tuấn thật trẻ trung. Sau ít phút trà nước, anh nhanh chóng đưa chúng tôi đi thăm cây Dã hương bên đình Viễn Sơn. Đội ngũ cán bộ tôi  gặp từ hôm qua đến giờ từ trên huyện xuống các xã hầu hết đều trẻ trung, năng động và… đẹp trai như vậy. Trên dưới bốn mươi…

Làng xóm quá đẹp. Chính những người dân Tiên Lục đã làm Tiên Lục thay da đổi thịt. Thấy tôi khen đường xá phẳng phiu sạch sẽ với lớp nhựa áp phan mịn màng Tuấn say sưa: - Đạt đích Nông thôn mới, cái thay đổi rõ nhất ở Tiên Lục là giao thông và nhà cửa. Còn đồng ruộng thì đương nhiên là sản xuất nông nghiệp nên cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng đều thay đổi mạnh, ý thức bảo vệ môi trường của bà con cũng chuyển biến khá nhanh…

Nếu ai từng đến Tiên Lục cách đây vài năm hẳn không quên những con đường nhỏ đất pha sỏi son chạy ngoằn ngoèo, ngoắt ngoéo qua các thôn xóm. Cây cối nhà cửa hai bên đường đều nhuốm mầu đất đồi buồn bã… Nay diện mạo đã hoàn toàn đổi khác. Những đường sỏi năm xưa không còn. Thay vào đó là những con đường rộng rãi trải bê tông hay nhựa ap phan. Đường vào thôn Giếng có hai làn xe, giữa là dải cây phân cách. Lòng đường gần 10m được bó vỉa. Vào làng có cổng chào, có điện sáng. 100% đường trẻ Vàng trẻ Nghẹm (đường đất trẻ chăn trâu) lồi lõm mấp mô xưa ở thôn Nghẹm cũng đã được mở rộng và bê tông hóa thành đường trục. Trưởng thôn Nghẹm nói vui: Giờ các bác về, đi đường muốn tìm đất đặt chân cũng không có!

Bên tôi, phó chủ tịch xã Tuấn tiếp tục: - Năm ngoái xã làm đường, cứng hóa bê tông được sáu mươi kilômét. Tuấn cười vui vẻ. Lãnh đạo huyện về bảo Tiên Lục làm được con đường nối từ Ngã tư Vôi đến Hà Nội…

Năm 2012, Tiên Lục bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Sau 6 năm nỗ lực, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Hai nhân tố quyết định cho thành công ấy chính là Công tác vận động quần chúng của cán bộ đảng viên và Sự vào cuộc của người dân. Đầu tiên xuống Đại Lâm học tâp. Đại Lâm ngày ấy thực ra mới được hơn chục cây số nhưng đã là xã làm được nhiều rồi. Về anh em thí điểm trước hai thôn rồi mới triển khai rộng. Nghị quyết của Đảng ủy đã có. Kế hoạch triển khai của UB đã xong. Hội nghị các thành viên Ban Quản lý xây dựng Nông thôn mới của xã cùng thành viên các tiểu ban 11 thôn cũng đã được tổ chức. Cán bộ đã phân công... Nhưng công tác vận động lúc đầu vẫn rất khó khăn khiến không ít người nản lòng. Bao đời quen đi đường đất nay xã bảo làm đường rải bê tông to 8m, 10m bà con không tin. Họ bảo cán bộ nói quá lên. Đảng ủy đề nghị tập trung tuyên truyền quán triệt trong cán bộ, đảng viên trước rồi chọn những gương điển hình đem ra tuyên truyền vận động dân. Đôi ba tuyến đường mới được hoàn thành, bà con tíu tít đến tham quan. Và chỉ khi đã nhìn thấy tận mắt cái tiện ích, mà không chỉ là tiện ích cho làng xóm, mà cho cả chính mình và con cháu mai sau, họ mới đồng tình và đua nhau hưởng ứng. Nhưng đất ruộng đất công ích thì dễ chứ bảo hiến đất thổ cư đang có cây cối công trình thì không đơn giản. Nhà nọ còn nhìn nhà kia chán. Chỉ khi đã thành phong trào thì mới không ai tiếc nữa. Mọi người sẵn sàng phá đi cái chuồng trâu chặt bỏ đi cây bưởi cây cam để có đất làm đường. Cái hay là thế.

- Thế bà con có phải góp tiền không? Tôi hỏi.

- Tiền thì chủ yếu đóng góp vào cứng hóa bê tông đường thôn ngõ xóm. Đường trục đã có ngân sách xã. Hiến đất mới là cái lớn. Tiên Lục là một trong những xã hiến đất nhiều nhất so với cả tỉnh. Nếu tính từ 2011 khi bắt đầu xây dựng đồ án đến 2019 này cả đất thổ cư đất nông nghiệp “rơi” vào 130.000m2. Sao tôi thích cái chữ “rơi” của Tuấn thế!

- Cán đích Nông thôn mới rồi từ nay Tiên Lục làm gì tiếp?

- Là xây dưng Nông thôn kiểu mẫu ạ. Tuấn lại say sưa.

Nông thôn kiểu mẫu chỉ có 7 tiêu chí. Nhưng là 7 tiêu chí nâng cao như nhà cửa phải đẹp, có cổng có hàng rào. Đường phải có đường hoa. Lại phải có chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp v.v.. Anh trả lời hào hứng và rành rẽ như tất cả thông tin đã được cài đặt mã hóa trong bộ nhớ của người cán bộ trẻ giầu tâm huyết này

Chợt có cơn gió lạnh. Bây giờ đã là tháng mười một âm. Mà Tiên Lục đã rất gần miền núi. Không hiểu sao tôi chợt nhớ tới tâm sự của một vài cán bộ trẻ khác cùng lứa Tuấn, giầu nhiệt huyết và giầu cả kiến thức ở vài tỉnh khác tôi đã đến. Họ nói tới những khó khăn mới. Gió sớm như mách bảo: Chuyển từ Nông thôn mới đến Nông thôn kiểu mẫu sẽ không hề đơn giản! Các vấn đề mới như tích tụ ruộng đất, quy mô sản xuất hay qui hoạch dân cư v.v… rồi sẽ thế nào. Và liệu có cần cả những cơ chế mới? Nghĩa là những là vấn đề mới nẩy sinh trong giai đoạn phát triển với một cơ thể phát triển. Nhưng cũng lại có câu “lường trước được khó khăn rồi, mạnh dạn đương đầu với nó sẽ là phương thức để hướng tới thành công…”

Anh chàng lái xe ôm chở tôi từ trung tâm xã xuống HTX làm nấm thôn Vàng của vợ chồng ông Phan bà Cầu có kể một chuyện vui. Anh bảo, hồi đi nghĩa vụ anh cân lên cân xuống mãi cũng chỉ 41-42 kg mà nay có đứa cháu gọi bằng ông trẻ mới học lớp 5 đã cân nặng 49 kg. Anh bảo nó “cháu hơn ông cũng là hồng phúc nhé!”. Tôi cười. Thế là trẻ em Tiên Lục cũng đã có bệnh béo phì. Theo báo cáo của xã “Từ kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đời sông nhân dân từng bước nâng cao rõ nét, tăng hộ khá giầu, giảm hộ nghèo… thu nhập bình quân đầu người là 47,5 triệu đồng/người/năm… Nấm rơm, nấm mộc nhĩ, nấm bào ngư, nấm đùi gà, nấm Ngọc Châu, Kim Châu… mà hàng năm HTX thôn Vàng sản xuất mỗi loại cả tạ đều là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Bệnh trẻ béo phì cũng là bệnh của những làng xóm bắt đầu giầu lên...                         

*

Chiều đã muộn. Trước khi về tôi tranh thủ trở lại chào cây Dã hương như chào tạm biệt vị trưởng lão. Dáng cây sừng sững trong trời đất. Cây nằm bên cạnh đình Viễn Sơn cổ kính, từng được vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) ban sắc phong là Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương. Trong bộ từ điển bách khoa La Rousse của Pháp có in ảnh cây này và ghi chú: Cây dã Tiên Lục - cây dã thứ 2 thế giới (cây già nhất ở châu Phi). Mặc cho vật đổi sao dời, thời thế đổi thay, cả nghìn năm Dã hương vẫn thi gan cùng tuế nguyệt như một biểu tượng cho sự trường tồn của dân tộc, sức sống của quê hương. Hoa Dã hương mầu vàng nhạt, cứ tháng tư âm lịch là thơm nức cả làng. Người ta dùng gỗ Dã hương vốn rất thơm để tạc tượng Phật bà Quan âm. Nhưng Dã hương thuộc họ dầu cũng rất dễ cháy. Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim kể mấy chục năm trước có lần mùa lạnh trẻ con vào hốc cây trú rét đốt cả rơm rạ để sưởi khiến cả tỉnh tá hỏa phải điều động đến cả xe chữa cháy. Nay một hàng rào tròn bảo vệ đã được bao quanh.

Mùa này, Dã hương đã lác đác rụng hạt. Người giữ đình Viễn Sơn nhặt cho tôi xem những hạt vừa rụng trong ngày. Những chiếc hạt nhỏ bằng đầu đũa có mầu đen bóng. Trong số hạt này rồi sẽ có hạt nảy mầm thành cây mới ở ngoài cái bóng nghìn năm cổ thụ. Tiên Lục hôm nay đã đạt chuẩn Nông thôn mới rồi trong tương lai nhất định sẽ trở thành Nông thôn mới kiểu mẫu...

Nguồn Văn nghệ số 12/2020


Có thể bạn quan tâm